Tờ Japan Times số ra ngày 9 tháng 10, cho biết số vụ tự tử tăng ở Nhật Bản trong tháng 8 do ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em trong độ tuổi đi học tự sát. Điều đó mang đến cái nhìn đầu tiên về hậu quả của những căng thẳng liên quan đến sức khỏe tâm thần do COVID-19 gây ra trên toàn cầu.

Nhật Bản nằm trong số những cường quốc kinh tế công bố dữ liệu kịp thời về các vụ tự tử vì đây là một vấn đề xã hội dai dẳng. Các con số này gợi ý cho thấy những gì có thể xảy ra trên khắp thế giới khi các quốc gia phải vật lộn với thảm họa thất nghiệp hàng loạt và sự cô lập xã hội đang tác động đến một số nhóm người nhất định trong xã hội.

Các nhà xã hội học từ lâu đã cảnh báo rằng sự cô lập về kinh tế và xã hội gây ra bởi các biện pháp ngăn chặn coronavirus có thể gây ra nhiều ca tử vong hơn chính căn bệnh quái ác này. Tại Nhật Bản chẳng hạn, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người còn trẻ - năm nay, tự tử đã cướp đi sinh mạng của 13,000 người, trong khi tổng số ca tử vong do COVID-19 chưa đến 2,000 người.

Theo thống kê của chính phủ, số vụ tự tử trong tháng 8 đã tăng 15.4% với cái chết của 1,854 người. Số phụ nữ tự sát đã tăng khoảng 40%. Số vụ tự tử của học sinh từ tiểu học đến trung học tăng gấp đôi lên đến 59 vụ so với cùng kỳ này năm ngoái.

Sức khỏe tâm thần có vẻ là một trong những tai hại ngấm ngầm nhất của đại dịch quỷ quái này do khó nắm bắt hoặc đo lường mức độ tổn hại của bản thân cho đến khi quá muộn.

Cho đến nay Trung Quốc không báo cáo dữ liệu chính thức về các vụ tự tử liên quan đến coronavirus, mặc dù các chuyên gia đã dự đoán về một làn sóng rất lớn những cái chết như vậy trong năm nay sau khi có các bằng chứng được lưu truyền rộng rãi trên các mạng truyền thông xã hội.

Yasuyuki Sawada, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Á Châu và là giáo sư tại Đại học Tokyo, là người đã viết sách về phòng chống tự tử và tác động kinh tế của hiện tượng này cho biết: “Những con số cập nhật về tự tử có thể giúp nhanh chóng xác định nhóm nào có nguy cơ cao. Nếu chính quyền địa phương có thể xác định nhóm tuổi nào hoặc nghề nghiệp nào có nguy cơ tự tử cao hơn, thì các biện pháp ngăn ngừa tự tử có thể được triển khai nhanh chóng”.

Một nghiên cứu của Hoa Kỳ được công bố vào tháng 5 dự đoán có tới 75,000 người có thể chết trong thập kỷ tới vì “tuyệt vọng” do hậu quả của cuộc khủng hoảng coronavirus.

Ngày nay trên các phương tiện truyền thông xã hội, người ta chế ra các thuật ngữ mà mới nghe qua chúng ta khó năm bắt được ý nghĩa đích thực muốn đề cập. Pro-Choice chẳng hạn. Nếu dịch Pro-Choice là “phò lựa chọn” thì không nói lên được ý nghĩa đích thực của nó. Pro-Choice có nghĩa chính xác là “phò phá thai”. Cũng vậy, thuật ngữ “chết vì tuyệt vọng” dùng để chỉ các vụ tự tử và tử vong liên quan đến lạm dụng chất kích thích.

Tại Ấn Độ, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 của Tổ chức Phòng chống Tự tử Ấn Độ, 65% các nhà trị liệu về tâm lý học cho biết đang có sự gia tăng ý tưởng muốn tự tử kể từ khi đại dịch bắt đầu.


Source:The Jaapn Times