Thế giới đã và đang đối diện với muôn vàn khó khăn thử thách: khó khăn do thiên tai như mất mùa, hạn hán, động đất, lũ lụt và khó khăn do nhân tai như nạn ô nhiễm môi trường, chiến tranh, hận thù, ghen ghét và đố kỵ. Một trong những đau khổ lớn nhất hiện nay mà con người trên hành tinh đang phải đối diện là sự đe dọa của chủng vi rút chết người Corona. Trước hiện tình bi đát này, nhiều người rơi vào cảnh hoang mang, lo sợ, thậm chí đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Một số người lâu nay vốn thượng tôn khoa học kỹ thuật thì hiện nay cũng phải thở dài chán nản khi chưa thấy triển vọng rõ rệt nào từ khoa học, chưa thấy một phương dược nào đặc trị loại vi rút Corona này. Còn với các tín hữu, cách riêng các tín hữu Công Giáo, dù phải lo sợ về mặt tự nhiên, tuy vậy họ luôn có một điểm tựa tinh thần vững chắc, đó là niềm tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa – lòng thương xót có sức cứu độ thế giới.

Trước hết, chúng ta cần biết được ý nghĩa và ý thức được tầm quan trọng của lòng thương xót. Lòng thương xót chính là lòng yêu thương, trắc ẩn đối với tha nhân. Lòng thương xót như chìa khóa để con người mở ra các mối tương quan, các mối giao hảo giữa mình với người khác. “Không ai trên đời là một hòn đảo, dù là hòn đảo vẫn dính liền đại dương. Ta sinh ra trong đời phải biết yêu thương, sống với mọi người và sống cho mọi người”. Đó là lời hát quen thuộc mà chúng ta vẫn cất lên khi diễn tả tương quan tình yêu giữa con người đối với nhau. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài hát có nhan đề Để Gió Cuốn Đi đã viết một câu thật ý nghĩa rằng: “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Tấm lòng đó là gì nếu không phải là tình yêu thương đồng loại, là vui với người vui, khóc với người khóc. Tình yêu đó âu cũng là lòng thương xót.

Thứ hai, con người cần vững tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót ở đây không phải là một ý niệm trừu tượng mà con người mãi ngưỡng vọng, không phải là Nguyên Lý Toán Học, hay Đệ Nhất Động Cơ của triết học Aristote, hoặc Đạo của Lão Tử, lại càng không phải là “sự thật kỹ thuật” của con người trong thời đại hôm nay. Lòng thương xót đó chính là một con người, một Ngôi vị, được cụ thể hóa trong một nhân vật lịch sử là Đức Giêsu Kitô, là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Ngài chính là Dung Mạo lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa toàn năng nhưng đã không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã mặc lấy thân phận loài người hèn mọn chúng ta, để yêu thương chúng ta, để chung chia niềm vui nỗi buồn với chúng ta, và đặc biệt để cứu độ hồn xác chúng ta. Chính Ngài là niềm hy vọng của toàn thể nhân loại. Ngài chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x. Ga 14,6). Ngài không chỉ là người dẫn đường nhưng chính là con đường; Ngài không chỉ là người đưa ta tới sự thật nhưng chính Ngài là sự thật; Ngài không chỉ là người khơi nguồn sự sống nhưng chính là sự sống, là ơn cứu độ nhân loại. Ngài là dung mạo, là cửa thương xót, điều đó đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định trong Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót (Misericordiæ Vultus) bằng những lời như sau: “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này. Nơi Đức Giêsu Nazareth, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh” Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta. Vậy, con người sẽ được cứu độ nếu họ biết đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa và sống theo thánh ý của Ngài.

Thứ ba, lòng thương xót của Thiên Chúa là niềm hy vọng cho con người trong hoàn cảnh bi đát hiện nay. Quả vậy, hơn lúc nào hết, con người trên thế giới đang cần ánh dương hy vọng, đang cần một điểm tựa, cần một ánh đuốc soi đường giữa đêm đen mịt mù của chiến tranh, loạn lạc, ốm đau, bệnh tật, nhất là giữa đại dịch Coronavirus. Chỉ trong ánh quang phục sinh, con người mới có hy vọng. Đức Giêsu Kitô đã chiến thắng sự chết, đã phục sinh vinh hiển. Ngài chỉ nằm trong mộ phần một thời gian ngắn rồi đã phục sinh. Đó cũng là niềm hy vọng cho những ai đặt niềm tin và dấn bước theo Ngài. Tin tưởng vào Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta hy vọng rằng, dù nhiều khi Thiên Chúa chưa can thiệp ngay lập tức; dù Ngài chưa cất gánh nặng đau khổ đang đọa đày con người – đau khổ mà Ngài không phải là nguyên do. Nhiều khi Chúa có vẻ như trì hoãn, nhưng đối với những người có đức tin, luôn luôn tồn tại một điều tích cực là: Thiên Chúa không đến để xóa bỏ đau khổ cho con người nhưng Ngài đến để đem lại ý nghĩa cho đau khổ, nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Cái chết của Con Chúa trên thập giá là câu trả lời cho chúng ta trước vấn nạn bi đát này. Trước sự thất vọng do dịch bệnh Coronavirus gây nên, chúng ta chỉ có thể ngước nhìn Đấng bị đâm thâu, chỉ biết thinh lặng mà suy về mầu nhiệm đau khổ, với một niềm xác tín rằng, chung quanh thập giá sẽ xuất hiện viền hào quanh phục sinh.

Tóm lại, giữa muôn trùng khổ đau của kiếp người, giữa những chông chênh của cuộc sống, con người luôn luôn có một điểm tựa vững chắc đó là Lòng Thương Xót. Lòng thương xót đó không chỉ là một khái niệm nhưng là một Ngôi vị, là Thiên Chúa đã nhập thể làm người và ở cùng chúng ta. Ngài đã mang lấy tội lỗi con người mà đưa lên cây thập giá. Từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu, một dòng nước trường sinh được tuôn trào, đem lại nguồn ơn cứu độ nhân loại. Nó là niềm hy vọng cho con người trên thế giới nói chung, cách riêng cho những ai đang ở trong hoàn cảnh đáng thương vì bị cách ly, bị lây nhiễm hay những ai bị thiệt mạng vì Coronavirus. Trước đại dịch Coronavirus, xin nhắc lại nơi đây lời của vị mục tử, Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Trưởng Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng cho các dân tộc như sau: “ngày nay thế giới cần đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa hơn bao giờ hết”. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.

LM. Jos Đồng Đăng