Bác ái có vị trí nào trong thời đại dịch coronavirus? Đức Hồng Y Luis Antonio Gokim Tagle, Bộ Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân tộc, và là Chủ tịch của Caritas Quốc Tế, đã suy tư với Vatican News về câu hỏi này, thúc giục chúng ta chinh phục vi khuẩn và nỗi sợ hãi bằng "đại truyền nhiễm tình yêu".



Sau đây là nguyên văn lời Đức Hồng Y:

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang phải đối diện với tình trạng khẩn cấp do coronavirus 19 gây ra. Khẩn cấp, từ tiếng Latinh “emergere” (nổi lên), đề cập đến một biến cố không lường trước xảy ra với chúng ta và đòi được chú ý. Các trường hợp khẩn cấp không phải là điều mới lạ đối với chúng ta. Hàng năm chúng ta trải nghiệm những vụ động đất, bão, lũ lụt, hạn hán và bệnh tật. Nhưng chúng thường bị giới hạn ở những nơi và người nhất định. Trường hợp khẩn cấp covid19 hiện nay được gọi là đại dịch, do hai từ tiếng Hy Lạp: “pan” có nghĩa là “mọi” và “demos” có nghĩa là “người hay dân cư”. Một đại dịch ảnh hưởng đến tất cả hoặc gần như tất cả mọi người. Chúng ta có thể nói rằng covid19 là một trường hợp khẩn cấp chung hoặc phổ quát. Nó ảnh hưởng đến gần như tất cả chúng ta. Nó đòi một phản ứng từ tất cả chúng ta.

Trong những trường hợp khẩn cấp, theo bản năng, chúng ta nghĩ trước tiên đến chính chúng ta, gia đình và những người gần gũi với chúng ta. Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì trong các phương tiện hiện có để bảo vệ họ. Mặc dù phản ứng này về căn bản là điều tốt, nhưng chúng ta nên cẩn thận để sau cùng đừng chỉ nghĩ về bản thân mình. Chúng ta nên tránh nỗi sợ làm cho chúng ta mù quáng trước nhu cầu của người khác, những nhu cầu đó giống như của chúng ta. Chúng ta nên ngăn chặn sự lo lắng, đừng để nó giết chết mối quan tâm thực sự đối với người lân cận. Trong trường hợp khẩn cấp, cõi lòng thực sự của một con người cũng xuất hiện. Từ một trường hợp khẩn cấp ảnh hưởng đến tất cả mọi người là đại dịch, chúng ta hy vọng sẽ thấy một trường hợp khẩn cấp trong đó mọi người biểu lộ sự quan tâm, lòng trắc ẩn và tình yêu. Một cuộc khủng hoảng khẩn cấp nổ ra bất ngờ chỉ có thể được giải quyết bằng một vụ “bùng nổ” lòng hy vọng tương đương. Một đại dịch lan truyền vi khuẩn phải tạo ra một “lan truyền” lòng bác ái phổ quát. Lịch sử sẽ phán xử thế hệ chúng ta theo mức độ tình yêu tha nhân mà tình trạng khẩn cấp chung này sẽ tạo ra và lan truyền hoặc không làm như vậy. Chúng ta cảm ơn những người anh hùng mà tình yêu và lòng can đảm đã là nguồn chữa lành và hy vọng trong những tuần lễ qua.

Các chuyên gia nói rằng chúng ta nên rửa tay để tránh bị nhiễm vi-khuẩn và tránh làm nó lây lan. Tại phiên tòa xét xử Chúa Giêsu, Phôngxiô Philatô, “đã truyền đem nước tới và đã rửa tay trước đám đông, vừa rửa vừa tuyên bố, 'Tôi vô tội đối với máu của người công chính này. Trách nhiệm thuộc về các ông” (Mt 27:24). Chúng ta nên rửa tay, nhưng không phải như cách Philatô đã làm. Chúng ta không thể rửa tay khỏi trách nhiệm của mình đối với người nghèo, người già, người thất nghiệp, người tị nạn, người vô gia cư, người cung cấp dịch vụ y tế, thực sự là tất cả mọi người, sáng thế và các thế hệ tương lai. Chúng ta cầu xin, để nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, tình yêu chân thực đối với mọi người được xuất hiện từ mọi cõi lòng con người khi chúng ta đối diện với tình trạng khẩn trương chung.