ĐÂY MẠC CẦN DƯNG – XỨ ĐẠO AN HÒA

Bao giờ có dịp đi ngang
Long Xuyên Châu Đốc nhớ thăm An Hòa.


Câu thơ trên là do tôi bắt chước bài hát về tính cách miệt vườn hào sảng, phóng khoáng của Chắc Cà Đao, Mạc Cần Dưng, miền tây nam bộ:

“Làng quê tên Mặc Cần Dưng,
Hướng lên Châu Đốc nửa chừng cầu cao.
Dưới kia là Chắc Cà Đao,
Cách tám cây số không sao lạc đường.
Xuống kinh qua tới bờ mương,
Nhà tôi mát rượi, cá lươn rất nhiều.
Nuôi nhiều ăn chẳng bao nhiêu,
Dành khi có khách sẽ chiêu đãi liền.
Mong sao gặp được bạn hiền,
Chén thù chén tạc thì tiên cũng hàng.
Bao giờ có dịp đi ngang,
Viếng Bà Chúa Xứ, ghé làng mình chơi”.


Thú thật khi về sống ở đây gần một năm trước, tôi rất ngỡ ngàng về chất chơi chính hiệu “anh tư ếch” xứ này. Dân An Hòa, phóng khoáng không cay nghiệt, nhiệt tình không vồn vã nhưng một khi đã “chơi” thì đến “tiên cũng hàng”.

Với tôi ngày thơ bé, cái tên Chắc Cà Đao và nhất là Mạc Cần Dưng chỉ là “hóc bà tó” nào đó, xa lơ xa lắc thuộc vùng núi Tà Lơn kỳ bí không biết có thật không hay chỉ có trong trí tưởng tượng của những người viết truyện liêu trai. Hơn nữa, câu đồng dao: “Chắc Cà Đao, Mạc Cần Dưng, cùm tay lớn hơn cùm chưn” lại càng làm tôi xác tín nó thuộc về thế giới của những chú lùn kỳ dị chứ làm gì có thứ người mà cổ tay lớn hơn cổ chân. Thế rồi... boom !!!... sau những năm tháng học hành ở Rôma thành đô vĩnh cửu, kinh thành bất tử, sau khi đã kinh qua các thành phố Châu u, Châu Mỹ rạng ngời văn minh nhân loại, tôi được sai về đúng cái hóc bà tó này.

Nằm bên bờ sông Hậu, An Hòa là họ đạo duy nhất bao trọn Mạc Cần Dưng và cách thị trấn Chắc Cà Đao 9 km, rồi đi thêm 9 km nữa là tới thành phố Long Xuyên. Thế mà, chẳng biết từ bao giờ và vì lý do gì, người ta lại ngâm nga: “Em là gái Chắc Cà Đao, xứ em xa lắm anh nào có hay”. Xa lắm là sao? Có lẽ do tên gọi của nó nhắc nhớ về một quá khứ đã bị lãng quên, và bởi vì chất thôn dã của nó giống dân Amish mà mỗi khi có dịp qua thăm bên Mỹ tôi luôn tìm đến.

Địa danh vùng này bắt nguồn từ tiếng Khmer nên dù lạ tai nhưng luôn có nghĩa nhất định: Chắc Cà Đao là rạch dây mây (có người cho là rạch cua), Năng Gù là sừng bò, Mạc Cần Dưng còn gây tranh cãi về ý nghĩa, tuy nhiên, phần lớn đồng ý là con rạch với tên riêng. Rạch Cần Dưng rồi rạch Cần Đăng là nhánh sông nhỏ chảy từ sông Hậu vô thẳng vùng Bảy Núi, với trung tâm là thị tứ Tri Tôn, Xà Tón (nhiều khỉ). Ngày nay, tên Mạc Cần Dưng gần như biến mất chỉ còn lại biến thể của nó là Cần Đăng, một thị tứ gần đó trên đường từ An Hòa đi về hướng Thất Sơn có núi Cấm núi Sam và những ngôi chùa Khmer trên 200 năm.

Chất chơi của dân Mạc Cần Dưng không hầm hố khô máu đao to búa lớn, nhưng zui zẻ ấm áp tình cảm như “sóng của Xuân Quỳnh”: dữ dội và dịu êm, ồn ào mà lặng lẽ. “Chơi không sợ mưa, nhưng sợ ướt” bởi vì: “dân chơi không sợ mưa rơi, nhưng mà mưa quá thì đi zô nhà”. Họ phóng khoáng không cay nghiệt, nhiệt tình không vồn vã kiểu chính hiệu tây nam bộ, một khi đã xả láng là sáng mới zìa. Liu riu nhẹ nhàng thôi, hai ông sui ngồi lai rai với nhau có thể liên tục hai ngày cho tới khi một ông lăn đùng ra chết. Có “mồi bén” họ rủ bạn đến chơi, và chỉ cần ba hay thậm chí hai người là có thể gọi karaoke kẹo kéo tới ca hát mát trời ông địa, uống đến “lên bờ xuống ruộng” mới thôi. Không cầu kỳ kiểu cách, khi được cha sở tới nhà dùng bữa, chủ nhà vồn vã, niềm nở: “hôm nay gia đình con không có dịp gì đặc biệt hết, ông cố tới cũng chỉ vì miếng ăn, ông cố tự nhiên ngheng”, chứ không mượt mà màu mè thưa bẩm dài dòng văn tự như người miền ngoài. Người ta vẫn kể lại chuyện chủ nhà đãi khách món cá vồ thơm ngon béo ngậy mà thấy khách còn chưa cầm đũa nên vội phân bua: “mèng đéc ơi thoải mái đi, cầu cá dồ chỉ có nhà tui đi thôi chứ không có người ngoài đâu à ngheng”(!).

Tự nhiên, thân tình trong ăn uống nhưng lại mắc cỡ, vụng về và xa lạ với những quy tắc xã giao cơ bản. Có những người khi tới nhà xứ liền lớn tiếng “cha có nhà không” rồi đẩy cửa bước vô, chứ gõ cửa thì “hổng quen, ngại lắm”. Có chị kia bước thẳng vô phòng nhà xứ rồi mới hồn nhiên để lòng bình yên: “con thấy có chuông mà con hổng dám bấm”. Thiệt là cái tình! Lại cũng không thiếu những người chừng 5-7 năm không “đi nhà thờ” (thành ngữ nói về đi xưng tội ở vùng này) chỉ vì “ghét ông cha cũ”. Họ muốn đến nhà xứ bất cứ lúc nào cũng được, có khi tờ mờ sáng trước giờ chuông 4:30, có khi ngay giờ ăn, giờ nghỉ, hoặc khi đã chuẩn bị tắt đèn đi ngủ. Lý do cho những lúc đến không được mong đợi đó là vì dân xứ này có tất cả thời gian trên trái đất, họ muốn đến gặp cha sở lúc nào thì đến, đừng giới hạn họ vào khuôn khổ giờ giấc. Đi xin Lễ cho người qua đời, dân An Hòa không xin cầu nguyện cho linh hồn nào đó nhưng là cầu cho vị thánh, chẳng hạn: “xin cha cầu nguyện cho thánh Phêrô, Thánh Maria vv... nhưng nếu gặp tên nước ngoài hơi khó thì nhức đầu để phán đoán lắm luôn: thánh Canađa (Catarina), thánh Alibaba (Athanasio), Phê trê Phê Lóc là có thật ở xứ này các bạn ạ! Có lần họ xin cầu nguyện cho thánh Cao-su-lô, sau vài câu cân não đối thoại thì người xin nhớ ra “súng đạn gì đó” và mình cũng chợt thông minh lên... à thì ra là thánh Carôlô (nhờ ghiền phim viễn Tây Mỹ với các anh chàng cao bồi đeo súng rulo).

Ngày nay, nhiều gia đình vùng Mạc Cần Dưng trốn chạy cái nghèo khổ, nhất là trốn việc cõng gạch từ bé đến nỗi “cùm tay bự hơn cùm chưn”, để đi Bình Dương kiếm sống, nhưng khó khăn vẫn đeo bám người ở lại, ngay các ông trùm xứ đạo cũng hầu hết là người làm thuê kiếm ăn từng ngày. Rất nhiều người vẫn sống trong các căn nhà bằng vài tấm tôn thiếc, vách lá tạm bợ, nhiều căn không có cánh cửa, chỉ có tấm bạt che chắn khi trời gió mưa. Chính vì thế mà dân ở đây không có khái niệm gõ cửa, bấm chuông. Ai đó cứ nói tới thời đại 4.0, cứ việc bàn về trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, dân xứ này vẫn mộc mạc chân chất. Dù đã xa rồi cái thời “ruộng đồng mặc sức chim bay, biển hồ lai láng mặc bầy cá đua”, con người ở đây vẫn giữ tinh thần hồ hải tang bồng, bất chấp tất cả: “Ra đi là sự đã liều. Nắng mai không biết, mưa chiều không hay”. Các ông quới chức trong xứ đạo cũng không ngoại lệ, một khi chén tạc chén thù thì công việc ngày mai ư? Cứ để ngày mai lo.

Khi xã hội đổi thay nhanh chóng, khi người người chỉ lo kiếm tiền, khí chất Mạc Cần Dưng vẫn chảy trong huyết quản người An Hòa: nghĩa hiệp, hiếu khách, thân thiện, và sống chậm (tới mức lề mề). Dễ hiểu mà, người ở đây có tất cả thời gian trên trái đất.

Bao giờ có dịp có đi ngang, Long Xuyên Châu Đốc, nhớ thăm An Hòa.

Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Thắng
Nhà thờ Trái Tim - An Hòa