1. Bergamo được xem là giáo phận tử đạo tại Ý với 25 linh mục thiệt mạng vì coronavirus

Theo tờ Avvnire, tức là Tương lai, tờ báo của Hội Đồng Giám Mục Ý, giáo phận Bergamo là giáo phận có số các linh mục thiệt mạng vì coronavirus cao nhất trong số 227 giáo phận của Italia. Kể từ khi bắt đầu dịch bệnh tới nay đã có 25 linh mục thuộc giáo phận Bergamo thiệt mạng.

Các ngài đã chết vì tận tụy với đàn chiên trong bối cảnh có những sai lầm trong phán đoán của chính quyền miền và thành phố.

Từ đầu đại dịch coronavirus cho đến nay, Bergamo được coi là một trong những địa danh kinh hoàng nhất tại Ý. Từ ngày 22 tháng Hai, Thủ tướng Giuseppe Conte đã cách ly 10 thị trấn trong tỉnh Lodi cách Bergamo 70km về phía Nam. Đó là khu vực đỏ đầu tiên trên đất Ý. Quân đội và cảnh sát áp đặt lệnh cô lập trong nhà đối với cư dân trong khu vực. Tuy nhiên, Bergamo với 376 nhà máy và xí nghiệp mang lại một nguồn lợi lên đến 850 triệu Euros một năm đã được cho hoạt động bình thường. Vì thế, đến ngày 1 tháng Ba, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại Bergamo đã lên đến 220 người. Một tuần sau thành phố mới bị cách ly. Lúc đó đã quá muộn. Trong một tuyên bố có tựa đề “Noi Denunceremo”, nghĩa là “Chúng tôi sẽ lên tiếng”, 30,000 chữ ký đã thu được cho đến nay nhằm yêu cầu chính quyền mở một cuộc điều tra về các quyết định đã được đưa ra liên quan đến thành phố này, dẫn đến cái chết của 4,800 người cho đến nay.

Bergamo có 992,300 dân. Trong số đó 937,200 là người Công Giáo, chiếm tỷ lệ 94.5%, sinh hoạt trong 389 giáo xứ, dưới sự chăm sóc mục vụ của 706 linh mục triều. Bên cạnh đó còn có 189 linh mục dòng.

2. Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki nói rằng các thánh lễ nên được cho phép tái tục càng sớm càng tốt

Một Hồng Y người Đức cho rằng đã đến “thời cao điểm” để khôi phục các lễ nghi Phụng Vụ công khai khi đất nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp cô lập.

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của tổng giáo phận Köln nói rằng các thánh lễ nên được cho phép tái tục “càng sớm càng tốt” sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel báo hiệu rằng các cửa hàng nhỏ và các trường học có thể được mở cửa trở lại trong những tuần tới.

Đức Hồng Y Woelki đã nói với CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, ngày 17 tháng 4 rằng “Không bỏ qua các quy định, đã đến ‘thời cao điểm’ để khôi phục cách nào đó các lễ nghi Phụng Vụ công khai. Tôi không nghĩ đến việc trở lại trạng thái bình thường chúng ta đã biết trước thời dịch bệnh. Tất nhiên, còn quá sớm để nói về điều đó”.

“Các quy định vệ sinh phải tiếp tục được tuân thủ, các quy tắc về khoảng cách và nhiều thứ khác nữa. Chúng ta đã học được những điều mới và cũng sẽ thực hành chúng một cách tận tình. Nhưng các cử hành Phụng Vụ nên được cho phép tái tục càng sớm càng tốt trong khuôn khổ được xác định một cách chính xác.”

Hôm thứ Năm, ngày 16 tháng Tư, Đức Hồng Y đã gặp ông Armin Laschet, Thủ hiến của bang North Rhine-Westphalia, miền tây nước Đức, nơi có thủ phủ là thành phố Köln.

Sau đó, Đức Hồng Y đã cảm ơn ông Laschet qua Twitter vì cam kết của ông sẽ giảm bớt các hạn chế đối với việc thờ phượng công khai càng nhanh càng tốt.

Trong khi khoảng cách xã hội và các biện pháp phòng ngừa khác là cần thiết, Đức Hồng Y nói rằng việc thực hành tôn giáo là một quyền cơ bản.

“Do đó, các cử hành tôn giáo phải được cho phép trong các điều kiện nhất định, càng sớm càng tốt,” ngài viết. “Sự trông mong của mọi người đối với việc chăm sóc mục vụ, định hướng và thờ phượng là rất lớn.”

CNA Deutsch cho biết tổng giáo phận Köln đang vạch ra kế hoạch khôi phục các Thánh lễ có công chúng tham dự trong khi tuân thủ các hướng dẫn về sức khỏe và an toàn.

Các giám mục Đức khác cũng kêu gọi nới lỏng các hạn chế, bao gồm cả Đức cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức và Đức cha Gregor Maria Hanke của giáo phận Eichstätt.

Trong một diễn biến khác, Đức Hồng Y Woelki đã viết thư cho những trẻ em chuẩn bị rước lễ lần đầu. Trong bức thư, đề ngày 19 tháng Tư, ngài nói rằng, dù có một chút buồn bã vì các nghi lễ rước lễ lần đầu đã bị hủy bỏ, các em đã được trao tặng “món quà thời gian” để suy tư thêm về ý nghĩa của việc được rước lễ lần đầu.

Thủ tướng Angela Merkel cho biết hôm 15 tháng 4 rằng các quy tắc về khoảng cách xã hội sẽ được duy trì cho đến ít nhất là ngày 3 tháng 5. Nhưng các cửa hàng nhỏ hơn sẽ có thể mở cửa trở lại từ tuần tới và các trường sẽ mở cửa từ ngày 4 tháng Năm.

Đến nay, tại Đức có 141,397 trường hợp nhiễm bệnh trong đó có 4,352 trường hợp tử vọng. Tỷ lệ tử vong trên số người nhiễm bệnh tại Đức là thấp nhất thế giới.

3. Đức Thánh Cha dâng lễ cầu nguyện cho những ai chăm sóc cho những người khuyết tật

Lúc 7 sáng thứ Bẩy 18 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những ai đang giúp đỡ cho những người khuyết tật trong đại dịch coronavirus kinh hoàng này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm qua, tôi nhận được một lá thư từ một nữ tu làm thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc. Lá thư giúp tôi hiểu việc chăm sóc sức khỏe cho những người khuyết tật khó khăn đến thế nào, đặc biệt là trong hoàn cảnh đại dịch coronavirus hiện nay. Vì thế, trong thánh lễ này chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang chăm sóc cho những anh chị em bị các dạng khuyết tật của chúng ta.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào sự mạnh dạn của các Tông đồ khi rao giảng Tin Mừng sau Lễ Hiện Xuống. Đức Thánh Cha đã tập trung các suy tư của ngài trên Bài đọc một trong đó các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ đã ngạc nhiên trước sự mạnh dạn của hai Thánh Phêrô và Gioan Tông đồ (Công vụ 4: 13-21).

Hai Thánh Phêrô và Gioan, là hai người thất học và dốt nát, đã đẩy các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ vào góc tường vì sự mạnh dạn của các ngài. Các nhà chức trách tôn giáo đã rất ngạc nhiên đến nỗi họ không thể trả lời đối với những sự thật đang diễn ra trước mắt họ. Một người đàn ông đã được chữa lành khi hai Thánh Phêrô và Gioan kêu cầu danh Chúa.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thuật ngữ Hy Lạp “parrhesia”, thường được dịch là sự mạnh dạn, thẳng thắn hay can đảm. Ngài nói rằng parrhesia là phong cách của các nhà truyền giáo Kitô trong Tông đồ Công vụ.

“Chính sự mạnh dạn Kitô giáo thúc đẩy chúng ta nói một cách công khai về Chúa. Chẳng hạn, trong Tông đồ Công vụ, Phaolô và Banaba đã tìm cách giải thích mầu nhiệm Chúa Kitô cho người Do Thái một cách kiên quyết và rao giảng Tin Mừng một cách mạnh dạn”.

Mạnh dạn là nét rất đặc trưng của các Kitô hữu, đến mức một Kitô hữu mà không có tính chất ấy, thì không phải là một Kitô hữu tốt. Đức Thánh Cha đã trích dẫn một đoạn từ Thư gửi các tín hữu Do Thái, và nói rằng ngài rất thích đoạn thư ấy. Tác giả nhận ra rằng cộng đồng Kitô giáo đã bắt đầu mất đi sự mạnh bạo ban đầu của họ. Họ đã trở nên thờ ơ. “Xin anh em nhớ lại những ngày đầu: lúc vừa được ơn soi sáng, anh em đã phải đối phó với bao nỗi đau khổ dồn dập. Vậy, anh em đừng đánh mất lòng tin tưởng mạnh dạn của anh em” (Dt 10:32, 35).

Tuy nhiên, sự mạnh dạn của các Tông đồ đã được đáp lại với những trái tim cứng rắn, khép kín, bại hoại của các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ.

“Họ không biết phải làm gì. Họ vẫn còn kinh ngạc. Thay vì chấp nhận sự thật mà họ đã thấy trước mắt, trái tim họ khép kín đến nỗi họ chọn con đường ngoại giao, con đường thỏa hiệp. Họ đã thực sự bị dồn vào một góc vì sự mạnh dạn của các Tông đồ. Họ không biết làm thế nào để thoát khỏi tình huống này. Họ không bao giờ nghĩ đến câu hỏi: Chẳng lẽ điều này là sự thật sao?”

Lối thoát của họ là đe dọa hai Thánh Phêrô và Gioan, và ra lệnh cho các ngài không bao giờ được nói hoặc dạy bảo nhân danh Chúa Giêsu. Phản ứng của các Tông đồ là vô cùng táo bạo nếu chúng ta nhớ lại rằng chỉ trước đó không lâu, trong cuộc thương khó, ông Phêrô đã hèn nhát chối Chúa Giêsu. Ông mạnh dạn đáp lại các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ rằng “Trước mặt Chúa, các ngài hãy xét coi: nghe các ngài hơn nghe Chúa, có phải lẽ không? Vì chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe” (câu 19). Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Những gì đã xảy ra trong trái tim của Thánh Phêrô?”

Ân sủng của Chúa Thánh Thần là sự thẳng thắn, can đảm, mạnh dạn. Đó là một món quà, một ân sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho Thánh Phêrô vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Ngay sau khi nhận được Chúa Thánh Thần, các ngài đã ra đi rao giảng một cách can đảm, một điều thật mới mẻ đối với các ngài.

Trong Tin Mừng theo Thánh Máccô (Mc 16: 9-15), Chúa quở trách các môn đệ của Ngài chính vì sự không tin và cứng lòng của họ. Họ đã từ chối tin rằng Ngài đã sống lại dựa trên lời chứng của những người đã nhìn thấy Ngài. Nhưng rồi họ nhận được sự can đảm cần thiết để đi khắp thế gian loan báo tin mừng cho muôn dân khi Chúa Giêsu ban cho họ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, khi Ngài nói với họ “Hãy nhận lãnh Chúa Thánh Thần”.

Sứ vụ bắt đầu ngay tại đây, từ ân sủng khiến chúng ta can đảm, mạnh dạn trong việc loan báo Lời Chúa.

Đức Thánh Cha đã kết thúc bài giảng với lời cầu nguyện sau:

Xin Chúa giúp chúng ta luôn can đảm như thế. Điều này không có nghĩa là thiếu thận trọng - không, không phải như thế. Sự can đảm của các tín hữu Kitô luôn luôn là khôn ngoan, nhưng dũng cảm.