c) Tính hỗ tương giữa Đức tin và các Bí tích

56. [Khái niệm bí tích]. Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng tạo dựng để thông truyền các hồng phúc của Người và là Đấng đã tạo dựng những con người nhân bản để kêu gọi họ theo từng cá nhân và cả cộng đồng hiệp thông với Người, đi vào mối tương quan với họ theo cách trung gian, qua sáng thế và lịch sử, qua các dấu hiệu, như chúng ta đã thấy. Trong số các dấu hiệu này, các bí tích Kitô giáo chiếm một vị trí rất nổi bật, vì chúng là những dấu hiệu mà Thiên Chúa đã liên kết việc thông truyền ơn thánh của Người với một cách chắc chắn và khách quan. Thực thế, các bí tích của Luật mới là những dấu hiệu hữu hiệu thông truyền ơn thánh [71]. Như chúng ta đã nói, điều này không có nghĩa là các bí tích là phương thế duy nhất nhờ đó Thiên Chúa thông truyền ơn thánh của Người [72]; nó có nghĩa: chúng giữ một vị trí ưu tuyển, có đặc tính chắc chắn và giáo hội. Lòng sùng kính và đạo đức bản thân có thể triển khai qua các thực hành khác nhau: chẳng hạn như các hình thức cầu nguyện khác nhau được liên kết với Sách Thánh, chẳng hạn như việc đọc hoặc suy ngẫm các mầu nhiệm của đời sống Chúa Kitô; chiêm niệm các công trình của Thiên Chúa trong sáng thế và lịch sử; và các á bí tích khác nhau (xem §40), v.v.

57. [Đức tin và các Bí tích trong Định nghĩa Bí tích của Vatican II]. Trong suốt lịch sử, đã có những định nghĩa khác nhau về bí tích. Vatican II mô tả nó như sau:

“Các Bí Tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng thân thể Chúa Kitô, và sau cùng là thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên, là những dấu chỉ, các Bí Tích còn giữ vai trò giáo huấn nữa. Không những các Bí Tích giả thiết phải có đức tin, mà còn dùng lời nói và sự vật để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin đó. Do đó, được gọi là ‘các Bí Tích Ðức Tin’. Thực ra các Bí Tích ban ơn thánh, nhưng việc cử hành các Bí Tích còn là việc chuẩn bị các tín hữu đón nhận ơn thánh đó một cách hữu hiệu để thờ phượng Chúa đúng cách và để thực thi đức bác ái” [73].

Bản văn cô đọng trên nhấn mạnh một số khía cạnh căn bản của tính hỗ tương thiết yếu giữa đức tin và các bí tích, mà chúng ta sẽ tóm tắt. Đầu tiên, các bí tích có một mục đích sư phạm về đức tin của chúng ta: chúng minh họa cách thức lịch sử cứu rỗi đã diễn ra: “có tính bí tích”. Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập chúng để dạy chúng ta rằng Người tự thông truyền và thông truyền ơn cứu rỗi của Người cho chúng ta một cách cảm thấy và hữu hình, nghĩa là thích nghi với thân phận con người [74] (xem đặc biệt § § 20, 26).

Thứ hai, các bí tích giả thiết phải có đức tin theo hai nghĩa: như việc “truy cập” mầu nhiệm bí tích: nếu thiếu đức tin, bí tích chỉ xuất hiện như một biểu tượng bên ngoài hoặc một nghi thức trống rỗng, với nguy cơ sa vào một cử chỉ ma thuật; và như một điều kiện cần thiết để bí tích sản sinh về phương diện chủ quan các hồng phúc được nó chứa đựng một cách khách quan. Thứ ba, các bí tích biểu lộ đức tin của chủ thể và của Giáo hội. Việc cử hành các bí tích là một tuyên xưng đức tin sống. Các bí tích là những dấu hiệu nhờ đó đức tin mà nhờ thế con người được công chính hóa được tuyên xưng. Lời bí tích đòi hỏi sự đáp ứng đức tin của người tín hữu, người, nhờ nó, học hỏi và nhận ra mầu nhiệm được hiện thực hóa trong bí tích. Thứ tư, các bí tích nuôi dưỡng đức tin ở hai bình diện căn bản: chúng truyền đạt hồng phúc ơn thánh thần linh, tạo nên hoặc củng cố đời sống Kitô hữu của tín hữu; và chúng là những cử hành trong đó mầu nhiệm cứu rỗi được biểu tượng một cách hữu hiệu, giáo dục đức tin và nuôi dưỡng nó liên tục. Các bí tích, do đó, là các dấu hiệu của đức tin trong mọi khía cạnh của tính năng động trong việc hiện thực hóa chúng: trước, trong và sau khi cử hành. Do đó, vì các bí tích giả thiết phải có đức tin, nên điều hiển nhiên là người nhận các bí tích phải là một thành viên của Giáo hội. Chúng ta không thể quên rằng nhờ đức tin và các bí tích đức tin, chúng ta bước vào đối thoại, trong cuộc tiếp xúc quan yếu với Đấng Cứu chuộc, Đấng đang ngự bên hữu Chúa Cha. Chúa Kitô vinh hiển không chỉ đến với chúng ta trong nội tâm, nhưng trong sự cụ thể hóa hữu thể lịch sử của chúng ta, nâng cao các tình huống căn bản của cuộc hiện sinh của chúng ta lên hàng các tình huống bí tích của ơn cứu rỗi.

58. [Nối kết Đức tin và các bí tích]. Đức tin không được đảm bảo mãi mãi ở lúc hoán cải. Nó được vun xới qua việc thực hành đức ái, cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, đời sống cộng đoàn, huấn giáo, và ở một vị trí ưu việt, qua việc siêng năng lãnh nhận các bí tích. Trong lĩnh vực các mối tương quan, điều không minh nhiên và được phát biểu có nguy cơ bị pha loãng hoặc thậm chí biến mất. Chúa Kitô, hồng phúc, vốn là hồng phúc tuyệt vời của Thiên Chúa, không thể chỉ được lãnh nhận một cách vô hình hoặc riêng tư. Trái lại, người nào lãnh nhận nó được ban năng lực và được mời gọi đem nó nhập vào cuộc sống, lời nói, suy nghĩ và hành động của mình. Nhờ cách này, người ta mới có thể góp phần vào việc biến đổi tính bí tích nguyên thủy của Đấng Cứu Thế thành tính bí tích căn bản của Giáo Hội. Thật vậy, bảy thể hiện căn bản của Giáo hội (các bí tích) hiện thực hóa điều chúng muốn nói. Tuy nhiên, để việc lãnh nhận chúng có hiệu quả, cần phải có việc sẵn lòng của mỗi người lãnh nhận để thâm hậu hóa, để sống và làm chứng cho điều họ đã lãnh nhận.

59. Mối liên hệ nội tại giữa đức tin và các bí tích là điều hiển nhiên nếu chúng ta xem xét các khía cạnh thiết yếu khác. Trong số đó nổi bật là:

a) Việc cử hành bí tích: trong đó một hành động đặc thù hoặc một thực tại vật chất, vốn đã có ý nghĩa riêng, được liên hệ với lịch sử cứu rỗi và được xác định nhờ biến cố Chúa Kitô. Nhờ Lời, dấu hiệu trở thành sự hiện diện, ký ức và lời hứa ơn cứu rỗi trọn vẹn [75]. Do đó, chẳng hạn như nước tự nó vốn đã sở hữu đặc tính làm sạch. Tuy nhiên, chỉ cùng với việc cầu khẩn Chúa Ba Ngôi, nó mới tạo ra hiệu quả tái sinh để loại trừ tội lỗi.

b) Thuật ngữ “sacramentum” (bí tích) được sử dụng để dịch hạn từ Hy Lạp “mysterion (μυστήριον) (mầu nhiệm)”. Các mầu nhiệm được cử hành trong Giáo hội bắt nguồn từ mầu nhiệm đúng nghĩa, tức Chúa Kitô "giấu ẩn trong Thiên Chúa từ khởi đầu thời gian" (Eph 3: 9) và giờ đây được biết đến. Người là Đấng, qua việc nhập thể, khổ hình và phục sinh, muốn "kéo tất cả vào chính Người" (x. Ga 12,32), "để hòa giải họ với Thiên Chúa" (x. 2Cr 5: 19-21). Theo thư gửi tín hũu Êphêsô (3: 3-21 và 5: 21-33; xem Cl 1: 25-27; 2: 2-9), Giáo hội được bao gồm trong mầu nhiệm Chúa Kitô; là "thân thể" và "nàng dâu", Giáo Hội thuộc về "mầu nhiệm giấu ẩn", trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa [76]. Khái niệm “mystérion” của Tân ước có ý chỉ thực tại Thiên Chúa, Đấng tự truyền đạt chính Người cho con người trong Chúa Giêsu Kitô. Bao lâu còn là một thực tại vô tận, nó vẫn được giấu ẩn ngay trong chính biến cố mặc khải, bởi vì nó vượt quá mọi việc hiểu biết và lên khái niệm. Mặc dù lời dịch sang tiếng Latinh sacramentum nhấn mạnh đến sự mặc khải hơn là che giấu, nhưng khái niệm Latinh vẫn duy trì chiều kích có ý nhắc đến điều không thể nắm bắt được. Do đó, bất cứ ai cử hành phụng vụ của Giáo hội hoặc lãnh nhận bí tích đều được mời gọi, nhờ đức tin mà chính bản thân mình tin, vượt quá nội dung được tin để hướng tới mầu nhiệm mãi mãi lớn hơn.

c) Có một khía cạnh thứ hai cũng liên quan đến chính thuật ngữ mặc khải. Khởi đầu, sacramentum có nghĩa là "lời thề thánh thiêng", một lời thề, trái với "ius iurandum" (lời thề pháp lý), tạo ra một sợi dây trói buộc thánh thiêng. Đây là ý nghĩa trong đầu Tertullian khi ông gọi phép rửa là "bí tích" [77] và so sánh nó với lời cam kết của quân đội trong lời thề dưới cờ. Không thể cương quyết làm một điều gì đó mà không biết nội dung của nó là gì.

60. [Cần dạy Giáo lý]. Từ những gì đã được nói, chúng ta bắt đầu từ một căn bản kép. Đầu tiên, không thể có cử hành bí tích nếu không có đức tin. Thứ hai, đức tin bản thân là tham dự vào đức tin giáo hội, một đáp ứng đối với biến cố mặc khải có tính bí tích được Giáo hội chứng kiến và đề xuất, nhờ Chúa Thánh Thần. Do đó, vì việc lãnh nhận bí tích đồng thời là một hành vi có bản chất bản vị theo nghĩa hẹp và bản chất rõ ràng có tính giáo hội, nên việc dậy giáo lý thỏa đáng phải đi trước việc cử hành bí tích. Trong một việc dạy giáo lý như vậy, mầu nhiệm Vượt qua phải chiếm một vị trí vì tính trung tâm của nó trong đức tin Kitô giáo. Trong trường hợp bí tích rửa tội, giáo lý là một phần của việc được kết nhập vào Giáo hội, như đã được tri nhận trong việc phát triển thời kỳ dự tòng trong Giáo hội cổ đại. Từ một góc nhìn khác, hình thức rửa tội nguyên thủy bao gồm một việc tuyên xưng đức tin, dưới hình thức đối thoại, như Traditio apostolica (thánh truyền tông đồ) đã làm chứng [78]. Việc tuyên xưng đức tin và bản chất đối thoại giữa con người và Thiên Chúa của việc lãnh nhận các bí tích phải tiếp diễn qua việc dạy giáo lý khai tâm dẫn vào mầu nhiệm (mystagogical catechesis), diễn ra mỗi lần lãnh nhận các bí tích. Theo một cách nào đó, việc dạy giáo lý khai tâm để dẫn vào mầu nhiệm giả thiết phải bước vào sự hiện diện cánh chung diễn ra với các bí tích, tiến bộ một cách liên tục về kiến thức thông qua việc tham gia vào các mầu nhiệm được cử hành.

61. [Biểu lộ đức tin]. Các bí tích là một phần của nhiệm cục bí tích mà các tín hữu được khai tâm vào. Nhiệm cục này ngụ ý sự hiện diện của các khía cạnh hữu hình như một biểu hiện của ơn thánh vô hình. Mặc dù đức tin vào Thiên Chúa được mặc khải trong Chúa Kitô là một quà phúc ơn thánh, nhưng người lãnh nhận không chỉ là một đối tượng của quà phúc này. Đây là lý do tại sao Thánh Tôma Aquinô nói rõ rằng đức tin là một “virtus infusa vel supranaturalis” (một nhân đức được phú bẩm hay siêu nhiên). Như “nhân đức”, đức tin là một khả năng hành động được ơn thánh làm cho khả hữu, một khả năng, giống như mọi khả năng khác, có thể được hoàn thiện. Nói cách khác, mối tương quan của một tín hữu với Chúa Kitô càng sâu sắc, thì tính bí tích của đức tin này, lời cầu nguyện, lời tuyên xưng, sự đồng nhất của họ với Giáo hội và tình yêu của họ càng mãnh liệt. Thành thử, vì đức tin là một nhân đức, nó phải được biểu lộ ra bên ngoài, một cách hữu hình, theo một cách sống tương ứng với điều răn kép yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người lân cận, và trong mối tương quan với Giáo hội cầu nguyện.

62. Có thể có một đức tin chung chung, như sự thuận ý đối với mặc khải thần linh, mà không bao gồm trong chính nó niềm hy vọng vào Thiên Chúa và tình yêu Thiên Chúa vốn có trong đó. Sự phân biệt của kinh viện giữa “fides informis” (đức tin vô thể) và “fides (caritate) formata” (đức tin sinh thể nghĩa là được sinh động bởi thánh sủng [đức ái]) phản ảnh một đức tin chưa đạt đến mức độ chín mùi vốn thiết yếu đối với nó. Theo thư gửi người Do Thái, đức tin cần thiết cho ơn cứu rỗi: “không có đức tin thì không thể làm hài lòng [Thiên Chúa]” (Dt 11: 6); đây là một xác tín bắt nguồn từ cách hiểu đức tin của thời trung cổ [79]. Trong khi một mong muốn đơn thuần tin vào điều đúng sự thật (fides informis) không đặt nền tảng cho việc hiệp thông với Chúa Kitô, thì đức tin đầy yêu thương (fides caritate formata) tạo ra việc đâm rễ vào thực tại cứu rỗi và đầy phước lành của Thiên Chúa. Nói cách khác, một hình thức đức tin có thể được ban cho mà không được định hình từ bên trong bởi một tương quan bản thân với Chúa Kitô. Theo nghĩa đó, nó được coi là informis (vô thể): nó vô thể trong cấu hình của nó nhờ tình yêu của Chúa Kitô, như một đáp ứng đối với tình yêu đi trước của Người. Cũng có một loại đức tin được định hình bởi mối tương quan bản thân và đầy yêu thương với Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao nó được gọi là caritate formata: được cấu hình bởi đức ái vốn cố hữu trong sự thật của mối tương quan mà đức tin muốn phát biểu.

63. Theo sự phân biệt trên, có thể xác định rằng đức tin yêu thương quả là khởi đầu của sự sống vĩnh cửu [80]. Hành vi đích thân tin (Actus credendi) và nhân đức tin (virtus fidei) là những hành vi, tự chúng, làm cho biến cố cứu rỗi hữu hiệu nơi tín hữu. Giờ đây, hành vi đức tin sẽ bất khả nếu không có việc khẳng quyết về thực tại vốn làm cho nó khả hữu. Tuy nhiên, dù là như vậy, việc lãnh nhận mọi bí tích không tiền giả thiết phải có một đức tin được lên sinh thể nhờ đức ái, như được đặc biệt nhấn mạnh trong bí tích giải tội. Theo ý kiến của Thánh Tôma Aquinô, cả phép rửa lẫn phép hôn phối đều không đòi cùng một mức đức tin được thấm nhuần tình yêu như Bí tích Thánh Thể. Sự lãnh nhận hữu hiệu Phép Thánh Thể tiền giả thiết phải có không những đức tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong các hình bí tích, mà còn cả ý chí muốn duy trì mối dây kết hợp với Chúa Kitô và với các chi thể của Người (xem §120).

64. Bởi vì tình yêu siêu nhiên (caritas) là một hiệu quả tức khắc của ơn thánh, nên sự hiện diện của fides caritate formata trên cơ sở các tiêu chuẩn của con người không thể được quả quyết. Do đó, không ai có thể biết chắc về một người khác, thậm chí về chính bản thân mình, liệu đức tin của mình có sở hữu được phẩm tính này hay không. Điều này chỉ có thể được suy đoán từ những manh mối hoặc hiệu quả mà thôi [81]. Do đó, không thể có vấn đề đưa ra phán đoán về việc một ai đó trình diện trước Thiên Chúa ra sao hoặc muốn xác nhận hoặc bác bỏ niềm tin như một hồng phúc siêu nhiên ban ơn thánh nơi một người khác. Tuy nhiên, vì việc lãnh nhận bí tích là một hành vi công khai của giáo hội, nên khía cạnh bên ngoài và hữu hình vẫn có tính quyết định: nghĩa là bày tỏ ý định, tuyên xưng đức tin và trung thành với lời hứa rửa tội trong cuộc sống.

Kỳ sau: d) Bản chất đối thoại của các Bí tích