Thay đổi Giáo triều là điều cần thiết để phục vụ nhân loại tốt hơn

Trong buổi họp mặt truyền thống để mừng Giáng sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến các thay đổi sắp diễn ra tại Giáo triều Roma. Ngài nhấn mạnh về nhu cầu và mục đích cho sự cải tổ và thay đổi của Giáo triều nhằm phục vụ Giáo hội và loan báo Tin mừng cho thế giới ngày nay một cách hiệu quả hơn.
(Alessandro De Carolis – Tin Vatican)
ĐTC cho hay giữa một thế giới không ngừng thay đổi, thì Giáo triều Roma cũng cần đổi mới để bắt kịp những bước tiến của thời đại! Giáo hội sống và tăng trưởng trong Tin mừng của Chúa. Ngay cả Kinh thánh cũng là "một hành trình được đánh dấu bằng việc khởi đầu và luôn bắt đầu lại" như một vị thánh của thời đại chúng ta là Thánh Hồng Y Newman, đề cập đến ý nghĩa đích thực của "thay đổi" là "chuyển đổi".

Thử thách và quán tính
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ cùng các cộng sự viên thân cận nhất của ngài trong Giáo triều Rôma đang hội họp tại Hội trường thánh Clementê ở Vatican để mừng Chúa Giáng sinh. Trong bài diễn văn, ĐTC chia sẻ với họ rằng chúng ta không chỉ sống trong một thời điểm thay đổi, mà là trong một thời điểm không ngừng đổi thay! Theo ĐTC thì điều đó là tốt và lành mạnh, đòi hỏi bản thân chúng ta phải suy xét lại những thách thức của thời đại hiện nay", và với sự biện phân và lòng can đảm, thay vì cứ ngủ yên trong cái nôi êm ả như một điều vẫn thường xảy ra là chúng ta coi sự thay đổi chỉ đơn thuần như thay đổi bộ quần áo mới, còn chúng ta thì vẫn giữ nguyên hình nguyên vẹn như trước. Cha còn nhớ một nhà văn nổi tiếng của Ý có viết: Nếu chúng ta muốn mọi thứ vẫn như cũ, thì mọi thứ cần phải thay đổi. (Trích từ chuyện The Leopard của nhà văn Giuseppe Tomasi di Lampedusa)

Giữa sự mới lạ và ký ức
Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề ra việc cải tổ Giáo triều La Mã, điều mà chính ngài không bao giờ nghĩ tới, nhưng ý nghĩ cải tổ ấy cứ tăng trưởng trong cha là phải làm sao cho Giáo triều được tốt đẹp hơn.
Đây là trọng trách của tất cả chúng ta để làm sao xây dựng một tương lai tốt đẹp trên những nền tảng bền vững có ngọn nguồn hầu đem lại những thành quả sung mãn. Hấp lực của dĩ vãng không có nghĩa là nhốt mình vào sự tự bảo tồn, mà là mở ra cho cuộc sống một sức sống của một con đường phát triển không ngừng... Dĩ vãng không thể ở trạng thái tĩnh, mà nó phải ở thể động! Bản chất của nó là phóng ra những viễn kiến...

Thay đổi để loan truyền
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ một số thay đổi đã được thực hiện trong Giáo triều La Mã, như việc thành lập Phân bộ thứ ba của Thánh Bộ Ngoại giao (Ủy ban lo về Nhân viên Ngoại giao của Tòa thánh) vào năm 2017. ĐTC nhớ lại những thay đổi trong quan hệ giữa Giáo triều Roma và các Giáo hội cụ thể qua một "một ủy ban chuyên lo cho các Giáo hội Đông phương, và một ủy ban lo việc đối thoại đại kết liên tôn, đặc biệt với Do Thái giáo". Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết các vị tiền nhiệm của ngài là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và vị nguyên Giáo hoàng Benedict XVI, đã lưu ý rằng thế giới chúng ta đang sống không còn ý thức về Tin Mừng như trước đây. Điều này đòi hỏi phải cải tổ lại Giáo triều và các thánh bộ tại Vatican.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến Thánh bộ Giáo lý Đức tin và Truyền giảng Tin mừng cho các dân tộc, được thành lập vào thời điểm phân biệt rõ ràng giữa hai thế giới: một thế giới Kitô giáo và một thế giới chưa bao giờ được nghe truyền giảng Tin mừng!
Ngày nay tình trạng này không còn nữa. Những người chưa từng nghe loan báo Tin Mừng không chỉ sống ở các lục địa ngoài Châu Âu ở phương Tây mà họ sống rải rác khắp mọi nơi, đặc biệt là trong các đô thị lớn mà bản thân họ cần được chăm sóc mục vụ cụ thể. Ở các thành phố lớn, chúng ta cần các ‘sách lược khác, các mô hình khác, giúp chúng ta định vị lại lối suy nghĩ và thái độ của chúng ta: chúng ta không còn ở vào các thời đại Kitô giáo, những thời đại ấy không còn nữa!

Tin Mừng và văn hóa kỹ thuật số
Sự thao thức cho việc loan báo Tin Mừng mới là điều đã truyền cảm hứng đưa tới việc tái cấu trúc lại các tiểu ban của đài Vatican. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii gaudium), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu ra thái độ, phong cách, thời biểu và ngôn ngữ cần được chuyển tải trên "một kênh truyền thanh truyền hình thích hợp cho việc truyền giáo cho thế giới ngày nay, thay vì cứ khu khư tự bảo tồn nó". Đức Thánh Cha cho biết, việc hình thành các kênh truyền thanh truyền hình là một thực thể tập hợp nỗ lực của đài Vatican. Đức Thánh Cha cho hay đây không phải chỉ là một "sự phối hợp của các nhóm", mà là một "sự hài hòa" để "tạo ra một dịch vụ tốt hơn" trong một "văn hóa số tuyệt hảo".

Văn hóa mới, được đánh dấu bằng sự đồng qui và đa diện, đòi hỏi phải có một phản ứng thích đáng từ nhiệt tâm Tông đồ trong lĩnh vực truyền thông. Ngày nay, so với các dịch vụ đa dạng thì mô hình đa diện chiếm một vị trí ưu thế và điều này mới đang được thai nén, suy tư hầu đẻ ra những việc thực hành cụ thể. Tất cả điều này bao hàm, quấn quyện với sự đổi thay về văn hóa, về thể chế và cá nhân để chuyển tải những nỗ lực cá nhân, qua sự phối kết biến thành những công cuộc chung.

Một cấu trúc, nhiều dịch vụ
Trường hợp của Thánh bộ phát triển toàn diện con người là một trường hợp tương tự. Thánh bộ này mới được thành lập để phát triển công việc mà Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Cor Unum, và Chăm sóc Mục vụ cho Người di cư và Chăm sóc Y tế đã khởi sự được thăng tiến mạnh mẽ hơn.
Giáo hội được mời gọi để lo các vấn đề xã hội hay di dân mà còn lo cho con người toàn diện, những người bị xã hội toàn cầu hóa này đẩy ra ngoài lề xã hội! Vì tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, không một ai bị loại trừ. Thánh bộ này nỗ lực kêu gọi và đánh thức lương tâm con người đừng thờ ơ trước những thảm trạng chết chóc của những người vượt Biển Địa Trung Hải.

Tình yêu chinh phục sự mệt mỏi
Trong số "những thách thức lớn" và "sự cân bằng cần thiết", điều quan trọng là Giáo hội và Giáo triều La Mã, trước hết và quan trọng nhất là nhìn nhận toàn thể nhân loại là "con cái của Thiên Chúa". Đức Thánh Cha Phanxicô ý thức được những khó khăn khi đối diện với những thay đổi lớn, nó cần được thay đổi tiệm tiến: chúng ta không thể bỏ qua những ảnh hưởng của nó trên người tín hữu, ĐTC nói: "Đứng trước những quá trình lịch sử khó khăn này, chúng ta thường có cám dỗ quay về với quá khứ, bởi vì nó bảo đảm hơn, quen thuộc hơn và chắc chắn ít nhức đầu hơn (thậm chí có sử dụng các ngôn thức mới).