Khủng hoảng Giáo Hội đang phải đối diện xuất phát từ cố gắng - ngay cả bởi một số thành phần bên trong Giáo Hội – muốn thích ứng với văn hóa và từ bỏ những giáo huấn về đức tin. Đức Hồng Y Mueller cảnh giác như trên trong ngày đầu năm mới 1/1/2020.

Đức Hồng Y Mueller đã bày tỏ lập trường trên với hàng ngàn tham dự viên của Hội nghị Thượng đỉnh về nghệ thuật lãnh đạo sinh viên 2020 tại Phoenix do Hiệp Hội Các Sinh Viên Đại Học, gọi tắt là FOCUS, tổ chức. Ngài nói thêm: “Cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội là do con người tạo ra và nó nổi lên bởi vì chúng ta đã thích nghi chính mình một cách tháo thứ với tinh thần của một cuộc sống không có Chúa.”

“Chất độc gây tê liệt Giáo Hội là ý kiến cho rằng chúng ta nên thích nghi với Zeitgeist, tức là với tinh thần thời đại, chứ không phải tinh thần của Chúa, và rằng chúng ta nên tương đối hóa các điều răn của Chúa và giải thích lại tín lý về đức tin đã được mặc khải.”

Đức Hồng Y cảnh giác rằng ngay cả một số người trong Giáo Hội đang “mong ngóng” một loại Công Giáo không có tín lý, không có bí tích và không có huấn quyền bất khả ngộ.

Đức Hồng Y Mueller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã cử hành thánh lễ đầu năm mới kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Trong bài giảng Thánh lễ, ngài đã suy tư về mong muốn của con người đón nhận những niềm vui khác khi Thiên Chúa bị qua một bên.

“Nhưng người tín hữu không cần ý thức hệ. Ai hy vọng sẽ không tìm đến thuốc phiện. Ai yêu thương thì không chạy theo dục vọng của thế giới này, là điều sẽ qua đi cùng thế giới. Ai yêu Chúa và tha nhân sẽ tìm thấy hạnh phúc trong sự hy sinh trao ban chính mình.”

“Chúng ta sẽ hạnh phúc và tự do khi trong thần khí của tình yêu, chúng ta đón nhận hình thái sự sống mà Thiên Chúa đã mời gọi mỗi người chúng ta một cách cá vị: trong bí tích hôn nhân, trong đời sống độc thân linh mục, hoặc trong đời sống tu trì theo ba lời khấn khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh vì Nước Trời.”

Đức Hồng Y Mueller nhấn mạnh rằng tạ ơn là một phần quan trọng của đời sống Kitô hữu. Vào đầu năm mới, ngài khuyến khích người Công Giáo nói lên lòng biết ơn đối với tất cả các kỳ công sáng tạo, lòng biết ơn Thiên Chúa đã gửi Chúa Kitô đến thế giới như vị cứu tinh của chúng ta, lòng biết ơn Đức Trinh Nữ Maria, Giáo Hội Công Giáo, hồng ân gia đình và tất cả các phước lành khác mà nhiều người có thể dễ dàng coi là chuyện đương nhiên.

“Là các Kitô hữu, chúng ta có một nhận thức có tính âm nhạc về cuộc sống: Trong trái tim chúng ta vang lên bài ca tạ ơn vì được cứu chuộc. Giai điệu của cuộc sống chúng ta là tình yêu, và hòa âm của nó là niềm vui trong Chúa”

Thay vì đặt hy vọng vào số phận, Kitô hữu nhận ra rằng đau khổ là không thể tránh khỏi, nhưng vẫn có thể tìm thấy niềm vui trong Chúa Kitô, Đấng cũng phải chịu đau khổ và mở ra cho chúng ta cánh cửa đến sự sống đời đời.

Tuy nhiên, trong những thời điểm thử thách này, những tai tiếng trong Giáo Hội và một cuộc khủng hoảng giữa các xã hội có truyền thống Kitô ở phương Tây đã khiến nhiều người lo lắng tự hỏi liệu tảng đá trên đó Chúa Kitô xây dựng Giáo Hội của Ngài có bị vỡ vụn hay không, Đức Hồng Y nói.

“Đối với một số người, Giáo Hội Công Giáo bị tụt hậu đến 200 năm so với thế giới ngày nay. Có chút sự thật nào trong lời cáo buộc này không?”

Những đòi hỏi hiện đại hóa cho rằng Giáo Hội phải bác bỏ những gì Giáo Hội vẫn coi là đúng, nhằm mục đích xây dựng “một tôn giáo mới thống nhất với thế giới”, Đức Hồng Y Mueller cảnh báo.

“Để có thể được nhận vào thứ siêu tôn giáo này, cái giá duy nhất mà Giáo Hội phải trả là từ bỏ yêu sách chân lý của mình. Dường như không có vấn đề gì lớn, vì chủ nghĩa tương đối thống trị trong thế giới của chúng ta dù sao cũng bác bỏ ý tưởng rằng chúng ta thực sự có thể biết sự thật, và chủ nghĩa tương đối ấy cho rằng mình là người bảo đảm cho hòa bình giữa tất cả các quan điểm thế giới và các tôn giáo trên thế giới.”

Xã hội hậu Kitô giáo hoan nghênh những nỗ lực này để tái cấu trúc Giáo Hội “như là một tôn giáo dân sự thuận tiện”, Đức Hồng Y nói.

Thuốc giải độc cho thế tục hóa trong Giáo Hội là một đời sống đức tin, được sống trong sự thật trường tồn của Chúa Kitô, Đức Hồng Y Mueller nói với những người có mặt.

Ngài nhấn mạnh rằng: Thiên Chúa, Đấng vĩnh cửu, không thể bị thay đổi bởi ý thích bất chợt của xã hội.

“Trong một con người cụ thể là Chúa Giêsu thành Nagiarét, sự thật phổ quát của Thiên Chúa hiện diện một cách cụ thể ở đây và bây giờ - trong thời gian và không gian lịch sử,” ngài nói. “Chúa Giêsu Kitô không phải là một biểu trưng của một số sự thật tối cao: Ngài là hiện thân của ‘đường, sự thật và sự sống’”.


Source:Catholic News Agency