Mấy năm gần đây, người ta hay nói về vai trò của người đàn bà trong Giáo Hội theo chiều hướng quyền hành, nhưng Carries Gress (xem https://www.ncregister.com/blog/cgress/have-we-been-doing-catholic-womens-messaging-wrong) cho rằng điều ấy hình như chẳng ăn nhằm gì tới nền văn hóa nữ giới Công Giáo và do đó không nói lên được chút nào căn tính của họ và cũng không kéo họ ra khỏi nền văn hóa chết chóc đang ngự trị trong thời đại ta.



Theo tác giả này, một trong những cách vươn tới người phụ nữ là xem xem họ dành nhiều thời gian xem và đọc ở đâu. Phần lớn phụ nữ khi nói tới truyền hình, không lưu ý tới các đài hay chương trình tin tức cho bằng các hệ thống như HGTV (chỉnh trang và buôn bán nhà cửa) hay Food Network (ăn uống). Tác giả khám phá ra sự kiện này nhân những ngày nằm bệnh viện sinh đứa con thứ năm. Các y tá tại bệnh viện xác nhận: mọi phụ nữ ở đây đều chỉ coi một trong hai đài đó.

Một định mức khác là các tạp chí. Dù không sinh lời như trước đây, các tạp chí vẫn được in ấn trong khi gần như mọi hình thức truyền thông khác đều đã lên trực tuyến cả. Phụ nữ, kể cả phụ nữ Công Giáo, vẫn tiếp tục thích lần giở các trang tạp chí bất chấp các nội dung và quảng cáo thường không mấy làm họ hài lòng.

Nói về nội dung, tác giả cho rằng một trong các ý kiến trổi vượt mà tác giả nhận được khi muốn thông tri cho các phụ nữ là chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng đánh bại được điều tác giả gọi là mẫu quyền [matriarchy] bằng chính các ngôn từ của họ. Đây là nhóm các phụ nữ ưu tuyển chuyên thông tri cho việc gửi các sứ điệp phò phá thai, phò cách mạng tình dục núp đàng sau chính trị, kỹ nghệ thời trang, Hollywood, xuất bản sách, học thuật và các tạp chí. Với hàng tỷ bạc mặc tình chi tiêu, nhóm mẫu quyền này phần lớn kiểm soát được cách phần lớn phụ nữ, kể cả phụ nữ Công Giáo, suy nghĩ.

Đó là lý do tại sao, mặc dù chúng ta hết sức cố gắng, các con gái của chúng ta vẫn thường từ bỏ đức tin khi bước vào đại học. Ảnh hưởng của nhóm mẫu quyền đơn thuần có tính mạnh mẽ trong khi ảnh hưởng của Giáo Hội thì quá yếu ớt. Thành thử, tác giả được người ta cho hay chúng ta không thể cạnh tranh với tiền bạc và ảnh hưởng của họ được.

Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là nhiều người Công Giáo vẫn không sợ trong việc cố gắng giao tiếp với chủ nghĩa duy nữ triệt để ngay trong chính các điều kiện của nó bằng cách cố tái sáng chế một thứ duy nữ có thể làm hài lòng cả những người duy nữ thế tục kiên trì nhất. Trong khi đưa ra nhiều đóng góp đối với yếu tính của phụ nữ tính, các cố gắng này đã đưa tới hậu quả phân duy nữ thành nhiều trường phái đếm không xuể.

Tác giả cho rằng dù đã cẩn thận không muốn dấn bước theo nền văn hóa thế tục, nhưng chúng ta lại không e ngại ủng hộ và tái định nghĩa ý thức hệ duy nữ. Thay vì tiến bước bên trong truyền thống trí thức của riêng mình, chúng ta lại o bế ngôn từ, ý niệm và tiền đề của họ, để mong cạnh tranh với họ. Chúng ta tiếp nhận ý thức hệ của họ để mong biến cải nó, nhưng hậu quả thuần lại là biến chúng ta thành một thứ đàn ông đàn bà lúng túng, hoàn toàn mơ hồ không biết phụ nữ là ai.

Hậu quả ấy thấy rõ, theo tác giả, ở chỗ “chúng ta không có các nhà chuyên môn về lối sống Công Giáo nổi tiếng, chúng ta không có cả một tạp chí phụ nữ Công Giáo nổi tiếng”.

Giải thích hiện tượng trên, có người cho một là vì không có đủ các người Công Giáo tài trợ cho các dự án ấy hai là vì người Công Giáo không chịu chi tiền cho các món chuyên biệt được giới thiệu với họ. Nhưng theo tác giả, có đến gần 35 triệu phụ nữ Công Giáo tại Hoa Kỳ, chiếm tới 20-25 phần trăm dân số cả nước. Trong khi dân số LGBT chỉ chiếm khoảng 3 phần trăm, nhưng họ gần như có mặt khắp nơi trong nền văn hóa Hoa Kỳ. Sự vô hình của người Công Giáo Hoa Kỳ không hẳn chỉ vì nhóm mẫu quyền không ưa họ, mà còn vì “chúng ta chưa nhìn ra giá trị của việc nối vòng tay lớn với nền văn hóa rộng lớn hơn kia bằng việc chuyển sứ điệp của chúng ta một cách hiểu biết và thuyết phục”.

Tác giả nói rằng chúng ta ủng hộ nhiều vẻ đẹp trong các chân lý ngàn xưa của đức tin, nhưng xem ra chùn bước trước ý nghĩ trình bầy các ý niệm của chúng ta “vừa như cũ nhưng lại vừa như rất mới”. Nghịch lý thay, Giáo Hội, định chế vốn hết lòng hỗ trợ nghệ thuật trong lịch sử thế giới nhưng lại có những giới chạy quanh nó bằng việc phát sứ điệp và các phương tiện truyền thông của thế giới thế tục.

Theo tác giả, hiện chúng ta có rất nhiều sách vở, viện, và mạng tin tức nhắm vào đàn ông, thay vì phục vụ các quan tâm của phụ nữ Công Giáo. Một số người nhận xét rất đúng rằng nội dung Công Giáo phần lớn “do đàn ông nói với đàn ông về đàn bà” thay vì được thúc đẩy bởi những điều thực sự có thể lôi cuốn phụ nữ như các vấn đề thực tiễn (nhà cửa, nấu nướng, thực phẩm, thời trang, du lịch, thẩm mỹ và liên hệ).

Dĩ nhiên, phụ nữ không chỉ quan tâm đến những chuyện trên, nhưng đó là những chuyện nẩy sinh óc sáng tạo, và lôi kéo sự chú ý của chúng ta. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy sức mạnh của các ý niệm ấy khi nhìn vào lý do tại sao ta đã đánh mất nền văn hóa: không phải vì phụ nữ đọc Karl Marx và Margaret Sanger, mà vì họ đọc Cosmo, xem Oprah, nghe Madonna và Beyoncé. Đó là những loại gửi sứ điệp đã bão hòa nền văn hóa của chúng ta bằng các dối trá mà hầu hết chúng ta đã tiến tới chỗ tin rằng con cái là một trở ngại cho hạnh phúc của chúng ta và tự do đích thực nằm ở chỗ có một nghề nghiệp.

Tác giả nhận định rằng phụ nữ Công Giáo có một sứ điệp đáng lưu ý để chia sẻ, một sứ điệp cần phải vượt quá các bức tường học thuật và bước vào chính dòng truyền thông phổ quát hơn. Các nghiên cứu tiếp tục chứng minh rằng họ là những người đàn bà hạnh phúc nhất trên hành tinh. Họ có điều phần lớn các phụ nữ đều khát mong đó là cuộc sống có ý nghĩa, có gia đình, có những người chồng trung tín, có một đức tin sâu sắc giúp chúng ta vượt qua các thăng trầm của đời người. Đó là các sứ điệp mà các phụ nữ thế tục và Công Giáo cần được nghe, thế nhưng về phương diện văn hóa rất ít chỗ họ tìm thấy chúng.

Chúng ta đang tranh đấu chống nền văn hóa chết chóc, một nền văn hóa thường mô tả chúng ta như những tấm lau chân đặt ở cửa ra vào. Không có gì có thể dẹp bỏ bức tranh biếm họa này bằng nền văn hóa sinh động hóa trình bầy joie de vie (niềm vui sống) vốn là của chúng ta. Thay vì luôn luôn chơi trò phòng thủ chống các mệnh lệnh của nhóm mẫu quyền, chúng ta có thể tiến qua thế tấn công bằng cách cho mọi người thấy sự phong phú của đức tin ta và sự bình an cùng niềm vui phát xuất từ một cuộc sống gắn bó với đức tin này.

Tác giả cho rằng cho tới khi người Công Giáo bắt đầu thực sự bắt tay vào việc nối vòng tay lớn với phụ nữ một cách vừa thuyết phục vừa dễ cập nhật đối với họ, nền văn hóa vẫn y nguyên như hiện nay. Tỷ lệ phá thai vẫn chóng mặt. Tình trạng không thoải mái với phái tính (gender dysphoria) vẫn tiếp diễn. Chúng ta có thể tiếp tục cố gắng tăng cường phòng thủ thị thành ta bằng thành lũy, pháo đài, và đủ loại phòng thủ, nhưng cho tới khi ta có thể ngăn ngừa các thối rữa và tật bệnh đi vào bằng cửa sau giống như các đại dịch ngày xưa, nền văn hóa chết chóc vẫn tiếp tục thống trị.

Cho đến khi ta có thể tìm được các cách thức mới để với tới người phụ nữ và giúp họ nhìn ra ý thức hệ chết chóc đang rao bán cho họ hàng ngày như sự thật và ánh sáng, sự mơ hồ lẫn lộn về Giáo Hội, giáo huấn của Giáo Hội và sức mạnh Giáo Hội vốn có để biến đổi đời sống mọi người đàn bà, sẽ vẫn còn đó.