Các bạn sẽ hỏi, “Nếu mọi người trong Giáo Hội đều là linh mục cả, thì những vị hiện chúng ta gọi là linh mục khác người giáo dân ra sao?” Tôi xin trả lời: Quả là bất công khi những chữ như “linh mục”, “giáo sĩ”, “thiêng liêng”, “người của giáo hội” (ecclesiastic) được chuyển từ mọi Kitô hữu sang ít vị mà do việc dùng tai hại được gọi là “người của giáo hội”. Thánh Kinh không hề đưa ra sự phân biệt giữa họ này, mặc dù có dùng các chữ “thừa tác viên”, “đầy tớ”, “người quản lý” để chỉ những người nay tự hào gọi là giáo hoàng, giám mục và ngài (lords) và đều là những người, theo thừa tác vụ Lời Chúa, nên phục vụ người khác và giảng dậy họ đức tin vào Chúa Kitô và tự do của các tín hữu. Mặc dù tất cả chúng ta đều là linh mục ngang nhau, nhưng tất cả chúng ta không thể công khai thừa tác và giảng dậy được. Chúng ta không nên làm vậy dù có thể. Thành thử Thánh Phaolô từng viết trong 1Cr 4:1 rằng “Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa”.

Tuy nhiên, việc quản lý trên nay đã phát triển thành một cuộc trình diễn quyền lực lớn lao và một sự chuyên chế khủng khiếp đến nỗi không một đế quốc ngoại giáo hay một quyền lực trần gian nào khác có thể so sánh bằng, như thể các giáo dân không phải là Kitô hữu nữa. Với sự bóp méo này, nhận thức về ơn thánh, đức tin, tự do của Kitô Giáo, và cả về Chúa Kitô hoàn toàn sụp đổ và thay thế cho nó là cái ách việc làm không chịu nổi của con người và lề luật cho tới khi chúng ta trở thành, như Ai Ca của Giêrêmia từng nói, tôi đòi cho những kẻ xấu xa nhất trên trần gian, những kẻ lạm dụng số phận không may của ta để chỉ phục vụ duy nhất ý muốn hèn hạ và đáng xấu hổ của họ.

Trở lại với các mục đích của chúng ta, tôi tin rằng ngày nay ai cũng đã hiểu rõ rằng giảng giải về việc làm, đời sống và lời nói của Chúa Giêsu như những sự kiện lịch sử là điều không đủ và không có nghĩa Kitô giáo, như thể biết được những điều này đã đủ cho tác phong hướng dẫn đời mình; thế nhưng, đây là thời thượng nơi những người được kể là những nhà giảng thuyết hay nhất thời ta. Càng thiếu sót hơn nữa khi không giảng dậy chi về Chúa Kitô và thay vào đó, đi giảng dậy lề luật của con người và các sắc chỉ của cha ông. Hiện nay không ít người giảng giải về Chúa Kitô và đọc về Người để đánh động người ta có thiện cảm với Chúa Kitô và ghét bỏ người Do Thái, và những điều vô nghĩa có tính con nít và đàn bà như thế. Đúng hơn, Chúa Kitô phải được giảng giải đến cùng để đức tin vào Người được củng cố, tin rằng không những Người là Chúa Kitô, mà còn là Chúa Kitô của bạn và của tôi và những điều được nói về Người và biểu thị nhân danh Người có thể có hiệu quả trong chúng ta. Đức tin như thế được phát sinh và duy trì trong ta nhờ rao giảng tại sao Người đã đến, Người đem đến và ban phát những gì, sẽ được ơn ích chi nếu ta tiếp nhận Người. Điều này được thực hiện khi tự do của Kitô hữu, thứ tự do Người ban phát được giảng dậy một cách đúng đắn và chúng ta được nghe bằng cách nào chúng ta hết thẩy đều là vua, đều là tư tế và, do đó, đều là chúa muôn loài và tin vững vàng rằng bất cứ làm gì, điều này cũng làm Thiên Chúa vui lòng và có thể chấp nhận trước nhan Thiên Chúa, như tôi đã nói.

Liệu có người nào khi lòng, được nghe những điều trên, lại không hân hoan đến tận đáy, và khi nhận được niềm an ủi như thế lại không dịu dàng để yêu Chúa Kitô như chưa bao giờ yêu đến thế bằng bất cứ lề luật hay việc làm nào? Ai có sức gây hại hay làm khiếp sợ một cõi lòng như thế? Nếu việc biết tội và sợ chết có lẻn vào nó chăng nữa, nó vẫn sẵn sàng trông vậy vào Chúa. Nó sẽ không sợ hãi khi nghe những tin tức xấu. Nó sẽ không bối rối khi thấy địch thù. Được như thế vì nó tin rằng sự chính trực của Chúa Kitô là sự chính trực của chính nó và tội lỗi của nó không phải của nó nữa mà là của Chúa Kitô, và mọi tội lỗi đều được sự chính trực của Chúa Kitô nuốt chửng. Như đã nói trên đây, đó là hậu quả tất yếu của đức tin vào Chúa Kitô. Do đó, trái tim ta học được cách chế giễu sự chết và tội lỗi và nói như thánh Tông đồ rằng “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cr 15:55-57). Sự chết đã bị nuốt chửng không những trong chiến thắng của Chúa Kitô mà còn bởi chiến thắng của chính chúng ta nữa, vì, nhờ đức tin, chiến thắng của Người đã trở thành chiến thắng của chính chúng ta và trong đức tin ấy, chúng ta cũng là những người chiến thắng.

Hãy để điều đó đủ với chúng ta liên quan tới con người bên trong, tới tự do của họ, và là nguồn tự do của họ, sự chính trực của đức tin. Con người này không cần lề luật cũng như các việc làm tốt nhưng, trái lại, bị thương tích bởi chúng nếu họ tin rằng họ được công chính nhờ chúng.

Giờ đây, chúng ta hãy hướng qua phần thứ hai, con người bên ngoài. Ở đây, ta sẽ trả lời cho tất cả những ai, bị xúc phạm bởi chữ “đức tin” và bởi những điều đã được nói trên đây, nay lên tiếng hỏi “nếu đức tin làm mọi điều và một mình nó đủ để được công chính, thì tại sao lại có lệnh truyền phải làm các việc tốt? Chúng tôi sẽ thoải mái chả cần phải làm việc gì và hài lòng với đức tin mà thôi”. Tôi xin trả lời: không phải thế, hỡi những kẻ xấu xa, không phải thế. Quả thích đáng nếu chúng ta là những con người hoàn toàn bên trong và hoàn toàn tâm linh. Nhưng chúng ta chỉ được như thế vào ngày sau hết, ngày kẻ chết sống lại. Bao lâu còn sống trong thân xác, chúng ta chỉ bắt đầu thực hiện tiến bộ trong điều sẽ trở thành hoàn hảo trong cuộc sống tương lai. Vì lý do này, Thánh Tông đồ, trong Rm 8:23, gọi tất cả những gì chúng ta có thể đạt được ở đời này là “các hoa trái đầu tiên của Thần khí” vì quả thực chúng ta sẽ nhận được phần lớn hơn, thậm chí sự viên mãn của Thần khí, trong tương lai. Đây là nơi để quả quyết rằng điều đã nói trên đây, tức việc Kitô hữu là đầy tớ mọi người và phải phục tùng mọi người. Bao lâu là người tự do, họ không thực hiện việc làm nào cả, nhưng bao lâu họ là đầy tớ, họ làm đủ loại việc làm. Chúng ta sẽ thấy tại sao lại như thế.

Như tôi đã thưa, dù một người được đức tin công chính hóa dư đầy và đầy đủ ở bên trong, trong tinh thần của họ, và do đó, có đủ những điều cần thiết, ngoại trừ việc đức tin này và những châu báu này phải mỗi ngày mỗi tăng trưởng, thậm chí cho tới đời sau, thì họ vẫn còn sống trong cuộc sống tử sinh này trên mặt đất. Ở đời này, họ phải kiểm soát thân xác họ và phải cư xử với mọi con người khác. Ở đây, các việc làm phải khởi đầu; ở đây, con người không thể hưởng nhàn; ở đây, quả thực họ phải lưu ý ra kỷ luật cho thân xác họ bằng ăn chay, canh chừng, lao động, và các kỷ luật hữu lý khác và bắt nó tùng phục Thần Khí nhằm để nó vâng theo và sống phù hợp với con người bên trong và đức tin chứ không nổi loạn chống đức tin và cản trở con người bên trong, như bản chất của thân xác quen làm nếu không bị kiểm soát. Con người bên trong, tức con người do đức tin, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, vừa hân hoan vừa hạnh phúc nhờ Chúa Kitô, Đấng mà trong Nguời nhiều ơn phúc đã được ân ban cho họ; và, do đó, bận tâm số một của họ là phụng sự Thiên Chúa một cách hân hoan mà không nghĩ gì tới lợi lộc, trong yêu thương không hạn chế.

Trong khi làm như thế, quả họ gặp một ý chí ngược hẳn lại trong chính xác thịt họ, một xác thịt luôn muốn phụng sự thế gian và tìm các lợi điểm của thế gian. Tinh thần đức tin không thể dung thứ cho điều đó, nhưng với lòng nhiệt thành hân hoan, tinh thần này tìm cách bắt thân xác phải bị kiểm soát, phải chịu kiềm chế, như Thánh Phaolô đã viết trong Rm 7:22-23, “Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác : luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội lỗi” và ở một nơi khác, “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1Cr 9:27) và trong Gl 5:24, “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê”.

Tuy nhiên, khi thực hiện các việc làm ấy, chúng ta không nên nghĩ người ấy được công chính hóa trước mặt Thiên Chúa nhờ chúng, vì đức tin, một mình nó là sự chính trực trước mặt Thiên Chúa, không thể chịu đựng được một ý kiến sai lạc như thế. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu ra rằng những việc làm này bắt thân xác phải tùng phục và thanh tẩy nó khỏi các thèm muốn xấu xa, và toàn bộ mục đích của chúng ta được điều hướng duy nhất vào việc xua trừ lòng thèm muốn. Vì nhờ đức tin, linh hồn được thanh tẩy và được tạo dựng để mến yêu Thiên Chúa, nên nó muốn rằng mọi sự, nhất là thân xác của chính nó, phải được thanh tẩy để mọi sự cùng tham gia với nó trong việc mến yêu và ca ngợi Thiên Chúa. Do đó, con người không thể ở không, vì nhu cầu thân xác họ thúc đẩy họ và họ buộc phải làm nhiều việc làm tốt để bắt nó phải tùng phục. Tuy thế, chính các việc làm không công chính hóa họ trước mặt Thiên Chúa, nhưng họ thực hiện các việc làm vì tình yêu tự phát trong vâng phục Thiên Chúa và không xem xét điều gì ngoại trừ việc Thiên Chúa chấp thuận, Đấng mà họ vâng lời nhiệm nhặt trong mọi sự.

Nhờ cách trên, mọi người dễ dàng có khả năng học được cho mình cách giới hạn và thận trọng, như người ta thường nói, trong việc kiểm soát thân xác mình, vì họ sẽ ăn chay, canh chừng, và lao động bao lâu họ thấy đủ để cưỡng chế tính dâm dật và thèm muốn trong thân xác họ. Nhưng những người cho rằng mình được công chính hóa nhờ việc làm không xem xét việc kiểm soát lòng thèm muốn, nhưng chỉ nghĩ tới chính các việc làm và nghĩ rằng họ chỉ cần làm càng nhiều việc làm và những việc làm càng lớn càng tốt, là họ đã làm tốt và trở nên công chính. Đôi khi, thậm chí họ còn làm quẫn trí họ và phá hủy sức mạnh và việc làm của họ, hay ít nhất làm chúng trở nên vô dụng. Quả là đỉnh cao của rồ dại và hoàn toàn không biết gì tới sự sống và đức tin Kitô giáo khi một ai đó tìm cách được công chính hóa và cứu rỗi nhờ việc làm chứ không nhờ đức tin.

Muốn cho những điều chúng ta vừa nói dễ hiểu hơn, ta nên giải thích bằng các thí dụ sau đây. Chúng ta nên nghĩ tới các việc làm của một Kitô hữu được đức tin công chính hóa và cứu rỗi nhờ lòng thương xót nguyên tuyền và tự ý của Thiên Chúa, khi nghĩ tới các việc làm của Ađam và Evà trong Địa Đàng, và mọi con cháu của họ nếu họ không phạm tội. Ta đọc trong St 2:15: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai”. Ta thấy Ađam được Thiên Chúa dựng nên là người công chính, chính trực, không có tội để ông không cần được công chính hóa và trở thành chính trực qua việc cày cấy và canh giữ đất đai; nhưng để ông khỏi ở không, Chúa đã cho ông một nhiệm vụ phải làm, là cày cấy và canh giữ đất đai. Nhiệm vụ này có lẽ quả là một việc làm tự do nhất, thực hiện chỉ để làm vui lòng Thiên Chúa, chứ không để nhận được sự công chính hóa, một điều Ađam đã có đầy đủ và đáng đã là sinh quyền của mọi người chúng ta.

Các việc làm của một tín hữu cũng giống như thế. Nhờ đức tin của họ, họ được phục hồi trong Địa Đàng và được tái tạo, không cần việc làm để trở nên hay được công chính hóa; nhưng để họ khỏi ở không và cung ứng cho và duy trì thân xác họ, họ phải làm những việc làm như thế một cách tự do để làm vui lòng Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì chúng ta chưa hoàn toàn được tái tạo, và đức tin và đức mến của ta chưa hoàn hảo, những việc làm này cần được gia tăng, không phải bằng các việc làm bên ngoài, mà bằng chính chúng.

Thí dụ thứ hai: một Giám Mục, khi thánh hiến một nhà thờ, ban phép thêm sức cho các trẻ em hay thực thi một nhiệm vụ nào khác vốn thuộc chức vụ của ngài, không trở thành Giám Mục nhờ những việc làm ấy. Thực vậy, nếu ngài không được bổ nhiệm làm Giám Mục trước đó, thì không việc làm nào trong số này có giá trị cả. Chúng chỉ là trò ngớ ngẩn, trẻ con, và lố bịch. Do đó, một Kitô hữu từng được thánh hiến nhờ đức tin của mình, thực hiện nhiều việc làm tốt, nhưng các việc làm này không làm họ trở thành thánh thiện hơn hay Kiô hữu nhiều hơn, vì đó là việc làm của một mình đức tin mà thôi. Và nếu một ai đó, trước nhất, không phải là một tín hữu và là một Kitô hữu, mọi việc làm của họ chẳng ăn nhằm chi và có thể chỉ là tội lỗi xấu xa và đáng kết án.

Các tuyên bố sau đây, vì thế, rất đúng: “Các việc làm tốt không làm nên một người tốt, nhưng một người tốt làm những việc làm tốt; các việc làm xấu không làm nên một người xấu, nhưng một người xấu làm những việc làm xấu”. Thành thử, điều luôn cần là bản chất hay chính con người phải tốt trước khi có bất cứ việc làm tốt nào, và các việc làm tốt theo sau và phát xuất từ một con người tốt, như chính Chúa Kitô cũng đã nói “Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt” (Mt 7:18). Điều rõ ràng là hoa quả không mang cây cối và cây cối không mọc trên hoa quả, mà trái lại, cây cối mang hoa quả và hoa quả mọc trên cây cối. Do đó, điều cần thiết là cây cối có trước hoa quả của chúng và hoa quả không làm cây cối trở nên tốt hay xấu, nhưng cây cối ra sao, hoa quả chúng mang ra vậy; nên một người, trước nhất, phải tốt hoặc xấu trước khi họ thực hiện một việc tốt hoặc một việc xấu, và việc làm của họ không làm họ tốt hay xấu, nhưng chính họ làm cho việc làm của họ tốt hay xấu.

Các minh họa cho cùng sự thật trên có thể tìm thấy trong mọi ngành nghề. Một căn nhà tốt hay xấu không làm nên người thợ xây tốt hay xấu; nhưng người thợ xây tốt hay xấu xây nên một căn nhà tốt hay xấu. Và nói chung, việc làm không làm cho người làm giống như nó, nhưng người làm làm cho việc làm giống như họ. Với việc làm của người ta cũng thế. Vì người ta ra sao, bất luận là người tin hay không tin, thì việc làm của họ cũng thế, tốt nếu được làm trong đức tin, xấu nếu được làm trong bất tín. Nhưng câu ngược lại thì không đúng nghĩa là việc làm khiến người ta thành người tin hay người không tin. Vì việc làm không làm người ta thành người tin,, thì nó cũng không làm họ thành người công chính. Nhưng vì đức tin làm một người thành người tin và công chính, nên đức tin thực hiện những việc làm tốt. Như thế, vì việc làm không công chính hóa bất cứ ai, và một người phải công chính trước khi thực hiện việc làm tốt, thì điều rất hiển nhiên là chỉ một mình đức tin, nhờ lòng thương xót nguyên tuyền của Thiên Chúa qua chúa Kitô và Lời của Người, xứng đáng và đủ để công chính hóa và cứu rỗi con người. Một Kitô hữu không cần bất cứ việc làm hay lề luật nào mới được cứu rỗi, vì nhờ đức tin, họ thoát khỏi mọi lề luật và làm mọi điều hoàn toàn tự do và phóng khoáng. Họ không tìm lợi lộc hay cứu vớt, vì họ đã dư đầy mọi sự và được cứu rỗi nhờ ơn thánh Thiên Chúa vì nay, trong đức tin của mình, họ chỉ lo tìm cách đẹp lòng Thiên Chúa.

Hơn nữa, không việc làm tốt nào giúp công chính hóa hay cứu rỗi một kẻ không tin. Đàng khác, không việc làm xấu nào biến họ thành người xấu hay kết án họ; nhưng chính việc không tin làm cho một người hay một cây làm điều xấu và đáng bị kết án. Do đó, khi một người tốt hay xấu, thì điều này không do các việc làm, mà do tin hay không tin, như một Hiền Nhân từng nói “Khởi đầu tội lỗi là con người xa lìa Thiên Chúa” (xem Hc 10:13), một việc diễn ra khi họ không tin. Và trong Dt 11:6, Thánh Phaolô viết rằng, “vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa...” Và Chúa Giêsu cũng nói như vậy, “Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây mà sâu thì quả cũng sâu” (Mt 12:33) như thể Người muốn nói, “ai muốn có quả tốt hãy bắt đầu trồng cây tốt”. Bởi thế, hãy để những người muốn thực hiện các việc làm tốt đừng bắt đầu làm các việc làm tốt, nhưng bằng cách tin, một điều mới làm người ta nên tốt, vì không có gì làm cho một người trở thành tốt ngoại trừ đức tin, hay xấu ngoại trừ việc không tin.

Trong quan điểm của con người, quả đúng là một người trở thành tốt hay xấu do các việc họ làm; nhưng việc tốt hay xấu này chỉ có nghĩa nói về người tốt hay người xấu và được biết như thế, như chính Chúa Kitô nói trong Mt 7:20, “vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai”. Tuy nhiên, tất cả chỉ là bề ngoài và rất nhiều người đã bị lừa vì vẻ bề ngoài này và có cao ngạo viết và giảng dạy về các việc làm tốt nhờ đó, chúng ta có thể được công chính hóa mà không nhắc chi tới đức tin. Họ đi đường của họ, luôn bị đánh lừa và đi đánh lừa (2Tm 3:13), quả đang tiến tới nhưng là tiến vào tình trạng xấu hơn, họ là những kẻ mù hướng dẫn những kẻ mù khác, tự làm mình mỏi mệt với rất nhiều việc làm nhưng vẫn không bao giờ đạt được sự công chính đích thực (Mt 15:14). Về những người này, Thánh Phaolô viết trong 2Tm 3:5,7, “hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ... Lắng nghe bất cứ ai mà chẳng bao giờ nhận biết được chân lý”.

Do đó, bất cứ ai không muốn đi lạc với những kẻ mù này phải nhìn qua bên kia các việc làm, và bên kia các lề luật và học lý về việc làm. Quay mắt khỏi các việc làm, họ phải nhìn vào con người và hỏi họ được công chính hóa cách nào. Vì người ta được nên công chính và cứu rỗi, không phải bằng việc làm hay lề luật, nhưng bằng Lời Thiên Chúa, nghĩa là, bằng lời hứa ơn thánh, và bằng đức tin, vinh danh Thiên Chúa mãi mãi, Đấng cứu rỗi chúng ta không bằng các việc làm công chính do chúng ta thực hiện (Tt 3:5) nhưng nhờ lòng thương xót của Người, nhờ lời ơn thánh của Người khi chúng ta tin (1Cr 1:21).

Nhờ thế, chúng ta dễ biết cần phải bác bỏ hay không bác bỏ đến mức nào các việc làm tốt, và do tiêu chuẩn nào, mọi giáo huấn của con người liên quan đến các việc làm phải được giải thích. Nếu các việc làm được tìm kiếm như một phương tiện đạt sự công chính, bị đè nặng bởi con quái vật xấu xa này, và được thực hiện với ấn tượng sai lầm là nhờ chúng người ta được công chính hóa, thì chúng trở thành tất yếu và tự do cùng đức tin sẽ bị tiêu diệt; và việc thêm thắt này làm cho chúng không còn tốt nữa nhưng là các việc làm thực sự đáng bị lên án. Chúng không tự do, và chúng xúc phạm tới ơn thánh Thiên Chúa, vì công chính hóa và cứu rỗi nhờ đức tin vốn chỉ thuộc một mình ơn thánh của Thiên Chúa mà thôi. Điều các việc làm không có năng lực làm nhưng, do sự cao ngạo phạm thần điên rồ của chúng ta, vẫn cứ cao ngạo làm, thì chúng đã tự đẩy mình vào chức vụ và vinh dự của ơn thánh rồi. Do đó, chúng ta không bác bỏ các việc làm tốt; trái lại, chúng ta trân qúi và giảng dạy về chúng bao nhiêu có thể. Chúng ta không kết án chúng vì chúng nhưng vì sự thêm thắt phạm thần này vào chúng và ý tưởng xấu xa cho rằng phải tìm sự công chính qua chúng; vì điều này làm chúng có vẻ tốt ở bề ngoài, trong khi đúng ra, chúng không tốt. Chúng lừa dối người ta và dẫn họ tới chỗ lừa dối nhau như những con sói ham mồi đội lốt chiên (Mt 7:15).

Con quái vật đó, hay ý tưởng xấu xa, về các việc làm không ai địch nổi ở những nơi thiếu đức tin thành thực. Những nơi tạo ra các ông thánh này không thể tiễu trừ nó nếu đức tin, người tiêu diệt nó, không đến và thống trị trong lòng họ. Bản nhiên, tự mình, không thể tiễu trừ nó hay thậm chí nhìn nhận nó, nhưng đúng hơn coi nó như một dấu ấn của ý chí thánh thiện nhất. Nếu ảnh hưởng của phong tục được thêm vào và củng cố tính xấu xa này của bản nhiên, như các thầy dạy xấu xa đã khiến nó thực hiện, nó sẽ trở thành một điều xấu bất trị và dâãn người ta ra xa lạc và tiêu diệt vô số người không còn hy vọng cứu chữa. Do đó, dù rao giảng và viết về lòng thống hối, xưng tội và đền tội vẫn là điều tốt, giáo huấn của chúng ta chắc chắn có tính lừa đảo và ma quái nếu chúng ta dừng ở đó chứ không tiếp tục giảng dậy về đức tin.

Kỳ sau: Chúa Kitô dạy thống hối ăn năn, vì Nước Trời đã gần kề