Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã lên tiếng chỉ trích các cuộc tấn công nhắm vào ứng viên Công Giáo Amy Coney Barrett, là người đang được đề cử của Tòa án Tối cao.

“Thật là một sự phân biệt đối xử thẳng thừng khi khẳng định rằng đức tin của Thẩm Phán Barrett là điều duy nhất khiến cô ấy không đủ tiêu chuẩn cho sự đề cử này,” Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell tuyên bố hôm thứ Tư. “Mọi Thẩm phán Tòa án Tối cao trong lịch sử đều có quan điểm cá nhân về niềm tin”.

Đáp lại những lời chỉ trích của giới truyền thông và chính trị rằng đức tin Công Giáo của Barrett khiến cô không có khả năng phục vụ công lý, Thượng nghị sĩ McConnell đã lên án những gợi ý “rằng Thẩm phán Barrett quá Kitô, hoặc là một người theo một loại Kitô Giáo sai lầm, không thể trở thành một thẩm phán tốt”.

Nhận xét của Thượng nghị sĩ McConnell được đưa ra sau khi nhiều báo cáo hôm thứ Ba tập trung vào tư cách thành viên của Barrett trong nhóm People of Praise, và gợi ý rằng tư cách thành viên của cô trong nhóm có nghĩa là cô ấy tin rằng phụ nữ nên phục tùng nam giới.

Barrett hiện là thẩm phán tại Tòa phúc thẩm số bảy và trước đây là giáo sư tại Khoa Luật Đại học Notre Dame. Là một bà mẹ 7 con, cô là thành viên của People of Praise, một nhóm đặc sủng đại kết được thành lập vào những năm 1970 trong đó khích lệ các tín hữu tìm kiếm các ơn Chúa Thánh Thần để thực hành đức tin của họ trong cộng đồng.

Nhóm này trước đây đã bị chỉ trích là một “giáo phái” trong đó người chồng là “đầu” và người vợ là “nữ tỳ”. Đó là một diễn giải sai lầm bóp méo Kinh Thánh của các phương tiện truyền thông đang muốn quyết liệt chống lại đề cử này của Tổng thống Trump.

Đức Tổng Giám Mục Wenski đã lên tiếng phản đối việc giải thích sai trái các từ ngữ “đầu” và “nữ tỳ”.

Trong các thư gửi cho tín hữu Côlôsê và Êphêsô, thánh Phaolô khai triển mối tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Đây là đề tài độc đáo và rất phong phú của thánh Phaolô mà chúng ta không tìm thấy trong các sách Tân ước khác. Chính trong những thư này chúng ta mới thấy xuất hiện những từ như Chúa Kitô là đầu thân thể, là đầu Giáo Hội. Theo triết học Hylạp, đầu (képhalé) mang giá trị nguyên tắc sống, dưỡng nuôi các chi thể.

“Từ ‘Handmaiden’ (“nữ tỳ”) tiếng Latinh là ‘ancilla’ - có nguồn gốc sâu xa trong Kinh thánh và trong Tân Ước đặc biệt khi đề cập đến Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Mẹ luôn tuyên bố mình là ‘nữ tỳ của Chúa’”, Đức Tổng Giám Mục Wenski nói.

Tóm lại, “đầu” và “nữ tỳ” không hàm ý người nam “thống trị” và người nữ “phục tùng” như những tuyên bố sai lạc của hai tờ báo trên.

Ngay trước khi Barrett được Trump đề cử phục vụ tại Tòa án Tối cao vào ngày 26 tháng 9, People of Praise đã bị tấn công và danh sách các thành viên bị truy cập.

Đức Cha Peter Smith, Giám Mục Phụ Tá của Portland và là thành viên của hiệp hội các linh mục trong nhóm People of Praise, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng các thành viên bắt đầu đến với nhau qua một “giao ước”, “không phải là một lời thề, là cầu nguyện cùng nhau, góp 10% thu nhập vào quỹ bác ái và gặp gỡ thường xuyên để nâng cao đời sống thiêng liêng, nâng đỡ các chương trình bác ái xã hội”. Ngài nói thêm rằng đó không phải là nhóm có khuynh hướng đảng phái. Ngài biết các thành viên của nhóm là đảng viên Đảng Cộng hòa và cũng có các đảng viên Dân chủ.

Hôm thứ Năm, các thượng nghị sĩ và người Công Giáo tố cáo rằng các báo cáo mới trên tờ Guardian và tờ Washington Post ám chỉ rằng đức tin Công Giáo của Barrett là bằng chứng cho thấy cô ấy sẽ bị ảnh hưởng bởi các niềm tin cực đoan và như thế là không thích hợp với tư cách là thẩm phán Tòa Án Tối Cao.

Thượng nghị sĩ Ben Sasse của Đảng Cộng Hòa đơn vị Nebraska nhận xét rằng:

“Người Công Giáo chỉ tin vào những giáo huấn Công Giáo,” ông nhấn mạnh rằng những câu chuyện vào giờ chót này là các “thuyết âm mưu” nhằm cho rằng Barrett đã bị “kiểm soát” bởi một nhóm có “niềm tin mù quáng và phân biệt giới tính”.

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell gọi “các cuộc tấn công vào đức tin của Barrett” là “một sự ô nhục” và “ xúc phạm hàng triệu tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ”.

“Những kẻ tả khuynh cực đoan thế tục nói rằng họ đang hướng đến tiến bộ, nhưng họ vừa lang thang trở lại các diễn từ lúng túng trong thập niên 1960, khi một số lập luận rằng John F. Kennedy sẽ vâng lời Đức Giáo Hoàng hơn là phục vụ lợi ích quốc gia,” ông nói.

Hôm thứ Ba, Tờ The Guardian và Washington Post đưa tin rằng Barrett, khi còn là sinh viên luật, đã cư trú tại nhà của người đồng sáng lập nhóm People of Praise, nhằm nói rằng cô ấy bị chi phối rất mạnh bởi niềm tin của nhóm People of Praise.

Đáp lại, dân biểu Chuck Fleischmann của Đảng Cộng Hòa đơn vị Tennessee, một người Công Giáo, nói rằng ông cũng “cố gắng tiết kiệm tiền nhà khi theo học ở trường luật”, và chế riễu các cuộc tấn công vào đức tin của Thẩm Phán Barrett là những “cuộc tấn công tuyệt vọng.”

Matthew Franck, một giảng viên khoa chính trị tại Đại học Princeton và thành viên cao cấp tại Viện Witherspoon, tweet rằng các cuộc tấn công vào nhóm People of Praise là quá đáng và vô lý vì “nhóm People of Praise bao gồm các thành viên giúp đỡ nhau sống tốt hơn đời sống đạo đức của người Kitô hữu”.

Vấn đề thực sự ở đây là nếu Thẩm Phán Amy Coney Barrett vào được Tối Cao Pháp Viện, nhóm phò sinh sẽ có đến 6 Thẩm Phán trong số 9 Thẩm Phán. Hơn thế nữa, các Thẩm Phán của Tòa Án Tối Cao tại Hoa Kỳ không có nhiệm kỳ. Khi vào được, họ sẽ ở đó cho đến khi họ qua đời hay đến khi họ muốn từ chức. Thẩm Phán Ruth Bader Ginsberg là một ví dụ, bà ở đó cho đến khi qua đời ở tuổi 87.

Vì thế việc đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện sẽ tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ nhanh chóng xác nhận việc bổ nhiệm cô Barrett trước cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11, vì họ nhắm đến việc bảo đảm lợi ích của các chính sách phò sinh trong cơ quan tư pháp liên bang trước khi có khả năng xấu nhất là phải chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden.


Source:Catholic News Agency