Lúc 7 sáng thứ Tư 13 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện đặc biệt lên cùng Đức Mẹ xin Mẹ cầu bầu cho các nước đang gặp những thử thách kinh hoàng, trong đó có Brazil, hay còn gọi là Ba Tây, mà Đức Thánh Cha đang rất âu lo vì tình trạng đang ngày càng nguy hiểm. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi cầu nguyện các học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và các giáo sư.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho những học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và các giáo sư là những người đang phải tìm ra những hướng đi mới trong việc học tập và giảng dạy: xin Chúa giúp họ trên hành trình này, cho họ lòng can đảm và ban cho họ những thành công lớn.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Ga 15: 1- 1) trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ “Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, thì kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái.”

Phúc Âm: Ga 15: 1-8

“Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.

“Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Đời sống Kitô hữu là một sự “ở lại” trong Chúa Giêsu. Chúa sử dụng hình ảnh của cây nho. Sự “ở lại” này không phải là một sự “ở lại” thụ động, không phải là ngủ yên trong Chúa: nhưng đó là một sự “ở lại” tích cực và cũng có một mối quan hệ hỗ tương. Nói cách khác, Chúa cũng “ở lại” trong chúng ta. Đó là một mầu nhiệm của cuộc sống, một mầu nhiệm đẹp.

Những nhánh không có sự sống không thể làm bất cứ điều gì vì chúng cần nhựa cây để sinh trưởng và sinh hoa trái. Nhưng chính cây nho cũng cần các nhánh: đó là nhu cầu chung để sinh hoa trái. Đời sống Kitô hữu bao gồm việc thực hiện các điều răn, sống theo các Các Mối Phúc Thật và làm các công việc của lòng thương xót. Đúng là như thế, nhưng còn nhiều hơn thế nữa. Đời sống Kitô hữu còn bao gồm sự “ở lại” hỗ tương này. Chúng ta không thể làm gì nếu không có Chúa Giêsu. Và dường như không có chúng ta – xin cho phép tôi nói điều này - Chúa Giêsu không thể làm gì. Ngài cần sự hợp tác hoàn toàn tự do của chúng ta. Đó là một sự thân mật hiệu quả. Sự cần thiết của cây nho là sinh trái. Điều Chúa Giêsu cần là chứng tá của chúng ta: Chúa Giêsu cần chúng ta làm chứng cho danh Người, vì Tin Mừng phát triển nhờ các chứng nhân và các chứng tá. Đó là mầu nhiệm của sự “ở lại” hỗ tương.

Thật là tốt cho chúng ta khi suy nghĩ về điều này: chúng ta ở lại trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu vẫn ở trong chúng ta. Chúng ta cần đến ơn sự cứu rỗi, và Chúa ở lại trong chúng ta để ban cho chúng ta sức mạnh làm chứng cho Ngài để Giáo hội phát triển. Đó là một mối quan hệ của sự thân mật, mầu nhiệm, không thể diễn tả hết bằng lời: điều đó không chỉ dành cho các nhà thần bí, điều đó còn dành cho tất cả chúng ta.

Để kết luận, Đức Thánh Cha dâng lên lời nguyện này:

“Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để con có hể làm bất cứ điều gì Chúa nói với con”. Đó là một cuộc đối thoại thân mật giúp chúng ta hiểu và cảm nhận mầu nhiệm của việc “ở lại” này.


Source:Vatican News