CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM A

NGUY CƠ TỰ MÃN

“Các ông nghĩ sao?”. Ngay đầu câu chuyện, Chúa đưa ra lời hỏi đột ngột như một lời thẩm vấn buộc người nghe động não, phải tự đặt vấn đề cho mình. Lời hỏi như muốn gây giật mình, cùng lúc lôi cuốn chú ý của người nghe vào trong câu chuyện, giúp người nghe tra xét bản thân.

“Các ông nghĩ sao? Người kia có hai con trai”. Cả hai con trai đều được ông sai đi làm vườn nho. Nhưng các con của ông sao mà tính khí bất định, để rồi tiếng vâng mà thực là không, tiếng không lại là vâng.

Dù tính cách và những câu trả lời của các con bất định, nhưng theo mạch văn Tin Mừng, đối với Chúa Giêsu, cái làm cho chúng trở nên đúng hay sai, tốt hay xấu, không thuộc về tính cách, càng không phải là lời nói, nhưng là rốt cuộc chúng LÀM hay KHÔNG LÀM theo ý cha mình.

“Các ông ngĩ sao?”. Nếu xưa Chúa hỏi người đương thời, thì hôm nay lời ấy cũng là lời tra vấn chúng ta. Nói cách khác, Chúa cũng sẽ hỏi bạn và tôi: “Các con là loại người nào trong hai người con trai kia?”.

Dù trong ta, có thể có cả hai thái độ của hai người con, nhưng hôm nay, chúng ta nói đến người con thứ, qua đó xét lại thái độ sống đức tin của mình.

Chắc chắn không ai không ủng hộ việc giữ đạo từ nhỏ đến lớn, ủng hộ việc thường xuyên lãnh bí tích, thường xuyên dự lễ, đọc kinh… Nếu ai sống đạo được như thế, thực sự họ đã là những người ngoan đạo.

Nhưng điều được coi là ngoan đạo ấy, nếu không để ý, có khi đẩy ta rơi vào thái cực khác khá nguy hiểm: giữ đạo theo thói quen.

Việc giữ đạo lâu ngày trở thành một cái khuôn, chỉ cần rập khuôn theo là đủ, hoặc sự sáo mòn từ ngày nay qua ngày khác làm ta cảm thấy mình không sai luật, không lỗi bổn phận. Cuối cùng, không thấy cần phải ăn năn, vì không biết mình có phạm tội gì để ăn năn hay không? Từ đó sinh ra thái độ khác tệ hại hơn: tự mãn, tự kiêu, tự đắc thắng.

Đó cũng chính là thái độ tự phong mình làm “thánh”, dù không nói ra thành lời. Nếu điều này có thật thì thật nguy hiểm: Làm gì có ai hoàn hảo. Chỉ vì không thể nhận ra mình bất toàn, nên không thể hoán cải.

Đấy chính là thái độ của người con thứ hai. Anh ta thưa với cha: “Vâng, thưa cha con sẽ đi làm vườn nho”, nhưng lại không đi.

Mỗi chúng ta đều sống trong lòng Hội Thánh, đều có thể thưa với Chúa: con yêu mến Chúa, con tin Chúa, con muốn theo Chúa. Nhưng trong thực tế, đời sống đạo của mình cứ ì ạch, không có gì khá hơn, không đổi mới gì và cũng không thấy mình cần phải ăn năn hối cải.

Nếu đúng là ta có cung cách, thái độ sống đạo tự mãn, chỉ biết rập khuôn theo luật, mà không đủ tâm tình, hay ý thức nào để cải thiện đời sống, điều đó có nghĩa là ta đang tự lừa dối chính bản thân.

Nếu có lúc nào bạn và tôi thật khiêm tốn, tự kiểm điểm thật thành tâm, tôi nghĩ, chắc là lúc ấy chúng ta không còn dám tự mãn nữa.

Chắc bạn nhớ lời khen của Chúa Giêsu đối với thái độ của người thu thuế khi cầu nguyện. Anh ta đứng xa xa ở cuối nhà thờ, không dám ngước mắt lên, đấm ngực mà cầu nguyện: “Lạy Chúa, tôi là kẻ có tội”. Sau lời cầu nguyện ấy, anh ra về và tội của anh được tha.

Cùng lúc, cũng có người biệt phái cầu nguyện trong nhà thờ ấy. Rất tiếc và rất đáng thương cho anh ta. Anh ta quá tự mãn, chỉ thấy nơi mình toàn điều tốt. Thái độ tự mãn ấy đã biến lời cầu nguyện thành lời khoe khoang.

Làm sao một người không từng thấy mình yếu đuối, thấy mình tội lỗi lại có thể được thứ tha! Bạn và tôi cần lắm thái độ của người thu thuế nơi chính bản thân mình.

Và cũng cần lắm thái độ của người con thứ nhất trong Tin Mừng hôm nay: trả lời “không”. Nhưng tiếng “không” thành tiếng “có” ngay sau đó.

Tiếng “không” như thế vẫn đẹp rực rỡ, đẹp hơn nhiều so với tiếng “có” của người con thứ hai, rốt cuộc chỉ là một tiếng “không” vô tận. Bởi lời đáp trả dẫu có quan trọng, nhưng hành động đi liền với lời đáp trả ấy quan trọng hơn nhiều. Biết tránh thái độ tự mãn, biết nhận ra bản thân để thánh y Cha được thể hiện mới là điều quí giá vô cùng.

“Các ông nghĩ sao?”. Ngày xưa Chúa hỏi những người biệt phái, thượng tế, kỳ lão. Ngày hôm nay Chúa cũng hỏi từng người một: “Các con nghĩ sao? Nghĩ sao về cách sống đạo của mình? Nghĩ sao về cách thể hiện đức tin? Nghĩ sao về lòng yêu Chúa mà mình phải có? Nghĩ sao về thánh ý Chúa mà mình phải thực hiện?”.

“Các ông nghĩ sao?”, lời đó xin gởi lại cho bạn và cho những ai thành tâm thiện ý để cùng suy gẫm và xét lại cách sống đạo của mình. Trên hết mọi sự, bạn và tôi hãy để Lời Chúa tra vấn mình: “Các con nghĩ sao?”.