Hà Nội,ngày 26 tháng 4 năm 2020 (UCA News): Những nhóm nhân quyền quốc tế vừa lên án Facebook đã chấp nhận những hạn chế cuả chính phủ Việt nam về nội dung chống nhà nước của những người bất đồng chính kiến.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cho biết, dựa theo tin từ Facebook, Facebook đã bị áp lực từ chính phủ Việt Nam và đã đồng ý hạn chế các bài đăng của những người bất đồng chính kiến. Việc này tạo ra một tiền lệ xấu không chỉ trên lãnh vực nhân quyền mà thôi mà còn làm nguy hại cho cả chính sách toàn cầu của Facebook nữa vì sự đầu hàng này sẽ đưa đến những hạn chế khác.

“Trong nhiều tháng gần đây, chính phủ đã gây trở ngại cho các máy chủ của công ty khổng lồ có trụ sở tại Hoa Kỳ để làm chậm các dịch vụ của họ, với mục đích là áp lực họ phải loại bỏ hoặc hạn chế nội dung chỉ trích chính phủ,” Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói.

Vào tháng 2 và tháng 3, Việt Nam đã buộc các hãng cung cấp dịch vụ internet ở Việt Nam phải cắt Cache (bộ nhớ dự trữ) cuả các máy chủ Facebook ra ngoài (Cache: để việc truy cập chạy nhanh hơn, Cache được dùng để ‘nạp trước cho có sẵn’ các dữ liệu cuả máy chủ vào bộ nhớ ở địa phương), như vậy làm chậm việc truy cập vào Facebook cũng như các dịch vụ thu thập dữ liệu của họ. Các máy chủ cuả Facebook đó không được đưa trở lại trực tuyến cho đến khi họ cam kết với Việt Nam là sẽ tăng cường việc kiểm duyệt các bài "chống nhà nước" cuả người địa phương.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết một phát ngôn viên của Facebook thừa nhận rằng chính phủ đã chỉ thị cho họ hạn chế quyền truy cập vào các nội dung được coi là bất hợp pháp tại Việt Nam. “Chúng tôi tin rằng tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người và làm việc chăm chỉ để bảo vệ quyền tự do dân sự quan trọng này trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải thực hiện hành động này để đảm bảo các dịch vụ của chúng tôi có sẵn và có thể sử dụng được cho hàng triệu người ở Việt Nam, những người dựa vào chúng mỗi ngày,” theo lời phát ngôn viên.

Ông John Sifton, giám đốc châu Á cuả Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết Facebook đã tạo ra một tiền lệ khủng khiếp qua việc đầu hàng hành động tống tiền cuả chính phủ Việt Nam.

“Bây giờ các nước khác cũng biết họ sẽ có thể làm thế nào để đạt được những gì họ muốn từ các công ty, điều này làm cho Facebook trở thành một kẻ đồng lõa trong việc vi phạm quyền tự do ngôn luận. Thật khó mà thấy Facebook còn sống theo nghĩa vụ nhân quyền khi họ giúp Việt Nam kiểm duyệt tự do ngôn luận,” ông Sifton nói.

Ông cảnh báo rằng đây chưa phải là phần kết thúc của câu chuyện: “chính phủ sẽ đưa ra nhiều yêu sách hơn nữa trong tương lai, và không chỉ với Facebook mà thôi.”

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng cho biết hướng dẫn của Việt Nam là thúc đẩy phát triển internet và công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ sự phát triển của đất nước và nhu cầu của người dùng.

Ông Thắng cho biết các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông nước ngoài nên tuân thủ luật pháp Việt Nam và hợp tác với chính phủ trong việc xây dựng một môi trường mạng an toàn và lành mạnh. Họ phải thực hiện đầy đủ thuế và trách nhiệm xã hội của họ, ông nói thêm.

“Facebook đã cam kết tuân thủ các quy định của Việt Nam. Việt Nam sẽ theo dõi cách thức thực hiện cam kết đó trong tương lai,” ông Thắng nói tại cuộc họp báo ở Hà Nội.

Trong một thông cáo, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết Facebook phải lập tức đảo ngược quyết định kiểm duyệt các bài đăng được coi là chỉ trích chính phủ Việt Nam.

"Facebook phải căn cứ nội dung dựa theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế về tự do ngôn luận, chứ không phải dựa trên ý kiến độc đoán của một chính phủ lạm quyền,” thông cáo viết, thêm rằng “công ty có trách nhiệm tôn trọng quyền tự do ngôn luận bằng cách từ chối hợp tác với những yêu cầu gỡ bỏ vô lý này (không thể bảo vệ này).”

Cha Phạm Quang Long, một Facebooker có 33, 000 người theo dõi, cho biết Facebook đã kiểm duyệt chặt chẽ những từ nhạy cảm theo yêu cầu của chính phủ.

“Chúng ta nên chuyển sang Twitter, một mạng truyền thông xã hội phổ biến ở phương Tây,” vị Linh mục từ Hà Tĩnh viết trên Facebook của ngài.

Đước biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng sử dụng Twitter để giao tiếp với hàng triệu người bằng nhiều ngôn ngữ.