Đêm giao thừa, mọi tất bật lo toan cho những ngày Tết hầu như đã xong. Vạn vật, không gian dường như chùng xuống để đón chờ những giây phút tống tiễn năm cũ và nghênh đón năm mới. Theo tục lệ từ trước đến nay, đêm nay là đêm quan trọng không kém ngày đầu năm. Là đêm canh thức để đón ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Người Việt Nam rất có nghĩa tình, cho dù phải trải qua nhiều rủi ro trắc trở hoặc tài vận hanh thông, mọi người vẫn tiễn đưa năm cũ với tấm lòng biết ơn vì được Trời Đất cho hưởng lộc sống trọn vẹn năm qua.

Người Công Giáo cũng hòa mình vào tục lệ truyền thống của dân tộc. Người người cùng nhau tham dự Thánh lễ tạ ơn được cử hành trước giây phút giao thừa. Vừa để cảm tạ Thiên Chúa vì những hồng ân đã nhận lãnh trong năm qua, vừa cầu xin phúc lành cho năm mới đang tới.

Bỏ lại sau lưng bao niềm vui - nỗi buồn, thành công - thất bại, bao điều mãn nguyện cũng như thất vọng năm cũ. Ai cũng nao nức hướng tới năm mới với tâm nguyện “cầu sung dzừa đủ xài” như mâm ngũ quả truyền thống được chưng trên bàn thờ ngày Tết.

Theo quan niệm dân gian, con số 5 gồm số chẵn 2 tượng trưng cho sự cân bằng âm dương tạo thành thái lưu (hay nguồn gốc của vạn vật) kết hợp với số lẻ 3 tượng trưng cho tam đa (đa phúc, đa lộc, đa thọ). Nên ngày Tết người ta thường hay chúc nhau được ngũ phúc lâm môn.

Ngũ phúc lâm môn là năm điều phúc đến nhà gồm trường thọ (sống lâu, không bị chết yểu, chết non), phú quý (nhiều tiền nhiều của, địa vị cao quý), khang ninh (thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn yên ổn), hiền đức (lương thiện, nhân hậu, bình tĩnh), thiện chung (chết lành, thân thể không đau đớn vì bệnh tật, trong lòng không vương vấn và phiền não, ung dung tự tại rời khỏi nhân gian).

Nhưng hạnh phúc sao nổi khi kiếp nghèo, kiếp mạt, kiếp nô lệ, kiếp phụ thuộc … vẫn còn đầy dẫy trong xã hội. Bao mùa Xuân đã qua đi nhưng lời cầu chúc vẫn còn nguyên vì đó là mơ ước của con người. Đức Giêsu trong Tin Mừng Thánh lễ tạ ơn Giao thừa đã công bố bát phúc có vẻ “khó nghe”, chẳng mấy phù hợp với não trạng và mơ ước của con người.

Thay vì chúc nhau phú quý thì Đức Giêsu lại ban phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Phúc nghèo không phải là sự mỉa mai mà là tinh thần biết sống “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Không tham, không ham của người vì sự giàu có làm cho tâm hồn chúng ta chất đầy “tham-sân-si”, chỉ lo tích cóp của cải trần gian và không còn chỗ tiếp thu Lời Chúa.

Trong thế giới chồng chất những bon chen, cạnh tranh, ganh ghét… những người ăn ở hiền lành xem ra không được khôn ngoan cho lắm. Người hiền lành thường bị coi là kẻ yếu thế, nhu nhược. Họ thường bị ức hiếp, chịu bất công, sầu khổ, nhưng theo Tin Mừng lại là người có phúc.

Nghịch lý của mối phúc không phải là sự gồng mình cam chịu những nghịch cảnh phi lý, mà là sự đón nhận thử thách bằng nội tâm của mình. Người “hiền” là người biết sống vì người khác. Dám chấp nhận đau khổ như quà tặng của Thiên Chúa ban vì thế họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Ta thường tin rằng hạnh phúc, niềm vui và giải trí là những điều tốt nhất trong cuộc sống. Và xem những nỗi đau trong gia đình, những bệnh tật … là điều “phiền não”, bất hạnh. Con người không muốn đau khổ, thích lờ đi những tình huống đớn đau và cố che giấu chúng. Nhưng “phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”, chỉ có những có tâm hồn sầu khổ mới dám đối diện với chúng và mới hiểu thế nào là được Thiên Chúa ủi an và ban hạnh phúc.

Với chủ nghĩa vị kỷ, hưởng thụ, con người rất dễ đi vào những con đường bất chính và thường ngụy biện rằng: ngày nay nó phải thế! Họ khéo léo luồn lách, chạy chọt, giẫm đạp lên bao nhiêu người để thỏa mãn lợi ích cá nhân và khiến bao người phải chịu đau khổ, bất công.

Chỉ có những ai khát khao nên người công chính thì mới được Thiên Chúa cho thoả lòng. Và những người tâm hồn trong sạch, có trái tim tinh khiết, biết yêu thương một cách tinh ròng, không hai lòng, không bụi bẩn rồi ra sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Nhưng không chỉ có thế, con người còn phải sống chung với nhau và vì nhau nên còn cần phải yêu thương tha nhân, vun đắp mối tình nhân ái, cũng như sẵn sàng dấn thân, bảo vệ làm chứng cho sự thật, đạo Chúa. Theo dòng lịch sử biết bao người đã bị bách hại, và tiếp tục bị bách hại chỉ đơn giản là vì họ đã sống công chính và chiến đấu cho công lý.

Người ta thường có thói quen làm ngược điều bát phúc: không xót thương nhưng muốn được thương xót, không đóng góp mà muốn hưởng quyền lợi. Con người vừa muốn ngũ phúc lâm môn nhưng lại vừa muốn được hạnh phúc Nước Trời!

Đức Giêsu đã đưa ra hệ quả: đặt bát phúc là hạnh phúc thánh thiêng. Mối phúc trong Tin Mừng phải ở bậc cao hơn mối phúc mà người ta vẫn chúc nhau. Chỉ có Thiên Chúa mới là hạnh phúc vĩnh cửu, nhờ Ngài mà mối phúc Nước Trời được mở ra để đón tiếp những ai biết sống và dấn thân.

Vậy, hãy tạ ơn vì biết bao hồng ân Thiên Chúa đã ban, cúi đầu tạ lỗi vì những thiếu sót với Chúa và tha nhân trong năm qua. Hãy để tâm hồn thanh thản cộng hưởng với những tiếng chuông ngân báo hiệu thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Phó thác những ưu phiền lắng lo vào tay Chúa quan phòng và đặt trọn niềm tin vào sự vần xoay của Ngài để khởi đầu những điều tốt đẹp trong năm mới.

Xin Chúa Xuân ngự trị trong mỗi gia đình, mỗi người, nhất là những người trẻ để họ được lớn lên và trưởng thành về thể lý, tâm lý, tâm linh, và phân định ơn gọi (Thư chung 04/10/2019 của HĐGM VN). Xin cầu chúc mọi người biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa (Lc 11,28) để xứng hưởng bát phúc lâm môn trong suốt năm Canh Tý.