1. Ðức Thánh Cha sẽ ngỏ lời với Liên Hiệp Quốc.

Hôm 16 tháng 9 năm 2020, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, xác nhận Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ ngỏ lời với Ðại hội đồng thứ 75 của Liên Hiệp Quốc, “sau ngày 22 tháng 9, trong tuần lễ thảo luận cấp cao... Vì đại dịch, khóa họp năm nay diễn ra dưới dạng trực tuyến, nên Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ gửi sứ điệp Video đến các đại biểu. Ngài sẽ trình bày về trật tự mới của thế giới sau đại dịch”.

Từ sau khi Covid-19 được chính thức nhìn nhận là đại dịch, hồi đầu tháng Ba năm nay, Ðức Thánh Cha đã nhiều lần kêu gọi các cá nhân, tổ chức và chính phủ nhận thức những chênh lệch lớn trong xã hội mà đại dịch càng cho thấy rõ, trong các lãnh vực kinh tế, y tế và giáo dục, cũng như qua các kiểu mẫu sản xuất và tiêu thụ, gây thiệt hại cho môi trường, cho trái đất là căn nhà chung của nhân loại.

Từ thượng tuần tháng Tám năm 2020, Ðức Thánh Cha cũng bắt đầu một loạt các bài huấn giáo trong các buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư hằng tuần về những nguyên tắc của giáo huấn xã hội Công Giáo có thể giúp thế giới ra khỏi đại dịch tốt đẹp hơn, tiến tới một lối sống tốt hơn cho con người và môi trường.

Mặt khác, nhân dịp khai diễn Ðại hội đồng thứ 75 của Liên Hiệp Quốc, hôm 15 tháng 9 năm 2020, buổi cầu nguyện theo truyền thống đã được Phái Bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc tổ chức cùng ngày, tại nhà thờ Thánh Gia ở khu vực Midtown, Manhattan, New York.

Buổi cầu nguyện thứ 34 này được Ðức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, Quan sát viên thường trực của Liên Hiệp Quốc chủ sự. Vì đại dịch, nên số người tham dự chỉ bằng một nửa so với năm ngoái, mọi người đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn. Cha Roger Landy, tùy viên của Phái bộ Tòa Thánh nói rằng: “Chúng tôi vẫn luôn bắt đầu bằng cách cầu xin Chúa để con người được trợ giúp, hầu chu toàn những mục tiêu cao quí xảy ra tại Liên Hiệp Quốc”.

2. Ðại diện Tòa Thánh phê bình nghị quyết của Liên Hiệp Quốc ủng hộ phá thai.

Ðức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc phê bình nghị quyết về đại dịch Covid-19, có bao gồm quyền sinh sản, mở đường cho việc phá thai, và tiếc là nghị quyết này không được sự đồng thuận của tất cả các nước khi được thông qua.

Nghị quyết mang tựa đề: “Câu trả lời bao quát và có phối hợp đối với đại dịch Covid-19”, đã được thông qua ngày 11 tháng 9 năm 2020, trong đó có đoạn kêu gọi tất cả các nước “hãy đề ra những biện pháp cần thiết để đảm bảo cho các phụ nữ và thiếu nữ được hưởng tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe, kể cả sức khỏe tính dục và sinh sản, và các quyền sinh sản”.

Các kiểu nói này đã được du nhập vào các hội nghị quốc tế, từ hội nghị ở Bắc Kinh năm 1995, và chúng thường bị giải thích là các phụ nữ được quyền phá thai, phá thai để chọn phái tính, mang thai mướn và làm tuyệt đường sinh sản, những việc làm này được coi là những chiều kích của “sức khỏe sinh sản”.

Những phê bình của Ðức Tổng Giám Mục Caccia cũng được đại diện của Hoa Kỳ phản ánh khi bỏ phiếu chống lại nghị quyết.

Thông cáo của Phái bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, nói rằng: “Chúng tôi không chấp nhận việc nói đến “sức khỏe tính dục và sinh sản”, “các quyền sinh sản” hoặc các ngôn từ khác ngụ ý hoặc minh nhiên khẳng định cho phá thai theo luật pháp, là điều phải được bao gồm trong các dịch vụ sức khỏe, đặc biệt trong những bối cảnh liên hệ tới phụ nữ.

Nghị quyết đã được thông qua, nhưng không theo thể thức “omnibus”, nghĩa là tất cả các nước đều đồng thuận. Trong thực tế, có 169 phiếu thuận, hai phiếu chống là Hoa Kỳ và Israel, hai phiếu trắng là Hungary và Ucraina.

Ðức Tổng Giám Mục Caccia nói rằng: “Vì cộng đồng quốc tế cần cùng nhau đương đầu với đại dịch, Tòa Thánh ủng hộ ý tưởng cần có một nghị quyết đồng thuận, ngay từ đầu và trong cuộc thương thảo, nhấn mạnh cần phải có một lối tiếp cận chung và dựa trên sự đồng ý của tất cả mọi người. Ðáng tiếc là nghị quyết này, vốn được đề xướng như một phương thế chứng tỏ thế giới, mà Ðại hội đồng này đại diện, cùng đứng với nhau và càng mang lại nhiều sáng kiến chống Covid-19, nhưng lại được thông qua với sự thiếu đồng thuận như thế”.

Sau cùng, vị Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cũng lấy làm tiếc vì nghị quyết loại trừ các tổ chức tôn giáo ra khỏi danh sách những tác nhân giữ một vai trò quan trọng trong việc đáp trả đại dịch.

3. Tổng thống Assad trả lại trường “Cao đẳng Thánh Địa” của Aleppo cho dòng Phanxicô

Trường “Cao đẳng Thánh Địa” của Aleppo, thành trì lịch sử của các Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Địa ở phía Bắc Syria, đã được chính phủ Syria chính thức trả lại cho dòng Phanxicô. Giám tỉnh miền Sao Paulo của nhà dòng là Cha Firas Lutfi đã cho biết như trên. Tỉnh dòng São Paulo bao gồm Syria, Li Băng và Jordan.

Cha Giám Tỉnh cho biết khu phức hợp gọi chung là trường “Cao đẳng Thánh Địa” của Aleppo “đóng vai trò quan trọng kể từ khi thành lập như một trường trung học”, một ngôi trường nơi “nhiều bác sĩ, kỹ sư, nhiều nhân tài xã hội dân sự đã nhận được bằng tốt nghiệp của trường”.

Khi trường học này bị quốc hữu hóa bởi chế độ Syria “Trường Cao đẳng Thánh địa tiếp tục thể hiện một vị trí quan trọng cho sự hiện diện của người Kitô hữu ở Aleppo, trên hết là nhờ các hoạt động được thực hiện bởi Trung tâm Giáo dục Kitô Giáo. Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh hoàng đã ảnh hưởng đến đất nước Syria thân yêu của chúng ta, các tu sĩ dòng Phanxicô đã chào đón các gia đình đang rất cần một nơi hiếu khách có thể mang lại một chút ổn định và hy vọng trong vùng đất và di sản văn hóa của họ. Hàng trăm trẻ em từ Aleppo đổ xô đến tu viện mỗi ngày, nơi ngày qua ngày trở thành ốc đảo của tình yêu, những cuộc gặp gỡ và hòa bình”.

Giờ đây, nhờ “món quà được chờ đợi từ lâu” nhận được “từ bàn tay của Đức Trinh Nữ Maria các tu sĩ dòng Phanxicô sẽ có thể thực hiện sứ mệnh của mình một cách hiệu quả hơn là phục vụ những người dân Syria bị chiến tranh, dịch bệnh và đủ loại khổ đau”.

Trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Bashar Assad vào ngày 23 tháng 12 năm 2019, các cha dòng Phanxicô, đã yêu cầu ông trả lại ngôi trường này. Ông Assad đã hứa với các ngài và hôm nay ông thực hiện lời hứa của mình.

Hiện tại có 15 tu sĩ Phanxicô hiện diện tại Syria. Gần đây, tại Syria, hai tu sĩ dòng Phanxicô là Cha Edward Tamer, 83 tuổi và Cha Firas Hejazin, 49 tuổi - đã chết vì Covid-19.


Source:Fides