1. Tượng Chúa Giêsu vác thánh giá bị nhóm đồng tính xúc phạm nghiêm trọng tại Ba Lan

Đức Hồng Y Kazimierz Nycz, Tổng Giám Mục thủ đô Warsaw, đã mạnh mẽ lên án các hành vi phạm thánh nghiêm trọng của một nhóm đồng tính do hai phóng viên nhiếp ảnh John Bob và Sophie Art cầm đầu.

“Chúng ta hãy ngừng sử dụng các hành động phá hoại và quá đà trong các cuộc tranh luận công khai, ” Đức Hồng Y nói như trên sau vụ nhóm đồng tính này xúc phạm tượng Chúa Giêsu vác thánh giá. Chúng đã treo cờ đồng tính trên thánh giá Chúa và bịt mặt Chúa bằng một miếng vải có dấu hiệu của những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ. Bức tượng bị nhóm đồng tính tấn công được đặt ngay trước cửa Vương Cung Thánh Đường Thánh giá ở thủ đô Warsaw.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em thấy đây là cuộc họp báo do Công Tố Viện thủ đô Ba Lan tổ chức hôm 29 tháng 7, chỉ vài giờ sau vụ mạo phạm.

Ông Alexandra Skrzyniarz, đại diện Công Tố Viện nói:

“Đài tưởng niệm Nicolaus Copernicus ở Nowy Świat, Nàng tiên cá ở Phố cổ, hay tượng của Đại tá Jan Kiliński trên đường Piekarska - chỉ là một số trong danh sách dài các tượng đài lịch sử của chúng ta bị các thành phần cực tả và trào lưu đồng tính tấn công.

Tuy nhiên, việc mạo phạm bức tượng Chúa Giêsu Kitô đang vác thánh giá tại trước Vương cung thánh đường Thánh giá đã gây ra nhiều phẫn nộ trong lòng người dân Ba Lan.

Chúng tôi quyết định khởi tố vụ này và cảnh sát đang một cuộc điều tra về việc xúc phạm các di tích và chống lại tình cảm tôn giáo.”

Vụ việc bị Thủ tướng Mateusz Morawiecki chỉ trích. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Sebastian Kaleta tuyên bố rằng ông sẽ trực tiếp chỉ đạo văn phòng công tố trong trường hợp này.

Đức Hồng Y Nycz cho biết ngài nghẹn ngào trước biến cố này. Trong khi đó, Cha Kryspin Banko của Tu Hội Các Linh Mục Truyền Giáo Thánh Vincent De Paul cho biết:

“Việc mạo phạm hình ảnh của Chúa Kitô ngay phía trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Giá tại quận Krakowskie Przedmieście của thủ đô Warsaw dìm các giáo dân và cư dân của thủ đô trong đau đớn.”

Các linh mục khác trong Tu Hội Các Linh Mục Truyền Giáo Thánh Vincent De Paul đã phục vụ tại đền thờ này trong bốn thế kỷ qua, cũng bày tỏ sự phẫn nộ của họ đối với hành vi không thể giải thích này.

“Trước kinh nghiệm khó khăn này đối với tất cả chúng ta, chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn hoán cải con tim của những kẻ báng bổ này.”

Chính trị gia Ba Lan Beata Szydło, nguyên là thủ tướng nước này nói: “Hành động phỉ báng tôn giáo này phải bị lên án bởi tất cả chúng ta.”


Source:ChurchPop

2. Hồi Giáo cực đoan bắn chết người ngay giữa phiên tòa khiến người Công Giáo Pakistan vô cùng lo lắng

Một người đàn ông lớn tuổi bị buộc tội phạm thượng đã bị bắn chết hôm 30 tháng 7 ngay trong phòng xử án ở Peshawar. Nạn nhân, tên là Tahir Ahmad Naseem, là một người theo giáo phái Ahmadi. Đó là một nhóm tôn giáo thiểu số tuyên bố tách ra từ Hồi Giáo vào năm 1974. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết như trên hôm 31 tháng 7.

Tòa án nơi xảy ra vụ việc nằm trong khu vực an ninh cao độ trên đường Khyber là đại lộ chính của tiểu bang, nơi có Hội đồng tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tòa án tối cao Peshawar, Bộ Ngaọi Giao tiểu bang và Dinh Thống đốc.

Tahir Ahmad Naseem, đã bị bắn sáu phát ngay giữa lúc tòa án đang xử ông tội báng bổ tiên tri Muhammad vào năm 2018 khi ông ta tuyên bố mình cũng là một nhà tiên tri.

Theo báo cáo của cảnh sát, ông ta thuộc cộng đồng Ahmadi và đã kết bạn với người tố cáo của mình, là Awais Malik, trên Facebook. Ông ta mời người ấy gặp gỡ mình để thảo luận về niềm tin.

Kẻ giết người trẻ tuổi, Khalid Khan, đã tìm cách vào tòa án và bắn vào Tahir mặc dù rõ ràng phiên tòa đã được bảo vệ an ninh rất hùng hậu.

Hung thủ bị cảnh sát bắt tại hiện trường và được các phương tiện truyền thông Pakistan tôn vinh là anh hùng bảo vệ đạo Hồi.

Cha Qaisar Feroz dòng Phanxicô Capuchin, thư ký điều hành của Ủy ban Truyền thông Xã hội thuộc Hội Đồng Giám Mục Pakistan nói: “Chúng tôi rất âu lo vì chuyện này. Ngay giữa tòa án được bảo vệ cẩn thận như thế còn xảy ra một vụ tấn công như thế. Huống hồ là các nhà thờ của chúng tôi, ”

Hôm 28 tháng Tư, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, đã đưa Pakistan vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì các hành vi xâm phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố vào ngày 13 tháng 4, USCIRF cho biết họ quan ngại đặc biệt trước các báo cáo rằng viện trợ lương thực đã không đến tay những người theo Ấn Giáo và Kitô giáo trong bối cảnh Covid-19 lan rộng ở Pakistan. Đa số người dân Pakistan không có công ăn việc làm ổn định. Họ sống theo kiểu tay làm hàm nhai, không có bất cứ một thứ an sinh xã hội nào. Tình trạng cô lập trong suốt tháng Tư đã khiến nhiều người lâm vào tình cảnh đói kém. Các tổ chức phi chính phủ và cả các tổ chức chính phủ đã tận dụng tình hình này để buộc các tín hữu thiểu số phải cải đạo sang Hồi Giáo nếu không muốn chết đói.


Source:Asia News

3. Đức Hồng Y Lacroix của Quebec nói: Chúng tôi không thể thở nổi

Trong một thông cáo với những lời lẽ rất mạnh, Ðức Hồng Y Gérard Cyprien Lacroix, Tổng giám mục giáo phận Québec, Canada, phê bình chính quyền tại tiểu bang này thiếu tôn trọng đối với các cộng đoàn tôn giáo trong thời kỳ cách ly vì đại dịch.

Trong thông cáo công bố hôm 28 tháng 7 năm 2020, Ðức Hồng Y Lacroix than thở rằng: “Chúng tôi không thể thở nổi” với các biện pháp áp chế của chính quyền.

“Ngay từ đầu chúng tôi đã cộng tác với chính quyền và chấp nhận đóng cửa các nơi thờ phượng. Chúng tôi đã tìm cách để biết xem có thể mở lại các nơi thờ phượng như thế nào, nhưng không bao giờ chúng tôi được trao đổi với chính quyền. Chúng tôi có một điểm liên lạc, cố gắng hết sức trong vấn đề này, nhưng chúng tôi không hề được trả lời cho những câu hỏi chúng tôi gửi đến chính quyền. Ông Legault không hề cám ơn những hy sinh của các tín hữu trong dịp lễ Phục sinh, tháng chay tịnh Ramadan của Hồi giáo. Nếu chúng tôi muốn có những câu trả lời, chúng tôi phải xin các ký giả nêu câu hỏi. Các sòng bạc đã được mở lại trước các thánh đường!”

Ðức Hồng Y Lacroix than phiền rằng hiện thời các nơi thờ phượng chỉ được đón tiếp 50 người. Nhưng Chúa nhật vừa qua, tại Ðền thánh Anne de Beaupré, Ðức Hồng Y đã đón tiếp 200 người. Mọi người đều mang khẩu trang và duy trì khoảng cách an toàn xã hội. Mình Thánh Chúa được trao cho người rước lễ mà không có sự đụng chạm, người cho rước lễ đã được khử khuẩn trước đó. Các cuộc xưng tội và giải tội được thực hiện trong các phòng thay vì trong tòa giải tội, các buổi rước lễ lần đầu được hoãn đến mùa thu. Các nhóm khác được báo La Presse tiếp xúc, tất cả đều giữ giới hạn 50 người, trong khi chờ đợi tuần tới có thể lên tới 250 người tại nơi nào có thể.

Ðức Cha Christian Lépine, Tổng giám mục giáo phận Montréal cho biết, “tại nhà thờ chính tòa Ðức Maria Nữ Vương Thế giới chẳng hạn, có khả năng chứa được 1, 200 người, nhưng người ta tính toán để số người tham dự ở dưới mức 200 người, và không tới 250 người. Trái lại, tôi nghĩ có thể cho mở các thánh đường để cá nhân các tín hữu đến cầu nguyện, nếu có đợt dịch thứ hai. Thật là điều bất công vì các phòng an táng có thể cử hành lễ an táng trước các nhà thờ, là những nơi có thể đón nhận nhiều người hơn.”

Ông Salem Elmenyawi, thuộc Hội đồng Hồi giáo ở Montréal, cũng tỏ ra choáng váng vì sự thiếu tôn trọng của chính quyền. Ông nói: “Người ta đã mở lại các nơi thờ phượng vài ngày sau khi kết thúc tháng chay tịnh Ramadan, và sẽ lên tới 250 người vài ngày sau lễ hy tế, vào cuối tuần này là lễ quan trọng nhất trong lịch Hồi giáo. Thật là điều bất bình thường vì người ta có thể đi mua khoai tây, nhưng lại không được nuôi dưỡng về tinh thần”.


Source:American Magazine