1. Đức Hồng Y Pell đã cử hành thánh lễ công khai đầu tiên sau khi trắng án

Đức Hồng Y Pell đã cử hành thánh lễ tại nguyện đường Domus Australia, là nhà khách dành cho các tín hữu hành hương từ Australia đến Roma hành hương. Nhà này trước đây là một đan viện được biến cải.

Đức Hồng Y Pell cử hành thánh lễ tại đây, nhân dịp kỷ niệm đúng 10 năm phong hiển thánh Mary MacKillop người Australia, sáng lập dòng các nữ tu thánh Giuse Thánh Tâm.

Thánh lễ do Đại sứ quán Australia cạnh Tòa Thánh tổ chức và trong số 45 tín hữu được mời, có cựu thủ tướng Tony Abbott, cũng là bạn của Đức Hồng Y Pell đồng thời cũng là người mạnh mẽ bênh vực Đức Hồng Y trong thời kỳ bị xét xử, bà đại sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh và phu quân, cùng nhiều nhân vật khác.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Pell nhắc đến lễ phong hiển thánh cho Mẹ MacKillop cũng như tình trạng Giáo hội đang đương đầu giữa đại dịch hiện nay, nhưng không đả động gì đến những đau khổ và khó khăn ngài đã trải qua trong ba năm qua tại Australia. Đây cũng là thánh lễ công khai đầu tiên Đức Hồng Y cử hành tại Roma, kể từ ngày 29/7/2017, khi năng quyền làm lễ công khai của ngài bị rút lại, sau khi cảnh sát bang Victoria cáo buộc ngài về tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Đức Hồng Y giã từ Vatican về nước để chịu xét xử và minh oan.

Hôm 12/10 vừa qua, Đức Hồng Y George Pell đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến riêng và cám ơn vì chứng tá đức tin kiên cường trong ba năm qua, trong lúc ngài tìm cách khẳng định sự vô tội của mình. Theo báo chí, Đức Hồng Y Pell dự kiến ở lại Roma ít nhất là cho tới ngày sinh nhật thứ 80 của ngài vào ngày 8/6 năm tới, 2021, và có thể ở lâu hơn nữa.


Source:Catholic Weekly

2. Cơ quan tình báo Úc xác nhận việc chuyển tiền từ Vatican sang Úc trong phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell

Cơ quan tình báo tài chính Australia, gọi tắt là AUSTRAC, đã chuyển thông tin cho cảnh sát liên bang liên quan đến cáo buộc rằng các khoản chuyển tiền quốc tế, lên tới hàng trăm nghìn euro trong quỹ của Vatican, đã được gửi đến Australia trong khi phiên tòa xét xử Đức Hồng Y George Pell đang diễn ra.

Trong phiên điều trần của ủy ban Thượng viện hôm thứ Ba 20 tháng 10, Nicole Rose, giám đốc điều hành của AUSTRAC, cơ quan tình báo tài chính của chính phủ Úc, đã được hỏi về các cáo buộc, được công bố lần đầu tiên trên phương tiện truyền thông Ý vào ngày 2 tháng 10, rằng khoảng 700,000 euro tiền quỹ của Giáo hội đã được gửi đến Úc theo lệnh của Đức Hồng Y Angelo Becciu với mục đích gây ảnh hưởng đến phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell về tội lạm dụng tình dục.

Thượng nghị sĩ Concetta Fierravanti-Wells đã hỏi Rose về các báo cáo trên phương tiện truyền thông về việc chuyển tiền “được cho là từ quỹ của Vatican cho một người hoặc nhiều người ở Úc.”

“Có, tôi có thể xác nhận AUSTRAC đã xem xét vấn đề này và chúng tôi đã cung cấp thông tin cho Cảnh sát Liên bang Úc và cho Cảnh sát Victoria”, Rose nói với Ủy ban Pháp chế Các vấn đề Hiến pháp và Pháp luật vào ngày 20 tháng 10.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Becciu mạnh mẽ phủ nhận sự can thiệp của ngài vào phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell

Đức Hồng Y Giovanni Angelo Đức Hồng Y Becciu một lần nữa phủ nhận đã can thiệp bằng bất kỳ cách nào vào phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Đức Hồng Y George Pell, sau khi truyền thông Ý đưa tin nhằm cáo buộc rằng ngài có thể đã chuyển tiền sang Úc nhằm can thiệp vào phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell.

Một tuyên bố ngày 17 tháng 10 từ luật sư của Đức Hồng Y Becciu, là ông Fabio Viglione, cho biết Đức Hồng Y, “đứng trước sự chú ý dai dẳng của một số nhà báo đến phiên tòa của Đức Hồng Y Pell, buộc phải nhắc lại một cách mạnh mẽ rằng ngài chưa bao giờ can thiệp vào phiên tòa này bằng bất kỳ cách nào”.

Luật sư cũng cho biết “ để bảo vệ danh dự của mình, đã bị tổn hại nghiêm trọng,” Đức Hồng Y Becciu có thể nhờ đến pháp lý chống lại một số phương tiện truyền thông vì họ liên tục đưa tin về “nhằm bôi nhọ mặc dù không có bằng chứng nào ngài đã can thiệp vào phiên tòa để chống lại Đức Hồng Y Pell. “

Lời phủ nhận mới nhất của Đức Hồng Y Becciu được đưa ra sau khi các báo cáo đồn đoán trên các tờ báo Ý hồi đầu tháng cho thấy ngài đã bị buộc tội chuyển tiền từ một tài khoản của Vatican sang Úc trong khi Đức Hồng Y Pell đang phải đối mặt với một phiên tòa hình sự năm 2018, vì bị cáo gian lạm dụng tình dục hai bé trai khi còn là Tổng giám mục Melbourne vào thập niên 1990.

Đức Hồng Y Pell đã bị kết án về tội danh đó và được trả tự do vào ngày 7 tháng 4 năm 2020, sau khi Tòa án Tối cao của Úc đồng thanh kết luận rằng bồi thẩm đoàn trong phiên tòa xét xử ngài đã không hành động hợp lý khi chạy theo những lời kết án của các phương tiện truyền thông bài Công Giáo.

Những thông tin cho rằng Đức Hồng Y Becciu có thể đã chuyển tiền sang Australia để chống lại Đức Hồng Y Pell đã thu hút sự chú ý của quốc tế.


Source:Catholic News Agency

4. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nam Hàn bác bỏ dự luật sửa đổi Luật Phá thai Quốc gia

“Phá thai là không thể chấp nhận được. Giáo hội sẽ luôn bảo vệ sự sống của con người, từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên. Vì vậy, chúng tôi hy vọng chính phủ Nam Hàn sẽ cho phép quyền phản đối luật phá thai theo lương tâm”, Đức Cha Matthêu Lý Vinh Huân (Lee Yong-hoon, 이용훈) Giám Mục giáo phận Thủy Nguyên (Suwon, 수원시) người vừa được bầu làm tân chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn, gọi tắt là CBCK, trong phiên khoáng đại từ 12 đến 15 tháng 10, đã cho biết như trên

Đức Cha Matthêu Lý Vinh Huân trước đây là Chủ tịch Ủy ban Đạo đức Sinh học của CBCK. Ngài đã đưa ra những lời bình luận trên với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc trong bối cảnh là đang có cuộc tranh luận về những thay đổi đối với luật phá thai hiện đang được bàn cãi tại quốc hội Nam Hàn.

Ngài nhận xét rằng: “Việc bảo vệ phẩm giá của cuộc sống con người và quyền bất khả xâm phạm đối với cuộc sống và phẩm giá con người là những giá trị không thể bị tổn hại”. Dựa trên sự xác tín này, Đức Giám Mục yêu cầu chính quyền dân sự công nhận quyền phản đối theo lương tâm: “Quyền phản đối theo lương tâm cho phép các bác sĩ và y tá từ chối việc phá thai theo yêu cầu của bệnh nhân. Nhân viên y tế không nên bị trừng phạt chỉ vì họ từ chối thực hiện thủ thuật phá thai”.

Chính phủ gần đây đã thông báo về dự luật sửa đổi đạo luật phá thai, thay đổi cả Đạo luật Hình sự và Đạo luật Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em nhằm hợp pháp hóa việc phá thai cho đến tuần thứ 14 của thai kỳ. Việc phá thai đối với phụ nữ mang thai từ 15 tuần đến 24 tuần cũng sẽ bị hủy bỏ trong “một số điều kiện nhất định”, chẳng hạn như lý do y tế, kinh tế hoặc xã hội, hay trong trường hợp bị cưỡng hiếp.

Theo luật hiện hành, một phụ nữ Nam Hàn có thể bị phạt tới một năm tù giam hoặc bị phạt tới 2 triệu won (tương đương 1,700 Mỹ Kim) nếu phá thai, trong khi bác sĩ hoặc nhân viên chăm sóc sức khỏe thực hiện phá thai có thể bị phạt tới hai năm tù.


Source:Zenit