Lúc 7 sáng thứ Năm 7 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài quay trở lại cầu nguyện cho các nghệ sĩ và cầu xin Chúa ban phép lành cho họ và nhắc nhở chúng ta rằng trở thành Kitô hữu là thuộc về một dân tộc được Chúa chọn một cách nhưng không. Nếu không có nhận thức này, người ta rơi vào chủ nghĩa giáo điều, duy đạo đức, hay các phong trào coi mình là thành phần tinh hoa của xã hội.

Mở đầu, Đức Thánh Cha nói:

Hôm qua tôi đã nhận được một lá thư từ một nhóm nghệ sĩ: họ cảm ơn chúng ta vì lời cầu nguyện mà chúng ta dành cho họ. Tôi muốn xin Chúa ban phép lành cho họ vì các nghệ sĩ làm cho chúng ta hiểu thẩm mỹ là gì và không có thẩm mỹ thì Tin Mừng không thể hiểu được. Hãy cầu nguyện lần nữa cho các nghệ sĩ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài Đọc Một trích từ Sách Tông đồ Công vụ (Cv 13: 13-25), trong đó Thánh Phaolô vào hội đường Do Thái tại Antiôkia xứ Pisiđia và cắt nghĩa cho dân chúng lịch sử dân Israel và ơn cứu độ.

Bài Ðọc I: Cv 13, 13-25

“Bởi dòng dõi Ðavít, Thiên Chúa đã ban Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Rời Paphô, Phaolô và các bạn vượt biển đến Perghê xứ Pamphy-lia; còn Gioan từ biệt các ngài, và trở về Giêrusalem. Hai ngài sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Sau khi đọc sách luật và các tiên tri, những thủ lãnh nhà hội đường sai người đến nói với các ngài rằng: “Hỡi anh em, nếu ai trong anh em có lời khuyên bảo dân chúng, xin hãy nói”.

Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: “Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa dân Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai cập và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy. Trong thời gian bốn mươi năm, Người chịu đựng thói xấu họ trong hoang địa; và sau khi đã tiêu diệt bảy dân tộc trong đất Canaan, Người đã cho họ chiếm đất của các dân tộc ấy gần bốn trăm năm mươi năm; và sau đó, Người ban cho họ các thẩm phán cho đến tiên tri Samuel. Kế đó, họ xin một nhà vua và Thiên Chúa cho Saolê, con ông Cis, thuộc chi họ Bengiamin, cai trị họ bốn mươi năm. Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Ðavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: “Ta đã gặp được Ðavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”.

“Bởi dòng dõi Ðavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ, Ðấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Khi Thánh Phaolô giải thích về giáo lý mới, ngài nói về lịch sử ơn cứu độ. Đằng sau Chúa Giêsu có một câu chuyện dài về ân sủng, về việc Chúa chọn Israel làm dân riêng của Người, và về những lời hứa.

Chúa đã chọn Ápraham và đồng hành với dân Người. Có một câu chuyện về Thiên Chúa với dân Người. Thánh Phaolô không bắt đầu với Chúa Giêsu, nhưng ngài bắt đầu với lịch sử. Kitô giáo không chỉ là một học thuyết, mà là một lịch sử dẫn đến học thuyết này. Kitô giáo không chỉ là một tập hợp các nguyên tắc đạo đức. Kitô Giáo có các nguyên tắc đạo đức, nhưng chúng ta không phải là Kitô hữu chỉ vì tầm nhìn đạo đức, nhưng còn hơn thế nữa.

Kitô hữu cũng không phải là một tầng lớp tinh hoa những người ưu tú được chọn để biết sự thật. Não trạng tinh hoa này tồn tại trong Giáo Hội. Trở thành Kitô hữu là thuộc về một dân tộc được Chúa chọn cách nhưng không.

Nếu chúng ta không có ý thức thuộc về một dân tộc, chúng ta sẽ là các Kitô hữu ý thức hệ, với một học thuyết, và một hệ thống đạo đức. Chủ trương Kitô hữu tinh hoa tin rằng những người khác sẽ bị loại bỏ và sẽ xuống địa ngục. Nghĩ như thế chúng ta sẽ không phải là các Kitô hữu thực sự.

Nhiều lần chúng ta rơi vào những não trạng thiên vị này. Chiều kích tinh hoa làm tổn thương chúng ta rất nhiều và chúng ta mất cảm giác thuộc về dân tộc trung tín và thánh thiện của Thiên Chúa. Chúng ta mất ý thức của một dân tộc. Chúng ta phải loan truyền lịch sử cứu độ của chúng ta, và ký ức của một dân tộc. “Hãy nhớ về tổ tiên”, Thánh Phaolô đã viết như thế trong thư gởi các tín hữu Do Thái.

Sự lầm lạc nguy hiểm nhất của các Kitô hữu là thiếu ký ức thuộc về một dân tộc: đây là nơi mà chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa duy đạo đức và các phong trào tinh hoa xuất phát.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói rằng: Dân Chúa bước theo sau một lời hứa, một giao ước, không phải do họ làm ra nhưng họ nhận thức được giao ước ấy. Chúng ta là những người thuộc về dân trung tín thánh thiện của Thiên Chúa, là những người trong tổng thể có một cảm thức về đức tin và không thể sai lầm trong những gì Dân Chúa tin tưởng.


Source:Vatican News