Như chúng tôi đã loan tin, hôm thứ Ba 2 tháng Sáu, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành luật mới nhằm bảo vệ tự do tôn giáo. Trước khi ký văn kiện quan trọng này, ông và đệ nhất phu nhân đã đến kính viếng Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II.

Trong bối cảnh đang có những tranh luận liên quan đến phản ứng của tổng thống đối với các cuộc bạo loạn trên khắp đất nước sau cái chết của anh George Floyd, việc Tổng thống Donald Trump đến thăm Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II ở Washington, D.C. đã gây ra các phản ứng trái chiều ngay cả trong giới Công Giáo. Người chỉ trích mạnh chuyến viếng thăm này của Tổng thống Trump là Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của tổng giáo phận Washington DC.

Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory đã kế nhiệm Đức Hồng Y Donald Wuerl làm Tổng Giám Mục Washington DC từ ngày 21 tháng Năm, 2019. Ngài là người da đen đầu tiên làm Tổng Giám Mục thủ đô Hoa Kỳ.

Những chỉ trích của Đức Tổng Giám Mục Gregory không được các Giám Mục Hoa Kỳ khác hưởng ứng, thậm chí còn bị chỉ trích.

Trong một cố gắng nhằm giải thích những chỉ trích của Đức Tổng Giám Mục Gregory đối với chuyến viếng thăm này, tờ Crux cho rằng Đức Tổng Giám Mục đã không được báo trước. Tờ báo Công Giáo này viết hôm 7 tháng Sáu:

“Một chi tiết đã được báo cáo rộng rãi, và Crux đã xác nhận một cách độc lập rằng Đức Tổng Giám Mục Gregory không hề được thông báo về chuyến thăm cho đến tối thứ ba khi Tòa Bạch Ốc đưa ra một tuyên bố để công bố [chuyến viếng thăm này]. Không ai liên quan đến đền thờ, kể cả những người chủ là các Hiệp sĩ Kha Luân Bố, dường như đã báo trước cho Đức Tổng Giám Mục” [1].

Gần như ngay lập tức, Tòa Bạch Ốc đưa ra bằng chứng cho thấy Đức Tổng Giám Mục đã được Tổng thống Trump mời đến Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II cả một tuần trước đó, và Tòa Bạch Ốc đã nhận được thư phúc đáp của văn phòng tổng giáo phận Washington đề ngày 30 tháng Năm nói rằng ngài không đến được vì bận công vụ khác. Cả thư mời và thư từ chối đều được công bố. Chúng ta thực sự ú ớ không biết giải thích thế nào trước các bằng chứng hiển nhiên này.

Phụ tá báo chí Tòa Bạch Ốc Judd Deere nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, ngày 7 tháng Sáu rằng “Đức Tổng Giám Mục Gregory đã nhận được lời mời tham dự sự kiện của Tổng thống tại Đền thờ Thánh Gioan Phaolô II một tuần trước chuyến thăm của Tổng thống. Ngài đã từ chối vì có các công vụ khác.” [2]

Nhiều người Công Giáo cho rằng Đức Tổng Giám Mục Gregory không nên dính líu vào các vận động chính trị đảng phái. Một so sánh tương đối cũng cho thấy chính sách của tổng thống Trump, các giá trị mà ông ủng hộ cũng phù hợp hơn với người Công Giáo. Chống lại tổng thống Trump có lẽ không phải là một điều khôn ngoan.

Cha Raymond J. de Souza, chủ nhiệm tạp chí Convivium có bài tường trình sau:

Không có chuyến thăm nào của một tổng thống đến một tổ chức Công Giáo đã gây tranh cãi như vậy kể từ khi Đại học Notre Dame trao bằng tiến sĩ danh dự cho Tổng thống Barack Obama vào năm 2009. Cả hai trường hợp đều có những điểm giống nhau và những điểm khác nhau: Giống nhau ở chỗ các nhà phê bình cho rằng không nên mời tổng thống; khác nhau ở chỗ Obama đã được Đại học Notre Dame tôn vinh, trong khi chuyến thăm của Tổng thống Trump xem ra là để tôn vinh Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Chuyến viếng thăm Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II, được điều hành bởi các Hiệp sĩ Kha Luân Bố, đã được lên kế hoạch trước ngày 2 tháng 6, là ngày vào năn 1979 Đức Gioan Phaolô II lần đầu tiên trở về Ba Lan với tư cách là một vị Giáo Hoàng. Chuyến viếng thăm đó đánh dấu sự khởi đầu của tiến trình giải thể đế chế Liên Sô.

Trước đó, tổng thống Trump đã từng vinh danh chuyến hành hương đó của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong một chuyến công du tới Warsaw năm 2017, ông đã nói rất nhiều về vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan, trong một diễn văn dài vào ngày 2 tháng 6 năm 1979, tại Quảng trường Chiến thắng Warsaw.

Chuyến thăm Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II của Tổng thống Trump được hoạch định như một sự tôn kính đối với Thánh Giáo Hoàng Ba Lan và là dịp để ký một sắc lệnh hành pháp mới nâng cao tầm quan trọng của tự do tôn giáo trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Trong số các điều khoản, lệnh này bắt buộc tất cả các nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải trải qua một khóa đào tạo về tự do tôn giáo.

Chuyến thăm diễn ra sau chưa đầy 24 giờ sau khi ông Trump đến thăm Nhà thờ Anh giáo Thánh Gioan đối diện Tòa Bạch Ốc. Người biểu tình bị buộc phải giải tán để dọn dẹp khu vực cho tổng thống. Ông đã đứng ngoài nhà thờ cầm một quyển Kinh thánh. Tổng thống Trump không vào thăm bên trong nhà thờ hoặc gặp gỡ giáo dân. Ông dự định truyền đạt một cách biểu tượng rằng chính quyền của ông sẽ bảo vệ các Giáo Hội chống lại bạo lực; Nhà thờ Anh giáo Thánh Gioan đã bị phá hoại trong cuộc bạo loạn, một phần của nhà thờ đã bị cháy.

Tuy nhiên, chuyến thăm không được phối hợp với nhà thờ này và thậm chí các giáo sĩ địa phương còn nằm trong số những người bị cảnh sát đuổi đi chỗ khác. Giám mục Anh Giáo tại địa phương đã kịch liệt lên án chuyến viếng thăm này và coi đây chỉ là chuyện mượn nhà thờ và Kinh thánh làm phông chụp ảnh. Lời chỉ trích đó đã được lặp lại bởi tổng giám mục Canterbury, người đứng đầu Cộng đồng Anh giáo trên toàn thế giới.

Can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Gregory

“Đáng chê trách” không phải là một từ thường được các Giám Mục Công Giáo sử dụng. Và có lẽ chưa từng bao giờ được dùng để mô tả một quyết định của hội Hiệp sĩ Kha Luân Bố. Nhưng đó là ngôn ngữ được sử dụng bởi Đức Tổng Giám Mục Gregory để bày tỏ sự phẫn nộ của ngài trước sự hiện diện của Tổng thống Trump tại đền thờ.

Ngài nói:

“Tôi thấy khó hiểu và đáng trách khi một cơ sở Công Giáo lại để mình bị lạm dụng và thao túng một cách nghiêm trọng đối với các nguyên tắc tôn giáo của chúng ta, là điều kêu gọi chúng ta bảo vệ các quyền của tất cả mọi người ngay cả những người mà chúng ta có thể không đồng ý với họ.”

Đức Tổng Giám Mục Gregory là người không ngại sử dụng các ngôn ngữ mạnh. Chúng ta hãy nhớ lại cuộc họp báo giới thiệu ngài vào năm ngoái khi ngài đến Washington. Phát biểu khi đứng cách người tiền nhiệm của mình, là Đức Hồng Y Donald Wuerl, chỉ một vài bước chân, Đức Tổng Giám Mục Gregory đã nói đi nói lại rằng ngài”thề sẽ luôn nói sự thật”. Thật không tế nhị chút nào, và hoàn toàn tách ra khỏi phong cách tán dương thường được các Giám Mục sử dụng.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gregory về sự hiện diện của tổng thống, đã được lặp lại bởi một số nhà lãnh đạo Công Giáo, nhưng không có bất kỳ Giám Mục nào khác hưởng ứng. Tuy nhiên, với tư cách là một giám mục được kính trọng từ lâu và là tổng giám mục của thủ đô quốc gia, những chỉ trích của ngài có một trọng lượng đáng kể và phải được xem xét một cách nghiêm túc.

Sự phản đối của Đức Tổng Giám Mục Gregory không phải là nhằm vào những gì Tổng thống Trump đã nói hoặc đã thực hiện trong viếng chuyến thăm này. Tổng thống Trump không đưa ra nhận xét nào. Ông và đệ nhất phu nhân đặt vòng hoa trước bức tượng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngoài trời và vào bên trong quỳ xuống cầu nguyện trước thánh tích của vị Thánh.

Sự phản đối của Đức Tổng Giám Mục Gregory cũng không phải là sự phản đối sắc lệnh hành pháp của tổng thống, được ký vào ngày hôm đó tại Tòa Bạch Ốc, nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế.

Đức Tổng Giám Mục Gregory phản đối là vì sự hiện diện của chính tổng thống, mà theo ngài là một “sự lạm dụng” và “thao túng” Đền Thờ. Dường như tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gregory là nhằm vào thời điểm hiện tại, sau cái chết của anh George Floyd. Cụ thể hơn - kể từ khi chính tổng thống Trump đã nói về vụ giết người “khiến tất cả người Mỹ ghê tởm và nổi loạn một cách chính đáng trước cái chết tàn khốc của anh George Floyd”. Sự phản đối của Đức Tổng Giám Mục có lẽ nhắm vào những lời lẽ và hành vi của tổng thống liên quan đến cuộc biểu tình và bạo loạn lan rộng sau đó, bao gồm chuyến viếng thăm Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II một ngày trước đó.

Chủ trương xa lánh Tổng thống Trump

“Tổng thống Hoa Kỳ hoàn toàn không chính đáng khi sử dụng một cơ sở Công Giáo, chẳng hạn như một Đền Thờ, để làm phông chụp ảnh trong chiến dịch tái tranh cử, ” Stephen Schneck, giám đốc điều hành của Mạng lưới hành động Phan Sinh, nói với phóng viên tờ National Catholic Reporter. “Chúng ta phải nhấn mạnh rằng Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ duy trì một khoảng cách với một người không đại diện cho điều mà Giáo hội của chúng ta đại diện.”

Schneck là một tiếng nói chính trị cao cấp của đảng Dân chủ, đã từng phục vụ vào năm 2012 với tư cách là đồng chủ tịch của phong trào “Công Giáo ủng hộ Obama”. Ông là một giáo sư nổi tiếng, từng là Khoa trưởng Khoa chính trị tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ trong 12 năm từ 1995 đến 2007, và là giám đốc của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Và Nghiên Cứu Công Giáo.

Quan điểm của Schneck, là không một tổ chức Công Giáo nào nên mời tổng thống Trump đến thăm, vì tổng thống chỉ tham gia vào các sự kiện như vậy cho việc tái tranh cử của mình. Tổng thống Trump chắc chắn không phải là chính trị gia duy nhất đến thăm một cơ sở Công Giáo vì lợi ích chính trị, vì thế trên cơ sở này, ông không thể bị loại trừ. Nói ông ta bị loại vì “không đại diện cho điều mà Giáo hội của chúng ta đại diện” thì nghe còn có lý một chút.

Nhưng lập luận đó cũng không xong, vì chính sắc lệnh hành pháp về tự do tôn giáo mà chuyến viếng thăm đền thờ này muốn làm nổi bật quả là có một giá trị Công Giáo. Bản thân Schneck cũng từng thoải mái thừa nhận, khi ông vận động cho việc tranh cử của Barack Obama và Joe Biden, rằng một ứng cử viên có thể vừa có một số quan điểm phù hợp Công Giáo vừa có những bất đồng khác.

Như thế thì Schneck và các nhà lãnh đạo có cùng chí hướng dựa vào đâu để phân biệt giữa, chẳng hạn, Trump và Biden, và kết luận rằng trước đây, Trump không đại diện cho những gì mà Giáo hội của chúng ta đại diện? Đó phải là một kết luận về chính sách, nhưng là một bản án đối với chính người đó, rằng anh ta không phù hợp để được các tổ chức Công Giáo hoan nghênh.

Nếu vậy, đó sẽ là một sự khởi đầu mới giã từ quan điểm truyền thống của Công Giáo đối với các nhân vật chính trị, trong đó chúng ta thường hạ thấp những bất đồng và đề cao khả năng hợp tác. Chẳng hạn, trong những năm gần đây, Giáo hội đối thoại ngay cả với các chế độ thù địch như ở Cuba, Venezuela, Nicaragua và Trung Quốc, và kêu gọi đối thoại mang tính xây dựng, chứ không cắt đứt quan hệ.

[1] - Disagree with the bishop all you like, but he’s still the bishop
"It’s been widely reported, and Crux has independently confirmed, that Gregory was not informed of the visit until Tuesday night when the White House issued a statement announcing it. No one associated with the shrine, including its owners, the Knights of Columbus, apparently gave the archbishop a heads-up."

[2] - Archbishop Gregory invited to JPII Shrine Trump event days before public statement


Source:National Catholic Register