Tha Thứ: Khó, Nhưng Rất Cần!

Mt 18, 21-35

Tôi muốn bắt đầu bài viết bằng một câu chuyện rất có ý nghĩa, rằng có một vị giáo sư dạy tâm lý rất nổi tiếng, ông lại rất có tài giảng thuyết nên được nhiều trường đại học mời giảng dạy. Một hôm, vị giáo sư giảng về chủ đề: “Tập Biết Tha Thứ Để Sống Hòa Hợp Với Anh Em”. Buổi giảng giảng hôm đó có hàng trăm sinh viên đến dự, ai nấy đều tán thưởng phong cách và nội dung giảng dạy của giáo sư. Vừa xong buổi giảng thuyết buổi sáng, giáo sư lại phải vội vã đến thuyết trình tại một trường đại học khác. Khi giáo sư vừa ra khỏi cổng trường, thì gặp một chiếc taxi từ xa phóng tới. May thay giáo sư thắng xe kịp thời, không thì đã xảy ra tai nạn khó lường.

Rõ ràng tài xế taxi có lỗi, anh đã không cẩn thận, đột ngột phóng vào xe của giáo sư, hơn nữa giữa đường còn có đông người qua lại. Nhưng thay vì nhận lỗi, anh tài xế này lại lớn tiếng quát mắng vị giáo sư: “Này, ông bị đui hay sao mà lái xe bất cẩn như thế?” Nghe lời láo xược thốt ra từ miệng anh tài xế, vị giáo sư kia hết sức tức giận. Ông mở cửa sổ xe, quát lớn tiếng hơn: “Chính anh mới là kẻ đui khi lái xe bạt mạng như vậy trên đường đông người”. Tài xế taxi lập tức xuống xe, thách thức: “Ông có ngon thì ra đây nói chuyện với tôi!” Vị giáo sư kia cũng không vừa, còn muốn đổ thêm dầu vào lửa: “Ra thì ra chứ ta sợ gì anh”.

Nhưng khi vừa ra khỏi xe, giáo sư chợt nhìn thấy một nhóm sinh viên đang từ sân trường bước ra, họ muốn tiến lại gần hiện trường xem chuyện gì đang xẩy ra. Vị giáo sư nhìn thấy sinh viên của mình lập tức nghĩ tới đề tài mình vừa mới thuyết trình “tập biết tha thứ để sống hòa hợp với anh em” xong, nên thay vì tiếp tục tranh cãi hơn thua với gã tài xế kia, ông lấy hết can đảm, tiến đến gần bắt tay anh ta và nhẹ nhàng nói: “Đúng là tôi có lỗi. Anh cho tôi xin lỗi nhé”.

Anh tài xế rất kinh ngạc với thái độ hết sức hài hòa của vị giáo sư, nên thay vì đang trong tư thế sẵn sàng đối phó với “đối thủ”, anh cũng lập tức hạ giọng, sẵn sàng đưa tay ra, nắm lấy tay vị giáo sư và nói: “Thật sự, cháu cũng có lỗi trong tình huống này. Cháu đã bất cẩn khi lái xe quá nhanh, xuýt gây tai nạn cho bác. Cho cháu xin lỗi nhé”. Sau cái bắt tay xin lỗi làm hòa, cả hai lại vui vẻ lên xe, tiếp tục hoàn thành công việc của mình ngày hôm đó.

Câu chuyện này giúp ta rút ra được nhiều bài học bổ ích, thứ nhất, đã là con người ai cũng có thể mắc lỗi, nên chúng ta cần sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho người khác, để họ cũng bỏ qua những lỗi phạm của chúng ta. Thứ hai, tha lỗi cho người khác là một việc làm rất có lợi ích cho đôi bên, giúp chúng ta sống hòa hợp với anh chị em mình hơn. Và, tha thứ là một việc làm rất khó, nhưng nếu chúng ta sẵn sàng thì sẽ làm được, hay nếu chúng ta dựa vào ơn Chúa, chúng ta sẽ thực hiện được cách dễ dàng hơn. Vì Thiên Chúa là mẫu gương cao quý về sự tha thứ, Ngài là Cha giàu lòng nhân ái, luôn thứ tha mọi lỗi lầm mà con người chúng ta thường vấp phạm. Ngài cũng mời gọi chúng ta “ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha” (Hc 28, 2).

Là Con Người Ai Cũng Có Lỗi

Câu chuyện của vị giáo sư và anh tài xế không chỉ giúp chúng ta hiểu được đã là con người thì ai cũng có nhiều sai sót, hay tức giận và dễ nổi cơn thịnh nộ, thậm chí chúng ta còn thấy được những thiếu sót và giận dữ đó có lúc khiến cho chúng ta đi đến những hành động hết sức sai lầm và nguy hiểm. Quả thật, trong tương quan với tha nhân và với Chúa, chúng ta có rất nhiều thiếu sót và dễ giận hờn, nhưng sách Huấn ca nhắc nhở rằng “thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội thì mắc cả hai” (Hc 27, 33). Vì vậy, trong những cơn thịnh nộ, giận dự, thiếu sót và lỗi lầm đó, chúng ta cần học thứ tha hơn là ghen ghét và hận thù. Hơn nữa, ta cần biết sống khiêm tốn và tập nói lời “xin lỗi” mỗi lúc ta làm phiền lòng anh chị em mình.

Thiếu sót thì muôn vàn và lỗi lầm thì ngày nào chúng ta cũng đều mắc phạm. Vì thế, ngoài vấn đề ý thức sự yếu đuối của mình, ta cũng cần mong anh chị em ta tha thứ và bỏ qua cho. Hơn nữa, tha thứ ở đây không phải chỉ tha một lần, hai lần, ba lần hay bảy lần như suy nghĩ của thánh Phêrô, mà chúng ta cần được tha thứ đến “bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22) như mong muốn của Chúa Giêsu. Nghĩa là chúng ta cần được tha mãi, cũng như cần tha thứ cho anh em mình không bao giờ có giới hạn.

Ích Lợi Của Việc Tha Thứ

Trở lại với câu chuyện ban đầu, lời nhận lỗi đã có khả năng giải quyết mâu thuẫn và phân tranh giữa vị giáo sư và anh chàng tài xế. Chỉ cần một lời xin lỗi chân thành mà thôi mà họ đã biến họa thành phúc, biến đấm đá thành một cái bắt tay thật chặt. Thế thì tại sao ta lại không sẵn sàng nhận lỗi để mọi mâu thuẩn được giải quyết êm thỏa, tránh phiền hà, tốn sức khỏe và tốn thời gian để tranh cãi hoặc tốn tiền cho việc thuê luật sư theo đuổi những vụ kiện tụng trong tòa án?

Có vẻ như ngày hôm nay chúng ta đang sống trong một môi trường đầy “ô nhiễm”, sặc mùi hận thù và ghen ghét. Thế giới không ngày nào hết chiến tranh, quốc gia và dân tộc không bao giờ hết những căng thẳng hận thù. Khu phố, làng xã, xóm giềng và ngay cả trong gia đình không bao giờ ngớt cãi vã và đánh đập lẫn nhau. Con trai con gái bất đồng với cha mẹ, mẹ chồng với nàng dâu, ngay cả anh chị em ruột thịt trong gia đình cũng chẳng bao giờ hết lời cãi cọ, thậm chí từ mặt nhau. Nhưng là Ki-tô hữu, làm sao chúng ta có thể sống với nhau mà không biết tha thứ cho nhau được? Sách Huấn ca còn đặt câu hỏi cho chúng ta “người này tích lòng giận giữ người kia, mà dám cầu xin Thiên Chúa được sao” (Hc 28, 2)?

Quả thực, điều khó khăn khiến ta không dám nhận mình sai và không muốn nói ra lời xin lỗi, đó là sự tự ái, đó là sự ích kỷ, hoặc do tính kiêu căng và tự mãn của mình. Nhưng khi ta can đảm nhận lỗi, là lúc ta vượt thắng được “cái tôi” cá nhân rồi. Làm sao để xin lỗi ư? Chúng ta có thể dùng nhiều phương cách, hoặc là nói trực tiếp với người anh em, hoặc là dùng cách viết thư, nhắn tin, hay nhờ một ai đó truyền đạt lời xin lỗi và tha thứ của mình. Chỉ cần chúng ta sẵn sàng và chân thành nói lời xin lỗi, chúng ta sẽ làm được. Khi nói ra được lời xin lỗi, khi ta sẵn sàng tha thứ cho ai, tâm hồn ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn, hơn nữa chúng ta sẽ thiết lập lại mối tương quan mật thiết với chính anh em mình.

Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước.

Cho dù cuộc đời của chúng ta có gặp bao nhiêu bất hòa với anh em, hay chúng ta chứng kiến bao nhiêu hận thù giữa người này với người kia, nhưng chúng ta luôn nhớ mình được Chúa mời gọi sống yêu thương và tha thứ cho nhau. Vì yêu thương nhau là dấu chỉ mà người khác sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa (xem Ga 13, 35). Dẫu biết rằng để thực hiện được lời Chúa mời gọi thì rất khó, nhưng chúng ta đã có Chúa là mẫu gương luôn khoan dung và tha thứ thì chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được. Dụ ngôn trong Tin Mừng ngày hôm nay đã giới thiệu về hình ảnh một Thiên Chúa luôn hết mực tha thứ và yêu thương chúng ta.

Thánh Mathêu kể lại: “Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao” (Mt 18, 23-27).

Người đời thì cứ phải “mắt đền mắt, răng đền răng” hay phải “ăn miếng trả miếng” mới thỏa lòng hả dạ, còn Thiên Chúa, Người là Cha nhân từ, luôn tỏ lòng xót thương và sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho ta, muốn chúng ta luôn biết tha thứ lỗi lầm cho nhau. Tha thứ là điều cần thiết và có thể thực hiện được khi ta biết cầu xin Chúa giúp. Quả thực, sự xúc phạm của người khác chẳng đáng là bao so với tội lỗi ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa và đến anh em. Xin cho mọi người chúng ta biết ý thức lời dạy của Chúa, rằng “oán hờn và giận dữ cả hai đều là ghê tởm, điều quan trọng nhất, đặc biệt, hãy chấm dứt hận thù, và hãy nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao, và hãy bỏ qua lầm lỗi của kẻ khác” (Hc 28, 9).

Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD