Chờ cho người bạn nghỉ mệt, lấy lại sức sau chuyến du lịch, một tuần sau tôi mới ghé lại thăm. Sau khi rỉ rả hết chuyện xóm ta, làng xã, anh nhắc đến chuyện quê ta. Chuyện đầu tiên là chuyện xảy ra tại phi trường. Nghe họ hỏi mình không hiểu gì cả, đành phải đoán, mà đoán sai mới khổ chứ. Họ hỏi. Hộ chiếu của anh đâu? Dạ, tôi không có mang chiếu hộ ai cả. Người đó nhắc lại. Tôi hỏi, hộ chiếu của anh đâu? Dạ, tôi không có chiếu.Vậy anh vào đây bằng cái gì? Dạ, đi máy bay. Anh không thèm hỏi tiếp. Nhìn tôi rồi phán: Đứng sang một bên. Tôi hỏi sang bên phải hay bên trái. Người nhân viên gục gặc đầu, tôi cũng không hiểu phải đứng bên nào. Thôi đành đứng sang một bên. Không có hộ chiếu thì đứng sang một bên. Người bạn đi chung với tôi thấy thế cũng tiến lên đứng sau lưng tôi. Nhân viên thấy thế lên tiếng. Anh kia không được đứng đó. Tôi nói cùng ngôn ngữ mà không hiểu thì làm sao người nói khác ngôn ngữ hiểu được. Anh bạn tôi học suốt cũng chỉ nói được có vài ba chữ đơn giản như cám ơn, xin chào, mạnh không. Ngoài ra có nói thêm, người nghe không hiểu bởi cái giọng phát âm nửa người, nửa khỉ của anh. Ngôn ngữ bất đồng, anh ta không hiểu người nhân viên nói gì, và nói với ai, nên anh cứ đứng như trời trồng. Thấy thế, anh nhân viên để hai chúng tôi đứng đó, anh làm việc tiếp. Khoảng nửa tiếng sau, có một người từ trong đi ra, tiến lại phía chúng tôi, người đó kéo ghế ngồi rồi nói bằng tiếng Anh. Anh bạn tôi vội vàng đưa passport cho người nhân viên mới này và mọi việc được giải quyết ổn thoả. Trong lúc chờ taxi, anh nói, tưởng đi với anh, rành tiếng Việt mình không gặp trở ngại, ai ngờ tiếng Việt của anh dở quá. Ở phi trường họ hỏi có hiểu gì đâu. Anh ta cười cười diễu với tôi. Từ nay phải cẩn thận, bắt đầu từ lúc này, bến xe taxi, cho đến ngày về, lúc nào cũng phải cẩn trọng nếu không thì lại có nhiều hiểu lầm nữa.

Đúng thật, cái cuốn sổ to vừa bằng bàn tay, mà người ta gọi nó bằng nhiều tên khác nhau. Người gọi là hộ chiếu, kẻ gọi là giấy thông hành, kẻ khác gọi là passport. Giấy thông hành hay sổ thông hành tôi còn tạm hiểu, nhưng chữ hộ chiếu nghe nó lạ quá, không thể đoán đó là thứ gì. Chữ pass có nghĩa là cho qua, đi qua. Chữ port có nghĩa là cửa, là cảng. Có cửa trên cạn vùng biên giới, có cửa ngoài bãi biển, thường biết đến là cảng. Như thế passport dùng cho việc du lịch từ nước này qua nước khác. Tôi nghĩ sổ thông hành cũng vậy. Sổ thông hành dành cho việc lưu thông. Chữ hành đây không biết là du hành, hay thủ tục hành chánh. Nếu thủ tục hành chánh thông thì việc du hành được dễ dàng. Riêng sổ hộ chiếu thì tôi không thể đoán. Cũng tại tiếng Việt của mình quá dở. Hiểu lầm giữa hai câu: Cầm cái hộ chiếu và cầm hộ cái chiếu. Về nhà hỏi thân nhân mới biết hai câu đó í nghĩa khác nhau. Cũng bằng đó chữ mà đổi vị trí chữ làm đổi hẳn í nghĩa câu nói.

Không có sổ thông hành sẽ gặp phiền toái trong việc lưu thông, du hành từ nước này sang nước khác. Tôi không bao giờ có cơ hội cầm sổ thông hành bởi nó đã chết trước khi tôi có cơ hội xin sổ thông hành. Tôi cũng không cần hộ chiếu trong đời, bởi khi nó được đưa vào Miền Nam thì tôi đã dời khỏi quê hương. Bây giờ còn nghe vài ba người thỉnh thoảng, nhắc lại biến cố trong đời người ta nhắc đến cuốn sổ thông hành. Họ thuật lại với hết tâm tình, thuật lại với lòng nuối tiếc, thuật lại với vẻ kính trọng cuốn sổ đó. Họ kể lại trước đây những ai cầm sổ thông hành đi lại giữa các nước, được nhân viên sở di trú nước đó quí trọng, bởi những ai có sổ đó nếu không là thương gia, cũng là nhân viên giữ những chức vụ quan trong trong chính quyền, hoặc ít nhất cũng là do học sinh. Người ta xét sổ thông hành còn bắt chuyện, nhớ đến người thân họ có thời từng làm việc tại Miền Nam, hoặc có lần chính họ đi du lịch, ghé máy bay qua vài ba tiếng, họ khen quê hương miền Nam Việt Nam đẹp lắm. Từ trên máy bay nhìn xuống thấy nước xanh biếc, cánh đồng lúa đượm màu, và các giòng sông uốn khúc chằng chịt, đan quận lấy nhau. Họ khen phố Sàigòn sạch sẽ, yên tĩnh, không khí trong lành, hàng quán trưng bày cách mạch lạc, thẳng hàng, ngay lối. Hè phố rộng rãi, khang trang, ít khi thấy vỉa hè bày bán hàng quán. Nếu có thì cũng chỉ là những sạp báo nhỏ, ngăn nắp. Người buôn, kẻ bán lịch sự, vui vẻ, đón chào khách mua hàng. Nghe những lời khen tặng đó khiến người cầm sổ thông hành vừa vui, vừa tự tin, vừa tự hào về đất nước quê hương. Cuốn sổ mang đến niềm tự hào đó không còn nữa. Nó đã đi vào dĩ vãng. Sổ thông hành đó đã chết theo chính thể Việt Nam Cộng Hoà, vì chính thể sáng lập ra cuốn sổ đó đã chết, nên nó chết theo chủ nó. Điều này cho thấy khi một chế độ chết đi thì những gì thuộc về nó cũng chết theo. Có thứ chết ngay với chủ, có thứ tồn tại một thời gian sau mới chết. Thí dụ như đồng tiền Việt Nam Cộng Hoà tiếp tục lưu hành cho đến khi có lệnh đổi tiền mới. Chủ nó chết nhưng nó sống thêm một thời gian nữa cho đến khi có lệnh đổi tiền, lúc đó nó mới chết.

Cuốn sổ thông hành lúc nó còn sống, hay lúc nó đã chết không có gì thay đổi về mặt bề ngoài. Hình dáng, màu sắc, trọng lượng của nó vẫn y nguyên. Người ta bỏ lên cân nó không nặng hơn, cũng không nhẹ hơn. Đo thấy nó không thay đổi, nó vẫn như cũ. Cho vào phòng thí nghiệm cũng không chứng minh được sự khác biệt giữa lúc nó còn sống, còn được nâng nưu, quí mến và sau khi nó đã chết. Tất cả trước khi chính thể còn sống và sau khi chính thể chết cuốn sổ thông hành không có gì thay đổi. Điều tôi muốn nói đến là cuốn sổ thông hành sống động là bởi chính thể phát sinh ra nó sống mạnh. Khi chính thể đó chết thì số phận của cuốn sổ thông hành cũng chết theo. Từ sự hiểu biết đó giúp tôi tạm hiểu về Bí Tích Thánh Thể. Sau khi truyền phép thì tấm bánh nhỏ kia trở nên Mình thật và chén rượu nho kia trở nên Máu thật của chính Đức Kitô. Truyền phép là thời điểm biến đổi, đổi từ tấm bánh thường, chén rượu quen thuộc, trở nên sống động. Vì sao? Đức Kitô Phục Sinh, Đấng làm cho bánh thơm, rượu ngon, biến thành Mình và Máu Thánh của chính Đức Kitô, Đấng sáng lập ra Bí Tích Thánh Thể. Ngài hiện đang ngự bên hữu Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống. Chính Đức Kitô ban sức nhiệm mầu biến tấm bánh, chén rượu trở thành chính Thịt, Máu Thánh Ngài.

TiengChuong.org