Chỉ còn 1 ngày nữa, chúng ta sẽ bước sang năm 2020, cũng là năm đầu của thập niên thứ ba trong thế kỷ 21. Nhân dịp này, Vatican News đã mời độc giả xem lại hoạt động của Đức Phanxicô trong năm qua.



Theo hãng tin này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn nhắc nhở chúng ta rằng nhiệm vụ quan trọng nhất là công bố Tin Mừng. Năm 2019 chứng kiến ngài làm y như thế, qua 41 cuộc yết kiến chung (suy niệm về Kinh Lạy Cha và Sách Tông đồ Công vụ), 56 bài nói lúc đọc kinh Truyền Tin và Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hơn 60 bài giảng lễ công cộng và 41 bài giảng lễ trong các thánh lễ hàng ngày tại Nhà Thánh Marta. Chưa kể các thông điệp, thư từ, văn kiện, cuộc phỏng vấn, và khoảng 260 bài diễn văn, đọc tại Rôma và trong các chuyến tông du ngoại quốc.

Chắc chắn, không hàm hồ

Suốt năm, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở chúng ta một điều chắc chắn đầy an ủi: Thiên Chúa yêu thương chúng ta và trong Chúa Giêsu, Người ban sự sống của Người cho chúng ta. Đây là sứ điệp chính trong toan bộ sứ mệnh của Đức Phanxicô, như đã được phát biểu trong Evangelii gaudium. Ngài mời gọi chúng ta nhớ “đức tin đơn sơ và vững mạnh” của mẹ của bà chúng ta, một đức tin vốn đem lại và tiếp tục đem lại “sức mạnh và kiên trì để bước tới”. Một loại “đức tin làm tại nhà, chẳng được ai lưu ý, nhưng từ từ xây đắp Nước Thiên Chúa”. Một đức tin không lẫn lộn hồ đồ, vì nó dựa vào những điều thiết yếu của Tin Mừng.

Đức tin chứ không thờ ngẫu tượng

Trong một xã hội ngày càng ngoại giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngừng khuyến khích chúng ta trở lại với Thiên Chúa Duy Nhất Đích Thực: Ngài nói, “Thờ ngẫu tượng không phải chỉ là bước vào một đền thờ ngoại giáo và thờ phượng một bức tượng. Thờ ngẫu tượng là một thái độ của tâm hồn”. Các ngẫu tượng có thể thay đổi tên, nhưng ngày nay chúng hiện diện hơn bao giờ hết. Tiền bạc, thành công, nghề nghiệp, tự thể hiện mình, khoái lạc: tất cả các ngẫu tượng này đều hứa hẹn hạnh phúc, nhưng không đem đến được. Trái lại, chúng bắt ta làm nô lệ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta “các thần tượng hứa hẹn sự sống, nhưng lại lấy mất nó... trong khi Thiên Chúa đích thực không đòi sự sống, nhưng cho nó đi”.

Tự sửa không tự công chính hóa

Giống Chúa Giêsu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không sợ khuyên răn, nhất là những ai tự coi mình tốt hơn người khác. Ngài gọi đó là “tôn giáo của cái tôi”, của những người tự cho là Công Giáo, “nhưng quên khuấy mình là Kitô hữu và là con người nhân bản”. Họ quên khuấy điều này: việc thờ phượng Thiên Chúa “luôn đi qua tình yêu người lân cận”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh cáo rằng “người Pharisêu” luôn sẵn sàng nổi dậy trong mọi người chúng ta, cao ngạo và tự công chính hóa mình. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, đức tin nghĩa là có đủ khiêm nhường để mình được sửa chữa.

Hiền lành chứ không cứng ngắc

Cũng giống như Chúa Giêsu, lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể sản sinh hiệu quả kép: một số người nghe chúng rồi hoán cải, những người khác trở nên cứng lòng hơn trước. Trong chuyến bay từ Phi Châu trở về hồi tháng 9, Đức Giáo Hoàng nói ngài không sợ ly giáo: Ngài nói, “Ngày nay, chúng ta có nhiều trường dạy sự cứng ngắc ngay trong lòng Giáo Hội”. Chúng không phải là ly giáo “nhưng là các ly giáo giả có kết thúc không đẹp” vì phía sau sự cứng ngắc này, “không hề có sự thánh thiện của Tin Mừng”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu chúng ta lấy thiện thắng ác, đồng hành “một cách hiền lành” với những ai sợ Giáo Hội không còn là Công Giáo nữa, cho rằng Đức Giáo Hoàng nói những điều ngài chưa bao giờ nói. Ngài nhắc nhở chúng ta, không có tín điều nào bị thay đổi, không lòng tôn sùng nào bị bãi bỏ. Đức Giáo Hoàng chỉ đơn thuần khuyến khích chúng ta tiến lên phía trước trong một tinh thần chào đón và thương xót, bước đi trong hợp nhất như một dân tộc, để việc khai triển tín lý luôn thống nhất với truyền thống đích thực.

Đặt Chúa Kitô vào trung tâm

Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Vùng Amazon hồi Tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngừng nhắc đi nhắc lại chữ “hoán cải”, một ý niệm tìm được chỗ đứng của nó trong Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng. Thực vậy, Thượng Hội Đồng yêu cầu cuộc hoán cải 4 mặt: đồng nghị, vì Giáo Hội phải tiến bước như một người, không chia rẽ hay một mình; văn hóa, vì chúng ta phải biết nói năng ra sao với các nền văn hóa khác nhau; sinh thái, vì khai thác môi trường cách vị kỷ sẽ dẫn tới việc hủy diệt các dân tộc; mục vụ, vì việc công bố Tin mừng là điều khẩn thiết.

Nền tảng 4 hoán cải trên là việc quay về với Tin mừng sống động, tức Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: Hoán cải đích thực là để mình qua một bên, đặt Chúa Kitô ở trung tâm và để Chúa Thánh Thần làm người chủ đạo đời ta.

Đấu tranh chống lạm dụng

Hội nghị thượng đỉnh “Bảo vệ Các Vị Thành niên trong Giáo Hội” hồi tháng 2 có tính lịch sử theo nhiều cách: nó tụ tập các nhà lãnh đạo Giáo Hội từ khắp các châu lục, và một cách can đảm và minh bạch, nó tập chú vào các phương cách nhắm đánh tan đại nạn lạm dụng trẻ em trong Giáo Hội. Trong nhận xét kết thúc, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh sự kiện này: lạm dụng là “một vấn đề phổ quát, hiện diện một cách đầy bi thảm gần như ở khắp nơi và ảnh hưởng tới mọi người”. Ngài trưng dẫn các dữ kiện cho thấy đa số các vụ lạm dụng do các thành viên gia đình và các nhà giáo dục vi phạm ở nhà, ở trường, trong thể thao và các phương tiện của Giáo Hội, chưa kể qua ngành du lịch tình dục và buôn người. Ngài nói, “sự tàn bạo của hiện tượng hoàn cầu này càng trở nên trầm trọng và tai tiếng hơn trong Giáo Hội, vì nó hoàn toàn bất tương xứng với thế giá luân lý và tính khả tín đạo đức của Giáo Hội”.

Bãi bỏ “bí mật Giáo Hoàng”

Với Tự sắc Vos estis lux mundi, Đức Giáo Hoàng thiết lập các thủ tục mới để báo cáo việc lạm dụng, sách nhiễu và bạo lực, và để bảo đảm rằng các Giám Mục và bề trên Dòng phải giải trình các hành động của các ngài. Văn kiện bao gồm nghĩa vụ của các giáo sĩ và tu sĩ phải báo cáo việc lạm dụng trong khi mọi giáo phận phải tự cung cấp cho mình một hệ thống để tiếp nhận các báo cáo này, một hệ thống phải dễ dàng để công chúng sử dụng. Năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bãi bỏ “bí mật Giáo Hoàng” vốn dành cho những trường hợp này và thay đổi quy định liên quan tới văn hóa khiêu dâm trẻ em: sở hữu và phân phối các hình ảnh khiêu dâm liên quan tới các vị thành niên cho tới tuổi 14 vốn đã có trong “delicta graviora” — tức các tội nặng nhất; với các qui định mới, hạn tuổi này được nâng lên 18.

Cải tổ Giáo triều Rôma

Hội đồng Hồng Y tiếp tục công việc cải tổ Giáo triều Rôma của họ, với mục đích bảo đảm mọi cơ cấu của Giáo hội mang tính truyền giáo nhiều hơn. Một bản dự thảo Tông Hiến mới, với tiêu đề tạm thời là Praedicate evangelium, “Hãy Công Bố Tin mừng”, đang được duyệt xét. Vào cuối năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Niên trưởng Hồng Y đoàn, Đức Hồng Y Angelo Sodano, người đã giữ chức vụ này từ năm 2005. Với một Tự sắc, Đức Giáo Hoàng đã giới hạn chức vụ này trong nhiệm kỳ 5 năm, có thể được gia hạn nếu cần thiết.

Cải cách nền kinh tế Vatican

Việc cải cách trong lĩnh vực tài chính cũng tiến triển trong năm 2019, về cả tính minh bạch lẫn ngăn chặn chi phí. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đổi mới các Điều lệ của Viện Công trình Tôn giáo Vatican (IOR) và thiết lập chức Kiểm toán viên Bên ngoài để kiểm toán các tài khoản, theo tiêu chuẩn quốc tế, trên cơ sở thường trực. Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Linh mục Dòng Tên Cha Juan Antonio Guerrero Alves đứng đầu Văn Phòng Kinh tế, và ủy quyền cho một cuộc điều tra tư pháp của Vatican đối với nhiều người khác nhau đang phục vụ Tòa Thánh, liên quan đến một số giao dịch tài chính. Nhắc đến qũy “Đồng Xu Thánh Phêrô”, Đức Giáo Hoàng nói rõ rằng “ quản trị tốt” là làm cho đồng tiền nhận được sinh lời, chứ không “đặt nó vào một ngăn kéo”. Tuy nhiên, mọi khoản đầu tư phải “hợp đạo đức”, để tiền bạc luôn phục vụ cho việc truyền giảng Tin mừng và người nghèo.

Chúa Nhật Lời Chúa

Với tông thư Aperuit illis, đề ngày 30 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thiết lập Chúa Nhật Lời Chúa, một ngày đặc biệt để khuyến khích mọi tín hữu đọc và suy niệm Kinh thánh bởi vì, như thánh Giêrôm đã nói, “không biết Kinh thánh là không biết Chúa Kitô”. Ngày cử hành hàng năm sẽ diễn ra vào Chúa Nhật thứ ba Mùa Thường niên (Chúa Nhật đầu tiên là vào ngày 26 tháng 1 năm 2020).

Hang Giáng sinh

Vào ngày 1 tháng 12, tại thị trấn Greccio, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ký một Tông Thư khác, Admirabile signum, trong đó ngài mời gọi chúng ta khám phá lại truyền thống đẹp đẽ của Hang Giáng sinh. Đức Giáo Hoàng viết “Việc mô tả việc sinh hạ Chúa Giêsu tự nó vốn là một lời công bố đơn giản và hân hoan mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa. Cảnh giáng sinh giống như một Tin mừng sống động phát xuất từ các trang Kinh thánh. Dù ở bất cứ nơi đâu, và dù dưới bất cứ hình thức nào, máng cỏ Giáng sinh cũng nói với chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa đã trở thành trẻ thơ để làm cho chúng ta biết Người gần gũi với mọi người nam, nữ và trẻ em như thế nào, bất kể điều kiện của họ".

Các Kitô hữu bị bách hại

Đức Giáo Hoàng Phanxicô không bao giờ mệt mỏi tố cáo cuộc bách hại các Kitô hữu; ngài nhắc nhở chúng ta rằng, ngày nay, có nhiều vị tử đạo hơn thời kỳ đầu của Kitô giáo. Vào tháng 1, Tòa án Tối cao Pakistan đã dứt khoát tha bổng Asia Bibi khỏi tội phỉ báng mà bà đã bị tố cáo một cách bất công vá bị kết án tử hình. Một bà mẹ Công Giáo có năm người con, Asia Bibi đã ở tù từ năm 2009. Cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI lẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đều theo dõi vụ kiện rất cẩn trọng. Khi gặp một trong những cô con gái của bà, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với cô rằng ngài thường nghĩ tới mẹ cô và cầu nguyện cho bà.

Vào ngày 21 tháng 4, một cuộc tấn công của những kẻ cực đoan Hồi giáo chống lại các nhà thờ Thiên chúa giáo ở Sri Lanka đã gây ra cái chết của hơn 250 người khi họ đang cử hành lễ Phục sinh. Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời kêu gọi cùng ngày ấy. Trong năm, ngài cũng tố cáo các cuộc tấn công chống các tôn giáo khác, như cuộc tấn công chống lại một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, Tân Tây Lan, vào ngày 15 tháng 3, đã giết chết hơn 50 người.

Bảo vệ gia đình và sự sống

Vào ngày 25 tháng 3, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến thăm Loreto. Ở đó, ngài đã nhắc lại rằng, đặc biệt đối với thế giới ngày nay, “gia đình thành lập dựa trên hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà mang một tầm quan trọng và một sứ mệnh thiết yếu”. Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại Liên Hợp Quốc, Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, đã nhắc đến lời lẽ của Đức Giáo Hoàng về ý thức hệ phái tính, gọi nó là “một bước thụt lùi” đối với nhân loại.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai đến lúc kết thúc tự nhiên của nó. Năm 2019, ngài lên tiếng bảo vệ Vincent Lambert, 42 tuổi, bị để cho chết trong trạng thái ý thức tối thiểu. Đức Giáo Hoàng nói, “Chúng ta đừng xây dựng một nền văn minh loại bỏ những người mà cuộc sống bị chúng ta tin là không còn đáng sống nữa. Mỗi sự sống đều có giá trị, luôn luôn như thế”: dù đó là sự sống của một đứa trẻ chưa sinh ra, một người đau khổ vì đói, bạo lực hay bất công, cho dù đó là người bệnh, người già hay người di cư liều chết để tìm kiếm một tương lai tốt hơn . Công lý không lựa lọc. Nó không chỉ dành cho một số loại người. Công lý là phổ quát.

Khuyến khích giới trẻ

Năm 2019 chứng kiến việc Đức Thánh Cha công bố Tông huấn, Christus vivit, thành quả của Thượng hội đồng về giới trẻ, tổ chức tại Vatican vào tháng 10 năm 2018. Tài liệu mở đầu bằng dòng chữ: “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách tuyệt vời, Người mang tuổi trẻ đến thế giới của chúng ta, và mọi thứ Người đụng tới đều trở nên trẻ trung, mới mẻ, tràn đầy sức sống. Như thế, những lời đầu tiên tôi muốn nói với mọi Kitô hữu trẻ là: Chúa Kitô đang sống và Người muốn các bạn sống!”

Đức Giáo Hoàng cầu xin Chúa “Giải thoát Giáo hội khỏi những người khiến Giáo Hội già đi, giam cầm Giáo Hội trong quá khứ, giữ chặt Giáo Hội hoặc giữ Giáo Hội lại hoặc bắt Giáo Hội đứng yên. Nhưng chúng ta cũng hãy xin Người giải thoát Giáo Hội khỏi một cơn cám dỗ khác: đó là nghĩ Giáo Hội trẻ vì Giáo Hội chấp nhận mọi thứ được thế giới cung ứng cho Giáo Hội, nghĩ rằng Giáo Hội được đổi mới vì Giáo Hội đặt thông điệp của mình sang một bên và hành động như mọi người khác. Không! Giáo hội trẻ khi Giáo Hội là chính mình”.

Trong văn kiện Hậu Thượng hội đồng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị “các nẻo đường huynh đệ” để sống đức tin, tránh cơn cám dỗ “muốn rút vào các nhóm nhỏ”. Ngài mời gọi các người trẻ xây dựng “tình bạn xã hội, trong đó, mọi người làm việc vì lợi ích chung”. Ngài thách thức họ “phục vụ người nghèo, trở thành người chủ đạo của cuộc cách mạng bác ái và phục vụ, có khả năng chống lại các bệnh lý của chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa cá nhân hời hợt”.

Các cuộc tông du

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thực hiện bảy cuộc tông du vào năm 2019. Ngài đã viếng thăm mười một quốc gia thuộc bốn lục địa, làm nó trở thành một năm kỷ lục về các chuyến viếng thăm ở bên ngoài nước Ý. Năm bắt đầu với Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama, và tiếp tục tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nơi Đức Giáo Hoàng đã ký một Văn kiện lịch sử về tình huynh đệ của con người với Đại Imam của al Azhar. Ở Morocco, ngài nhắc lại tầm quan trọng của đối thoại liên tôn. Ở Bulgaria, Bắc Macedonia và Romania, ngài khuyến khích sự hợp nhất Kitô giáo. Ở Mozambique, Madagascar và Mauritius, ngài đã lên tiếng để bảo vệ người nghèo và Sáng thế. Ở Thái Lan, ngài kêu gọi cổ vũ quyền của phụ nữ và trẻ em. Ở Nhật Bản, thông điệp của ngài tập trung vào hòa bình, và ngài nhắc lại rằng cả việc sử dụng và sở hữu vũ khí hạt nhân đều là vô luân.

Các chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tại Ý bao gồm Camerino, nơi ngài ôm hôn các nạn nhân động đất ở Vùng Marches. Tại Loreto, ngài đã ký Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng về giới trẻ, và tại Greccio, thị trấn nơi Thánh Phanxicô dựng lên cảnh Chúa giáng sinh đầu tiên, Đức Giáo Hoàng đã ký bức thư của ngài liên quan đến hang đá Giáng sinh.

Các Thánh và Chân phúc

Năm 2019 được chứng kiến nhiều vụ phong thánh và phong chân phúc, bao gồm nhiều vị tử đạo từ mọi châu lục và hệ tư tưởng. Một số vị đã bị giết “vì lòng thù hận đức tin”, trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Họ đã chết khi tha thứ cho những kẻ sát hại họ. Những vị khác, như bảy giám mục của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp ở Lỗmani được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong chân phúc ở Blaj, là những vị tử đạo của chế độ cộng sản. Những vị khác, như Giám mục người Á Căn Đình Enrique Angelelli và bạn đồng hành của ngài, là nạn nhân của chế độ độc tài cánh hữu. Những người giáo dân cũng là những vị thánh được tuyên bố: như Margherita Bays của Thụy Sĩ, hay “các vị thánh hàng xóm”, những người sống theo ơn gọi của họ trong gia đình, giữa các thách thức hàng ngày. Danh sách này cũng bao gồm một Hồng Y: John Henry Newman, một người Anh giáo đã trở lại đức tin Công Giáo vào năm 1845.

Một linh mục trong năm mươi năm

Năm 2019 cũng là năm Đức Giáo Hoàng Phanxicô kỷ niệm 50 năm làm linh mục của ngài. Câu chuyện ơn gọi của ngài bắt đầu từ ngày 21 tháng 9 năm 1953, Lễ Thánh Mátthêu. Chính hôm đó, khi xưng tội, chàng trai trẻ Jorge Mario Bergoglio đã có một trải nghiệm sâu sắc về lòng thương xót của Chúa. Kể từ đó, trong tư cách Giáo hoàng, ngài đã mô tả các linh mục như những người sống giữa người ta bằng trái tim nhân hậu của Chúa Giêsu. Ngài nói, hôm nay là thời điểm của lòng thương xót. Giáo hội hiểu điều này ngày một hơn: Đức thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã thực hiện một bước quan trọng theo hướng này, một bước được tiếp nối bởi các vị kế nhiệm ngài. Được linh hứng bởi Thánh Faustina Kowalska, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập Chúa Nhật lòng thương xót.

Vào ngày Chúa Nhật lòng thương xót năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác nhận rằng “tất cả chúng ta đều cần lòng thương xót”. Ngài mời gọi chúng ta “đến gần Chúa Giêsu và đụng vào các vết thương của Người trong các vết thương của anh chị em đang đau khổ của chúng ta. Các vết thương của Chúa Giêsu là một kho báu: lòng thương xót phát xuất từ đó”.