Một nhóm giáo dân đã tụ tập bên ngoài nhà tù Melbourne vào đêm Giáng Sinh để hát những bài hát thánh ca và cầu nguyện cho Đức Hồng Y George Pell, hiện đang bị giam giữ tại cơ sở này. Họ cầu nguyện cho Đức Hồng Y, cũng như các tù nhân khác và nhân viên nhà tù.

Vào lúc 8 giờ tối vào ngày 24, khoảng hai chục người Công Giáo địa phương đã tụ tập bên ngoài Melbourne Assessment Prison ở phía tây của trung tâm thành phố để hát những bài hát Giáng Sinh truyền thống và cầu nguyện cho Đức Hồng Y và những người khác trong nhà tù.

Một trong những ca sĩ, John McCauley nói với CNA rằng “Chúng tôi chỉ muốn Đức Hồng Y biết là ngài được nhiều người yêu mến và nhớ đến trong dịp Giáng Sinh.” Các bài hát bao gồm những bài hát Giáng Sinh truyền thống phổ biến trên toàn thế giới như “O Come All Ye Faithful”, “Once in Royal David’s City”, cũng như các bài được ưa chuộng đặc biệt tại Úc như bài “The Three drovers”. Các ca sĩ đã viết những lời ủng hộ ngài và những lời chúc mừng Giáng Sinh trên một tập sách các bài ca Giáng Sinh, và gởi cho Đức Hồng Y Pell tại quầy lễ tân của nhà tù.

Sau khi hát thánh ca, nhóm các bạn trẻ Công Giáo Việt Nam tại Melbourne đã hướng dẫn lần chuỗi Mân Côi chung quanh chu vi của nhà tù, nơi hơn 300 tù nhân bị giam giữ. Các bạn đã dâng 5 sự Thương để cầu nguyện cho Đức Hồng Y, cho các nhân viên nhà tù, cho các tù nhân khác, cho các nạn nhân của lạm dụng tình dục, và cho “việc xác minh các quyền của Giáo Hội cũng như sự minh oan hoàn toàn và nhanh chóng cho Đức Hồng Y.”

Một số thanh niên Việt Nam tham dự biến cố này giải thích rằng họ đã được linh hứng để tham dự việc ủng hộ Đức Hồng Y Pell qua tấm gương của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, là người đã bị nhà cầm quyền cộng sản giam giữ tại Việt Nam trong 13 năm, trong đó có 9 năm bị biệt giam. Đức Hồng Y Pell là bạn thân của Đức Hồng Y Thuận cho đến khi vị chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hoà Bình của Tòa Thánh qua đời vào năm 2002.

McCauley nói rằng việc tụ tập “đến với nhau rất tự phát sau khi một cá nhân ký tên là ‘Albert Dreyfus’ gợi ra ý tưởng này trên một mạng xã hội một ngày trước đó.”

Albert Dreyfus là một sĩ quan người Do Thái trong quân đội Pháp đã bị điệu ra tòa và bị kết án về tội phản quốc bởi một tòa án bí mật vào năm 1895. Trường hợp của ông gây chia rẽ nước Pháp và sau đó, ông được minh oan sau khi đã phải trải qua nhiều năm trong tù.

Đức Hồng Y Pell là Tổng Giám Mục Melbourne từ năm 1996 đến năm 2001, khi ngài được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Sydney. Năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài là người đứng đầu một bộ mới được thành lập là Bộ Kinh Tế Tòa Thánh, chịu trách nhiệm giám sát và cải cách tài chính Vatican.

Những người buộc tội Đức Hồng Y Pell nói rằng sau một trong các Thánh lễ Chúa Nhật đầu tiên tại nhà thờ chánh tòa của ngài với tư cách tân tổng giám mục của Melbourne, ngài đã tách ra khỏi đám rước kết lễ, vội vã trở lại phòng áo, thấy hai cậu bé ca viên ngài chưa bao giờ gặp mặt trước đây, tấn công tình dục họ một cách lộ liễu trong khi vẫn mặc đầy đủ áo lễ như lúc cử hành Thánh Lễ, trong thời gian đó, cánh cửa phòng áo mở toang, nhà thờ chính tòa vẫn đầy người đi lại quanh quẩn, và các người giúp lễ và các người giữ phòng áo đang đi qua lại từ thánh đường đến phòng áo lễ.

Trước khi qua đời vào năm 2014, một trong hai cậu bé đã xác nhận với mẹ mình rằng anh ta “chưa từng bị bất cứ ai quấy rối hay sờ mó”. Tất cả điều này đã khiến 10 trong số 12 bồi thẩm viên tại phiên tòa đầu tiên bỏ phiếu trắng án cho vị Hồng Y. Tuy nhiên, tại tòa tái thẩm, bồi thẩm đoàn đã bỏ qua sức nặng to lớn của các bằng chứng ngoại phạm và đã bỏ phiếu vào tháng 12 để kết tội ngài giữa bầu không khí cuồng loạn chống Công Giáo.

Hai thẩm phán tại tòa phúc thẩm đã giữ nguyên bản án. Tuy nhiên, một trong những thẩm phán kháng cáo đã bất đồng quan điểm - và ý kiến của ông chứa đựng một số quan sát thú vị về cách thức đưa ra phán quyết.

Như Ông Mark Weinberg, vị thẩm phán phúc thẩm bất đồng với hai người kia đã nhận xét, việc kết án Đức Hồng Y chỉ dựa đơn thuần vào các cáo buộc hoàn toàn không bằng không cớ của người tố cáo duy nhất, trong đó “chứa đựng những điểm thiếu nhất quán và những bất cập hiển nhiên”, và “thiếu giá trị để chứng minh”.

Một số độc giả có thể ngạc nhiên rằng tại sao lại có thể buộc tội hoàn toàn trên cơ sở không bằng không chứng của một người về một sự kiện đã diễn ra hơn 20 năm về trước. Nhưng đó thật sự là những gì đã diễn ra tại Úc như xác nhận của Thẩm phán Weinberg:

“Một đặc điểm khác thường của vụ án này là nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc chấp nhận lời khai của người khiếu nại, coi anh ta là một nhân chứng đáng tin cậy và xác thực, bất kể sự nghi ngờ hợp lý. Bồi thẩm đoàn đã được kêu gọi chấp nhận chứng cứ của anh ta mà không có bất kỳ sự hỗ trợ độc lập nào khác.”

Tháng 11 vừa qua, Tòa án Tối cao Úc tại Canberra đã đồng ý xét lại vụ án. Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher OP Sydney nói rằng ngài “hoan nghênh” diễn biến này.

“Đức Hồng Y Pell đã luôn luôn duy trì sự trong sạch này của mình và tiếp tục làm như vậy”, Đức Tổng Giám Mục Fisher nhận xét rằng: “Bản án thiếu nhất trí của Tòa án phúc thẩm phản ánh quan điểm phân cực của các bồi thẩm, các nhà bình luận pháp lý và cộng đồng của chúng ta.”

“Vì lợi ích của tất cả những người tham gia trong trường hợp này, tôi hy vọng rằng kháng cáo của Đức Hồng Y sẽ được xét xử càng sớm càng tốt”

Cho đến nay Đức Hồng Y Pell vẫn là một tổng giám mục và là thành viên của Hồng Y đoàn, nhưng ngài bị biệt giam và không được phép cử hành Thánh Lễ trong nhà tù. Ngài cũng bị cấm không được tiếp khách trong ngày Giáng Sinh.

Đầu tháng này, cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott đã bị các đối thủ chính trị chỉ trích vì đã đến thăm Đức Hồng Y trong tù. Các đối thủ chính trị của ông Tony Abbott chộp ngay lấy cơ hội này để chụp mũ chuyến viếng thăm là “xúc phạm tàn bạo” đến các nạn nhân của lạm dụng.

Cựu thủ tướng Abbot đã từ chối bình luận về những lời chỉ trích ông. Ông nói ông “chỉ muốn đến thăm một người bạn trong nhà tù”.


Source:Catholic Herald