Theo tin mới nhất cuả AsiaNews thì Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia (BNPB) đã công bố có đến 43 người chết do hậu quả lũ quét và sạt lở ở Jakarta, 400 ngàn người được chính quyền di chuyển đến những địa điểm tạm trú và hơn 35.000 người đã buộc phải tìm nơi ẩn náu trên những vùng đất cao hơn hoặc trên các tòa nhà của chính phủ hoặc các nơi thờ cúng, bao gồm cả nhà thờ.

Lũ lụt đã dẫn đến lở đất, gián đoạn giao thông và gây mất điện. Các đội cứu hộ vẫn tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ, trong khi chính quyền đã đưa ra lời cảnh báo rằng thời tiết xấu còn tiếp tục cho đến thứ ba.

Ở bên ngoài thủ đô, các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề là các huyện Nam Tangerang, Thành phố Tangerang và Lebak (tỉnh Banten) và Bekasi và Bogor (Tây Java).

Số người chết gồm nhiều nguyên nhân như chết đuối, bị chôn sống trong đất lở, bốn người bị điện giật và ba người chết vì cảm lạnh.

Nhiều giáo xứ tại Jakarta đã phải hủy bỏ Thánh lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và một số nhà thờ cũng bị ngập như nhà thờ Maria ở Kusuma và Kalvari ở Lubang Buaya.

Cơ quan Khí tượng Indonesia (BMKG) mô tả lượng nước mưa của những ngày gần đây là "cực kỳ bất thường", trùng hợp với lúc nước biển dâng cao đã gây ra vấn đề ứ đọng trên các kênh và sông của Jakarta.

Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo và Bộ Gia Cư và Công Chánh cho biết lý do lụt lội là bởi vì có nhiều khu nhà xây cất trên sông Ciliwung chảy qua thành phố. Trong vài năm qua, những việc xây cất lây lan trong các khu đó đã hạn chế lưu lượng nước thoát.

Dưới thời Thống đốc Basuki "Ahok" Tjahaja Purnama (2014-2017), chính quyền dân sự đã thông qua kế hoạch cải tạo các cộng đồng ven sông và nâng cấp bờ sông. Tuy nhiên, vị thống đốc hiện tại, Anies Baswedan, đã ngưng các dự án đó mà không cho biết lý do vì sao.

Dự án Ciliwung do cựu Thống đốc Ahok khởi xướng dự tính sẽ kéo dài 33 km, nhưng nay đã dừng lại ở km thứ 16.

Trên Twitter, Tổng thống Widodo đổ lỗi cho sự chậm trễ trong các dự án cơ sở hạ tầng để kiểm soát lũ lụt. Ông cho biết một số đã bị trì hoãn kể từ năm 2017 vì có vấn đề thu hồi đất.

Trên phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người dân Jakarta đã đổ lỗi cho Thống đốc Baswedan. Và ngày càng có nhiều người yêu cầu ông từ chức, vì ông ta đã không theo đuổi những sáng kiến tốt đẹp của người tiền nhiệm.

Có những người khác còn cáo buộc ông thống đốc là cố tình "gây ra thảm họa ở Jakarta" để vu oan cho ông Ahok, và đặc biệt là tổng thống, là người đã không bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Giáo dục.

Về phần mình, ông Baswedan cho biết ông chủ trương nước mưa nên được cho thấm vào lòng đất thay vì ép nước chảy vào các kênh và sông để đổ ra biển.

Trong khi đó, BNPB và Hội đồng Đánh giá và Ứng dụng Công nghệ (BPPT) muốn dùng kế hoạch công nghệ để thay đổi thời tiết để giảm cường độ mưa ở vùng Jakarta.

BPPT muốn sử dụng công nghệ điều chỉnh thời tiết để gây ra mưa ở eo biển Sunda, Lampung và các khu vực lân cận, trước khi mưa lan đến Jakarta, Bogor, Depok, Tangerang và Bekasi. Mục tiêu là cắt giảm nước mưa 30-50%.

Thủ đô Indonesia thường xuyên bị lũ lụt trong mùa mưa. Jakarta và các khu vực lân cận là nhà của hơn 30 triệu người.

Trước đây vào năm 2007, có hơn 50 người chết trong một trận lụt kinh hoàng nhất. Năm năm trước đó, hầu hết trung tâm thành phố cũng đã bị lụt sau khi các bờ đê bị tràn qua.

Năm ngoái, chính phủ đã công bố kế hoạch sẽ di chuyển thủ đô đến tỉnh Đông Kalimantan (Borneo).

Trong cái mối bòng bong cuả các cuộc đấm đá chính trị đó thì các cộng đồng Công Giáo ở Tổng giáo phận Jakarta đã thực hiện nhiều sáng kiến nhân đạo để đối phó với tình trạng khẩn cấp.

Những hành động và hỗ trợ của người Công Giáo được điều phối bởi cơ quan phản ứng nhân đạo của Tổng giáo phận, Lembaga Daya Dharma Keuskupan Agung Jakarta (LDD-KAJ). Họ sử dụng Internet và phương tiện truyền thông xã hội để phối hợp việc phân phối thuốc và nhu yếu phẩm cho hàng ngàn người di tản ở các vùng Jakarta , Tangerang, Bekasi, Pondokgede, Ciledug và Bogor.

Ngoài việc gây quỹ, LDD-KAJ cũng thành lập một trung tâm tiếp thu tại Nhà thờ Thăng Thiên, để nhận các đóng góp cuả công chúng và phân phối hỗ trợ cho các nhà tạm trú.

Ngoài ra còn có các hội đoàn tư nhân như hội Bunda Teresa, một cộng đồng cầu nguyện Công Giáo, cũng quyên tiền cho LDD-KAJ để giúp các giáo xứ làm việc tại hiện trường.

Tại thủ đô, một số linh mục đã đưa ra các sáng kiến cá nhân. Chẳng hạn, cha Yos Bintoro đã điều động giáo dân cung cấp thực phẩm cho những người trú ẩn tại Nhà thờ Santo Agustino (St Augustine).

"Có ít nhất 182 người đang ẩn náu ở đây", ngài viết trong một bài hịch trên mạng, và đã gây sốt trong cộng đồng mạng cuả Công Giáo. "Có 64 trẻ em và 15 trẻ sơ sinh, và chúng không chỉ cần thực phẩm và thuốc men mà thôi, mà còn cần quần áo, chăn mền và tã lót đặc biệt cho trẻ em.”

Cha Bintoro là một linh mục giáo phận được bổ nhiệm làm tuyên úy cho Lực lượng Vũ trang Indonesia trong binh chủng Không quân.