Một linh mục Công Giáo thầm lặng về Vũ Hán ăn tết với cha mẹ già đã bị kẹt lại trong thành phố. Ngài gởi cho Asia News, cơ quan thông tấn của Liên Hiệp Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, bài tường thuật sau trong đó có những đoạn khiến người ta rùng mình.

Những gì ‘mắt thấy tai nghe’ của linh mục Sơn Nhân thật quá đau lòng: người dân Vũ Hán bị các nơi khác xua đuổi như ‘loài chuột cống’, còn ngay tại Vũ Hán, hàng xóm lấy gỗ bịt cửa không cho những nhà có người bệnh được ra ngoài.

Một nền văn hoá tàn bạo xuất phát từ ý thức hệ vô thần đang phơi bày khuôn mặt thật sự ghê tởm của nó ra!

Sau đây là bức thư của linh mục Sơn Nhân:

Vào buổi chiều trước giao thừa, tức là ngày 24 tháng Giêng, tôi nhận được chỉ thị từ Đức Giám Mục hủy bỏ các Thánh lễ ngày Tết. Mới hai ngày trước đây, tôi đã gửi thông báo về chương trình năm mới cho những đêm 24, ngày 25 và ngày Chúa Nhật và tôi dự định về quê ngay sau thánh lễ Chúa Nhật. “Trở về nhà sau đêm giao thừa” đã trở thành một tập quán của tôi. Nhưng bây giờ vì chương trình Tết bị hủy bỏ rồi, tôi quyết định về nhà sớm hơn, vào ngày 25 tháng Giêng ngay sau khi ăn giao thừa với các tín hữu xong.

“Về nhà” đã trở thành một quyết định khó khăn trong năm nay. Trước Tết tôi nhiều lần nói chuyện với bố mẹ qua điện thoại và ông bà luôn luôn hỏi tôi khi nào thì về. Nhưng lúc đó chúng tôi chưa biết về nạn dịch Coronavirus của Vũ Hán. Khi tôi phát hiện ra, dịch bệnh đã lan tràn khắp Trung Quốc rồi. Tôi đã đảm bảo với bố mẹ rằng tôi sẽ về vào ngày 26 tháng 1 và tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi lại về trước một ngày như thế này. Bố mẹ tôi hoàn toàn không biết gì cả. Hầu hết các linh mục anh em của tôi cũng thế, họ chưa bao giờ được đón giao thừa ở quê nhà; họ cũng trở lại ngày hôm sau Chúng tôi thường xuyên thảo luận với nhau về việc có nên về quê trong năm nay không. Mọi người đều nghĩ đó là một hành động vô trách nhiệm. Nhưng tôi đã quyết định về sớm hơn, và Chúa đã an bài cho tôi và làm cho chuyến đi được xuông sẻ.

Tôi về đến làng vào lúc đang mưa. Nhiều rào chắn đã được lắp đặt, nhưng may mắn thay, làng của tôi đã không ủi đất để đào rãnh, cũng không đắp mô để chặn đường. Nền văn minh ở đây không được xây dựng một sớm một chiều, nhưng nhờ đức tin mà đạt được tiến bộ, cho nên họ đã không áp dụng những phương sách “bạo lực đơn giản” đang được lưu hành trên internet. Các buổi lễ của làng bị hủy bỏ. Không có ai đi thăm họ hàng, cũng không có những đứa trẻ len lén đốt pháo: cả làng chìm đắm trong một sự im lặng kỳ diệu. Mọi người ở trong nhà ăn uống, xem TV, nói chuyện điện thoại di động, ngủ. Chắc chắn có nhiều bô lão đã cầu nguyện và đọc kinh Mân côi.

Tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng đã chiếm giữ tâm trí của mọi người. Trên internet, tôi không chỉ xem các bản cập nhật mới nhất về dịch bệnh và các khu vực dịch mới, mà tôi còn phát hiện ra một số tình cảm của con người xuất hiện trong xã hội. Thị trưởng Vũ Hán cho biết, 5 triệu người đã rời thành phố, một số người trở về quê, một số khác dự định lánh mặt lâu hơn và đang tạm trú trong những khách sạn. Rõ ràng là vì có sự lo sợ liên quan đến việc truyền virut, mọi người đã công khai khủng bố các công dân đến từ Vũ Hán. Những người nghèo này hiện đang bị mọi người xua đuổi trên đường phố như loài chuột cống! Tuy nhiên, cũng có nhiều người qua internet, đã mời tất cả bạn bè từ Vũ Hán, đang bị xua đuổi hoặc mắc kẹt, về nhà mình.

Trong cuộc sống luôn có hai loại người khác nhau và vì vậy thường xuất hiện hai loại ý kiến khác nhau: những người thiên về tình yêu, ôm ấp cuộc sống với một trái tim rộng mở và tình cảm; và những người thiên về hận thù, từ chối thế giới xung quanh với một trái tim lạnh lùng. Tự bảo vệ và tự cô lập chắc chắn là nhiệm vụ của chúng ta, nhưng nếu tất cả chúng ta phớt lờ nhân loại, đạo đức và thậm chí phớt lờ cả những luật lệ để ngăn chặn “virus”, thì ngay cả những người lành mạnh sống ở những nơi an toàn cũng có thể trở thành một quái thú.

Hiện tại, những người nhiễm bệnh phải tự cách ly mình để không lây nhiễm cho người khác. Thật không may, trên internet chúng ta thấy nhiều hành động hung hăng: có những bệnh nhân kinh hoàng xé rách bộ đồ bảo hộ và mặt nạ của các y tá, hét vào mặt bác sĩ và y tá: Tại chúng mày bảo vệ làm gì? Nếu chúng ta chết, chúng ta phải chết chung... Sau đó thì, rào cản dựng lên khắp nơi: người ta đóng dấu đỏ khắp nơi; người ta vác kiếm đi tuần; người ta đặt biểu ngữ trước nhà của người khác; một số người thậm chí còn đóng ván gỗ để chặn lối ra vào của hàng xóm. Đối với nhiều người, những bệnh nhân của Vũ Hán không còn là người nữa, nhưng đồng nghĩa với virus. Thật là đau lòng, bởi vì ngay cả Chúa tuy Ngài ghét tội, nhưng vẫn yêu thương mọi người. Tôi luôn muốn ôm lấy một tội nhân với một tấm lòng thương xót như vậy,

Tình hình hiện nay là thế này: tất cả những người ở ngoài Vũ Hán hô lên: Cố lên Vũ Hán! Nhưng nếu họ có một người bạn đến từ Vũ Hán, họ nói với những người này: Không chỉ bạn lây bệnh cho người khác, mà bạn còn có nguy cơ bị hành hung! Nếu quan hệ giữa mọi người tiếp tục theo cách này vì dịch bệnh, chắc chắn sự khác biệt về mặt xã hội sẽ trở thành lớn hơn.

May mắn thay, sau khi làng tôi bị đóng cửa, không ai có thể rời khỏi nhà, và với mặt nạ, bạn không có thể hát hay nói. Trong im lặng, mọi người ít nhất có thể suy tư. Các tín hữu bắt đầu cầu nguyện cho dịch bệnh, họ tự tổ chức ăn chay. Chị dâu tôi cũng tham gia, và nhịn ăn sáng!

Điều chúng ta thực sự thiếu ở Trung Quốc là việc tự phê bình: mọi người đều khóc và tuyệt vọng khi một thảm họa xảy ra, nhưng ngay khi thảm họa kết thúc, mọi thứ trở lại như trước. Vào năm 2002-2003, 17 năm trước, có Sars, ngày nay là Coronavirus. Cả hai sự kiện đều liên quan đến động vật hoang dã. Con dơi là một động vật hoang dã, vẻ ngoài của nó giống như một hiệp sĩ áo đen (một số người cho rằng con dơi là sự xuất hiện của Satan). Bây giờ thì, không thể tưởng tượng rằng bạn có thể ăn một thứ như vậy! Một người bạn của tôi đã xem một đoạn video trong đó một người đàn ông ăn một con dơi, và ngay lập tức ném bát của mình đi và nói: thật kinh khủng!

Trước khi dịch bệnh lan tràn, Cha Giáo của tôi đã gửi cho tôi một bài suy niệm. Thành thật mà nói, tôi không muốn nghĩ rằng căn bệnh này là hậu quả của sự đàn áp tôn giáo (ở Trung Quốc,) nhưng nghĩ đi nghĩ lại, những lời của ngài cũng không là quá đáng.

“Cứ nghĩ về ngày 24 tháng 12, ngày Giáng Sinh một tháng trước: người Trung Quốc chúng ta khẳng định chắc chắn rằng chúng ta phải tẩy chay các ngày lễ ngoại lai, chúng ta cấm Giáng sinh, yêu đất nước và ủng hộ các ngày lễ quốc gia. Chúng ta đã tự tát vào mặt mình, vì chỉ một tháng sau, một thảm họa đã xảy ra vào ngày 24 tháng 1. Trước một tình hình khó khăn như ngày hôm nay, tôi thực sự có cả ngàn suy nghĩ: chúng tôi đã từ chối sự bình an mà Chúa ban cho chúng tôi một cách nhưng không, và bây giờ thì tất cả chúng tôi chỉ muốn có sự an bình, nhưng chi phí rất cao. Chúng ta phải kính sợ Thiên Chúa, xin cầu nguyện cho người Trung Quốc! Chúng tôi cầu xin lòng thương xót bao la của Chúa để mọi thứ sẽ sớm được vãn hồi! “.

Tại buổi đọc kinh Truyền Tin vào ngày 26 tháng 1, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến dịch bệnh Trung Quốc, và mời các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới cầu nguyện cho Trung Quốc. Con người có thể sai lầm và phạm lỗi, nhưng Chúa thì vĩ đại và nhân hậu. Thiên Chúa không bao giờ bỏ qua một trái tim hối cải và khiêm tốn. Ngày nay, các Kitô hữu phải cầu nguyện chân thành, vì đất nước chúng ta thực sự cần sự giúp đỡ của Chúa.


Source:Asia News