Tha thứ và lòng nhân từ giúp giảm bớt khổ đau và chiến tranh...

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin, trưa Chủ Nhật 13/9/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy ngẫm bài Tin Mừng trong ngày về câu chuyện dụ ngôn của người đầy tớ không biết xót thương cho người bạn… và ĐTC khẳng quyết rằng nếu chúng ta không cố gắng tha thứ và yêu thương, chúng ta sẽ không được thứ tha và thương yêu lại.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu mời các Kitô hữu hãy noi gương nhân từ của Thiên Chúa, có vậy thế giới mới có thể vơi đi đau khổ và thương đau cũng như chấm dứt được chiến tranh, nếu chúng ta biết sống tha thứ và thương xót nhau."

Phát biểu trước khách hành hương đang qui tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha suy tư về dụ ngôn người đầy tớ không biết thương xót trong Phúc âm thánh Matthêu (18: 21-35). Một tôn chủ đã tha cho hắn một khoản tiền nợ khổng lồ, khi hắn kêu xin, cho hắn thêm thời gian để hoàn trả. Nhưng khi hắn bắt gặp một người bạn đầy tớ khác, chỉ nợ hắn một số tiền nhỏ, hắn đã bắt trả và dù người ban xin cho khất thời gian, nhưng hắn đã không chịu, tống người đó vào tù. Biết chuyện, tôn chủ đã trừng phạt hắn, vì hắn đã không biết xót thương lại bạn bè...

ĐTC nói: “Thế giới sẽ tránh được bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu thương đau, bao cuộc chiến… nếu con người biết sống tha thứ và nhân ái với nhau!”

Công lý dâng trào từ lòng thương xót

Khi suy tư về dụ ngôn này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào thái độ rộng lượng của Thiên Chúa, được đại diện là tôn chủ, và thái độ của con người được bộc lộ qua người đầy tớ. ĐTC nói: “Trên bình diện siêu nhiên, công lý sẽ dâng trào lòng thương xót, trong khi thái độ của con người, chỉ giới hạn ở sự công bằng”. Đức Thánh Cha cho biết, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta can đảm rộng mở tâm hồn đón nhận sức mạnh của sự tha thứ, bởi vì “không phải mọi sự trong cuộc sống đều có thể được giải quyết bằng công lý”.

Đức Thánh Cha giải thích sự cần thiết của tình yêu thương xót cũng là câu trả lời mà Chúa Giêsu dành cho thánh Phêrô, người đã hỏi Chúa Giêsu nên tha cho người có lỗi với ông bao nhiêu lần. “Theo ngôn ngữ biểu tượng của Kinh thánh, điều này có nghĩa là chúng ta được kêu gọi luôn tha thứ và tha thứ mãi mãi!”

Lòng nhân từ trong cuộc sống con người

Đức Thánh Cha diễn giải: “Con người có thể giảm bớt được bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu thương đau, và biết bao cuộc chiến, nếu loài người biết lấy tha thứ và thương xót làm cách sống!”

“Cần phải áp dụng tình yêu thương xót vào tất cả mọi mối quan hệ của con người: liên hệ vợ chồng, cha mẹ với con cái, liên đới trong các cộng đồng của chúng ta và cả trong xã hội và chính trị”.

Trong bài diễn giải, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ ngài xúc động như thế nào, khi lắng nghe bài đọc thứ nhất trong Phụng vụ Chúa nhật hôm nay được trích từ Sách Sirach: "Hãy nhớ lại những ngày cuối cùng của bạn, hãy gạt bỏ thù hận sang một bên". ĐTC nói rằng lòng giận hờn và oán thù phát xuất từ những hành vi phạm tội, như cứ tiếp tục bám theo chúng ta... "Tha thứ không phải là cái gì nhất thời, nó là điều mà chúng ta cần thể hiện để làm tan đi nỗi oán hận, một sự hận thù cứ như canh cánh bên ta!" Nhưng khi suy nghĩ tới những giờ phút cuối cùng của đời ta, sẽ giúp chúng ta dứt bỏ được nó...

Lời mời gọi tha thứ của “Cha chúng ta”

Đức Thánh Cha nói dụ ngôn này giúp chúng ta hiểu được đầy đủ ý nghĩa của cụm từ trong kinh “Lạy Cha”: “Xin hãy tha tội chúng con, cũng như chúng con cũng tha cho những kẻ có lỗi với chúng con” (x. Mt 6,12). Những lời này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chứa đựng một sự thật nhất quyết: "Chúng ta không thể xin Thiên Chúa tha thứ cho mình, nếu chúng ta không tha thứ cho người lân cận. Nếu chúng ta không cố gắng để tha thứ và yêu thương, thì chúng ta cũng sẽ không được tha thứ và thương yêu."

Để kết thúc bài suy niệm, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu mời mọi người hãy tín thác vào Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa để xin Mẹ giúp ta biết nhìn nhận ra mình đang mắc nợ Thiên Chúa bao nhiêu, hầu chúng ta biết mở rộng tâm hồn đón nhận lòng thương xót và nhân ái của Thiên Chúa.