TRẺ EM TỰ BẾ (tiếp theo)

CHƯƠNG NĂM : MẶT CHÌM CỦA TẢNG BĂNG SƠN

Bốn chương vừa qua đã cố gắng liệt kê những sự kiện, những tin tức cụ thể, khách quan. Một cách đặc biệt, chúng ta đã khảo sát năm dấu hiệu cơ bản của một trẻ em mang hội chứng tự bế, do bác sĩ Leo KANNER mô tả lần đầu tiên, cách đây hơn 60 năm.

BA RỐI LOẠN

Từ Leo KANNER trở lui về sau, đa số những người nghiên cứu về hội chứng tự bế, đều là bác sĩ tâm thần chuyên trách về trẻ em. Vì lý do này, hầu hết những tác phẩm bàn về trẻ em tự bế, đã đồng hóa hội chứng tự bế với căn bệnh tâm thần của trẻ con (Infantile Psychosis). Và chính danh hiệu tự bế (Autism), như tôi đã đưa ra nhận xét trên đây, phát xuất từ địa hạt tâm thần phân liệt (Schizophrenia) của người lớn.

Trong vòng 20 năm gần đây, ở các nước văn minh và tiến bộ, trẻ em tự bế không còn bị giam giữ và chung sống với bệnh nhân, trong các bệnh viện tâm thần. Nhiều lớp học được khai trương, dành cho các trẻ em này. Nhiều thế hệ giáo viên được đào tạo, để dạy dỗ và giáo dục các em.

Cũng vì lý do đó, từ từ thay vì danh xưng « Bệnh Tâm Thần », môi trường y khoa, trong các tổ chức và hội nghị quốc tế, đã đề nghị một cách định nghĩa khác cho hội chứng tự bế : « Persavive developmental disorders » trong tiếng Anh, hay là « Troubles envahissants du développement » trong tiếng Pháp.

Danh hiệu mới này muốn nhấn mạnh 3 yếu tố :
  • Thứ nhất, hội chứng tự bế bao gồm nhiều RỐI LOẠN (Disorders), trong nhiều địa hạt khác nhau. Ví dụ, một trẻ em tự bế không có « Nụ cười xã hội », vào lứa tuổi 3-4 tháng, giống như bao nhiêu trẻ em khác. Vào lúc 9 tháng đến 1 năm, trẻ em tự bế không biết phân biệt người lạ và mặt quen. Trên dưới 30 tháng, trẻ tự bế không có khả năng ĐỒNG CẢM, nghĩa là đặt mình vào vị trí của kẻ khác, để tìm hiểu tâm tình của họ.
  • Thứ hai, những rối lọan càng ngày càng LAN RỘNG ra, và xuất hiện một cách khách quan, trong nhiều lãnh vực như ngôn ngữ, hành vi, quan hệ, nhận thức. Động từ « To Pervade » có nghĩa là lan rộng ra, từ từ lấn chiếm, khống chế, cơ hồ vết dầu loang, trong mọi địa hạt của cuộc sống.
  • Thứ ba, những rối loạn xảy ra trong những tháng năm và giai đoạn PHÁT TRIỂN, TĂNG TRƯỞNG (Developmental), có liên hệ đặc biệt đến những chức năng nhận thức, hiểu biết, diễn tả, xây dựng quan hệ tiếp xúc và trao đổi với người khác, bắt đầu từ cha mẹ và người thân trong gia đình.
Khi nghiên cứu, khảo sát và xác định những rối loạn từ từ lan rộng ra và khống chế toàn bộ sinh hoạt của nội tâm, tác giả Theo PEETERS, người Bỉ, đã đề xuất 3 thể loại chính yếu (1):
  • 1.) Trẻ em tự bế có những rối loạn trong địa hạt DIỄN TẢTHÔNG ĐẠT nội tâm của mình cho những người khác cùng chung sống trong môi trường gia đình hay là học đường (Communi-cation).
  • 2.) Trẻ em tự bế có những khó khăn trong vấn đề thiết lập QUAN HỆ tiếp xúc và trao đổi qua lại hai chiều, thậm chí với người mẹ từ ngày sinh ra (Social Interactions ).
  • 3.) Trong địa hạt HÌNH DUNG, TƯỞNG TƯỢNGBIỂU TƯỢNG, trẻ tự bế có những trắc trở và hạn chế rõ rệt. Nói khác đi, đằng sau những điều mắt thấy, tai nghe hay là tay chân đang tiếp cận, phải chăng nơi trẻ tự bế, chức năng KHÁM PHÁ Ý NGHĨA hay là THUYÊN GIẢI (Imagination, Interpretation) đã bị héo úa và tàn lụi, hay là không bao giờ nảy mầm, đâm mộng, chớm nở ?
Để minh họa thể thức rối loạn thứ ba này, tôi xin nêu ra một ví dụ cụ thể. Em A độ 3-4 tuổi đi học về. Vừa xuống khỏi xe của ba, em đã một mình chạy vào nhà. Mẹ không có mặt trong nhà bếp như mọi khi. Em A tức khắc đi lên nhà trên. Mẹ cũng không có mặt ở đây. Em A vội vã chạy ra vườn, đến tại chỗ phơi áo quần. Không có mẹ. Cuối cùng em A chạy đi tìm ba và hỏi : Mẹ đi đâu ?

Một trẻ em lên 3 như em A, trong ví dụ vừa rồi, đã biết đưa ra giả thuyết, để giải thích sự kiện « mẹ không có mặt ở nhà ». Em A đã tìm cách kiểm chứng giả thuyết, khi chạy vào bếp, khi vội vàng lên nhà trên, rồi tức khắc mở cửa ra vườn… Sau cùng em A đã đặt câu hỏi với ba.

Một em tự bế 10 tuổi, trong một tình huống tương tự, có thể tự giải quyết cho mình, bằng nhiều cách khác nhau, giống như em A, 3 tuổi, trên đây không ? Nếu không, tại vì sao (Why) ? Cơ chế tâm lý nào đã không hoạt động ? Trong cấu trúc của nội tâm - còn được gọi là bộ máy tâm linh - những thành tố nào đã gặp rối loạn ? Và bằng cách nào (How) ?

GIẢ THUYẾT về NỘI TÂM

Vào những năm thuộc thập niên 1990, khi khảo sát hội chứng tự bế, hai tác giả S. BARON-COHEN và U. FRITH (2) đã đề xuất giả thuyết : Trẻ em tự bế không có đời sống nội tâm (Theory of Mind), giống như những trẻ em bình thường khác, nhất là từ 3-4 tuổi trở lên.

Sau đó, vào những năm 1994-1996, Theo PEETERS đã đưa ra những sự kiện cụ thể, nhằm chứng minh giả thuyết về nội tâm. Và dựa vào đó, tác giả đã đề xuất những đường hướng can thiệp, trong lãnh vực giáo dục, dạy dỗ và điều trị.

Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau khảo sát các vấn đề sau đây :
  • Nội tâm là gì, có những phần vụ hoặc chức năng nào, trong đời sống của con người ?
  • Nội tâm của một trẻ em tự bế bao gồm những đặc điểm chính yếu nào ?
  • Vai trò và vị trí của xúc động, theo Phân Tâm Học.
  • Kế hoạch can thiệp do Theo PEETERS đề nghị, bao gồm những điểm quan trọng nào, nhất là trong thái độ của người lớn đối với trẻ em ?
(Còn tiếp)

CHÚ THÍCH

1) PEETERS Th. - L'autism : de la Compéhension à l'intervention - Dunod, Paris 1996, tr 103 và tt.

2) FRITH U. - L'énigme de l'autism - Odile Jacob, Paris 1992