Chúa Nhật VI PHỤC SINH

Trong bối cảnh phụng vụ cuối của mùa Phục sinh, chúng ta đang chuẩn bị mừng lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, rồi lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chính vì thế, hôm nay Tin Mừng vừa có nội dung cho biết Chúa Giêsu giã từ, vừa là lời hứa Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.

Chúng ta đặc biệt quan tâm lời hứa của Chúa Giêsu: "Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Người ở với các con luôn mãi. Người là Thánh Thần Chân Lý mà thế gian không thể biết".

"Thánh Thần Chân Lý". Có lần một nhà văn phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Anh ta đề nghị: "Nếu phải tóm tắt toàn bộ Tin Mừng của Chúa Giêsu trong một câu, thì Đức Giáo Hoàng sẽ chọn câu nào?". Đức Thánh Cha trả lời ngay: "Sự thật giải thoát các con" (Ga 8, 32).

Câu trả lời ấy làm nhiều người bất ngờ. Bởi thông thường người tín hữu hay nói đến tình yêu, nói về tình yêu. Trong đầu dường như có sẵn mặc định: nói về Thánh Kinh, nói về Thiên Chúa là nói về tình yêu. Mặc định như thế không sợ sai lầm. Vì quả thật, Thiên Chúa là tình yêu, là chính nguồn tình yêu và ban phát tình yêu.

Dó đó, nếu đem câu hỏi của người phỏng vấn Đức Giáo Hoàng mà hỏi từng người trên đời, chắc anh ta sẽ nghe lặp đi lặp lại lời này: "Các con hãy yêu nhau như Thầy yêu các con" (Ga 5, 12).

Chúng ta thường rất ít, nếu không muốn nói là bỏ qua việc nói đến chân lý, nói về sự thật.

Nhưng nếu có tình yêu mà không có sự thật thì tình yêu ấy nguy hiểm vì dễ sai lầm, dễ dẫn đến nát tan, đổ vỡ.

Thử nhìn lại kinh nghiệm gia đình. Chẳng hạn, cha mẹ thương con, nhưng thương theo cảm tính, nó đòi cái gì được cái ấy, thương không muốn con buồn mà chỉ muốn con vui bất chấp niềm vui ấy có được phép không. Họ nghĩ, yêu con là cho con được thỏa mãn, được thích thú, được vừa ý, được chiều chuộng.

Tình yêu ấy dễ dẫn con mình đến lối sống sai lầm, một lối sống chỉ biết đòi hỏi, chỉ biết làm chủ mà không hy sinh, không suy nghĩ hay đong đo: người yêu và kẻ được yêu như thế có lợi gì, mất mát gì. Yêu và được yêu như thế có nền tảng giáo dục hay không, có phương hại đến tư cách, nhân cách hay không...

Nhiều bạn trẻ được nuông chiều kiểu ấy, kết cuộc là ma túy, nhà tù, bụi đời, băng hoại đạo đức, gánh nặng của xã hội. Đó là tình yêu không trong chân lý, yêu dại dột. Một lối yêu có nguy cơ quay lại sát hại người mình yêu.

Vì thế, Chúa Giêsu vừa mạc khải Chúa Thánh Thần là tình yêu, nhưng cũng vừa mạc khải Chúa Thánh Thần là Thánh Thần chân lý.

Thiên Chúa không yêu con người theo kiểu sai lầm vừa nói. Tình yêu của Chúa đưa từng người đến sự sống, đến nguồn mạch sự sống là chính Chúa.

Chúa không thể yêu mà không có chân lý, không ban chân lý. Chúa không thể yêu, để rồi đẩy mỗi người đến hư mất. Chúa không thể yêu để rồi nhìn thụ tạo muốn làm gì thì làm mà không có luật, không có giáo lý hướng dẫn.

Chính lời của Chúa trong Kinh Thánh, nhất là trong Tin Mừng, là luật, là định chế, là giáo lý giúp ta sống trọn tình yêu của Chúa, sống trọn sự thật mà tình yêu ấy mang lại.

Chúa Thánh Thần soi sáng để mỗi bước đi trong đời, ta mạnh dạn sống và thực thi lời Thiên Chúa. Người giúp ta không chệch ra ngoài tình yêu và chân lý của Thiên Chúa. Người làm cho ta đi đến đích của tình yêu là chính Thiên chúa. Đó cũng chính là chân lý vĩnh cửu mà với ơn và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, ta sẽ đạt tới.

Hãy cố gắng cộng tác với Chúa Thánh Thần, Nguồn Tình Yêu và Chân lý bằng nỗ lực từng ngày sống chính Lời của Chúa Giêsu, sống trọn lề luật và giáo lý mà Hội Thánh dựa trên lời ấy trao cho ta.

Hãy cầu nguyện luôn luôn để đón nhận ơn Chúa Thánh Thần cách bền bỉ. Hãy xin ơn Chúa Thánh Thần dẫn dắt, để ta luôn đi trong ánh sáng của Người và không bao giờ lệch xa tình yêu và chân lý tối thượng ấy.