Trong một cuộc phỏng vấn của Austen Ivereigh, người viết tiểu sử của ngài, đăng trên hạp chí The Tablet của Công Giáo Anh, Đức Phanxicô cho rằng Mùa Chay và Mùa Phục Sinh năm nay có thể là giờ phút của óc sáng tạo và hồi tâm đối với Giáo Hội, thế giới và toàn bộ sáng thế.

Austen cho hay cuối tháng Ba, ông trình Đức Phanxicô rằng đây là khoảnh khắc tốt để ngài nói chuyện với thế giới nói tiếng Anh. Không hứa hẹn gì, nhưng Đức Giáo Hoàng bảo ông gửi cho ngài một số câu hỏi. Ông chọn 6 thể tài, mỗi thể tài một số câu hỏi để tùy ngài trả lời hay không. Một tuần sau, ông được thông báo: ngài đã ghi lại một số suy tư để trả lời các câu hỏi của ông.

Óc sáng tạo

Câu hỏi đầu tiên về trải nghiệm đại dịch và việc hạn chế đi lại, cả về phương diện thực tiễn lẫn thiêng liêng. Đức Phanxicô cho hay: Giáo triều vẫn cố gắng thi hành việc làm của mình và sống bình thường, tổ chức thành nhiều ca làm việc để tránh mọi người cùng hiện diện một lúc. Mọi người làm việc tại văn phòng hay tại phòng riêng, sử dụng kỹ thuật tân tiến.

Về phần Đức Giáo Hoàng, ngài cầu nguyện nhiều hơn, nghĩ đến người ta. Người ta là mối quan tâm hàng đầu của ngài. Việc nghĩ đến người khác “đã xức dầu cho tôi” nghĩa là làm tốt ngài, đem ngài ra ngoài việc bận bịu về chính mình. “Dĩ nhiên, tôi có các lãnh vực ích kỷ của riêng mình...”

Ngài nói ngài nghĩ đến các trách nhiệm của ngài lúc này, và điều sẽ xẩy ra sau này. Đâu sẽ là việc phục vụ của ngài trong tư cách Giám Mục Rôma, đứng đầu Giáo Hội, sau này? Sau này này đã bắt đầu tỏ hiện đầy thảm kịch và đau đớn, đó là lý do khiến ngài nghĩ đến nó lúc này. Bộ Cổ Vũ Sự Phát Triển Tòan Diện Con Người đã bắt tay làm việc về điểm này và đã yết kiến ngài.



Quan tâm hàng đầu của ngài, ít nhất điều xuất hiện trong lúc ngài cầu nguyện, là phải đồng hành ra sao và gần gũi hơn với Dân Chúa thế nào. Do đó mà có Thánh lễ trực tuyến lúc 7 giờ sáng được nhiều người theo dõi và đánh giá cao, cũng như các bài nói chuyện của tôi, và biến cố 27 tháng Ba tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, và các sinh hoạt của phòng bác ái của phủ Giáo Hoàng nữa, nhằm giúp đỡ người bệnh và đói ăn.

Đức Giáo Hoàng nói: “tôi sống những điều ấy trong thời nhiều bất trắc lớn lao. Đây là thời của phát minh, của sáng tạo”.

Gần gũi dân chúng

Câu hỏi thứ hai về cuốn tiểu thuyết thời danh thế kỷ 19 tức cuốn I Promessi Sposi (Đính Hôn) của Alessandro Manzoni, trong đó, có nhắc đến trận đại dịch năm 1630 tại Milan và hai kiểu linh mục: Don Abbondio nhát đảm, Hồng Y Borromeo thánh thiện, và các tu sĩ Capuchin phục vụ người bệnh bị cách ly. Dưới ánh sáng đó, Đức Giáo Hoàng nghĩ gì về sứ mệnh của Giáo Hội trong lúc này?

Đức Phanxicô ca ngợi Đức Hồng Y Borromeo nhưng cho rằng ngài bất cập bởi có lúc ngài đến thăm một làng kia trong chiếc xe phủ kín để bảo vệ khỏi nhiễm bệnh. “Điều đó không khá lắm đối với dân chúng. Dân Chúa cần mục tử của họ gần gũi họ, chứ không tự bảo vệ mình cách thái quá. Dân Chúa cần các mục tử của họ biết tự hy sinh giống như các tu sĩ Capuchin, ở gần dân chúng”.

Đức Phanxicô nhận định thêm rằng “óc sáng tạo của các Kitô hữu cần được biểu lộ rõ qua việc mở ra các chân trời mới, mở các cửa sổ, mở siêu việt hướng tới Thiên Chúa và hướng tới người ta, và qua việc tạo ra những cách thế mới để ở trong nhà. Tự giới hạn mình ở trong nhà không phải là điều dễ dàng. Tâm trí tôi bỗng nhớ một câu trong Aeneid giữa lúc bại trận: lời khuyên là không đầu hàng, nhưng tự cứu lấy bạn cho những lúc tốt hơn, vì trong những lúc ấy, ký ức về điều đã xẩy ra sẽ giúp ích cho bạn. Hãy quan tâm chăm sóc chính các bạn chuẩn bị cho một tương lai sẽ đến. Và ký ức về điều đã xẩy ra sẽ đem lại lợi ích cho các bạn trong tương lai”.

“Hãy quan tâm chăm sóc cái bây giờ, cho cái tương lai. Luôn luôn một cách sáng tạo, với một óc sáng tạo giản đơn, có khả năng phát minh ra một điều gì đó mới mẻ mỗi ngày. Trong gia đình, điều đó không khó kiếm, nhưng đừng bỏ cuộc, đừng núp đàng sau chủ nghĩa trốn tránh, chẳng ích lợi chút nào trong lúc này”.

Kiểm dịch hay loại trừ

Câu hỏi thứ ba đề cập đến chính sách kiểm dịch (quarantine) toàn dân, hy sinh phúc lợi kinh tế vì những người dễ bị tổn thương, nhưng quả cho thấy một mức độ loại trừ (exclusion) nào đó mà xưa nay vốn được coi là bình thường và chấp nhận được.

Đức Phanxicô đồng ý. Một số chính phủ đưa ra các biện pháp gương mẫu để bảo vệ dân dựa trên các ưu tiên rõ ràng. Nhưng phải nhận rằng, dù muốn hay không, mọi suy nghĩ đều được lên khuôn quanh kinh tế. Trong thế giới tài chánh, xem ra thói thường là hy sinh [người ta], là thực hành chính trị của nền văn hóa vứt bỏ, từ lúc bắt đầu tới lúc tận cùng sự sống. Thí dụ lọc lựa tiền sinh: người có hội chứng Down chẳng hạn, khi chụp X quang khám phá thấy, thường là bị loại bỏ. Nền văn hóa trợ tử cũng thế, đối với người cao tuổi: cho uống thuốc đến một điểm nào đó thôi.

Về vấn đề đó, Đức Phanxicô nhắc nhớ Thông Điệp Humanae Vitae của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI. Điều quan trọng là thông điệp ấy cảnh cáo chủ nghĩa tân-Malthus. Ta thấy nó trong cách người ta bị lọc lựa theo việc họ có ích hay không. Đúng là nền văn hóa vứt bỏ. Người vô gia cư cũng cùng chung số phận. Đức Phanxicô trưng dẫn: gần đây, ở Las Vegas, người ta nhốt người gia cư vào trại kiểm dịch, trong khi các khách sạn trống trơn.

Hoán cải hồi tâm

Câu hỏi kế tiếp là liệu cuộc khủng hoảng hiện nay có là cơ hội để hoán cải môi sinh nhằm tái lượng định các ưu tiên và lối sống, liệu có chăng một nền kinh tế có tính “nhân bản” hơn?

Câu trả lời của Đức Phanxicô khá dài. Ngài trích dẫn câu phương ngôn Tây Ban Nha: Thiên Chúa luôn tha thứ, chúng ta đôi khi tha thứ, nhưng thiên nhiên không bao giờ tha thứ để nói rằng ta làm bậy, thiên nhiên sẽ "trả thù" hay trả đũa, cụ thể là hỏa họan tại Úc, tầu xuyên qua Bắc cực vì băng sơn chẩy tan, lụt lội khắp nơi.

Ngay sau đó ngài nói đến cuộc đổ bộ Normandy: đã đành nó đánh dấu ngày tàn của một chế độ độc tài, nhưng 10,000 binh sĩ đã bỏ mình trên bãi biển. Rồi nghĩa trang Redipuglia nơi ngài đến thăm nhân dịp kỷ niệm 100 năm Thế Chiến I: một đài kỷ niệm với nhiều tên trên phiến đá. Chỉ có thế. Ngài khóc vì quả là “cuộc tàn sát vô nghĩa” như lời đức Bênêđíctô XV nhận định.

Rồi các diễn văn đầy chất dân túy hiện nay ở Âu Châu khiến người ta nhớ đến các diễn văn của Hitler năm 1933. Và ngài kết luận rằng đây không phải là đại dịch đầu tiên của con người. Phải nhớ lại [các thảm họa] để hoán cải hồi tâm.

Ngài cho rằng thảm họa lần này đụng đến mọi người, giầu cũng như nghèo, làm nổi bật tính giả hình của một số nhân vật chính trị: nói đến nghèo đói, nhưng vẫn mải miết chế tạo vũ khí. Cần phải hồi tâm hóan cải khỏi thứ giả hình chức năng (funstional hypocrisy) ấy. Nay là lúc phải liêm chính. Một là nhất quán với các niềm tin của ta hai là đánh mất mọi sự.

Về hoán cải hồi tâm, ngài bảo mọi cuộc khủng hoảng đều có cả nguy hiểm lẫn cơ may: cơ may thoát hiểm. Ngài khuyên nay ta phải hãm tỷ lệ sản xuất và tiêu dùng và học hiểu và chiêm ngưỡng thế giới tự nhiên. Ta cần kết nối với môi trường có thực quanh ta. Cơ hội hoán cải hồi tâm là thế.

Ngài có thấy những dấu hiệu đầu tiên của một nền kinh tế nhân bản hơn, nhưng phải cố giữ đà này đừng quay trở lại quá khứ. “Đây là lúc đưa ra biện pháp dứt khoát, ra khỏi não trạng sử dụng và lạm dụng thiên nhiên, bước vào tác phong chiêm ngưỡng nó. Ta đã đánh mất chièu kích chiêm niệm; ta phải phục hồi nó ngay vào lúc này”.

Nói đến chiêm niệm, ngài bảo: đây là lúc ta phải nhìn thấy người nghèo. Chúa Giêsu bảo chúng ta luôn có người nghèo ở với chúng ta. Đúng thế. Họ là một thực tại ta không thể bác bỏ. Nhưng người nghèo ẩn khuất, vì nghèo khó là chuyện đáng e lệ. Họ ở đó, nhưng ta không thấy họ, họ trở thành sự vật.

Nhưng Thánh Têrêxa thành Calcutta thấy họ và đã có can đảm dấn thân vào con đường hoán cải hồi tâm. “Nhìn thấy” người nghèo là phục hồi nhân tính của họ. Họ không phải là sự vật, 1 thứ rác rưởi; họ là những con người. Ngài nhấn mạnh: “ta không thể bằng lòng với một chính sách xã hội giống như chính sách dành để cứu thú vật. Chúng ta thường coi người nghèo như những thú vật được cứu vớt. Chúng ta không thể hài lòng với một chính sách xã hội nửa vời”.

Phải nói gương các ông thánh bà thánh hiện sống ngay cạnh bên mình. Ngài có ý nói đến các bác sĩ, các thiện nguyện viên, các nữ tu, linh mục, công nhân cửa hàng... đang làm bổn phận để xã hội tiếp tục vận hành. “Biết bao bác sĩ và y tá đã chết! Biết bao nữ tu đã chết! Tất cả đang phục vụ...

Tóm lại, ngài nói nay là lúc hoán cải hồi tâm, ta có cơ hội làm thế. Đừng để cơ hội truồi mất.

Một Giáo hội phi định chế?

Câu hỏi thứ năm: liệu qua cuộc khủng hoảng này, có phát sinh ra một Giáo Hội có tinh thần truyền giáo hơn, sáng tạo hơn, ít định chế hơn, một thứ “giáo hội tại gia” mới mẻ?

Đức Phanxicô có vẻ không thích kiểu nói: ít định chế hơn, vì Giáo Hội vốn là một định chế. Ngài bảo: đúng hơn, phải có một Giáo hội ít bám vào những lối suy nghĩa cố định nào đó. Ngài cho rằng mơ về một Giáo Hội phi định chế, một Giáo Hội ngộ đạo không có định chế hay một Giáo Hội lệ thuộc các định chế cố định, tất cả đều là cám dỗ. Đấng làm ra Giáo Hội là Chúa Thánh Thần, Người đâu có ngộ đạo kiểu Pelagiô. Chính Chúa Thánh Thần định chế hóa Giáo Hội theo lối thay đổi, bổ túc, vì Người kích thích việc mất trật tự bằng các đặc sủng, nhưng sau đó, từ trạng thái mất trật tự này, Người tạo ra sự hòa hợp.

Một Giáo Hội thực sự tự do không phải là một Giáo Hội hỗn loạn, vì tự do là hồng ân của Thiên Chúa. Một Giáo Hội định chế là một Giáo Hội được Chúa Thánh Thần định chế hóa.

Đức Phanxicô nhấn mạnh thêm rằng luôn có sự căng thẳng giữa mất trật tự và hòa hợp, nhưng Giáo Hội phải thoát khỏi cuộc khủng hoảng. “Chúng ta phải học sống trong một Giáo Hội hiện hữu trong sự căng thẳng giữa mất trật tự và hòa hợp do Chúa Thánh Thần thúc đẩy”.

Theo ngài, Sách Tông đồ Công vụ cho thấy rõ: Chúa Thánh Thần phi định chế hóa những gì không hữu ích nữa và Người định chế hóa “tương lai” của Giáo Hội. Bởi thế, Giáo Hội cần thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Đức Phanxicô thuật lại điều ngài khuyên 1 Giám Mục gần đây: vị Giám Mục này ban phép sức dầu bệnh nhân Covid-19 từ bên ngoài hành lang phòng bệnh, bị 1 nhà luật học giáo luật chặn lại nói là không đúng cách, phải đụng đến người bệnh mới thành sự. Vị Giám Mục này gọi hỏi ý kiến Đức Phanxicô. Đức Phanxicô chỉ vỏn vẹn nói: “Đức Cha cứ thi hành bổn phận linh mục của mình”. Vị Giám Mục này thưa lại Grazie, ho capito (“cám ơn Đức Thánh Cha, con hiểu) và từ đó, thực hành phương thức này khắp nơi.

Đức Phanxicô nhận định: “đấy là sự tự do của Thánh Thần giữa cơn khủng hoảng, chứ không phải một Giáo Hội đóng kín trong định chế. Điều này không có nghĩa giáo luật không quan trọng: nó quan trọng, nó hữu ích, và xin vui lòng xử dụng tốt nó, nó gây ích cho chúng ta. Nhưng điều giáo luật sau cùng nói rằng trọn bộ giáo luật là vì phần rỗi các linh hồn và đó là điều mở tung cánh cửa để chúng ta ra đi trong các thời buổi khó khăn để đem an ủi của Chúa cho mọi người.

Còn về “Giáo Hội tại gia” thời buộc phải ở trong nhà, Đức Phanxicô nhấn mạnh lại cần có óc sáng tạo: tránh nguy cơ các phương tiện truyền thông kéo ta ra khỏi thực tại, tìm cách phát biểu đức tin.