Ngày 30 tháng Ba, 2020, trong cuộc yết kiến riêng tại Tông Điện, Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Sự Sống, đã trình Đức Giáo Hoàng Phanxicô bản văn “Đại Dịch và Tình Huynh Đệ Phổ Quát” do Hàn Lâm Viện soạn thảo nhân đại dịch Coronavirus. Đức Tổng Giám Mục viết trong một bản tuyên bố: “Đức Giáo Hoàng tâm sự với tôi hai quan tâm của ngài: ngay bây giờ phải làm thế nào giúp đỡ đặc biệt những người yếu thế nhất; còn về tương lai, làm thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này mà vững mạnh hơn trong tình liên đới’ kể cả ở bình diện hoàn cầu”.



Sau đây là nguyên văn văn kiện nói trên, đăng trên trang mạng của Hàn Lâm Viện, tại http://www.academyforlife.va/content/pav/en/news/2020/pandemic-and-universal-brotherhood.html

Toàn bộ nhân loại đang bị thử thách. Đại dịch Covid-19 đặt chúng ta vào tình trạng khó khăn chưa từng thấy, đầy bi đát và hoàn cầu, mà sức mạnh làm đảo lộn mọi kế hoạch trong cuộc sống của chúng ta ngày càng gia tăng hơn. Sự iện diện cùng khắp của cơn đe dọa này khiến chúng ta tra vấn nhiều khía cạnh trong cách sống của chúng ta, những cách sống chúng ta vốn coi là việc đương nhiên. Chúng ta đang đau đớn sống một nghịch lý mà chúng ta không bao giờ tưởng tượng được: để sống thoát căn bệnh này, chúng ta phải tự cô lập với nhau, nhưng nếu chúng ta có bao giờ phải học cách sống tách biệt với nhau như thế này, hẳn chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng điều chủ yếu xiết bao đối với cuộc sống của chúng ta là sống với những người khác.

Giữa niềm háo hức của chúng ta về kỹ thuật và quản lý, chúng ta thấy mình không được chuẩn bị về mặt xã hội và kỹ thuật đối với sự phát triển của việc lây lan này: chúng ta rất khó nhận ra và thừa nhận tác động của nó. Và bây giờ, chúng ta đang gấp rút hạn chế sự lây lan của nó. Nhưng nếu chúng ta xem xét sự mất ổn định của cuộc sống mà nó đang gây ra, chúng ta sẽ thấy sự thiếu chuẩn bị tương tự, chưa nói tới một sự phản kháng nào đó, đối với việc công nhận tính dễ tổn thương về thể chất, văn hóa và chính trị của chúng ta khi đối đầu với hiện tượng này. Sự bất ổn định này vượt quá khả năng của khoa học và của kỹ thuật nơi các thiết bị trị liệu. Sẽ không hợp tình hợp lý, và là một sai lầm, khi quy kết trách nhiệm về tình huống này cho các nhà khoa học và kỹ thuật viên. Đồng thời, điều chắc chắn đúng là chúng ta cần một tầm nhìn sâu rộng hơn và một đóng góp xuất phát từ sự suy tư có trách nhiệm hơn về ý nghĩa và giá trị của chủ nghĩa nhân bản, vì chúng cũng có tính cấp bách như việc nghiên cứu dược phẩm và vắc-xin. Và không phải chỉ có thế. Nhận ra sự sâu sắc và trách nhiệm này tạo ra một bối cảnh gắn bó và hợp nhất, liên minh và huynh đệ, do nhân tính chung của chúng ta, một nhân tính, không hề dẹp bỏ các đóng góp của những người nam nữ trong khoa học và chính phủ, trái lại, luôn hết lòng hỗ trợ những người này và khẳng định vai trò của họ. Sự cống hiến của họ, một sự cống hiến đã được mọi người biết ơn một cách xứng đáng và chân thành, chắc chắn, sau thời gian này, sẽ được củng cố và đánh giá cao.

Trong bối cảnh này, Giáo hoàng Hàn Lâm Viện về Sự Sống, với sự ủy nhiệm định chế của nó, luôn cổ vũ và hỗ trợ cuộc liên minh giữa khoa học và đạo đức học nhằm tìm kiếm một chủ nghĩa nhân bản tốt nhất, mong sao được đóng góp các suy tư của chính mình. Ý hướng của nó là định vị một số yếu tố của tình huống này, trong một tinh thần đổi mới, có nhiệm vụ nuôi dưỡng các mối tương quan xã hội và chăm sóc người ta. Tình huống đặc biệt mà hiện nay đang thách thức tình huynh đệ của cộng đồng nhân loại (humana communitas), tựu chung, cũng phải tự biến mình thành một dịp để tinh thần của chủ nghĩa nhân bản này ảnh hưởng đến nền văn hóa định chế một cách đều đặn: trong các dân tộc cá thể và trong mối liên kết hài hòa giữa các dân tộc.

Tình liên đới trong tính dễ bị tổn thương và trong các giới hạn.

Đầu tiên, đại dịch làm nổi bật một cách bất ngờ cay nghiệt tính bấp bênh vốn là đặc điểm triệt để của thân phận làm người của chúng ta. Ở một số khu vực trên thế giới, tính bấp bênh trong cuộc hiện sinh của các cá nhân và cộng đồng là trải nghiệm hàng ngày do nghèo đói làm cho mọi người không được chăm sóc, ngay cả khi sự chăm sóc có sẵn đó, hoặc không có đầy đủ thực phẩm, ngay cả lúc thực phẩm này không thiếu trên toàn thế giới. Ở những nơi khác trên thế giới, số lượng các khu vực bất trắc đã giảm dần nhờ các tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, đến mức chúng ta tự lừa dối mình rằng chúng ta không thể dễ bị tổn thương hoặc chúng ta có thể tìm ra giải pháp kỹ thuật cho mọi nan đề. Tuy nhiên, dù có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa, chúng ta vẫn không thể kiểm soát được đại dịch đang diễn ra, ngay ở trong các xã hội phát triển nhất về kinh tế và kỹ thuật, nơi nó đã lấn át khả năng của các phòng thí nghiệm và các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Những dự đoán lạc quan của chúng ta về khả năng của khoa học và kỹ thuật có lẽ đã cho phép chúng ta tưởng tượng rằng chúng ta sẽ có thể ngăn chặn sự lây lan của một dịch bệnh hoàn cầu có cường độ này, đến mức khả năng của nó dường như ngày càng xa vời. Chúng ta phải thừa nhận rằng tưởng tượng đó không đúng. Và ngày nay, chúng ta thậm chí còn được khuyến khích để nghĩ rằng, cùng với các tài nguyên bảo vệ và chăm sóc phi thường mà tiến bộ của chúng ta đã tạo ra, cũng có những tác dụng phụ cho thấy sự yếu kém trong các hệ thống của chúng ta và chúng ta không cảnh giác đủ đối với chúng.

Dù sao, điều rõ ràng một cách đau đớn là chúng ta không làm chủ số phận của mình. Và khoa học cũng đang cho thấy nhiều giới hạn của nó. Chúng ta đã biết điều này: các kết luận của khoa học luôn phiến diện, bất luận vì, do sự thuận tiện hay do các lý do thực tế, nó chỉ tập chú vào một số khía cạnh của thực tại và bỏ qua nhiều khía cạnh khác, hoặc vì, do bản chất của các lý thuyết khoa học, những lý thuyết, dù sao, chỉ có tính tạm thời và cần được duyệt lại. Nhưng trong sự bất trắc mà chúng ta đang trải qua khi đối phó với virút Covid-19, chúng ta đã tri nhận một cách rõ ràng mới mẻ tính tiệm tiến (gradualness) và phức tạp vốn là một phần của kiến thức khoa học, một kiến thức đòi phải đặc biệt chú ý tới phương pháp và việc xác nhận giá trị. Sự bấp bênh và các giới hạn trong hiểu biết của chúng ta cũng xuất hiện dưới dạng hoàn cầu, có thực và chung chia; không có luận điểm có thực chất nào cho phép một số nền văn minh hoặc thực thể tự coi mình đứng trên hết, tốt hơn những nền văn minh khác và có thể tự cô lập khi thuận tiện. Bây giờ, chúng ta đã đủ gần để “chạm” tới mối liên kết qua lại của chúng ta. Thật vậy, chúng ta liên kết với nhau bởi việc bị chường mặt cho tính dễ bị tổn thương nhiều hơn là bởi hiệu năng của các công cụ của chúng ta. Sự lây nhiễm lan truyền rất nhanh từ nước này sang nước khác; những gì xảy ra với một người trở nên có tính quyết định đối với mọi người. Tình huống này làm hiển thị hơn ngay lập tức những gì chúng ta tuy đã biết nhưng không nội tâm hóa được một cách đầy đủ: dù tốt hay xấu, các hậu quả do hành động của chúng ta luôn giáng xuống người khác cũng như giáng xuống chính chúng ta. Không có hành vi cá nhân nào mà không có các hậu quả xã hội. Điều này đúng cho từng cá nhân, và cho từng cộng đồng, xã hội và trung tâm dân số. Tác phong bất cẩn hoặc dại dột, một tác phong dường như chỉ ảnh hưởng đến chính chúng ta, trở thành mối đe dọa cho mọi người đang đương đầu với nguy cơ lây nhiễm, dù thậm chí không ảnh hưởng đến chính tác nhân. Nhờ cách đó, chúng ta học được điều này: sự an toàn của mọi người tùy thuộc sự an toàn của mọi người khác.

Sự bùng phát của dịch bệnh chắc chắn là một hằng số trong lịch sử loài người. Nhưng chúng ta không thể che giấu các đặc điểm của mối đe dọa ngày nay, một điều cho thấy: nó có thể thích ứng rất tốt tính bàng bạc của nó vào lối sống hiện tại của chúng ta và có thể phá vỡ các biện pháp bảo vệ. Với mạng lưới giao thông và chuyển hàng rộng khắp và hữu hiệu của mình, chúng ta hẳn nhận thức được các hiệu quả của các mô hình phát triển của chúng ta, những mô hình từ trước đến nay vẫn khai thác các khu rừng bất khả xâm phạm nơi mà các vi sinh vật xa lạ với hệ thống miễn dịch của con người được tìm thấy. Có lẽ chúng ta sẽ tìm ra giải pháp cho những gì đang tấn công chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải làm điều đó vì biết rằng loại đe dọa này đang thu thập tiềm năng có tính hệ thống lâu dài.

Thứ hai, tốt hơn nên giải quyết vấn đề bằng các nguồn tài nguyên khoa học và tổ chức tốt nhất mà chúng ta hiện có, tránh việc dùng ý thức hệ chỉ để nhấn mạnh tới mô hình xã hội nào chịu đánh đồng sự cứu rỗi với sức khỏe. Thay vì bị coi như một thất bại của khoa học và kỹ thuật, một điều chắc hẳn luôn khiến chúng ta phấn khích vì sự tiến bộ của nó, nhưng đồng thời cũng khiến chúng ta khiêm tốn sống với những giới hạn của nó, bệnh tật và cái chết là vết thương sâu nhất đối với những xúc cảm thân thương và sâu sắc nhất của chúng ta, nhưng, điều này không thể áp đặt lên chúng ta việc bác bỏ tính chính đáng của những xúc cảm này và sự đổ vỡ của các mối dây nối kết xúc cảm ấy. Và điều này, ngay cả khi chúng ta phải chấp nhận việc chúng ta không có khả năng đạt trọn được tình yêu mà những xúc cảm và mối dây ràng buộc này chứa đựng trong chính chúng. Mặc dù cuộc sống của chúng ta luôn luôn có tính tử sinh, chúng ta vẫn hy vọng rằng điều đó không đúng đối với mầu nhiệm tình yêu trong đó cuộc sống vốn cư ngụ.

Còn 1 kỳ