Chúa Nhật II Mùa Chay A

“Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông”. “Sáu ngày sau” tức là sáu ngày sau khi thánh Phêrô tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Thời gian này Chúa và các tông đồ đang về Giêrusalem. Tại Giêrusalem Người sẽ chịu tử nạn.

Cuộc tử nạn gần kề, Chúa muốn các môn đệ phải biết rõ:

1. Người là ai. Điều này được giải quyết phần nào qua lời đại diện của thánh Phêrô: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".
2. Người giải phóng nhân loại qua cuộc thương khó, tử nạn, và phục sinh. Điều này các tông đồ chưa vững, do đó thánh Phêrô ngăn Chúa sau khi Chúa báo trước Người sẽ chịu nạn.

Như hầu hết người Dothái đương thời, các tông đồ tin Đấng Thiên Sai uy quyền sẽ chinh phục và thống trị nhân loại. Các ông không thể chấp nhận Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ và chết trên thánh giá.

Vì thế, Chúa Giêsu đưa ba tông đồ lên núi, chứng kiến cuộc hiển dung huy hoàng của Người để các ông:

- Xác tín mối liên hệ của Người với Thiên Chúa. Chúa Giêsu không làm gì mà không theo thánh ý Thiên Chúa. Hôm nay, chính Thiên Chúa đã xác nhận mối liên hệ này: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”.
- Xác tín khổ nạn Chúa Giêsu sẽ chịu là con đường duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa. Các ông sẽ tham dự vào khi “uống chén đắng” với Người.
- Xác tín, theo kế hoặch cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu sẽ nên rực rỡ trong vinh quang phục sinh như những gì các ông đang chứng kiến.
- Được củng cố đức tin qua việc nhìn thấy vinh quang trước khi các ông chính thức “uống chén đắng” với Chúa Giêsu.

Nếu Chúa Giêsu đi qua thánh giá rồi mới vào vinh quang, các tông đồ, những người mà Chúa Giêsu yêu quý, cũng không đi ngoài con đường ấy.

Cũng vậy, ta cần tháp nhập vào thánh giá Chúa để tiến đến vinh quang. Thánh giá hôm nay là sự đồng hành với cuộc đời mà ta đang nếm trải.
Thánh giá cuộc đời mang nhiều màu sắc. Nó là những dằn xé, thử thách, bấp bênh, dao động, hoàng cảnh… mà ta phải đối mặt. Nó có thể là những đau khổ bên ngoài thân xác, hay nỗi đau thấu tận tâm hồn…

Thánh giá cuộc đời hiện lên ngay trên chính đôi tay sần sùi, chai sạn. Thánh giá hằn lên mái tóc nhuộm gió sương, quất vào đôi vai oằn nặng, đè lên đôi chân trong từng bước đi khó nhọc…

Thánh giá khắc trên những vầng trán suy tư, những dấu chân chim quần thâm phía sau đôi mắt đầy vẻ mỏi mệt, thao thức.

Thánh giá in dấu trên những khuôn mặt đăm chiêu, lo lắng đến phờ phạc, đến nhợt nhạt và tái tím…

Giữa nỗi thương đau khi dịch bệnh đang làm cả thế giới hoang mang, là đầu mối gây chết chóc cho nhiều ngàn sinh mạng, làm lung lay nền kinh tế toàn cầu và từng quốc gia..., thánh giá mà nhân loại phải chung vai là chính những âu lo, những sợ hãi chưa biết đến khi nào chấm dứt.
Cách riêng với Kitô hữu, thánh giá không chỉ là đau khổ như bao đau khổ trong đời. Thánh giá không chỉ bởi kiếp nhân sinh đầy bon chen, đầy nhọc nhằn mà mỗi kíp người phải gánh lấy.

Thánh giá còn là mọi hình thức bách hại, cấm cách, chà đạp niềm tin mà bao nhiêu kẻ có quyền, bao nhiêu hệ thống chánh trị gây ra…

Người ta khiếp sợ danh “Kitô hữu”, vì đó là Danh của Chúa chúng ta.

Người ta khiếp sợ vì Danh mà khi nghe đến, “cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Phili 2, 10). Càng khiếp sợ, họ càng ra sức bóp nghẹt sự tự do diễn tả đức tin của chúng ta…

Trước những “thánh giá” chất chồng như thế, ai mà không khao khát cảm nếm sự hiển dung của Chúa. Bởi sự hiển dung củng cố đức tin của các tông đồ, thì cũng là sức mạnh cho lòng tin chúng ta.

Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ còn chứng kiến cuộc hiển dung trên núi như các tông đồ. Hiển dung hôm nay trước mắt mỗi người còn quang trọng hơn, đó là hình ảnh CÂY THÁNH GIÁ CỦA CHÚA GIÊSU.

Chính Chúa Giêsu từng nói đến "HIỂN DUNG THÁNH GIÁ": "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu" (Ga 8, 28). Hoặc: "Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của Tôi" (Ga 8, 56). Hoặc: "Trước khi có Abraham, thì Tôi, Tôi Hằng Hữu!" (Ga 8, 58).

Cây Thánh Giá: lời khẳng định chung quyết về một Tình Yêu có một không hai trên cõi đời: THIÊN CHÚA HIẾN THÂN CHO CON NGƯỜI.
Bởi nơi Thánh Giá, không chỉ là Tình Yêu của Chúa Giêsu, nhưng là chính Tình Yêu của Thiên Chúa rực sáng.

Với tôi, biểu lộ Tình Yêu trên Thánh Giá của Chúa là cuộc hiển dung huy hoàng mà Chúa bày tỏ để củng cố sức mạnh lòng tin, khi tôi phải chấp nhận thánh giá của bản thân trong từng ngày sống. Thánh giá của đời tôi sẽ được đền bù, được đáp trả bằng chính Tình Yêu của Đấng đã chết vì tôi.

Nhờ Tình Yêu của chính Thiên Chúa, nơi Thánh Giá, tất cả Vinh Quang của Chúa Giêsu được bày tỏ một cách cụ thể nhất, trọn vẹn nhất, hơn cả vẻ đẹp trên núi Hiển Dung xưa.

Hãy nhìn lên Thánh Giá chiêm ngưỡng Vẻ Đẹp của Chúa Giêsu, để biết Người là Thiên Chúa quyền năng, chiến thắng tội lỗi, đánh bại tử thần.

Hãy nhìn Thánh Giá để thấy niềm tin của từng người được củng cố và thêm vững mạnh.

Hãy nhìn Thánh Giá để nhận ra tình thương của Thiên Chúa, tập hiển dung với Chúa Giêsu bằng cách sẵn lòng đón nhận đau khổ trong đời.

Vì Thánh Giá là cuộc HIỂN DUNG MỚI, nên chấp nhận và tháp nhập thánh giá đời mình vào Thánh Giá Chúa, tôi sẽ hiển dung với Người.

Hiển dung trong chính cuộc đời hôm nay: đó là đau khổ của tôi được thăng hoa để trở thành phương thế cứu độ tôi. Và hiển dung mai ngày: đó là tiến về cuộc Hiển Dung đời đời cùng với Đấng đã hiến mình vì tôi.