Theo tin Zenit, ngày 30 tháng 9, 2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố tông thư Scripturae Sacrae Affectus (Lòng Sùng kính Sách Thánh). Tông thư này dành nói về Thánh Giêrôm nhân kỷ niệm lần thứ 1,600 ngày ngài qua đời. Sau đây là bản dịch toàn tông thư căn cứ vào bản Tiếng Anh do Tòa Thánh phổ biến:



TÔNG THƯ “LÒNG SÙNG KÍNH SÁCH THÁNH”
của Đức Thánh Cha Phanxicô
Nhân dịp Kỷ niệm lần thứ 1,600 ngày Thánh Giêrôm qua đời.


Lòng sùng kính Sách Thánh, một “tình yêu sống động và dịu dàng” đối với lời viết của Thiên Chúa: đó là di sản mà Thánh Giêrôm đã để lại cho Giáo hội bằng cuộc đời và công sức của mình. Nay, nhân dịp kỷ niệm lần thứ một ngàn sáu trăm ngày ngài qua đời, những lời được trích từ lời cầu nguyện mở đầu Lễ Kính ngài [1] cho chúng ta một cái nhìn thiết yếu và thấu suốt về nhân vật kiệt xuất này trong lịch sử Giáo hội và tình yêu bao la của ngài dành cho Chúa Kitô. “Tình yêu sống động và dịu dàng” đó đã tuôn chảy, như một dòng sông lớn nuôi dưỡng vô số dòng suối, vào hoạt động không mệt mỏi của ngài với tư cách là một học giả, một dịch giả và một nhà chú giải. Kiến thức sâu rộng của Thánh Giêrôm về Kinh thánh, lòng nhiệt thành của ngài trong việc làm cho sự giảng dạy về chúng được biết đến, kỹ năng thông dịch các văn bản của ngài, sự bảo vệ nhiệt thành và đôi khi nóng nảy của ngài đối với chân lý Kitô giáo, chủ nghĩa khổ hạnh và kỷ luật ẩn tu nghiêm khắc của ngài, chuyên môn của ngài như một nhà hướng dẫn tâm linh rộng lượng và nhạy cảm. - tất cả những điều này khiến ngài, mười sáu thế kỷ sau khi ngài qua đời, trở thành một nhân vật có liên quan lâu dài đối với chúng ta, những Kitô hữu của thế kỷ XXI.

Dẫn nhập

Vào ngày 30 tháng 9 năm 420, Thánh Giêrôm qua đời tại Bêlem, trong cộng đồng mà ngài đã thành lập gần hang Giáng sinh. Vì vậy, ngài đã phó thác cho Chúa, Đấng mà ngài luôn tìm kiếm và hiểu biết trong Kinh thánh, cũng cùng một vị Chúa mà, trong tư cách Thẩm phán, ngài đã gặp trong một giấc mơ gây xúc động của ngài, có thể là trong Mùa Chay năm 375. Giấc mơ đó chứng tỏ là một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời ngài, một cơ hội hoán cải và thay đổi cách nhìn. Ngài thấy mình bị lôi ra trước mặt Đấng Xét Xử. Ngài nhắc lại như sau: “Được hỏi về tư thế của mình, tôi trả lời rằng tôi là một Kitô hữu. Nhưng Đấng Xét Xử vặn lại: ‘Anh nói dối! Anh là người theo Ciceron, không phải Kitô hữu'” [2]. Ngay từ khi còn trẻ, Thánh Giêrôm vốn yêu thích vẻ đẹp trong sáng của các tác phẩm cổ điển Latinh, trong khi các trước tác của Kinh thánh thoạt đầu làm ngài coi như thô thiển và không đúng văn phạm, quá khó nhá đối với sở thích văn chương tinh tế của ngài.

Trải nghiệm đó đã linh hứng thánh Giêrôm cống hiến hoàn toàn cho Chúa Giêsu Kitô và lời của Người, đồng thời, qua các bản dịch và chú giải của mình, nỗ lực làm cho các trước tác thần thiêng ngày càng dễ tiếp cận hơn đối với người khác. Nó mang lại cho đời ngài một định hướng mới và có tính quyết định hơn: ngài phải trở thành người phục vụ Lời Thiên Chúa, trong tình yêu thương, như thể với “xác thịt Kinh thánh”. Vì vậy, để theo đuổi kiến thức từng đánh dấu suốt cuộc đời của mình, ngài đã sử dụng tốt sở học thời trẻ và nền giáo dục Rôma của ngài, chuyển hướng tài học của mình sang việc phụng sự Thiên Chúa và cộng đồng Giáo hội lớn lao hơn.

Nhờ đó, Thánh Giêrôm trở thành một trong những nhân vật vĩ đại của Giáo hội cổ đại trong thời kỳ được gọi là hoàng kim thời đại của các giáo phụ. Ngài là cầu nối giữa Đông và Tây. Một người bạn thời trẻ của Rufinus thành Aquileia, ngài biết Thánh Ambrose và thường xuyên trao đổi thư từ với Thánh Augustine. Ở phương Đông, ngài biết Thánh Gregory thành Nazianzus, Thánh Didymus Mù, và Thánh Epiphanius thành Salamis. Truyền thống ảnh tượng Kitô giáo trình bầy ngài, cùng với các Thánh Augustine, Ambrose và Gregory Cả, như một trong bốn Tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội Phương Tây.

Các vị tiền nhiệm của tôi đã tôn vinh Thánh Giêrôm trong nhiều dịp khác nhau. Cách nay một thế kỷ, nhân dịp kỷ niệm bách niên thứ mười lăm ngày qua đời của ngài, Đức Bênêđíctô XV đã dành Thông điệp Spiritus Paraclitus (ngày 15 tháng 9 năm 1920) cho Thánh Giêrôm, trình bầy ngài với thế giới như “tiến sĩ tối cao giải thích Sách Thánh” [3]. Gần đây hơn, Đức Bênêđíctô XVI đã dành hai bài giáo lý liên tiếp nói về con người và công việc của ngài [4]. Giờ đây, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 1600 ngày qua đời của ngài, tôi cũng muốn tưởng niệm Thánh Giêrôm và một lần nữa nhấn mạnh tính hợp thời của sứ điệp và lời giảng dạy của ngài, bắt đầu với tình yêu bao la của ngài đối với Kinh Thánh.

Thật vậy, với tư cách là người hướng dẫn chắc chắn và là nhân chứng có thẩm quyền, Thánh Giêrôm, theo một nghĩa nào đó, đã nổi bật ở cả Phiên thứ XII của Thượng Hội đồng Giám mục về Lời Chúa [5] lẫn trong Tông huấn Verbum Domini của vị tiền nhiệm Bênêđíctô XVI của tôi, được công bố vào ngày lễ của vị Thánh, 30 tháng 9 năm 2010 [6].

Kỳ tới: Từ Rôma đến Bêlem