Gợi ý suy niệm sứ điệp Tin Mừng CN 5 PS - Ga 14,1-12

Sau bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê-su với các môn đệ, Ngài nói với các ông về cuộc ra đi của Ngài. Nói đến cuộc ra đi là nói đến giã từ, là ly biệt, là xa cách, là âu lo xao xuyến, như lời thơ mang tính “định nghĩa” của một thi sĩ người Pháp: “Partir, c’est mourir un peu”.

Nếu “đường đời có trăm vạn nẻo”, thì cuộc sống cũng lắm kiểu “ra đi”. Không thiếu những cuộc chia tay đầy niềm vui, nhưng cũng đủ những cuộc chia tay đầy nước mắt. Nhưng cuộc “ra đi” hay “chia tay” của Chúa Giê-su có cái gì khác lạ qua Lời Ngài nói với các môn đệ: “Lòng anh em đừng xao xuyến và đừng sợ hãi ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.

Nếu mọi cuộc chia tay khác của con người gợi lên một sự cách biệt thì lời giã từ của cuộc chia tay hôm nay dường như lại là một lời mời thiết lập một mối tương quan hơn là lời ly biệt vì lời mời gọi “Tin” là lời mời gọi đi vào một tương quan sống động với Đấng Vô Hình “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.

Chúng ta hãy thử phân tích cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và các môn đệ và thử đặt mình vào trong bối cảnh của cuộc chia tay này để cảm nghiệm sâu xa hơn đâu là sứ điệp của Chúa Giê-su để lại cho chúng ta.

Trong cuộc chia tay giữa Chúa Giê-su và các môn đệ, có ba câu hỏi của ba người môn đệ đặt ra đáng để chúng ta lưu tâm:

- Ga 13,36: Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?”

- Ga 14,5: Ông Tôma thưa : “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?”

- Ga 14,8: Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”.

Câu hỏi của Phê-rô và của Tô-ma xoay quanh vấn đề “đâu” là nơi Chúa Giê-su sẽ đến. Thắc mắc của các ông cũng không có gì là lạ, vì Đức Giê-su giã từ các ông nơi này nghĩa là Ngài sẽ đến ở một nơi khác. Mà Ngài hứa sẽ mang các ông theo nên tốt hơn là hỏi trước đâu là nơi mà các ông sẽ được Ngài mang theo. Hỏi cho chắc.

Đáp lại câu hỏi của Phê-rô “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?”, Chúa Giê-su chỉ nói : “Con sẽ đi theo Thầy sau này”. Và đáp lại câu hỏi của Tô-ma Chúa Giê-su chỉ trả lời “Thầy là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”.

Trước những câu trả lời của Chúa Giê-su, các môn đệ như đang đứng trước một cuộc mạo hiểm. Mạo hiểm không phải chỉ vì các ông phải xa cách Thầy, mà mạo hiểm còn bởi vì phần các ông, các ông cũng không biết mình sẽ đi đâu. Đi đến nơi mình không biết quả là một cuộc phiêu lưu, là một sự từ bỏ tuyệt đối.

Abraham, Tổ phụ chúng ta cũng đã bao lần đứng trước cuộc phiêu lưu khi tự nguyện đi vào cuộc Giao ước thánh thiêng với Thiên Chúa, khi được Thiên Chúa mời gọi từ bỏ “quê cha đất tổ”, để “ra đi” mà không biết mình đi đâu.

“Tôi sẽ được Bề trên sai đến đâu?”. Đó cũng là câu hỏi mà người tu sĩ cũng hơn một lần đặt ra trong khi hồi hộp đợi chờ sứ vụ mới.

Các tông đồ hôm nay cũng đang ở trong giai đoạn cuối cùng được Chúa Giê-su ở cùng và được Ngài huấn luyện, giờ đây các ông cảm thấy xao xuyến âu lo vì không biết Đức Giê-su sẽ đi đâu và tương lai các ông thế nào.

Thế nhưng khi Chúa Giê-su nói với Tô-ma : “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Chúa không trả lời cho Tô-ma phải “đi đâu”, nhưng là “đi như thế nào”, nghĩa là đi trong Ngài và nhờ Ngài, vì Ngài là “đường đi” dẫn đến Chúa Cha. Làm người môn đệ Chúa chẳng phải là đi theo một học thuyết, nhưng là đi theo một NGÔI VỊ. Nỗi bận tâm của người môn đệ chẳng phải là “tôi sẽ đi đâu” nhưng là “tôi có ở trong Chúa Giê-su không?” vì Ngài “là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”.

Câu trả lời của Chúa Giê-su cho ta hiểu rằng đích điểm mà Chúa Giê-su muốn dẫn các ông đến chẳng phải là một không gian địa lý mà là một NGÔI VỊ, là chính CHÚA CHA “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Con đường để đến với Chúa Cha cũng không thể đo được bằng kilômet, vì con đường ấy cũng chính là một NGÔI VỊ, là chính Chúa Giê-su.

Đi theo con đường của Chúa Giê-su là bắc nhịp cầu tương quan với Chúa Cha nhờ trung gian là Chúa Giê-su. Khao khát nối nhịp tương quan với Đấng tuyệt đối là tiến bước trong hành trình của cuộc sống nội tâm. Hành trình ấy không chỉ tùy thuộc vào những nỗ lực của cuộc sống cá nhân chúng ta mà còn là một ân sủng: đó là ân huệ của Thiên Chúa.

Còn nỗi bận tâm của Philiphê không phải là “đi đâu”, nhưng là “Chúa Cha là ai?”, vì Ngài chính là “đích điểm sẽ đến”: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con” (Ga 14,8). Và Chúa Giê-su nói:

“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.

“Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy”.

“Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy”.

Như thế hành trình gặp gỡ Chúa Cha không phải chỉ là chuyện mai sau. Con người không chỉ có được niềm hạnh phúc gặp gỡ Chúa Cha trong nước trời vĩnh cửu, mà ngay cả trong hiện tại vì Chúa Giê-su chính là hiện thân của Cha, là Thiên Chúa hằng sống ở cùng nhân loại.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, đôi lần con sợ

Con sợ thưa xin vâng với Chúa,

Vì con không biết Chúa sẽ dẫn con đi đâu.

Lạy Chúa, đôi lần con sợ

Con sợ đi theo Chúa là con phải ký vào trang giấy trắng

Để Chúa viết vào đó

chương trình của Chúa

ý định của Chúa

Những nơi Chúa sẽ dẫn con đến

Những người Chúa muốn con ở cùng.

Lạy Chúa, đôi lần con sợ

Con sợ theo Ngài con sẽ mất tất cả

Nhưng đâu có ngờ Ngài đã cho con tất cả

Vì đến được với Chúa Cha là con được tất cả.

Lạy Chúa, đôi lần con sợ

Nhưng xin Chúa cứ huấn luyện con

Để tiếng thưa vâng của con

mỗi ngày mỗi mới

mỗi ngày mỗi thắm đượm tình yêu

Vì con biết, chỉ qua Ngài

Con mới gặp được Cha của con.

Lạy Chúa, đôi lần con sợ

Nhưng Chúa là « Đường » đi

Khi thực sự theo Ngài con sẽ không còn âu lo mình phải « đi đâu? »

Vì con sẽ luôn được ở trong SỰ HIỆN DIỆN của Ngài.

Maria Diệu Hiền (Nt. Dòng MTG – Qui Nhơn)