VIẾT TRONG MÙA ĐẠI DỊCH: TÔI ĐỔI HAI MAI LẤY MỘT CHIỀU

Ngoài bài “Qua Đèo Ngang,” bà Huyện Thanh Quan còn có bài “Cảnh Chiều Hôm” cũng hay và đẹp không kém:

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn.
Gác mái, ngư ông về viễn phố.
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn, chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa, khách buớc dồn.
Kẻ chốn chương đài nguời lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?


Có người hỏi “tiếng ốc” là tiếng gì; con ốc nó đâu biết kêu? (Nhất là “con ốc nhồi” của bà Hồ Xuân Hương!) Không, đây là người ta lấy vỏ con ốc, làm thành một thứ giống như tù và, thổi thì kêu. Chiều tối rồi, điếm canh đã có tiếng trống đánh, tiếng ốc thổi báo hiệu.

Lại có người hỏi ông đánh cá, câu cá (ngư ông) là người ở quê hay ở thành phố mà sao ông ấy lại gác mái chèo để về “viễn phố”? Không đâu. Phố này không phải là thành phố, mà là cái bến. Viễn phố là bến xa. Nói nhỏ cho nhau nghe: phu nhân nhà văn Võ Phiến có phương danh là Viễn Phố. Nhà văn bèn nói lái tên của phu nhân, làm thành bút hiệu Võ Phiến của mình.

Còn nhiều chi tiết khác trong bài thơ này, lấy ra mà thảo luận cũng thú vị lắm. Nhưng hai câu cuối thật là đặc biệt:
Kẻ chốn chương đài nguời lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?

Hai câu này liên quan đến một điển tích rất dài dòng, chỉ cần tóm gọn là kẻ thì ở quê nhà, người thì đang trên đường xa vạn dặm, biết lấy ai mà kể lể nỗi niềm ấm lạnh!

Bài thơ này, đọc lên ta vừa thấy bùi ngùi, lại vừa liên tưởng đến tình trạng bây giờ.

Bây giờ hoàng hôn cũng đang phủ xuống. Không phải phủ xuống một vùng, một thành thị, một đất nước, mà là hoàng hôn phủ xuống toàn thế giới. Một thế giới buồn thảm và vắng lặng. Thành phố hoang vu. Những kinh thành ánh sáng, những khu thương mại nhộn nhịp, những nơi chốn vui chơi giải trị rực rỡ đèn màu và rộn ràng tiếng cười nói… tất cả bây giờ trở nên im vắng. Còn người ta? Người ta mang tâm trạng hoang mang, lo sợ và buồn rầu.

Lại còn chuyện mọi người phải tự cô lập trong nhà, không giao tiếp với người bên ngoài, không ra ngoài đường nữa. Hồi ấy Bà Huyện Thanh Quan than rằng “kẻ chốn chương đài, người lữ thứ,” bây giờ có ai muốn thành “người lữ thứ” cũng không được, phải ngồi yên trong nhà.

Chẳng lẽ mọi sự đều đáng bi quan sao?

Không phải đâu! Trong hoàn cảnh đau thương chung này của toàn thế giới, tình người sáng lên như những vì sao lấp lánh trên bầu trời đang chuyển sang bóng chiều tàn. Chính phủ của các quốc gia tận tâm tận lực lo cho sự an toàn của người dân. Các nhà bác học miệt mài ngày đêm tìm phương thuốc khống chế căn bệnh quái dị ngày càng lan rộng và tăng cao đến mức chóng mặt. Các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế làm việc đến độ quên mình để chăm sóc người bệnh. Bao nhiêu hãng xưởng dồn sức chế tạo máy thở. Bệnh viện và người dân thiếu khẩu trang, để đáp ứng, đã có biết bao người ngày đêm gò lưng may khẩu trang để kịp thời cung cấp. Bao nhiêu nhà hàng, cơ sở sản xuất thực phẩm phát tặng thức ăn cho những người cần đến. Nước này trao tặng phẩm vật cần thiết cho nước khác. Hàng xóm láng giềng tìm cách hỏi thăm nhau, chia sớt cho nhau chút thức ăn, chỉ dẫn cho nhau cách phòng dịch. Những người bạn, những kẻ yêu nhau bây giờ hằng ngày thăm hỏi nhau, khích lệ nhau, giữ vững tinh thần cho nhau. Các vị lãnh đạo tinh thần dâng lên Đấng Tối Cao những lời nguyện thống thiết, xin ơn từ Trời Cao đổ xuống cứu vớt nhân loại đang trong cảnh khốn cùng. Và còn biết bao nhiêu người, bao nhiêu cách biểu lộ tình thương khác nữa. Chưa bao giờ tình người được thể hiện một cách cao độ và rõ ràng, cụ thể như lúc này…

Nhất là trong gia đình, đây là lúc vợ chồng, cha mẹ, con cái gần gũi nhau nhất, có nhiều thì giờ với nhau nhất, có cơ hội giúp đỡ, thông cảm nhau nhiều nhất. Không còn ai phải than "lấy ai mà kể nỗi hàn ôn" nữa, muốn "kể" bao nhiêu thì "kể." MIỄN LÀ MỌI NGƯỜI YÊU THƯƠNG NHAU VÀ BÀY TỎ LÒNG YÊU THƯƠNG ẤY MỘT CÁCH CHÂN THÀNH.

Như thế, buổi hoàng hôn của thế giới có cái đáng yêu, đáng quý của nó.

Lại nhớ đến mấy câu thơ của Xuân Tâm:
“Tôi đổi hai mai lấy một chiều,
Để tìm trong ấy ít lời yêu.
Ban ngày sáng quá, ban đêm tối,
Tôi sợ không mơ tưởng được nhiều.”

(Xuân Tâm – Lời Tim Non)

Buổi mai của thế giới là những tháng năm tưng bừng nhộn nhịp. Khi ấy người ta dễ quên nhau mà chỉ tìm niềm vui riêng, hạnh phúc riêng, hưởng thụ riêng. Buổi mai (sáng quá) như thế làm sao quý bằng buổi hoàng hôn của thế giới lúc này. Bởi thế mà “tôi đổi hai mai lấy một chiều.” Nhưng, nguyện xin Đấng Tối Cao đừng để cho thế giới này chìm vào bóng tối ghê rợn của sự chết. Nhân loại chết, đó là “ban đêm tối,” không ai muốn nó xảy ra.

Xin cùng đọc lại và ngẫm nghĩ những câu thơ TÔI ĐỔI HAI MAI LẤY MỘT CHIỀU của Xuân Tâm:
“Tôi đổi hai mai lấy một chiều,
Để tìm trong ấy ít lời yêu.
Ban ngày sáng quá, ban đêm tối,
Tôi sợ không mơ tưởng được nhiều.”


Nhớ nhé, trong buổi chiều của thế giới hôm nay, hãy “tìm trong ấy ít lời yêu.” Hãy trao đi lòng yêu thương và hãy nhận lấy lòng yêu thương.