CHỈ MONG NGÀI LẤY ĐI

Trong những ngày Tết vừa qua, có lẽ cái từ được nhắc đến nhiều nhất đó là từ “PHÚC”; bởi chưng, đó chính là một từ mà nội hàm mang đậm ý nghĩa của lời chúc, của ước mơ, của niềm hy vọng…đẹp nhất dành cho nhau trong những ngày đầu năm. Chính vì thế, cố hiền nhân thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã “nhân cách hóa” chữ “PHÚC” (“ÔNG PHÚC”) trong câu đối Tết để đời:

“Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa,

Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”.

Quan niệm và triết lý của Á Đông-Trung Hoa về “PHÚC” rất phong phú và tế vi. Điều nầy được dẫn chứng qua chính hình tượng chữ PHÚC (福) hình thành bởi bộ Thị (hoặc Kỳ 示) có hình dạng “Bàn thờ” và ký tự PHÚC (畐) được ghép bởi 3 tự: NHẤT (一), KHẨU (口), ĐIỀN (田) có hình dạng “Đôi tay nâng bình rượu” (Hình thức ký tự theo Giáp Cốt Văn)[1]. Qua cách chiết tự đó, nhiều người đã định nghĩa PHÚC chính là cuộc sống yên vui, đầy đủ như bình rượu đầy tràn dâng cúng thần linh[2]. Và cũng theo quan niệm và văn hóa Trung Hoa được ghi lại trong KInh Thi, cái Phúc tròn đầy luôn bao gồm 5 điều (NGŨ PHÚC): thọ (sống lâu), phú (giàu có), khang ninh (mạnh khoẻ bình an), du hảo đức (đức tốt lâu dài), khảo chung mệnh (chết già, chứ không phải chết non hoặc chết vì tai nạn). Cũng có nguồn khác cho rằng, “NGŨ PHÚC” bao gồm: phú, quý, thọ, khang, ninh”. Phú là giàu. Quý là sang. Thọ là sống lâu. Khang là mạnh khỏe. Ninh là bình an.[3]

Trong khi đó, giáo huấn xuyên suốt của truyền thống mạc khải Cựu Ước thì dạy rằng: hạnh phúc đích thực đó chính là Thiên Chúa; cụ thể hơn, đó là được sống gần gũi, thân mật với Thiên Chúa (Câu chuyện sáng tạo và vườn địa đàng: St 1-2; chuyện tổ phụ Hênóc được đem đi: Kn 5,24; Êlia được cất đi: 2 Vua 2,11… để ở với Thiên Chúa trong một không gian đặc biệt; hạnh phúc cũng chính là được ở với Thiên Chúa ngay nơi thánh điện của trần gian (Tv 63); và nhất là khi thực thi thánh chỉ của Thiên Chúa (Tv 1), là bước đi và chọn lựa “sự khôn ngoan” như là hiện thân chính Chúa và ân điển của Ngài (Châm Ngôn 3, 13-18 và Giảng Viên 14,20-15,10)…Vì thế, có thể tóm kết quan niệm về phúc của Cựu ước qua câu nói của một hiền nhân trong sách Gióp: “Hãy sống thân tình với Thiên Chúa và xây dựng bình an, anh sẽ tìm lại được hạnh phúc” (G 22, 21).[4]

Từ truyền thống giáo huấn đó, các ngôn sứ không ngừng gióng lên sứ điệp canh tân và hoán cải mỗi khi dân Ít-ra-en đi lạc xa đường lối huấn lệnh của Thiên Chúa, tìm kiếm hạnh phúc ảo tưởng nơi những thực tại trần thế, nơi các thần tượng giả trá, nơi sự giàu có thế gian và quay lưng lại với Thiên Chúa. Có thể nói, sứ điệp canh tân và hoán cải của các ngôn sứ tập chú vào chính nội dung nầy: Thiên Chúa chính là gia nghiệp, là điểm tựa; và con người chỉ thực sự hạnh phúc khi nhận ra thân phận khó nghèo, nhỏ bé của mình để tựa nương và phó thác nơi Thiên Chúa, như lời của ngôn sứ Sôphônia trong Bài đọc 1 hôm nay:

Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ;

chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh ĐỨC CHÚA.

Số dân Ít-ra-en còn sót lại

sẽ không làm chuyện tàn ác bất công,

cũng không ăn gian nói dối

và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt.

Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi

mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ. (Xp 3,12-13)

Nối tiếp truyền thống của các sứ ngôn và đưa tới một bình diện cụ thể hơn, rõ nét hơn, Đức Kitô đến loan báo: “Phúc cho ai khó nghèo, vì Nước Trời là của họ”. Toàn bộ bài giảng “Tám Mối Phúc Thật” mà Tin Mừng Matthêô vừa nhắc lại cho chúng ta là “bản đúc kết” súc tích về con đường hạnh phúc đích thực Thiên Chúa đề nghị cho con người và cũng là “lời chúc thân thương của Thiên Chúa” dành cho những ai đang dấn thân trên con đường phúc thật ấy.

Để cảm nhận được những lời chúc phúc nầy, hay nói cách khác, để cảm nhận những ai thực sự là “kẻ nghèo có phúc”, chúng ta thử lắng nghe những dòng suy niệm của nhà chú giải Kinh Thánh Noel Quesson:

“Đức Giêsu là Đấng “Mêsia của người nghèo”. Chính Người đã sống khó nghèo; nhiều lần Người đã cho thấy Người thích hướng về phía nào”. Dĩ nhiên, Người đã hiệp thông trong thân xác và trong cảm thức con người với điều kiện khắc nghiệt của những ai thiếu thốn. Khi chia sẻ thân phận của họ từ lúc nằm trong máng cỏ cho đến lúc bị đóng đinh, “không có một viên đá để kê đầu!”, Người đã cảm thấy một trái tim huynh đệ đang đập vì họ. Là Đấng Mêsia của người nghèo bị Do Thái giáo của giới trí thức Giêrusalem khinh bỉ, Đức Giêsu đã đau khổ như những “người phận nhỏ” và “cùng với họ” bị những “người có của” lăng nhục, khinh khi. Ôi ! sự khinh miệt đáng sợ ấy thường là vô thức đối với sự nghèo khó từ phía những kẻ no nê và cười ngạo nghễ. Vậy Đức Giêsu hứa hẹn gì với những người nghèo ấy?

Nước Thiên Chúa là của anh em… Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng… anh em sẽ được vui cười…”[5]

Và rồi, tiếp bước theo Chúa Giêsu nghèo khó để cũng trở thành “kẻ nghèo có phúc”, Tin Mừng dã kể cho chúng ta:

– Giàu có ổn định với bàn đếm tiền của nghề thuế vụ, Lêvi đã chọn một “kẻ nghèo có phúc” để trở thành một Matthêô Tông đồ, theo chàng thợ mộc Giêsu sống đời “màn trời chiếu đất” để dấn thân cho công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước Trời.

– Giàu có như ông ty trưởng Thuế vụ Gia-kê, nhưng ông vẫn là “kẻ nghèo có phúc”, vì ông đã dám tước bỏ cái địa vị cao sang để trèo lên cây sung mà nhìn Đức Kitô, rồi sau đó là cuộc đổi đời để yêu thương và chia sẻ.

– Bụi đời như cô gái làng chơi M.Mađalêna, nhưng lại là “kẻ nghèo có phúc” vì cô đã biết nhỏ những giọt nước mắt sám hối để xin ơn tha thứ và mau mắn làm người đưa tin Chúa sống lại.

– Phản bội như Phêrô 3 lần chối Chúa, nhưng cũng là “kẻ nghèo có phúc” vì ông đã khóc lóc trở về để biến cuộc đời thành một lời đáp tín trung: “Bỏ Thầy con biết đến với ai, vì Thầy có Lời ban sự sống đời đời”.

– Trần trụi khốn nạn như tên trộm bên hữu Chúa vào chiều Thứ Sáu Khổ nạn, nhưng anh ta là “kẻ nghèo có phúc” khi biết ngước mắt về phía Chúa để thân thưa: “Xin nhớ đến tôi khi Ngài vào Nước Ngài hôm nay”, và tức khắc đã được đáp trả: “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi”…

Và chúng ta không quên dụ ngôn “Người Pharisiêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện”. Chúa Giêsu đã kết luận: “Người nầy ra về sẽ nên công chính, còn người kia thì không”. Người được nên công chính đó chính anh chàng thu thuế đứng cuối đền thờ đấm ngực ăn năn: “Lạy Chúa, xin xót thương con, vì con là kẻ có tội”. Quả thật anh chính là “kẻ nghèo có phúc” vì chấp nhận thân phận yếu hèn tội lỗi để phó thác cho lòng xót thương của Thiên Chúa bao dung…

Và nối tiếp “đường đi của Tin Mừng” đó, suốt 2000 năm nay đã có biết bao nhiêu “kẻ nghèo có phúc”, như Anê, Cê-ci-li-a, Au-gus-ti-nô, Mo-ni-ca, Tê-rê-xa hài đồng, Phan-xi-cô As-si-si…như cha thánh Maximilien Kolbe, như Mẹ Thánh Têrêxa thành Calcutta, như Á Thánh An-rê Phú Yên, Các Thánh Tử đạo Việt nam…và hằng ngày, khắp nơi hôm nay, có biết bao nhiêu người dám “đập bể bình dầu thơm quí giá cuộc đời”, dám “bán đi những thửa ruộng màu mỡ cuộc sống” để phục vụ Đức Kitô trong đời thánh hiến, trong chức linh mục, trong vai trò giáo lý viên, tông đồ giáo dân…Trước mặt người đời, trong bậc thang xã hội hoặc với sinh mệnh chính trị, có thể họ là những kẻ thấp cổ bé miệng, là những người bị trù dập bách hại, là những thức “rác rưởi bỏ đi”, nhưng, như lời Thánh Phaolô trong Bài Đọc II hôm nay: “Những gì thế gian cho là điên dại thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh…”.

Thế nhưng, ngày hôm nay người ta hay dị ứng với chữ “nghèo”, mặc cảm với cái nghèo; và nói tới nghèo là cứ nghĩ ngay tới “miếng cơm manh áo, cái xe, cái nhà, con đi học, bệnh tật thuốc thang…”. Và cũng chính vì thế càng lúc con người càng trở nên nghèo nàn thực sự về phương diện tâm linh, khi cứ tất bật toan tính toàn chuyện làm ăn, “phá lẫm cũ xây lẫm mới”, để rồi khép kín trái tim và tâm hồn trước Thiên Chúa và anh em đồng loại.

Cơn đại dịch “Coronavirus” (Hay còn được gọi nôm na là “dịch cúm Vũ Hán) đang làm rung chuyển thế giới từ những ngày đầu năm Canh Tý, và là một cảnh báo thẳng thừng: vật chất, khoa học, kỷ thuật, kinh tế, chính trị…không bao giờ là là một bảo đảm cho hạnh phúc của nhân loại. Chỉ một con virus nhỏ thôi cũng đủ làm tiêu vong mọi thứ. Chính vì thế, chúng ta cần tìm kiếm một con đường khác, một bảo đảm khác cho hạnh phúc đích thực. Đó là con đường “Phúc thật của Tin Mừng”, một con đường “hẹp”, một con đường “chông chênh” và đôi khi trở thành “ngược dòng” đối với tâm thức của nhân loại muôn nơi muôn thuở.

Nhắc tới cơn “đại dịch Vũ Hán” hôm nay, chúng ta đừng quên một truyền thuyết của nhà Phật: “chiếc trâm của người thiếu phụ nghèo Lộc Nương”:

Thiếu phụ nghèo Lộc Nương chỉ có một chiếc trâm cài tóc bằng gỗ, đã thể hiện lòng thành, cúng cây trâm cho chùa Tế Vũ để đúc chuông trừ tà dịch. Sư đúc chuông lấy vàng bạc đúc còn chiếc trâm ném đi. Chuông đúc 3 lần không kêu lại có in lõm hình chiếc trâm trên thân. Sau nhớ lại, thành tâm sám hối, quyết tìm lại chiếc trâm, chuông tự động kêu vang và hình cây trâm vá lại chỗ lõm. Tà dịch được xua trừ.

Vâng, thế giới hôm nay, cuộc đời hiện tại luôn cần những “chiếc trâm của người thiếu phụ nghèo Lộc Nương”, luôn cần những kẻ như Phanxicô Assisi (1181-1226), không những là chứng nhân tiêu biểu của Đức Khó Nghèo Kitô giáo, của Tin Mừng Bát Phúc, mà còn là người đã trân trọng “đính hôn cuộc đời với cô Khó Nghèo”, một ý tưởng, một nhân đức, một quan niệm sống… được ngài nhân cách hoá như một ngôi vị: CÔ NGHÈO (LADY POVERTY)[6]

Tuy nhiên, con người thường quay lưng trước những đòi hỏi của Tin Mừng, như người thanh niên giàu có đã sụ mặt bỏ đi khi nghe Chúa Giê-su mời gọi: “Con hãy về bán hết mọi của cải, bố thí cho kẻ nghèo, rồi đến theo Ta”…, nên lời nguyện sau đây của đại thi hào Tagore vẫn còn cần thiết cho mỗi người chúng ta:

Chỉ mong Ngài lấy đi

Mong chẳng còn gì thuộc về con

Mong chẳng còn gì là của con

Để con được trắng tay

Con chỉ còn Ngài để giữ lấy

Con được chọn Chúa mãi là của con

Chỉ mong Ngài xoá đi

Mong chẳng còn gì để chiếm hữu

Mong chẳng còn gì ràng buộc con

Để con được ngước lên

Con tìm được Ngài là chân lý

Con được cùng Chúa đồng hành luôn

Chỉ mong Ngài cất đi

Mong chẳng còn gì để nắm giữ

Mong chẳng còn gì mà tự tôn

Để con chỉ biết yêu

Yêu một mình Ngài trọn đời con

Con nhìn nhận Chúa chính Nguồn Tình Yêu.

LM. Giuse Trương Đình Hiền

[1] Giáp Cốt Văn: Một kiểu ký tự chữ Hán cổ trên mai rùa (Giáp) và xương thú (Cốt). Nguồn:

https://www.thuphapdungpham.com/blogs/tin-tuc/y-nghia-cua-chu-phuc

[2] Nguồn: https://www.thuphapdungpham.com/blogs/tin-tuc/y-nghia-cua-chu-phuc

[3] Nguồn: https://www.mynghehaiminh.vn/chuyen-san/phong-thuy-tin-nguong-ton-giao/154/chu-phuc-y-nghia-chu-phuc-trong-cuoc-song-nguoi-viet

[4] Xem thêm 2 bài viết của hai tác giả sau:

– LÊ PHÚ HẢI OMI: Quan niệm hạnh phúc theo Kinh Thánh Cựu Ước. Nguồn: https://hoaxuongrong.org/tac-gia/le-phu-hai/quan-niem-hanh-phuc-theo-kinh-thanh-cuu-uoc_a130

– LM. THÁI NGUYÊN: Hạnh phúc trong cuộc đời. Nguồn:

http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/TuDuc/59HanhPhucTrongCuocDoi.htm

[5] NOEL QUESSON: Chúa Nhật VI Thường niên C. Nguồn: Trang mạng giáo phận Phú Cường: https://giaophanphucuong.org/chu-giai-kinh-thanh/chu-giai-tin-mung—chua-nhat-vi-thuong-nien-c-14195.html

[6] Trang bách Khoa Toàn Thư mở Wikipedia: “Người ta kể lại rằng khi cố từ chối những trò giải trí và những buổi hội hè đình đám với bạn bè, những người này trêu chọc Francis và hỏi có phải cậu sắp kết hôn không, câu trả lời là “phải, với một cô dâu đẹp hơn bất cứ người phụ nữ nào mà các cậu từng gặp” – Francis ngụ ý “sự nghèo khó” (lady poverty), một thuật từ mà ông thường sử dụng sau này.”