Trước đại nạn tầm cỡ Covid-19, thẩm quyền chính trị lẽ dĩ nhiên được đề cao để ứng phó hữu hiệu và các biện pháp họ đưa ra nhằm chặn đứng lây lan và chết chóc được mọi tầng lớp dân chúng tuân theo, kể cả tầng lớp tôn giáo, trong đó, có quần chúng Công Giáo và các nhà lãnh đạo của họ.

Nhưng sức chịu đựng của con người trước các hạn chế tự do hình như luôn có giới hạn: các biện pháp phòng ngừa nghiêm khắc cho đến nay, có nơi đã lên tới 2 tháng, 1 phần 6 của năm. Câu nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại đúng cả trong đại nạn Covid-19.

Dân chủ bị đe dọa

Sự mất kiên nhẫn trên đã được biểu lộ qua bài báo của linh mục Dòng Tên Bill McCormick trên tờ America ngày 27 tháng 4, 2020: “Around the world, democracy is at risk from the coronavirus” (khắp thế giới, dân chủ đang gặp nguy cơ từ coronavirus).



Vị linh mục trên dường như được đánh động bởi câu phát biểu ngày 13 tháng 4 của Tổng thống Donald Trump: “khi một ai đó là tổng thống của Hiệp Chúng Quốc, thì thẩm quyền là toàn diện”. Câu nói này được nói ra trong bối cảnh nhiều người cho là Đảng Dân Chủ cổ vũ thẩm quyền địa phương và tiểu bang trong khi Đảng Cộng Hòa muốn bành trướng thẩm quyền liên bang.

Đến mức nào thì ai mà biết, nhưng theo Cha McCormick, câu nói ấy dường như được nói thay cho nhiều nhà lãnh đạo khác khắp thế giới. Thực vậy, nhân đại dịch Covid-19, các cuộc bầu cử đã được triển hạn ở ít nhất 50 quốc gia trên thế giới. Các chính phủ có thêm quyền trinh thám mở rộng để theo dõi các cá nhân không những lây nhiễm mà cả không lây nhiễm lấy lý do ngăn ngừa lây nhiễm nữa, như đã diễn ra ở Trung Hoa, Nam Hàn, Singapore, Do Thái và nay Úc Đại Lợi với Covidsafe App hiện được hơn 2 triệu người “download”. Chưa hết, hiện có nhiều giới hạn mới đối với tự do ngôn luận lấy cớ là ngăn chặn “thông tin sai lạc” tại những nơi như Hung Gia Lợi và Thái Lan. Tại Chile, Serbia và nhiều quốc gia khác, quân đội đã được triển khai để chấp pháp trật tự công cộng.

Cha McCormick cho rằng các hạn chế tạm thời ấy thường là cần thiết. Tuy nhiên, điều lo ngại là hiếm có bảo đảm các quyền hành mới trên đây chịu chấm dứt dù cơn khủng hoảng đã qua đi và trong một số trường hợp, cuộc khủng hoảng còn được sử dụng như cái cớ cho khát vọng lâu dài muốn toàn trị. Điển hình rõ nhất trong đại dịch Covid-19 là Viktor Orban của Hung Gia Lợi. Hiện nay thủ tướng của nước này đang cai trị bằng sắc lệnh, không bị Quốc Hội giám sát và các cuộc bầu cử bị đình hoãn vô hạn định. Và một số quyền cấp cho ông ít có liên quan đến cuộc khủng hoảng y tế, như tăng quyền kiểm soát báo chí chẳng hạn.

Tổng thống Trump mẫn cảm với cảm quan tôn giáo

Tham vọng mở rộng thẩm quyền liên bang của Tổng thống Trump không biết sẽ đi đến đâu. Nhưng rõ ràng Ông Trump đã không bỏ lỡ dịp sử dụng Covid-19 một cách có lợi cho viễn tượng nhiệm kỳ hai của Ông.

Thực vậy, theo Christopher White của tạp chí Crux, chính trong bối cảnh Covid-19, ngày 25 tháng 4 vừa qua, Ông Trump đã có một “hội nghị video” với 600 nhà lãnh đạo Công Giáo để nói với họ rằng ông là “tổng thống tốt nhất trong lịch sử Giáo Hội”.

White cho rằng trong băng ghi âm cuộc điện đàm, ông Trump nhiều lần nhấn mạnh tới việc ông ủng hộ phong trào phò sự sống và tự do chọn trường học, cố tình tô đậm nét tương phản với chính phủ Obama.

Trong số những vị tham dự cuộc điệm đàm có các Hồng Y Dolan của New York, O’Malley của Boston, Tổng Giám Mục Gomez của Los Angeles và là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ...

Cũng theo Christopher White, Đức Hồng Y Dolan và Đức Tổng Giám Mục Gomez, trước đó, tức ngày 17 tháng 4, đã tham dự một “hội nghị Video” khác của Ông Trump với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác, để bàn về việc mở lại các nơi thờ phượng. Cuộc điện đàm này không mang lại kết quả cụ thể nào có lẽ vì, như Ông Trump chỉ ra, lệnh đóng cửa các nơi thờ phượng thuộc tiểu bang chứ không phải liên bang. Vì thế ông chỉ có thể khuyến khích các tiểu bang nới lỏng lệnh cấm mà thôi.

White cho biết thêm: trong khi các Giáo Hội Thệ Phản nhấn mạnh đến việc mở lại các nơi thờ phượng, thì hai vị giáo phẩm Công Giáo không đề nghị chi cụ thể cả về khía cạnh này. Có lẽ vì quyết định cử hành các thánh lễ công cộng và ban các bí tích khác thuộc thẩm quyền của các Giám Mục địa phương.

Chính vì thế, cho đến nay, trong khi phần lớn các giáo phận Hoa Kỳ tiếp tục duy trì lệnh cấm, thì có ba giáo phận đã cho phép việc cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, dù hạn chế về số người theo qui định địa phương.

Trở lại cuộc điện đàm 25 tháng 4, trong nhận xét mở đầu, Ông Trump cám ơn các nhà giáo dục Công Giáo trong các cố gắng giáo dục từ xa trong thời Covid-19 cũng như các nâng đỡ tâm linh họ cung cấp cho các gia đình. Ông cũng nhắc đến chương trình cung cấp ngân phiếu bảo vệ nhân Covid-19 (COVID-19 paycheck protection program), được lồng vào gói trợ giúp khởi đầu do Quốc Hội thông qua hồi tháng Ba nhằm cung cấp các khoản cho vay có thể được miễn trả. Ông nói với các vị tham dự rằng ông nhấn mạnh phải bao gồm các định chế Công Giáo vào chương trình, “nếu không tôi sẽ không xử lý”.

Ông cũng nói đến các thành tích kinh tế khác cũng như cố gắng chặn đứng Covid-19. Nhưng điều ông nhấn mạnh hơn cả vẫn là thành tích phò sự sống, “ở một mức độ chưa có tổng thống nào thấy trước đây, theo nhận định của mọi người”. Ông nhắc đến việc đích thân tham dự diễn hành phò sự sống hồi tháng Giêng cũng như việc ông ủng hộ chính sách Mexico City, ngăn không được dùng tiền Liên Bang trợ giúp việc phá thai.

Sau nhận xét của ông, người lên tiếng đầu tiên là Đức Hồng Y Dolan. Đức Hồng Y cám ơn tổng thống vì “đã can đảm nhấn mạnh đến việc phải lồng các cộng đồng vô vị lợi, thuộc đức tin, và các trường học của chúng tôi” vào gói kích thích mới đây. Đức Hồng Y hy vọng sự trợ giúp này, nhất là cho các trường Công Giáo, kéo dài cả sau tháng 9. Ngài nói: “chúng tôi cần tổng thống hơn bao giờ hết”.

Tổng thống Trump đáp lại: “qúy vị sẽ có một Giáo Hội Công Giáo rất khác” nếu ông không được tái cử.

Michael J. O’Loughlin của tạp chí America thì cho hay: sau khi điện đàm với Tổng thống Trump, Đức Hồng Y Dolan đã lên chương trình Fox & Friends của Fox News để ca ngợi tổng thống đã mẫn cảm “đối với cảm quan của cộng đồng tôn giáo”.

Đức Hồng Y nói “tôi thực sự chào kính sự lãnh đạo của ông”. Có điều ngài cũng ca ngợi sự lãnh đạo của Thống đốc Cuomo (Dân chủ) của Tiểu Bang New York và Thị Trưởng New York de Blasio.

Tuy nhiên, những lời ca ngợi nồng ấm nhất vẫn dành cho tổng thống Trump. Ngài nói: “chúng tôi có những vị quyên tặng đầy chất anh hùng... và chúng tôi vốn nhận được lời hứa hẹn của các nhà lãnh đạo, và như tôi đã nói, nhất là Tổng Thống Trump, người thực sự biểu lộ sự lo lắng đối với các trường học Công Giáo, các cơ quan bác ái Công Giáo, ngành chăm sóc sức khỏe Công Giáo”.

Thế thượng phong của các giám mục Ý

Ở Ý, Thủ tướng Conte không được như thế: ông đang bị Hội Đồng Giám Mục Ý cho là vi phạm tự do tôn giáo. Thực vậy, theo John Allen, vấn đề xoay quanh chuyện cử hành thánh lễ công cộng. Cho đến nay, dù Thủ tướng Conte cho phép mở lại nhiều ngành sinh hoạt kể cả những ngành khó có thể thi hành “khoảng cách xã hội” như salon, tiệm hớt tóc... nhưng các nơi thờ phượng thì vẫn tiếp tục phải đóng cửa, dù dễ áp dụng khoảng cách này.

Một điểm nữa cần nói là Giáo Hội Công Giáo Ý là định chế “hết lòng” tuân theo luật lệ của chính phủ. Ít nhất cho đến nay. Họ vẫn chờ chính phủ ra chỉ thị mới chính thức mở cửa các nhà thờ cho việc thờ phượng công cộng. Dù thủ tướng Conte thừa nhận việc đó và từng lên tiếng ca ngợi, nhưng, đến khi bắt đầu nới lỏng lệnh cấm tụ họp, ông xem ra không lưu ý tới nguyện vọng tha thiết của giáo hội này, dù vị chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý chính thức đệ đạt.

Theo Allen, đứng trước thái độ ít hợp tác đó, Hội Đồng Giám Mục Ý đã chính thức lên tiếng đe dọa rằng nếu không nhận được đáp ứng thỏa đáng của chính phủ, các ngài sẵn sàng giành thẩm quyền đã ban cho dưới các điều khoản tự do tôn giáo của hiến pháp Ý và tự ý hành động độc lập.

Tuy nhiên, trong một nhận định ngỏ cùng tạp chí Crux, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Ý, cha Ivan Maffeis, đã khôn khéo nói rằng “hiện còn quá sớm” để thả nổi khả thể ấy.

Ngài cho biết thêm “chúng tôi tin tưởng các cuộc thương lượng sẽ tiếp diễn trong tinh thần hợp tác thân ái và xây dựng vốn đánh dấu các tuần lễ khó khăn này”. Còn nếu thương thuyết bế tắc thì là một chuyện khác.

Allen thì nghĩ rằng trong các cuộc thương lượng nói trên, phần nhượng bộ phần lớn là của ông Conte nhiều hơn của các Giám Mục Ý. Vì hiện đang có áp lực đòi tống cổ Conte, ít nhất cũng vì ông thiếu khả năng điều hành việc tái thiết sau Covid-19. Nên muốn sống còn, Conte cần bạn. Mà người bạn vững chãi hiện có đối với ông chính là Giáo Hội Công Giáo. Ông vốn là một tín hữu, sùng mộ Cha Thánh Piô Năm dấu, cố gắng hết mình duy trì liên hệ tốt với cả Vatican lẫn Hội Đồng Giám Mục Ý. Mất sự ủng hộ này, tương lai ông sẽ đi đoong.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, Giáo Hội Công Giáo “phỗng tay trên” vì nếu họ tự ý tách hàng để tự ý sinh hoạt độc lập, chương trình chống Covid-19 của Conte sẽ lâm nguy khi các nhóm khác cũng tự ý tự sinh hoạt độc lập.

Điểm cũng quan trọng nữa, theo Allen, là: trong cuộc tranh luận này, không hề có cánh tả cánh hữu. Nữ bộ trưởng Elena Bonetti, tuy cánh tả, nhưng từng tuyên bố “tôi không thể giữ im lặng liên quan đến quyết định không thể nào hiểu được không chịu nhượng bộ khả thể cử hành các buổi lễ tôn giáo. Tôi không nghĩ có bất cứ bào chữa nào cho việc nại vào ý kiến cứng rắn của ủy ban khoa học kỹ thuật. Nhiệm vụ của giới lãnh đạo chính trị là bảo vệ phúc lợi toàn diện của xứ sở, và tự do tôn giáo nằm trong số các tự do nền tảng của chúng ta”.

Không như ở Hoa Kỳ, nơi tôn giáo có khuynh hướng đảng phái, mọi đảng lớn của Ý đều có cánh Công Giáo cả và bất cứ khi nào có vấn đề quan trọng đối với Giáo Hội, các nhà lập pháp đều được các lãnh đạo đảng cấp quyền đầu phiếu theo lương tâm. Theo Allen, có lẽ việc các chính trị gia có xu hướng cánh tả lên tiếng chống lại việc đóng cửa các nơi thờ phượng là một mưu toan phá tan mưu toan độc quyền hóa việc chống lại này của chính trị gia cực hữu và dân túy Matteo Salvini gần đây. Nếu thế, thì đây là một con bài tẩy nữa nằm trong tay các Giám Mục ý trong cuộc thương lượng nhằm mở lại các thánh lễ công cộng.