TẢN MẠN

NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM KỶ HỢI


1. Những điều trông thấy…

Những ngày cuối năm Kỷ Hợi người ta đang chạy đua với thời gian, bắt đầu từ 23 tháng chạp, ngoài đường xe cộ ngược xuôi hối hả, các điểm bán hoa trong thành phố Sài Gòn đã bắt đầu có những loại hoa truyền thống cho mùa xuân -mùa của vui tươi, hạnh phúc và bình an- đó là hoa mai, hoa cúc, hoa mồng gà, hoa thược dược, hoa đào.v.v… trăm hoa đua nở ở nơi những tụ điểm bán hoa tết: công viên 23 tháng 9 Sài Gòn 1, Phú Mỹ Hưng Sài Gòn 7, đường sông Bình Đông Sài Gòn 8.v.v…và rất nhiều nơi trên thành phố Sài Gòn năng động và đầy sức sống này.

Một Sài Gòn nắng rực trong những ngày giáp tết, dưới ánh nắng chói chan của mùa xuân, ngoài đường phố người và người, xe và xe chen chúc nhau giành nhau từng mi li mét đường phố để hối hả vội vàng như sợ không kịp đón xuân về với mình và với gia đình.

Từ nhà văn hóa Thanh Niên nơi có Phố Ông Đồ được trang trí bằng những cành hoa mai vàng rực sáng cả một góc phố với những bạn trẻ áo quần đủ mọi màu sắc tranh nhau chụp hình, tạo nên nét sinh động và vui tươi của những ngày sắp tết. Có những ông đồ trẻ mặc áo thụng khan đóng ngồi sau những cái bàn thấp để viết những câu đối bằng chữ Việt nét chữ kiểu thư pháp rất đẹp, cho đến vườn Tao Đàn với những vườn hoa nghệ thuật bắt mắt, với những cụm trang trí như hút hồn khách du xuân thả hồn theo những cánh hoa mai vàng và những giò phong lan tươi đẹp, thu hút rất đông người đi thưởng lãm hoa xuân với những thanh niên nam nữ mặc áo dài phong cách thuần túy Việt Nam, với nhiều màu sặc sỡ tạo nên nét duyên dáng của mùa xuân và của Sài Gòn riêng biệt…

Các siêu thị lớn nhỏ, các chợ truyền thống và những nơi buôn bán, hình như người ta rất hào phóng khi ăn uống, mua sắm, nhưng người ta lại ít hào phóng với chợ hoa: người bán kêu giá trên trời, người mua trả giá dưới đất cho nên chợ hoa vẫn cứ đông người đi ngắm hoa nhưng ít người mua hoa, rồi đợi ngày 30 tết thì đổ xô ra chợ hoa mua lại với giá rẻ…

2. Nỗi buồn thất đức bởi 2 câu chuyện:

a. Chạy xe cán rỗ bán hoa quả của người nghèo.


Mấy ngày nay trên mạng xã hội người ta bình luận nhiều về bức ảnh và câu chuyện của bà chủ cửa hàng bán áo quần, chạy xe cán lên rỗ bán hoa quả trong dịp gần tết của người đàn bà tuổi đáng mẹ mình. Một hành động thất đức của người ỷ vào đồng tiền và sự giàu có của mình mà khinh dễ người nghèo; hành động này trái với đạo lý của người Việt Nam nói chung và sự giáo dục nhân bản nói riêng, bởi vì đạo làm người không cho phép làm như thế với những anh chị em của chúng ta.

Hành động của bà chủ hàng bán áo quần này được gọi là thất đức và là đề tài của những người ngồi uống cà phê với smartphone trên tay, đa phần người ta đổ tội cho nền giáo dục và sự kiêu căng hợm hĩnh mất dạy của bà chủ cửa hàng, người ta bình luận đến sự mất cả lương tâm và mất đi sự cảm thông giữa người với nhau.

Những ngày giáp têt người ta thường thông cảm lẫn nhau, bởi vì ai cũng vội vàng hối hả giải quyết công việc trong năm cũ để thảnh thơi nhẹ nhàng trong năm mới. Không giúp được người khác vì mình không mướn giúp thì thôi, cớ sao lại hành xử như kẻ võ biền giữa một xã hội cầu tiến và văn minh?

b. Đốt nhà chết 5 người.

Một hành động thất đức thứ hai mà trong những ngày giáp tết này người ta bàn tán và nguyền rủa nhiều, đó là vì ích kỷ vì tham lam mà người hàng xóm đã châm lửa đốt cháy nhà hàng xóm, lửa thiêu đốt chết 5 người trong nhà. Sự thất đức này đã làm cho mọi ngưởi nghĩ đến con người thời nay còn có lương tâm không? Sự ích kỷ và lòng tham lam đã che mất lương tâm của họ, khi mà người người nhà nhà chuẩn bị đón tết mừng xuân mới, thì tai họa ập đến không phải tai họa từ trời, nhưng là do sự thù hận ích kỷ của người hàng xóm.

“Tội ác thì thầm trong thâm tâm kẻ dữ; hắn không thấy cần phải kính sợ Chúa Trời” (Tv 36, 2) Vì không kính sợ Chúa Trời nên sự ác đã bắt đầu từ lòng tham và sự kiệu ngạo của con người, ngay cả khi mọi người nô nức phấn khởi chào đón năm mới thì tội ác đến thì thầm trng thâm tâm kẻ kiêu ngạo: đốt nhà nó đi không có Chúa Trời đâu, đốt cháy giết chết chúng nó đi chẳng ai biết được hành động ác độc của ngươi đâu.v.v…

Những ngày cuối năm không ai ngờ đó lại là ngày cuối của gia đình 5 người, không ai ngờ người đàn bà chủ tiệm lại có thái độ hành xử mất cả đạo đức với người bán hoa quả kiếm từng đồng để chuẩn bị tết đến cho cả gia đình…

3. Bệnh dịch corona – bệnh dịch Trung Quốc.

Cũng trong những ngày cuối năm Kỷ Hợi này, một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bắt đầu từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đang bộc phát dữ dội, đến nỗi chính phủ cộng sản Trung Quốc ra lệnh đóng cửa tất cả ngõ ra vào thành phố Vũ Hán.

Nguyên nhân căn bệnh hiểm nghèo này được các nhà nghiên cứu cho biết là vì ăn thịt rắn và thịt dơi, và lây lan qua đường hô hấp, dùng chung đồ vật.v.v…đều trờ nên nguy hiểm với con người. Và theo cộng đồng mạng đưa tin là hiện tại đã có 2 người Trung Quốc nhiễm bệnh corona và đang điều trị cách ly ở bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng không khí đón xuân trong những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi rất náo nhiệt, và người ta coi bệnh corona cũng như bao bệnh càm mạo nhức đầu khác nên không cần để ý, và người ta cắt đứt dòng tư tưởng bệnh của con bệnhcorona để hòa cùng với niềm vui dân tộc; vẫn tấp nập lo toan vui mừng đón xuân.

Bất kể bệnh dịch corona như thế nào, người Ki-tô hữu luôn tin rằng, đây chính là lời cảnh cáo của Chúa cho chúng ta: nếu các ngươi không ăn năn sám hối thì các ngươi cũng sẽ chết.

4. Niềm vui nho nhỏ.

Bên cạnh những hành động không mấy nhân văn của bà chủ của hàng bán áo quần, và hành động mất nhân tính của tên đốt nhà đã gây ra cái chết cho 5 người. Thì bên cạnh đó vẫn có những tâm hồn đầy tràn bác ái vì người nghèo mà chia sẻ niềm vui tết cho họ.

Tôi biết có giáo xứ nọ ở trung tâm Sài Gòn, cha sở đã làm bánh tét bánh chưng và giao cho các huynh trưởng trong giáo xứ đem đi tặng cho những người nghèo ở dưới gầm cầu, ở bên lề đường.

Những ngày trước tết, các anh chị huynh trưởng đã đem mùa xuân đến cho người nghèo bất hạnh, tuy không nhiều nhưng ngập tràn đức ái của Đức Chúa Giê-su được lan tỏa đến với những người chung quanh; đành rằng một con én không làm được mùa xuân, nhưng ít nữa nó cũng là dấu hiệu báo mùa xuân đang đến.

Niềm vui nho nhỏ này được xuất phát từ tâm hồn yêu thương và lây lan qua các tâm hồn khác, để tình yêu của Đức Chúa Giê-su được mọi người đón nhận.

5. Kết.

Trong những ngày cuối năm Kỷ Hợi, bên cạnh niềm vui chung của mọi người thì cũng có những câu chuyện buồn nên niềm vui chưa trọn vẹn.

Năm cũ sắp qua đi, hãy đem sự tham lam ích kỷ và kiệu ngạo tống đi khỏi tâm hồn của mỗi người, để trong năm mới mọi người biết cảm thông với nhau hơn, gần gủi nhau hơn và yêu thương nhau hơn, như lời thánh Phao-lô tông đồ đã khuyên bào chúng ta trong bài đọc thánh lễ giao thừa:

“Hãy vui mừng luôn, hãy cầu nguyện không ngừng…hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện…”

Xin Thiên Chúa là chúa xuân chúc lành cho chúng ta qua năm mới được mọi sự bằng an và hạnh phúc.

Saigon, ngày 30 tháng chạp Kỷ Hợi 2020

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.