Nên Hay Không Nên Cho Bệnh Nhân Ung Thư Biết Bệnh Tình Của Họ?

Một câu hỏi thường được đặt ra cho chúng ta đó là nên hay không nên cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối biết bệnh tình của họ? Có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến câu hỏi này, có người cho rằng không nên cho họ biết, có người thì nhất quyết phải cho họ biết, và cũng có người cho rằng tùy thuộc vào tình huống và khả năng đón nhận của bệnh nhân.

Nên hay không nên?

Truyền thống người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, thường cho rằng người nhà nên dấu và không cho bệnh nhân biết về tình trạng bệnh tật, nhất trong trường hợp khi bác sĩ phát hiện bệnh ung thư của bệnh nhân đã vào giai đoạn cuối. Tuy nhiên theo nguyên tác chung của ngành y hiện nay, “bệnh nhân phải được thông báo về bệnh tình của họ” (Okamura et al, 1988, tr. 1). Bác sĩ là người có trách nhiệm thông báo cho bệnh nhân, giúp họ vượt qua cú sốc tinh thần, đồng thời trong quá trình chữa trị phải bàn hỏi với bệnh nhân để đưa ra cách thức chữa trị tốt nhất, hoặc chuẩn bị những gì cần thiết cho các giai đoạn khó khăn tiếp theo... Dĩ nhiên, “không phải ngay từ đầu bác sĩ có thể nói hết mọi tình tiết cho bệnh nhân, mà các chuyên gia khuyên rằng, mỗi ngày cho biết một ít thông tin, đồng thời giải thích những gì liên quan, nhằm giúp bệnh nhân có khả năng đón nhận tin dữ đang xẩy ra cho mình một cách dễ dàng hơn” (Okamura et al, 1988, tr. 2).

Để nói thêm lý do tại sao bác sĩ lại lựa chọn dấu không cho bệnh nhânh biết về thực trạng sức khỏe của họ, thông thường bác sĩ cho rằng nếu cho bệnh nhân biết hết bệnh tình, họ sẽ suy sụp tinh thần, thậm chí bệnh nhân có thể nghĩ đến việc tự tử, nên chọn cách báo cho gia đình bệnh nhân là hợp lý nhất. Tuy nhiên, cũng theo nguyên tắc, “gia đình không phải là thành phần duy nhất được biết thông tin và thực trạng của bệnh nhân mà chính bệnh nhân là người phải nắm rõ về tình hình sức khỏe của họ” (Hitoshi, 1988, tr. 2).

Dĩ nhiên, gia đình có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị cho người bệnh. Vì thế, nhiều chuyên gia khuyên rằng, thông tin về bệnh tình của bệnh nhân nên được nói trước mặt người nhà và bệnh nhân. Nhiều lúc chúng ta lo sợ khi nói sự thật với bệnh nhân họ sẽ sụp đổ tinh thần, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khi “người nhà còn tỏ ra yếu đuối hơn bệnh nhân, cho nên khi nghe tin dữ, người nhà còn dễ sụp đổ hơn” (Goldie, 1982, tr. 128). Vì chỉ có người bệnh mới cảm được sự đau đớn và những gì đang xảy ra trên cơ thể họ, nên khi bác sĩ nói sự thật họ bớt ngỡ ngàng hơn.

KHÔNG nên cho bệnh nhân biết sự thật.

Theo nghiên cứu của giáo sư Gan Yiqun và các nhà khoa học cùng nghành, được biết người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, có đến trên 95% người được phỏng vấn cho rằng “không nên cho người thân của mình biết về bệnh tình của họ” (Gan et al., 2017, tr. 1460), vì những lý do căn bản sau đây:

Khi biết bệnh nhân của mình mắc bệnh hiểm nghèo, nhất là ung thư giai đoạn cuối, các bác sĩ sẽ chọn cách an toàn nhất, đó là báo cho gia đình bệnh nhân biết. Cách này sẽ tránh được phiền phức cho chính bác sĩ. Nhưng ý kiến này cũng bị phê bình, rằng bác sĩ chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, nhưng không nghĩ đến quyền lợi của bệnh nhân. Đáng ra bệnh nhân phải được thông báo để họ chọn cách đối phó với thách đố trong quá trình điều trị, thậm chí nếu không chữa trị được thì họ cũng cần biết sự thật để chuẩn bị tinh thần. Nhất là những ai có đức tin, “họ cần được biết để chuẩn bị một cái chết nhẹ nhàng hơn” (Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, 2018, số#55).

Tuy nhiên, đối với văn hóa Đông Phương, chết là một điều hủy hoại tất cả, chết là điều cấm kỵ, cho nên tốt nhất chúng ta không nên đề cập điều này trước mặt người bệnh.

Ở Việt Nam mọi chi phí chữa trị đa số đều do người nhà tự lo, hơn nữa vấn đề nên hay không nên tiếp tục chữa trị cho người bệnh đều do người nhà quyết định, vì thế bệnh viện thường chọn cách bàn thảo với người nhà. Hơn nữa bác sĩ “chỉ chú tâm đến việc chữa trị sức khỏe thể lý cho bệnh nhân mà quên đi tầm quan trọng của việc quan tâm đến nhu cầu tâm lý và đức tin cho bệnh nhân” (Gan et al, 2017, tr. 1460).

NÊN nói sự thật cho bệnh nhân

Như chúng ta đã đề cập ở trên, trước đây bác sĩ và người nhà thường dấu bệnh tình của bệnh nhân, nhưng ngày nay, các chuyên gia về y đức cho rằng “chúng ta phải tìm cách để nói sự thật với họ và cho họ” (Goldie, 1996, tr. 75), vì những lý do chính yếu sau đây:

Biết sự thật về bệnh tình của mình là “quyền của bệnh nhân” (Gan et al, 2017, tr. 1461), là quyền lợi căn bản của mỗi cá nhân. Đã là quyền lợi thì nó phải được tôn trọng, không ai được xâm phạm. Ví dụ khi một người biết mình bị ung thư giai đoạn cuối, thì họ có quyền quyết định nên hay không nên tiếp tục điều trị. Nếu tiếp tục điều trị họ cũng có quyền lựa chọn cách chữa trị cho phù hợp. Có nhiều trường hợp người nhà cứ cho rằng còn nước còn tát, nên cứ phải cố gắng bỏ ra biết bao kinh phí nhưng bệnh tình người nhà chẳng có gì giảm bớt, thậm chí vì tiêm quá nhiều thuốc giảm đau, khiến người bệnh trở nên mệt mỏi hay lúc tỉnh lúc mê. Như vậy vừa tốn kém lại vừa kéo dài sự đau đớn của người bệnh.

Khi bác sĩ và người nhà dấu bệnh tình của bệnh nhân, nếu “không may” một ngày nào đó bệnh nhân bất ngờ biết về sự thật bệnh tình của mình, thì họ sẽ bị “shock” nặng hơn, họ cho rằng mọi người dấu diếm và lừa dối họ, họ sẽ không thể tin tưởng vào ai và trở nên giận dữ vì ngay đến người nhà cũng không thật lòng và tôn trọng họ.

Bệnh nhân có nhu cầu được tôn trọng, cảm thông và nắm bắt về bệnh tình của họ. Họ muốn biết thuốc gì đang dùng để điều trị và những tác dụng phụ nào khiến họ phải chịu đựng. Vì ngoài việc phối hợp dùng thuốc, thì họ phải tập cho mình tinh thần lạc quan, nhất là trong trường hợp không thể chữa trị, họ phải sống dựa vào tinh thần và sức mạnh của đức tin. Như trường hợp của Đức Hồng Y Paul Shan ở Đài Loan, khi phát hiện ngài bị ung thư phổi giai đoạn cuối, bác sĩ nói ngài chỉ sống được 4-6 tháng. Sau khi nghe bệnh tình của mình nguy kịch như vậy, ngài quyết định đi một vòng quanh các giáo phận Đài Loan để thuyết trình, gỡ và tạm biệt mọi người. Có lần nghe ngài giảng, tôi đặc biệt cảm động với câu nói: “tôi phó thác bệnh tật cho y bác sĩ, tôi cống hiến thời gian ngắn ngủi còn lại cho anh chị em, còn sự sống của tôi, tôi phó thác cho Thiên Chúa”. Thật lạ lùng, sau đó ngài sống thêm được hơn 6 năm, thực hiện hàng trăm buổi thuyết trình, và làm rung động hàng triệu con tim.

Như vậy, chấp nhận thực tế và chuẩn bị tâm hồn là bước ngoặt rất khó khăn nhưng rất quan trọng đối với bệnh nhân. Nhất là đối với những ai có đức tin, họ cần nhiều thời gian dành cho Chúa, tĩnh dưỡng tâm hồn và lãnh nhận các bí tích, thậm chí họ cần nhiều thời giờ để cầu nguyện, gặp các linh mục và giáo dân để chuẩn bị đốn nhận cái chết, để trở về với Chúa với tin thần tự tin và thanh thản hơn.

Kết luận

Nên hay không nên nói sự thật về bệnh trạng của bệnh nhân, đặc biệt những người được kết luận ung thư giai đoạn cuối là một câu hỏi rất căn bản. Có nhiều ý tưởng khác nhau bàn luận xung quanh vấn đề này, nên quyết định chọn cách nào cũng cần nhiều khôn ngoan và sưk can đảm. Thời nay, chúng ta thấy bệnh ung thư ngày càng phổ biến, xung quanh chúng ta, có thể là người quen, bạn bè, hay chính người thân, có nhiều người đang phải vật vã với căn bệnh ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác, chúng ta cũng nên thận trọng suy nghĩ về vấn đề nên hay không nên.

Truyền thống người Việt chúng ta có khuynh hướng không nói sự thật cho người thân biết về tình trạng nguy kịch, nhưng ngày nay các nhà đạo đức y học khuyên chúng ta nên nói sự thật cho họ, vì đó là quyền lợi, vì có là cơ hội để họ đưa ra những lựa chọn và phương cách chữa trị tốt nhất và hợp lý nhất, hoặc để họ chuẩn bị tâm hồn nếu khi quá trình điều trị đã không có hiệu quả. Dĩ nhiên, làm sao để nói sự thật cho người bênh, ai sẽ nói, nói lúc nào..., là những điều cần được bàn bạc thêm. Người viết hy vọng sẽ được “hầu chuyện” cùng quý vui trong những bài viết sắp tới.

Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD

Tài liệu tham khảo

United States Conference Of Catholic Bishops, Ethical and Religious Directives for Catholic Health Care Services, Sixth Edition, 2018.

Meilaender, Gilbert. Bioethics: a Primer for Christians. 2nd ed. Grand Rapids, Michigan: W.B. Eerdmans Pub. Co., 2005.

Okamura, H., et al. “Guidelines for Telling the Truth to Cancer Patients. Japanese National Cancer Center.” Japanese Journal of Clinical Oncology, vol. 28, no. 1, Jan. 1998, p. 1–4.

Goldie, Lawrence. “The Ethics of Telling the Patient.” Journal of Medical Ethics, vol. 8, no. 3, Society for the Study of Medical Ethics, Sept. 1982, pp. 128–33.

Gan, Yiqun, et al. “Why Do Oncologists Hide the Truth? Disclosure of Cancer Diagnoses to Patients in China: A Multisource Assessment Using Mixed Methods.” Psycho-Oncology (Chichester, England), vol. 27, no. 5, Wiley, 2018, pp. 1457–63.