Hôm ngày 27.12.2019, cuộc đình công chống Cải tổ chế độ Hưu bổng tại Pháp bước sang ngày thứ 23, vượt thời gian cuộc đình công, cũng chống Cải tổ chế độ Hưu bổng năm 1995 khiến Thủ tướng Alain Juppé, lúc đó, phải rút bỏ Dự Luật này. Trong tình trạng đối đầu hiện nay giữa nhà nước và các nghiệp đoàn, khi hành pháp cho biết chỉ tái họp thương lượng vào ngày 06.01.2020. Như vậy, chúng ta có thể tiên đoán mùa đình công hiện hành ‘dư sức’ phá kỷ lục kỳ đình công kéo dài 28 ngày từ 18.12.1986 đến ngày 15.01.1987. Một sự kiện duy nhất mà giới quan sát hy vọng có thể chận đứng sự phá kỷ lục này : thực thi tryền thống, tối ngày cuối năm, Tổng thống chúc mừng Năm Mới đến đồng bào, ông E. Macron sẽ có tuyên bố mang lại an bình…

Về thống kê đình công, ‘Institut Syndical Européen’ thực hiện trong thời gian 2010 – 2017 cho thấy :

- Chypre đã trải qua 316 ngày ;

- Pháp : 125 ngày ;

- Bỉ : 96 ngày ;

- Na uy : 65 ngày …

Như vậy, về số ngày đình công, nước Pháp vô địch chỉ mang tính tương đối. Có thể, do tâm lý khi việc đình công liên hệ đến việc tài xế xe lửa và bus không phục vụ người đi làm việc tạo ảnh hưởng đến công sở và các xí nghiệp khác, khiến chúng ta thấy thời gian kéo dài vì khổ sở gia tăng.

Nhưng nên lưu ý, chúng ta chưa có số liệu cho hai năm 2018 và 2019.

I.- Ý KIẾN ÐÓNG GÓP.

Trong đêm 24 và ngày 25.12.2019, khắp các giáo đường, Kitô hữu hát vang ‘ Hòa Bình dưới Thế cho người thiện tâm’ nhưng, cùng lúc đó, vẫn có cả trăm ngàn người đang lo lắng tìm phương tiện di chuyển thăm gia đình, thân nhân trong những ngày Lễ cuối năm Dương lịch. Ðồng thời, có những khác tuyên bố ngưng thi hành hợp đồng làm việc, thật hợp pháp, để bảo vệ quyền lợi mình và kể con cháu mình.

Hòa Bình đòi hỏi phải hội tụ bốn yếu tố : Sự Thật, Công Bằng, Tự Do và Tương Trợ.0 Ðề nghị chúng ta, với những chi tiết hiện có về tiền Dự luật Cải tổ Hưu bổng được loan báo bởi các hệ thống truyền thông.

A. Sự Thật :

Ðúng ra, sự cải tổ sâu rộng này phải thực hiện từ lâu, nhưng mỗi lần tiến hành thì bị chống đối bởi các nghiệp đoàn thợ vì các chế độ hưu bổng đặc biệt, hàng đầu là các nhân viên SNCF (Société Nationale Chemin de Fer, Công ty quốc gia Ðường Sắt, tức Xe lữa) và RATP (la Régie Autonome des Transports Parisiens, Công quản chuyên chở Paris gồm bus và métro) là những người có phương tiện ảnh hưởng tới việc di chuyển của đồng bào thủ đô và vùng phụ cận. Ngoài ra, việc làm và phương tiện làm việc tại đây được cải tiến rất nhiều.

Có hai nguyên nhân quan trọng buộc phải cải tổ :

1. Hiện tại, nước Pháp, có đến 42 chế độ hưu bổng cho những ngành nghề gọi là đặc biệt tạo ra một sự bất bình đẳng giữa những người đi hưu.

2. Dân số lão hóa, tuổi thọ dân Pháp tăng, số người làm việc giảm, hệ quả là quỹ Hưu bổng rơi vào tình trạng thâm hụt kinh niên và tăng dần.

Với nhịp độ gia tăng trưởng hiện nay 1,5 %/năm, theo thẩm định của Hội đồng Ðịnh hướng Hưu bổng (Conseil d'orientation des retraites, COR), mức thâm hụt đó sẽ lên từ 8 đến 17,2 tỷ euro vào năm 2025, tức trung bình mỗi năm, sự thâm hụt tương đương với từ 0,3 đến 0,7 % PIB nước Pháp.

Do đó, không gì ngạc nhiên khi có 76 % người được hỏi đồng ý là cần phải cải tổ chế độ Hưu Bổng tại Pháp, theo như kết quả một cuộc thăm dò do Viện IFOP thực hiện hôm 01.12.2019 cho báo Le Journal du Dimanche. Ngoài ra, 64 % đồng ý việc Chính phủ muốn thống nhất các chế độ hưu bổng để xóa bớt những bất công. Tuy nhiên, đồng thời, có đến 64 % cho biết là họ không tin tưởng vào ông Macron lẫn ông Philippe trong sứ mệnh trọng đại này.

Các thành viên Chánh phủ và các Dân biểu, Nghị sĩ thân chính quảng cáo cho một hệ thống phổ quát (système universel) để chấm dứt các chế độ đặc biệt. Nhưng nay, nhiều chế độ đặc biệt lại phải tái xuất hiện như : quân nhân, cảnh sát, cai tù, cứu hỏa, phi hành đoàn.

Tối thứ bảy 28.12.2019, tại nhà hát Opera Paris, để tỏ thái độ chống cải tổ hưu bổng, khoảng 40 nữ diễn viên, đang đình công, múa ballet trước cung Garnier để trình diễn một đoạn trong vỡ Hồ Thiên Nga, được khách qua đường vỗ tay tán thưởng. Khi thương lượng với thẩm quyền retraites, họ chỉ chấp thuận chế độ hiện nay cho những diễn viên tnu dụng trước năm 2022. Do đó, các diễn viên tiếp tục đình công. Tiếc chi với các tài năng thiên phú đã khổ công tập luyện và số diễn viên này đâu có đông

Ðể tính lợi tức trung bình hàng năm để tính lương hưu, chế độ hiện hành dùng 25 năm cao nhất đối với tư chức và chỉ 6 tháng cuối cho công chức. Theo chế độ mới, việc tính này dựa trên trọn đời làm việc, tức ít nhất cũng 40 năm. Kết quả, lương hưu phải thấp hơn. Do đó, các giáo viên đang đòi được tiếp tục tính trên 6 tháng trước như hiện nay. Tổng trưởng Giáo Dục Jean-Michel Blanquer đã tiếp công đoàn giáo viên. Ông hứa sẽ tăng lương, nhưng giáo viên phải làm việc nhiều giờ hơn.

B. Công Bằng.

Các vị nói trên, nhất là Thủ tướng, hôm 11.12.2019, đã tuyên bố : ‘Giới phụ nữ, những người hưởng lợi lớn trong cuộc cải tổ này’, vì chế độ mới này đặc biệt tặng không những Ðiểm phụ trội 5% cho các bà vì mỗi con, và tính từ đứa thứ nhất, chứ không chờ đến em thứ ba như hiện nay. Dư luận, nhất là các nghiệp đoàn và các hội phụ nữ, bác bỏ khái niệm này.

Phần mình, chúng tôi đã tìm nhưng không thấy điều này được quy định trong chế độ hiện hành tính bằng ‘trimestre’, đã không thấy đề cập trong chế độ đang tranh luận. Ðó là :

Mỗi người con có làm tờ ‘Déclaration sur l’honneur’ chứng nhận đã được mẹ nuôi dưỡng từ khi được sinh ra cho đến 16 tuổi thì bà mẹ được ‘xã hội’ thưởng 8 tam cá nguyệt (2 năm). Ngoài ra, những bà mẹ nuôi dưỡng từ 3 con trở lên và gia đình có lợi tức thấp thì Quỹ trợ cấp gia đình (Caisses d'Allocations Familiales) phát tiền Complément familial thì có thể được Quỹ này đóng thế tiền góp vào Quỹ Bảo hiểm Hưu. Ðây là một sự Tương trợ thật sự và cao độ.

Sau những tuyên bố này của ông Philippe, ông Laurent Berger, Tổng thư ký Tổng Nghiệp đoàn Pháp Dân chủ Lao động (Confédération Française Dé mocratique du Travail, CFDT) cảnh cáo ‘Lằn ranh đỏ đã bị vượt qua. Ðây là nghiệp đoàn có đông thành viên nhất nước Pháp được ông kêu gọi xuống đường ngày 13.12.2019, kéo theo các nghiệp đoàn CFTC (Confédération française des travailleurs chrétiens, Tổng nghiệp đoàn những Người lao động Thiên Chúa giáo và UNSA (Union nationale des syndicats autonomes, Liên hiệp các nghiệp đoàn độc lập) nối gót. Kết cuộc, số người biểu tình và đình công gia tăng và kéo dài sang năm 2020.

Nhiều người cho rằng : Nếu chỉ nhìn vào lý do của cuộc đình công thì thật khó chấp nhận được vì sự phát động một sự kiện quy mô như vậy để bắt nhiều trăm ngàn khách lưu thông phải làm con tin để chống một dự án chưa thành hình và mục tiêu trên hết là bảo vệ những người được quyền về hưu trước 60 tuổi, với mức lương hưu trung bình trên 2.000 euros, cao hơn nhiều so với những người làm việc trong khu vực tư nhân.

I.- ÐÌNH CÔNG VÀ BIỂU TÌNH LÀ NHỮNG QUYỀN HIẾN ÐỊNH.

A.- Quyền Dình công được ghi trong Lời Mở Ðầu (Préambule) Hiến pháp Ðệ Tứ Cộng hòa và đã được chép lại trong Lời Mở Ðầu Hiến pháp 1958.

Trước đợt đình công hiện nay, một cuộc thăm dò dân ý từ thực hiện hai ngày 27 và 28.11.2019 cho thấy 46 % người được hỏi cho biết ủng hộ những người cuộc đình công hôm nay. Nhưng theo thăm dò dân ý trong hai ngày 03 và 04.12.2019 thực hiện bởi viện Odoxa Dentsu Consulting thì có hơn 60 % người được phỏng vấn đồng ý đợt bãi công này là ‘chính đáng’. Phần khác, 89 % cho rằng kế hoạch cải tổ ‘còn quá mơ hồ’, 85 % cho rằng ‘phải làm việc nhiều hơn và 80 % tin là sẽ bị chính phủ bắt chẹt hay lừa dối.

B.- Quyền Biểu tình cũng được quy định nơi Tuyên ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân cũng ở Lời Mở Ðầu Hiến pháp 1958 và được đồng hóa với quyền Tự do Ngôn luận bởi Hội đồng Hiến pháp (Conseil Constitutionnel) ngày 18.01.1995. Ngoài ra, quyền này còn được bảo đảm bởi điều 11 Tuyên ngôn Nhân quyền Âu châu.

Thiết tưởng, chúng ta cần nên hiểu: công nhân hay công chức đình công và đi biểu tình không phải để chơi, mà là một sự hy sinh vì phải bị mất những ngày lương. Đôi khi, đồng bào Việt chúng ta đi du lịch từ quốc nội hay các nước khác đến Pháp cho rằng người dân tại đây ‘thích’ biểu tình. Sự thật không như vậy, dân Pháp, một nước dân chủ hàng đầu thế giới, sử dụng hai quyền này để bảo vệ quyền lợi đang hưởng cho mình và con cháu mình.

Tại Việt Nam độc tài, quyền biểu tình đã được liên tiếp ghi rõ trong các Hiến pháp 1959 (điều 67), 1980 (đ. 25), 1992 (đ. 69) và 2013 (đ. 25), nhưng không được áp dụng vì các đại biểu Quốc hội không khả năng để làm luật chi tiết để thi hành việc biểu tình. Do đó, các ‘đỉnh cao trí tuệ’ đã đặt ra tội ‘tụ tập đông người’ để bắt bớ và lên án thật nặng những người yêu nước biểu tình chống tàu cộng, tập đoàn tàn phá môi trường Formosa, …

II.- HAI NĂM BIỂU TÌNH.

A.- Hôm qua : Áo Vàng.

Năm 2017, một ứng cử viên trẻ 39 tuổi, Emmanuel Macron (Tiến bước, En Marche, đảng mới toanh), tự giới thiệu ‘không tả không hữu’, hứa hẹn rất nhiều sự cải tổ, đặc biệt là thuế gia cư (taxe d’habitation), hưu bổng và gia tăng mãi lực (sức mua, pouvoir d’achat)… Ngày 23.04.2017, 38 triệu cử tri Pháp đã tham gia việc tuyển chọn Tổng thống, vòng một, để đưa hai ứng cử viên là ông E. Macron thu được 24,01% số phiếu hợp lệ và bà Marine Le Pen (Mặt trận Quốc gia, Front national, FN) với 21,30% để vào tranh cử ở vòng hai. Ngày 07.05.2017, cử tri Pháp đã trở lại phòng phiếu để dự bầu vòng hai. Kết quả: ông Macron đắc cử Tổng thống với 66,10% số phiếu hợp lệ và bà Le Pen thu được 33,90% số phiếu này.

Sang năm 2018, người dân không thấy thuế gia cư giảm vì thuế này do chính quyền địa phương ấn định. Do trung ương giảm trợ cấp, nên họ phải tăng để bù đắp để điều hành các tỉnh (département) và thành phố (ville). Sức mua thì không thấy tăng mà còn bị giảm thấy rõ vì giá xăng dầu không ngừng tăng. Ðiều vô lý : người tiêu thụ vừa phải trả TVA trên giá sản phẩm vừa phải trả trên tiền Thuế tiêu thụ nội địa về sản phẩm năng lượng (TICPE).

Tháng 05/2018, chị Priscilla Ludosky, 32 tuổi, sống ở ngoại ô Paris Seine-et-Marne, quản lý một cửa hàng bán mỹ phẩm qua internet, nhận thấy giá xăng dầu tăng vọt. Tìm hiểu trên mạng này, chị khám phá ra 2/3 giá xăng dầu là do thuế. Chị phát đơn kiến nghị lên Facebook, nhưng ý kiến không được lưu tâm lắm. Ðến mùa thu, một phóng viên báo La République de Seine-et-Marne liên hệ với chị để viết về kiến nghị này trên Facebook và, lần này, chị thu được 700 chữ ký ủng hộ… Cùng lúc, cũng tại vùng này, ông Drouet, tài xế lái xe vận tải, 33 tuổi, bất mãn vì xăng dầu tăng giá, đã cùng hiệp hội tài xế Muster Crew mời gọi đồng nghiệp tổ chức một chuyến đi bằng xe trên các đường vành đai Paris ngày thứ Bảy 17.11.2018. Các cuộc biểu tình hôm đó, theo số liệu bộ Nội vụ công bố, có gần 290.000 Áo Vàng tham dự và có một người chết và 528 người bị thương, trong đó có 92 cảnh sát và hiến binh (gendarme).

Lập tức, tối ngày 18.11.2018, trên đài truyền hình France 2, Thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố ông hiểu nỗi lo của người biểu tình, nhưng sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu mà chính phủ đã đề ra. Tiếp đến, Tổng trưởng Nội vụ Christophe Castaner chỉ trích là phong trào đấu tranh ‘Áo vàng’ đã ‘hoàn toàn chệch hướng’ và kêu gọi người biểu tình tôn trọng nguyên tắc tự do lưu thông và cảnh báo lực lượng an ninh sẽ sớm được triển khai để giải tỏa các chốt trên các tuyến đường một cách có hệ thống và có phương pháp, tránh để xảy ra xô xát với người biểu tình. Hình như, ông này, trước đó, đã không tiên đoán được sự tham dự đông đảo của người dân như vậy. Từ đó, phong trào ‘Gilets jaunes’ (Áo Vàng) được hình thành để cùng nhau biểu tình mỗi ngày thứ bảy tại nhiều thành phố và tập hợp tại các bồn binh (rond point) trong nhiều thời gian dài.

Trong những ngày thứ bảy biểu tình, một phần Thủ đô Ánh sáng Paris đã tràn ngập trong hơi cay lựu đạn, tàn phá lẫn nhau. Những nhân viên bán hàng vô tội phải chảy nước mắt trong khi góp phần phát triển kinh tế. Những ‘đại bác xịt nước’ hùng dũng bắn ngã lăn lóc người biểu tình vì sức mua bị cắt giảm… Vì nhiệm vụ bảo vệ an ninh (khủng bố vẫn tiếp tục) và trật tự (an toàn để đồng bào sống và làm việc), cảnh sát Pháp đã phục vụ một cách tận tâm đáng khen. Số giờ làm việc phụ trôi mà các chính phủ thời các Tổng thống F. Hollande (Xã hội) và E. Macron (Tiến bước) chưa trả tiền lương lên đến hàng triệu giờ chứng minh điều họ. Từ đầu năm đến ngày 15.04.2019, đã có 26 cảnh sát tự sát. Một con số thật đáng quan ngại.

Những người Áo Vàng chê các nghiệp đoàn tổ chức các cuộc đình công, biểu tình không hữu hiệu, nên đã cùng nhau tham dự các cuộc ‘xuống đường’ tự phát không báo cho thẩm quyền địa phương, vì họ sợ bị bắt và bị phạt. Do thiếu kiểm soát lẫn nhau, các phần tử bất hảo chen lẫn vào để cướp phá các cửa hàng, ngân hàng, quán nước, … Trước thảm cảnh đó, cảnh sát và hiến binh được lịnh dùng biện pháp mạnh gây thương tích cho bao nhiêu người vô tội.

Tiếp theo, tối ngày 10.12.2018, để trả lời các đòi hỏi của phong trào Aùo Vàng, Tổng thống E. Macron đã ban bố các giải pháp ngân sách phải chi năm 2019. Cuối cùng, những biện pháp đó đã buộc phải được thông qua nhanh chóng bởi Lưỡng viện Lập pháp chỉ hai ngày 21 và 22.1018. Ước lượng ngân sách phải chi tiêu khoảng 10 tỷ euros. Luật Ngân sách tài khóa 2019 bị thay đổi để phải tăng mức bội chi.

B.- Hiện tại và ngày mai 2020 : Áo Ðỏ.

Từ ngày 05.12.2019, các nghiệp đoàn chống Cải tổ Hưu bổng, đứng đầu là Tổng Nghiệp đoàn Lao động (Confération Générale du Travail, CGT), Lực lượng Thợ thuyền (Force Ouvrière), Liên hiệp Nghiệp đoàn Ðoàn kết (Union syndicale Solidaires, SUD) phát động các cuộc biểu tình tuần hành. Ngoài ra các nghiệp đoàn này bao gồm các thành viên trong các xí nghiệp tư nhân và nhất là công sở và, đặc biệt, các công ty công như SNCF (Société Nationale Chemin de Fer, Công ty quốc gia Ðường Sắt, tức Xe lữa) và RATP (La Régie autonome des transports parisiens, Công quản chuyên chở Paris, bus và métro) là những vũ khí bắt chẹt người đi làm việc hay công chuyện, chữa bịnh...

Hiện thời, Chính phủ E. Phillipe đang theo dõi số người đình công và biểu tình tăng hay giảm để, theo đó, nhượng bộ hay không trong các cuộc thương thảo với các nghiệp đoàn thợ. Trong khi đó, các nghiệp đoàn chủ hình đang xem đôi bên hành động.

Thật ra, việc cải tổ này không thể chậm trể hơn nữa vì số người hưởng hưu bổng ngày càng gia tăng mà số người lao động đang đóng Quỹ Hưu Bổng không tăng nhanh bằng.

Hà Minh Thảo