Trên khắp nước Pháp, chuông thánh đường ngân vang trong 10 phút chiều lễ Truyền Tin (25/03/2020), cùng lúc các tín hữu và toàn dân Pháp không phân biệt tôn giáo, từ thành đến các thôn làng xa xôi, thắp ngọn nến hy vọng và huynh đệ, khấn xin Thiên Chúa cứu vớt nhân loại sớm thoát đại dịch.

Trong thông báo mục vụ của Giáo xứ Việt Nam tại Paris, được gửi đi dưới hình thức điện thư đến mỗi gia đình không thể đi lễ theo lệnh chính phủ, cha Giám đốc Gilbert Nguyễn Kim Sang viết rằng : ‘‘Nhân ngày lễ Truyền tin (25/03/2020), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tín hữu khắp nơi trên thế giới, lúc 12 giờ trưa, cùng đọc kinh Lạy Cha. Lúc 19 giờ 30, theo lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Pháp, các tín hữu thắp nến (lumignon) đặt ngoài cửa sổ, suy niệm Phúc âm lễ Truyền tin, khấn xin Thiên Chúa và Mẹ Maria cứu vớt nhân loại sớm thoát đại nạn, hiệp ý cầu nguyện cho các bệnh nhân Covid-19 sớm bình phục và những người đã ly trần vì dịch bệnh, trong số có một nữ tu và hai tín hữu Giáo xứ Paris, các bác sĩ và nhân viên y tế.’’

Hội đồng Giám mục Pháp đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa Tin mừng trong lễ Truyền tin, nhắn nhủ thế giới trong cơn đại nạn : ‘‘Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được’’ (Lc1,37). Cùng thắp lên ngọn nến hy vọng, các vị giám mục trên khắp nước Pháp mời gọi các tín hữu suy niệm Tin Mừng ngày lễ Truyền tin theo thánh Luca :

‘‘Bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilée, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Elisabeth, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Bấy giờ bà Maria nói: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.’’ (Lc 1, 26-38)

Ngọn nến hy vọng ngoài cửa sổ thắp sáng niềm hy vọng, với chuỗi hạt Mân côi, nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, che chở và dẫn đưa con cái khắp năm châu sớm thoát dịch bệnh : ‘‘Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen’’ (Lc 1,42).

Chuông nhà thờ thường ngân tiếng vào giờ cử hành Thánh lễ, các giờ kinh như kinh Truyền tin (Angelus) lúc xế chiếu nhắc nhở nông gia ngưng việc đồng áng, nghiêng mình thầm nguyện : “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời. Tôi xin vâng như lời thánh thiên thần truyền.” (Lc 1, 38).

19 giờ 30 chiều nay (25/03/2020), chuông giáo đường ngân vang trong 10 phút, nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót cứu vớt nhân gian đang trầm luân trong dịch bệnh.

Lê Đình Thông