Lúc 7 sáng thứ Năm 10 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Ngày 9 tháng Năm, 1985, Liên Hiệp Âu Châu đã chọn ngày 9 tháng Năm hàng năm là ngày Âu Châu. Trong khi đó, ngày 10 tháng Năm được xem là ngày chấm dứt thế giới chiến tranh lần thứ hai trên lục địa này. Do đó, trong thánh lễ, Đức Thánh Cha cầu nguyện cách riêng cho Âu Châu để lục địa này có thể phát triển một cách hiệp nhất trong sự đa dạng của nó.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Trong hai ngày qua, đã có hai lễ kỷ niệm: kỷ niệm 70 năm Tuyên bố Robert Schuman, khởi đầu Liên minh Âu châu, và tiếp theo là kỷ niệm kết thúc chiến tranh. Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa cho Âu châu ngày càng hiệp nhất hơn trong tình huynh đệ, để tất cả các dân tộc có thể phát triển trong sự hiệp nhất mà vẫn giữ được sự đa dạng.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Ga 14: 1-12), trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ “Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha.”

Phúc Âm: Ga 14, 1-12

“Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói “Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha”? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta có thể nói đoạn văn này từ Phúc Âm Thánh Gioan cho chúng ta biết con đường tiếp cận với Chúa Cha. Chúa Cha luôn luôn hiện diện trong cuộc đời Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu cho chúng ta biết Chúa Cha quan tâm chăm sóc chúng ta và các tạo vật của Ngài. Và khi các môn đệ xin Ngài dạy cách cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Ngài kinh “Lạy Cha”. Chúa Giêsu luôn luôn quy hướng về Chúa Cha và trong bước này Ngài rất mạnh mẽ như thể Ngài đang mở cửa của quyền năng của lời cầu nguyện “Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ngài làm mọi việc.”

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến vai trò cầu thay nguyện giúp của Chúa Giêsu trước mặt Chúa Cha như được mô tả trong bài Tin Mừng (Ga 14: 1-12). Sau đó, Đức Thánh Cha tập trung vào những gì Thánh Phêrô mô tả về vai trò của các Tông đồ (Công vụ 6: 1-7). Điều này áp dụng cho vai trò của Người kế vị các Tông đồ, các Giám mục. Nhiệm vụ đầu tiên của các ngài, là cầu nguyện, sau đó là loan báo Lời Chúa.

Phần đầu tiên trong chương 14 Phúc Âm theo Thánh Gioan mô tả vai trò cầu thay nguyện giúp cho chúng ta của Chúa Giêsu trước mặt Chúa Cha. Nhiều lần Chúa Giêsu đã nói về việc Chúa Cha chăm sóc chúng ta. Chúa Giêsu mô tả Chúa Cha là Đấng chăm sóc chúng ta giống như Ngài chăm sóc những con chim trời và hoa huệ ngoài đồng.

Đức Thánh Cha đã nhắc lại rằng cầu nguyện cũng đòi hỏi sự can đảm và sự táo bạo cần thiết như khi rao giảng Tin Mừng. Ápraham và Môisê đưa ra các tấm gương cho chúng ta. Cả hai đã “đàm phán” với Chúa. Ápraham đã dám trả giá với Chúa khi Chúa nói với ông về những gì sẽ xảy ra với dân trong hai thành Sôđôm và Gômôrơ (x Sáng thế ký 18: 16-33), và Môise cũng đã từng thương lượng với Chúa khi Chúa muốn tiêu diệt dân Ngài và biến Môise thành nhà lãnh đạo của một quốc gia khác (xem Xh 32: 7-14).

Đức Thánh Cha sau đó đã chuyển chú ý sang Bài đọc đầu tiên, trong đó Thánh Phêrô được linh hứng để tạo ra một dịch vụ mới trong Giáo hội sau khi những người cải đạo nói tiếng Hy Lạp phàn nàn rằng các góa phụ của họ bị bỏ rơi. “Các môn đệ đã không có thời gian cho tất cả những điều này và Thánh Phêrô, được Thánh Thần Chúa soi sáng để, có thể nói là, ‘phát minh ra chức phó tế.

Điều này giải quyết được tình hình. Những người có nhu cầu có thể được chăm sóc tốt và, như Thánh Phêrô nói, các môn đệ có thể chuyên chăm cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa.

Phân tích thêm về cuộc sống của cộng đoàn tiên khởi, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chính của một giám mục là cầu nguyện. Vị Giám Mục phải “là người đầu tiên đến với Chúa Cha, với sự tự tin, táo bạo, mà Chúa Giêsu đã đề cập đến để vận động thay cho dân mình.”

“Nếu có những thứ khác lấy đi không gian để cầu nguyện thì có điều đó gì không đúng”. Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng chính Chúa là Đấng làm mọi sự, chúng ta làm rất ít. Chúa làm những việc trong Giáo hội của Ngài. Do đó, “chính lời cầu nguyện là điều làm cho Giáo hội tiến bộ.”

Thực tế này là như vậy bởi vì Chúa Giêsu đứng trước Cha và đã hứa rằng bất cứ điều gì anh em kêu cầu nhân danh Thầy, Thầy sẽ làm, để danh Cha được tôn vinh.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Giáo Hội tiến lên trong lời cầu nguyện can đảm, bởi vì Giáo Hội biết rằng nếu không có sự tiếp cận này với Chúa Cha, Giáo Hội không thể sống được.”


Source:Vatican News