Lúc 7 sáng thứ Bẩy 14 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các gia đình và đặc biệt là các bậc cha mẹ để họ có thể đương đầu với tình huống khó khăn này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha đã nhắc nhở mọi người rằng chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những ai bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.

Đức Thánh Cha nói:

“Hôm nay, tôi muốn cầu nguyện cách riêng cho các gia đình, đó là các gia đình từ ngày này sang ngày khác đều thấy mình ở nhà với con cái vì các trường học đóng cửa, do lý do an ninh, và họ cần đương đầu với một tình huống khó khăn, cũng như phải tìm cách vượt qua. Một cách đặc biệt, tôi cũng nghĩ đến những gia đình có thể có một người khuyết tật trong nhà. Các trung tâm chào đón người khuyết tật đã đóng cửa. Vì vậy, hãy cầu nguyện cho các gia đình đó, để họ không mất bình yên trong thời điểm này và họ có thể thành công trong việc đưa cả gia đình tiến lên với sức mạnh và niềm vui.”

Bài Tin Mừng trong ngày, Dụ ngôn Đứa Con hoang đàng, là một chủ đề tâm đắc thường thấy trong các bài giảng của ngài.

PHÚC ÂM: Lc 15, 1-3. 11-32

“Em con đã chết nay sống lại”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:

“Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Những lời lẽ

Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy nghĩ về những lời nói và cảm xúc của hai nhóm người được trình bày trong Dụ ngôn Đứa con hoang đàng: những người tội lỗi và những người Pharisêu. Tin Mừng nói rằng những người tội lỗi đã đến gần Chúa Giêsu để nghe lời Người. Những người tội lỗi đã vây quanh Chúa Giêsu trong im lặng. Họ không biết nói những gì. Nhưng sự hiện diện của họ nói với chúng ta rằng họ muốn nghe Lời Chúa.

Còn về phần những người Pharisêu, Tin Mừng nói rằng họ phàn nàn và chỉ trích Chúa Giêsu vì đã làm điều đó. Họ muốn bác bỏ thẩm quyền của Chúa Giêsu. Họ buộc tội Chúa Giêsu, “Ông ấy đồng bàn cùng những người tội lỗi. Ông ấy ô uế.” Phần còn lại của dụ ngôn đã giải thích bi kịch này này.

Những cảm xúc

Nhóm đầu tiên, những người tội lỗi, cảm thấy cần đến ơn cứu rỗi, cần đến một người hướng dẫn, một mục tử. Và vì vậy, mọi người đến gần Chúa Giêsu vì họ thấy rằng Ngài là một mục tử. Trái lại, các thầy thông luật lại tỏ ra thù ghét họ.

Các thầy thông luật cảm thấy tự mãn. Tôi đã đi học đại học. Tôi đã có một bằng tiến sĩ, tôi có hai bằng tiến sĩ. Tôi biết rất rõ những gì lề luật nói. Thật ra, tôi biết từng lời giải thích của lề luật một cách chi tiết. Họ coi thường người khác, họ coi thường những người tội lỗi.

Người con thứ trong dụ ngôn cảm thấy cần phải thưởng thức thế giới, cần phải ra khỏi nhà. Có lẽ anh ta cảm thấy như đang ở trong nhà tù. Anh ta có sự táo bạo để yêu cầu cha mình ban cho những gì thuộc về phần mình.

Cha của anh không nói gì vì ông là một người cha, một người cha biết cách chịu đựng trong sự im lặng, kiên nhẫn chờ đợi một thời điểm thích hợp. Người Cha cảm thấy đau đớn, nhưng ông dịu dàng và đầy lòng yêu mến. Đôi khi, hành vi này khiến các ông bố trông thật dại dột. Và khi đúng thời điểm đó, người Cha đang chờ đợi, thì thấy anh ta ở đàng xa. Điều này khiêu khích người con trai cả, anh ta trách móc lại chính cha mình, cho rằng ông là người cư xử bất công.

Người con trai cả cảm thấy phẫn nộ. Nhiều lần, phẫn nộ là cách duy nhất làm cho những người này cảm thấy đã nư.

Vấn đề

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng vấn đề là anh không nhận ra sống trong nhà Cha thực sự có nghĩa là gì. Người con trai cả đã hoàn thành nghĩa vụ và công việc của mình, nhưng anh ta không bao giờ bước vào mối quan hệ yêu thương với Cha mình. Thay vào đó, anh ta bất bình với Cha mình, và nói “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”

Anh ta giận đến mức không chịu vào nhà.

Người Cha đi thẳng vào vấn đề: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con”.

Đây là điều mà người con trai lớn chưa bao giờ nhận ra. Anh ta sống ở nhà như thể là sống trong một khách sạn, không cảm thấy tình yêu gia đình của cha mình. Thật thú vị khi người cha không nói một lời nào về tội lỗi của đứa con hoang đàng khi nó trở về. Ông chỉ ôm nó vào lòng và thết tiệc ăn mừng. Ông ta phải giải thích điều này với người con trai cả vì trái tim anh ta đã cứng lại do những quan niệm về Cha mình, về tình con thảo, và về cách anh ta nên sống.

Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giảng bằng một lời cầu nguyện, xin Chúa cho chúng ta có thể hiểu ra vấn đề.

Vấn đề là sống trong nhà nhưng không cảm thấy mình ở nhà vì không có mối quan hệ cha con, mà chỉ có những mối quan hệ đồng nghiệp làm việc chung với nhau.


Source:Vatican News