1. Đức Tổng Giám Mục Santiago de Chile lên án các cuộc tấn công đốt phá các nhà thờ Công Giáo

Đức Cha Celestino Aós, Tổng giám mục Santiago de Chile đã lên án các cuộc tấn công đốt phá hai nhà thờ ở thủ đô Chí Lợi vào hôm Chúa Nhật, và kêu gọi người Công Giáo thực hiện các hành động phạt tạ cho các vụ tấn công này.

Vào ngày 18 tháng 10, các nhóm người biểu tình trùm đầu đã tiến vào hai nhà thờ ở thủ đô của Chí Lợi, phóng hỏa Nhà thờ Thánh Francis Borgia, là nhà thờ của lực lượng cảnh sát quốc gia và Nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Cả hai nhà thờ đều là những nhà thờ lâu đời nhất ở Santiago.

Ngọn tháp của Nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đã sụp đổ trong cơn hỏa hoạn giữa những tiếng cười đắc thắng của những kẻ biểu tình phản đối bên ngoài tòa nhà. Nội thất của Nhà thờ St. Francis Borgia đã bị thiêu rụi bởi ngọn lửa, và cả hai ngôi nhà thờ đều trong tình trạng không còn có thể sửa chữa được.

Các cuộc tấn công xảy ra khi những người biểu tình trên khắp đất nước kêu gọi thay đổi hiến pháp và đánh dấu một năm các cuộc biểu tình chống chính phủ lớn diễn ra trên khắp Chí Lợi vào năm ngoái, trong đó bạo loạn đã phá hủy các siêu thị và các cơ sở kinh doanh khác, và theo báo cáo đã khiến hơn 30 người chết.

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái ở Santiago về dự định tăng giá vé tàu điện ngầm. Dự định này đã bị đình chỉ nhưng các cuộc biểu tình vẫn nổ ra. Các khu vực khác cũng tham gia vào các cuộc biểu tình, mở rộng sự bất bình của họ đối với sự bất bình đẳng và chi phí chăm sóc sức khỏe.

Một số nhà thờ trên khắp Chile đã bị tấn công và cướp phá giữa các cuộc biểu tình ở nước này.

Những kẻ bạo loạn trước đây đã phóng hỏa bên trong Nhà thờ Thánh Francis Borgia; vào tháng Giêng năm nay. Nhà thờ bị thiệt hại nặng nề sau khi hỏa hoạn xảy ra và những người biểu tình đã chặn lính cứu hỏa khi họ cố gắng dập tắt trận hỏa hoạn tại nhà thờ này.

Trong một tuyên bố được công bố vào cuối ngày Chúa Nhật, Đức Tổng Giám Mục Celestino Aós đã lên án các vụ tấn công.

“Bạo lực này là quá xấu xa, và bất cứ ai gieo rắc bạo lực sẽ gặt hái sự hủy diệt, đau đớn và chết chóc. Đức Tổng Giám Mục nói, chúng ta đừng bao giờ biện minh cho bất kỳ hành vi bạo lực nào, bất kể vì mục đích chính trị hoặc xã hội”.

“Người nghèo là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những hành động phá hoại này”, vị Tổng Giám Mục nói, khi ngài bày tỏ tình đoàn kết với giáo dân của cả hai nhà thờ bị tàn phá bởi đám cháy.

Đức Tổng Giám Mục Aós cũng kêu gọi người Công Giáo đừng đánh mất niềm tin hay hy vọng, bởi vì “ tình yêu mạnh mẽ hơn hận thù”.

“Chúng ta đừng biện minh cho những điều không chính đáng. Chúa không muốn bạo lực. Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện các hành động phạt tạ với tư cách là một cộng đồng tin yêu”, ngài nói.


Source:Catholic News Agency

2. Sau khi giáo viên Samuel Paty bị chặt đầu, một số người ở Pháp liên tưởng đến cái chết của cha Jacques Hamel

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã tập trung tại một đài để tưởng niệm một linh mục người Pháp là Cha Jacques Hamel vào hôm Chúa Nhật 18 tháng 10, sau vụ chặt đầu một giáo viên ở Paris trong một cuộc tấn công khủng bố của lực lượng Hồi giáo.

Đức Tổng Giám Mục Dominique Lebrun của tổng giáo phận Rouen đã cùng với đại diện của các cộng đồng Hồi giáo, Do Thái và các hệ phái Kitô Giáo khác tham gia vào một buổi cầu nguyện tại đài tưởng niệm gần nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray, nơi Cha Hamel bị các phần tử Hồi giáo sát hại vào năm 2016.

Họ đặt vòng hoa tưởng niệm Samuel Paty, người đã bị giết ngày 16 tháng 10 tại Conflans-Sainte-Honorine, ngoại ô Paris. Sau khi đặt hoa, các nhà lãnh đạo tôn giáo sau đó đã dành ra một phút im lặng.

Trong một tuyên bố, các thành viên của ủy ban liên tôn của tỉnh Rouen cho biết họ đã tập hợp với nhau “để bày tỏ sự bàng hoàng và lên án mạnh mẽ vụ giết người này”.

Thủ phạm Abdoullakh Abouyedovich Anzorov, đã tấn công thầy giáo Paty sau khi giáo viên cho các học sinh xem các bức hí hoạ mô tả nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad.

Những người chứng kiến nói rằng Anzorov đã hét lên “Allahu akbar” - tiếng Ả Rập có nghĩa là “Chúa thật vĩ đại” - khi anh ta sát hại Paty gần trường trung học nơi Paty giảng dạy. Thanh niên Nga 18 tuổi gốc Chechnya đã bị cảnh sát bắn chết ngay sau đó.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo nói rằng họ cam kết “mỗi người theo truyền thống của họ, hướng dẫn cộng đồng của họ, giáo dục thanh thiếu niên, để họ xây dựng một tình huynh đệ thực sự để đối thoại thay thế bạo lực.”

Trong một tuyên bố ngày 17 tháng 10, Đức Cha Lebrun - người từng là giám mục của Cha Hamel - đã gửi lời chia buồn của những người Công Giáo ở giáo phận Rouen đến gia đình của anh Paty.

“Cầu mong kẻ sát nhân và những kẻ cuồng tín tìm thấy ánh sáng trong cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa. Thiên Chúa không bao giờ muốn cái chết, ngay cả cái chết của kẻ ác. Ngài muốn nhân loại quay lưng lại với sự dữ để khám phá lại ơn gọi yêu thương của mình,” Đức Tổng Giám Mục nói trong một tuyên bố.

Đức Cha Éric Aumonier, Giám Mục của Versailles, là giáo phận bao gồm Conflans-Sainte-Honorine, cho biết ngày 16 tháng 10 rằng vụ giết người “làm chúng tôi rúng động, như tất cả những công dân gắn bó với các giá trị tự do, bình đẳng và tình huynh đệ”.

“Chúng tôi nhớ đến anh Paty trong những lời cầu nguyện của chúng tôi cùng với gia đình, đồng nghiệp, học sinh, và tất cả những người đang bị tổn thương sâu sắc bởi hành động kinh hoàng này,” Đức Cha Aumonier cho biết trong một tuyên bố chung với Đức Giám Mục Phụ Tá Bruno Valentin của giáo phận Versailles.

Cha Hamel đã bị giết bởi những người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo khi đang dâng thánh lễ ngày 26 tháng 7 năm 2016. Giáo phận Rouen bắt đầu điều tra sơ bộ về nguyên nhân phong thánh cho linh mục vào cùng năm đó, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô cho phép bỏ qua thời gian chờ đợi 5 năm theo truyền thống.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Tổng Giám Mục lưu vong của Công Giáo Belarus gặp gỡ các quan chức cấp cao của Vatican

Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz đã gặp gỡ các quan chức cấp cao của Vatican vào hôm thứ Hai.

Trang web của Giáo Hội Công Giáo ở Belarus đưa tin vào ngày 19 tháng 10 rằng Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã hội đàm với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Dân Nước.

Catholic.by nói rằng ba vị đã thảo luận về kế hoạch nhằm đưa Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz trở về quê hương của mình sau khi ngài bị ngăn chặn không cho về Belarus trong bối cảnh hỗn loạn sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi.

Trang web nói rằng Vatican hết sức lo ngại trước tình trạng Đức Tổng Giám Mục chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Belarus vẫn phải sống lưu vong.

Tòa thánh đang nỗ lực hết sức để khắc phục tình hình càng sớm càng tốt và hy vọng rằng vấn đề sẽ được giải quyết một cách tích cực.

Đức Cha Kondrusiewicz, tổng giám mục của Minsk-Mohilev, đã bị chặn lại tại biên giới vào ngày 31 tháng 8 khi ngài trở về nhà sau một chuyến đi đến Ba Lan. Các nhà chức trách sau đó tuyên bố rằng hộ chiếu của ngài “không hợp lệ”.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao của Vatican, đã đến Belarus vào ngày 11 tháng 9 để thảo luận về tình hình với các quan chức Belarus, nhưng các cuộc đàm phán không mang lại đột phá ngay lập tức.

Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã lên tiếng bảo vệ những người biểu tình sau khi họ bị cảnh sát tấn công sau một cuộc bầu cử vào tháng 8, trong đó người đương nhiệm, Alexander Lukashenko, tuyên bố chiến thắng với 80% phiếu bầu.

Kết quả bầu cử đã thúc đẩy nhiều cuộc biểu tình kêu gọi sự từ chức của Lukashenko, người đã cai trị đất nước từ năm 1994.


Source:Catholic News Agency