(Tổng hợp) Các Hồng Y Á Châu bắt đầu lên tiếng đòi hỏi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nhân mạng và tài sản cho các nước nghèo, cách riêng ở Á Châu.

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle cuả Philippines, bộ trưởng Thánh bộ Truyền Giáo, mới lên tiếng 2 ngày trước đây kêu gọi các nước giầu xoá nợ cho các nuớc nghèo.

Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon cuả Miến Điện, cũng nêu đích danh Trung Cộng phải chịu trách nhiệm về dịch coronavirus và đòi hỏi Trung Cộng phải ‘xin lỗi và bồi thường’, cách riêng cho các nước nghèo không đủ khả năng đương đầu với đại dịch này.

“Các nước nghèo đang chịu đau đớn vì nạn coronavirus do sự bất cẩn và đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ĐHY Bo cuả Miến Điện viết như vậy hôm thứ Năm vừa qua trên một bài bình luận gửi cho UCA News.

“Chế độ Trung Quốc do Tập Cận Bình (Xi Jinping) và ĐCSTQ độc tài lãnh đạo - chứ không phải là người dân – đang nợ tất cả chúng tôi một lời xin lỗi và phải bồi thường cho những sự hủy diệt mà nó đã gây ra.”

Đức Hồng Y Bo, đang là chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Châu Á, đã tố cáo chế độ Trung Quốc giấu giếm thông tin về coronavirus và trừng phạt các bác sĩ và nhà báo muốn cảnh báo về nguy cơ mới này.

“Trung Quốc là một quốc gia có một nền văn minh cổ đại và vĩ đại đã đóng góp rất nhiều cho Thế Giới trong suốt giòng lịch sử, nhưng chế độ này phải chịu trách nhiệm, vì tội sơ suất và đàn áp đã gây ra việc đại dịch quét qua đường phố của chúng ta ngày hôm nay,” ĐHY nói.

“Hãy để tôi nói rõ - đó là ĐCSTQ có trách nhiệm, không phải là người dân Trung Quốc, và không ai nên phản ứng với cuộc khủng hoảng này bằng lòng căm thù chủng tộc đối với người Trung Quốc. Thật vậy, người dân Trung Quốc là nạn nhân đầu tiên của loại virus này và từ lâu đã là nạn nhân chính của chế độ đàn áp của Cộng Sản. Họ xứng đáng được cảm thông, đoàn kết và hỗ trợ của chúng ta. Nhưng chính sự đàn áp, dối trá và tham nhũng của ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm,” Ngài nói.

Đức Hồng Y đã trích dẫn nhiều ví dụ về những người ‘lên tiếng rỉ tai’ (whistleblower) đã bị bịt miệng bởi chế độ kiểm duyệt của ĐCSTQ.

Các bác sĩ đã cố gắng cảnh báo - chẳng hạn như bác sĩ Lý văn Lương (Li Wenliang) ở Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã cảnh báo các bác sĩ y khoa vào ngày 30 tháng 12 - đã bị cảnh sát ra lệnh 'cấm đưa ra những bình luận sai lệch'. Vị bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi này, bị đe dọa vì tội 'tung tin đồn thất thiệt' và buộc phải ký vào lời thú tội. Sau đó, ông đã qua đời vì bị nhiễm coronavirus.

Chính phủ Trung Quốc hiện đang bị chỉ trích là giấu giếm cộng đồng quốc tế những thông tin về coronavirus. Vào ngày 1 tháng 4, hãng thông tấn Bloomberg loan tin rằng cơ quan Tình Báo Hoa Kỳ đã tìm thấy bằng chứng là Trung Quốc đã cố ý báo cáo sai về số trường hợp nhiễm coronavirus và tử vong.

Đức Hồng Y nói rằng việc Trung Quốc giữ kín thông tin cả cho chính công dân của mình và sự cố tình không minh bạch với cộng đồng toàn cầu đã góp phần vào sự lây lan của coronavirus trên toàn thế giới, gây hậu quả tai hại cho người nghèo, đặc biệt là ở các nước Đông Nam Á láng giềng.

“Ở đất nước của tôi, Myanmar, chúng tôi rất dễ bị tổn thương. Ở giáp biên giới Trung Quốc, nơi COVID-19 bắt đầu, chúng tôi là một quốc gia nghèo không có các nguồn lực chăm sóc y tế và xã hội như cuả các quốc gia phát triển hơn. Hàng trăm ngàn người Myanmar đang phải di dời vì xung đột, sống trong các trại tập trung ở trong nước hoặc ở biên giới, không có vệ sinh, thiếu thuốc men và chăm sóc y tế. Trong các trại quá đông như vậy, các biện pháp giữ khoảng cách xã hội được nhiều quốc gia thực hiện là không thể áp dụng được,” ĐHY nói.

“Các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các nước tiên tiến nhất trên thế giới mà còn bị quá tải, vậy thì hãy tưởng tượng những nguy cơ ở một quốc gia nghèo và có xung đột như Myanmar là như thế nào.”

Giáo sư Richard Malley, giáo sư bác sĩ về bệnh truyền nhiễm của trường Y Khoa Harvard và luật sư Robert Malley, chủ tịch Tập đoàn Khủng hoảng Quốc tế, đã cảnh báo rằng các nước đang phát triển nghèo đói, khi phải đối mặt với đại dịch, thì số người chết sẽ là rất lớn, và cuộc khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp sẽ tăng vọt.

Các quan chức Liên Hợp Quốc cũng tuyên bố rằng nạn dịch dường như sắp lan tới các trại tị nạn trên thế giới.

COVID-19, được ghi nhận tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019, hiện đã lan rộng tới 203 quốc gia. Tính đến ngày 2 tháng 4, đã có hơn 2.000 trường hợp ghi nhận ở Philippines, Ấn Độ, Malaysia, Pakistan và các nước đang phát triển khác.

ĐHY Bo kêu gọi Trung Quốc xóa nợ các quốc gia khác để giúp trang trải chi phí COVID-19.

Vào ngày 29 tháng 3, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, tổng giám mục Manila và bộ trưởng của Thánh Bộ Truyền giáo Vatican, cũng kêu gọi các nước giàu xoá nợ cho các nước nghèo, là những người đang gặp khó khăn trong việc trang trải cho nạn dịch coronavirus. Đức Hồng Y cho biết nên chuyển số tiền chi phí cho quân đội và an ninh để dùng cho khẩu trang và máy thở.

Đức Hồng Y Bo cuả Miến Điện thừa nhận rằng nhiều chính phủ ở các khu vực khác nhau trên thế giới cũng bị chỉ trích vì đã không chuẩn bị sau khi coronavirus xuất hiện ở Vũ Hán. Tuy nhiên, Ngài nói, Trung Quốc phải chịu phần trách nhiệm chính yếu vì Trung Quốc đã hạ thấp số liệu thống kê về quy mô lây nhiễm và sau đó Chính quyền Trung Quốc còn tuyên truyền đánh lạc hướng rằng đại dịch là do từ quốc gia khác gây ra.

“Nói láo và tuyên truyền đã khiến hàng triệu người trên thế giới xa vào vòng nguy khốn,” ĐHY nói.

ĐHY Bo đã cai quản Tổng giáo phận Yangon ở Miến Điện từ năm 2003. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong tước Hồng Y cho ngài vào năm 2015.

Đức Hồng Y nói rằng phản ứng của ĐCSTQ đối với coronavirus là triệu chứng của bản chất đàn áp mỗi ngày mỗi tăng của họ.

“Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến một cuộc đàn áp dữ dội về tự do ngôn luận ở Trung Quốc. Luật sư, blogger, những nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động xã hội dân sự đã bị bắt và biến mất. Đặc biệt, chế độ đã phát động một chiến dịch chống tôn giáo, phá hủy hàng ngàn nhà thờ và thánh giá và tống giam ít nhất một triệu người Hồi giáo Uyghur trong các trại tập trung,” ĐHY nói. “và Hồng Kông, từng là một thành phố cởi mở nhất châu Á, đã chứng kiến quyền tự do, nhân quyền và luật pháp bị xói mòn nghiêm trọng.”

“Những người Kitô tin tưởng, theo lời của thánh Phao-lô, rằng 'sự thật sẽ làm cho bạn tự do'. Sự thật và tự do là hai trụ cột giúp cho tất cả các quốc gia xây dựng được một nền tảng vững chắc và mạnh mẽ hơn,” Ngài nói.