Theo hãng tin ASSOCIATED PRESS (28-05-2020), tương quan giữa đức tin và khoa học có nhiều căng thẳng trong thời gian đại dịch, nhưng đối với một số khoa học gia đang lãnh đạo cách đáp ứng của Hoa Kỳ, hai thực thể này đã làm việc ăn ý với nhau.



Francis Collins, Giám đốc Các Viện Y Tế Quốc Gia, cho hay có một sự hoà điệu giữa khoa học và đức tin Thánh Kinh. Anthony Fauci, chuyên gia kỳ cựu về bệnh truyền nhiễm của Các Viện Y Tế Quốc Gia, cho hay ông không hoạt động trong một tôn giáo có tổ chức nhưng nhận rằng nền giáo dục của Dòng Tên đã dạy ông nhiều giá trị hiện điều hướng việc làm của ông trong công vụ. Còn Robert Redfield, giám đốc Các Trung Tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật, mô tả đức tin của ông và việc làm của ông trong phạm vi y tế công cộng như củng cố lẫn nhau.

Redfield nói với hãng Associated Press: “Một trong những điều tuyệt vời về đức tin là, bạn có thể tiếp cận với sự sống bằng một cảm thức hy vọng, bất kể bạn đang đương đầu với loại thách đố nào, bạn vẫn có con đường để tiến lên”.

Ảnh hưởng của đức tin trên một số các nhà đấu tranh hàng đầu của chính phủ chống coronavirus minh họa mối liên kết của nó với khoa học. Dù có những căng thẳng về hiệu quả của việc thờ phượng công cộng đối với sức khỏe công cộng trong thời gian đại dịch, linh đạo bản thân, dưới mọi hình thức, vẫn là cột mốc không bị tra vấn đối với một số khoa học gia đang dẫn đầu đáp ứng của Hoa Kỳ.

Redfield nói rằng trong những cuộc khủng hoảng lớn mà ông phải đối đầu, chẳng hạn như vai trò của ông phải đối phó với trận động đất năm 2010 ở Haiti và cái chết của con trai ông, đức tin của ông đã giúp ông hướng về tiềm năng “một thiện ích lớn hơn” sẽ xuất hiện từ thảm kịch. Đức tin và khoa học đã không gây căng thẳng cho ông.

Trong những tuần đầu của đại dịch, nhà virút học 68 tuổi này không phải là người thường xuyên xuất hiện trong các cuộc họp báo tại Nhà Trắng như Fauci, người đồng đạo Công Giáo của ông. Nhưng lòng khiêm tốn của Redfield, tự nó, vốn là một khía cạnh trong cách đức tin của ông thể hiện trong con người công khai của ông, như người bạn lâu năm William Blattner vốn nói.

Redfield coi người có đức tin như “người không thánh thiện hơn bất cứ ai - chúng tôi chỉ là chính chúng tôi”, Blattner nói thế, ông vốn là người đồng sáng lập Viện Virút học Nhân bản của Đại học Maryland cùng với Redfield và một nhà nghiên cứu thứ ba nổi tiếng về AIDS, Robert Gallo, giữa thập niên 1990.

Blattner nói về người bạn của mình “Bạn không thấy anh ta cướp microphone bao giờ. Bạn chỉ thấy anh ta nói khi anh ta được yêu cầu”. Niềm tin giúp Redfield “sàng lọc tiếng ồn và mất tập trung” trong áp lực ngăn chặn virút, Blattner nói thêm, việc này đem đến “cho anh ta và chúng tôi, khả năng nhìn rõ hơn”.

Redfield được Tổng thống Trump mời trong khi Collins và Fauci vốn là các nhà khoa học của chính phủ trước năm 2016. Collins, về phần mình, vốn là một người lớn tiếng cổ vũ cho việc truyền đạt những gì ông coi là nhất quán giữa niềm tin tôn giáo và khoa học dựa trên bằng chứng trước khi ông được bổ nhiệm lãnh đạo Các Viện Y Tế Quốc Gia.

Sau khi viết một cuốn sách năm 2006 về hành trình từ chủ nghĩa vô thần hồi trẻ bước qua niềm tin vào Thiên Chúa, Collins, lúc 70 tuổi, đã thành lập Quỹ BioLogos để giúp đẩy mạnh cuộc đối thoại về mối tương quan của tôn giáo với khoa học. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, ông đã nhận được một giải thưởng tôn giáo lớn cho công trình của mình.

Collins viết qua email: “Tôi thấy khoa học là cách đáng tin cậy nhất để nghiên cứu thiên nhiên - và việc này bao gồm cả thứ virút này”.
Ông viết thêm “Nhưng khoa học không giúp tôi những câu hỏi sâu xa hơn như tại sao có đau khổ, giả thiết chúng ta sẽ học được gì từ nó, đâu là ý nghĩa của đời sống và liệu có một Thiên Chúa yêu thương đau buồn với chúng ta vào thời điểm như thế này. Về điều này, tôi dựa vào những gì tôi đã học được trong tư cách một người có đức tin”.

Collins ca ngợi phần lớn các cộng đồng tín ngưỡng Hoa Kỳ đã coi đại dịch như cơ hội để sống thực các giá trị của họ bằng cách giúp đỡ những người yếu thế; ông nói thêm “hầu hết những tác phong yêu thương và vị tha đó không được lưu ý”. Ông cũng đưa ra những lời phê phán thận trọng đối với các “điển hình đây đó của các giáo hội trong việc bác bỏ các kết luận khoa học và đòi quyền được tiếp tục tụ họp tự do, ngay cả khi có bằng chứng là việc này gây nguy hiểm cho cả cộng đồng của họ”.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Trump kêu gọi các thống đốc cho phép việc thờ phượng có người tham dự. Tổng thống cam đoan rằng “các nhà lãnh đạo đức tin sẽ bảo đảm rằng các cộng đoàn của họ được an toàn khi tụ tập và cầu nguyện”. Tổng thống phát biểu khi Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng ngừa Bệnh tật đưa ra các khuyến cáo để mở lại một cách an toàn các buổi lễ tôn giáo trực tiếp, và các cuộc tụ họp tín ngưỡng diễn ra trong tuần này chủ yếu hoạt động với các biện pháp bảo vệ nhằm giúp ngăn chặn sự lây lan của virút.

Đức tin của Fauci đã chuyển từ con đường dưỡng dục Công Giáo của ông sang điều ông mô tả như một hệ thống niềm tin nhân bản chủ nghĩa. Viện trưởng kỳ cựu 36 năm của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia nói với C-SPAN năm 2015 rằng, “tôi ít say mê tôn giáo có tổ chức cho bằng các nguyên tắc tình người và lòng tốt đối với nhân loại và làm những điều tốt nhất bạn có thể làm”.

Dù Fauci tách mình ra khỏi tôn giáo có tổ chức trong cuộc phỏng vấn năm 2015, ông vẫn tự mô tả mình là người Công Giáo và nói với C-SPAN rằng giáo dục Dòng Tên của ông đã giúp phát triển “các nguyên tắc tôi dùng điều hành cuộc sống của mình”. Những nguyên tắc này đã trở nên rõ ràng hơn trong tháng này khi Fauci ghi lại một cuốn video cho học sinh tốt nghiệp các trường trung học liên kết với Dòng Tên, một dòng Công Giáo tập trung vào dịch vụ giáo dục.

Sau khi trích dẫn “sự chính xác của tư tưởng và nhiệm cục phát biểu” như hai khẩu hiệu, ông đã viện dẫn “công bằng xã hội” như một giá trị khác được giáo dục Dòng Tên hun đúc. Fauci tốt nghiệp năm 1958 tại trường trung học Regis ở New York, một định chế của dòng Tên.
Fauci nói: “Bây giờ là lúc, nếu có lúc ấy, để chúng ta quan tâm tới nhau một cách không vị kỷ”.

Năm ngoái, Cha Daniel Lahart, Hiệu trưởng của Regis, đã tiếp đón Fauci trong chuyến ông viếng thăm trường cũ. Cha ca ngợi nhà khoa học 79 tuổi này như một điển hình xứng đáng của lời mời gọi của nền giáo dục Dòng Tên để các học sinh cống hiến đời mình phục vụ công ích, trở thành “những người đàn ông và những người đàn bà vì người khác”.

Cha Lahart nói thêm: “Một phần căn tính của chúng ta là chúng ta coi việc phục vụ cộng đồng, việc phục vụ công chúng như một điều thiết yếu đối với căn tính đức tin của chúng ta”.