Ngày 20/12 Bài 1
Chúa Thánh Thần, linh hồn của Mùa Vọng
Is 7,10-14; Lc 1,26-38

Trong thời gian qua, chúng ta đã suy niệm về nhiều nhân vật nổi bật của Mùa Vọng, nhưng có một nhân vật mà chúng ta ít để ý tới, đó là Chúa Thánh Thần. Hôm nay, chúng ta dành thời gian để suy niệm về Người như “linh hồn của Mùa Vọng.”

1. Từ bóng đêm Cựu Ước

Quả thế, Chúa Thánh Thần được ví như “nhà đạo diễn” lão luyện, chuyên nghiệp và hiệu quả đằng sau sân khấu màn kịch cứu độ. Nhưng Người hoạt động quá âm thầm và bí nhiệm, nên con người ít để ý tới. Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy ở đâu có Thần Khí, ở đó có sự sống. Từ thuở hồng hoang, lúc tạo dựng, Thần Khí đã hiện diện (x. St 1,1-2), nhờ đó vũ trụ bắt đầu có sự sống. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa thổi Thần Khí vào lỗ mũi, nhờ đó con người có sự sống (x. St 2,7).

Trong lịch sử dân Chúa, Thần Khí cư ngụ và tác động trên ai, người đó có sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa như Samson, Đavít, Giêrêmia, Isaia… (x. Tl 15,14-19; 1 Sm 16,13). Thần Khí trở thành nguyên lý bên trong, hướng dẫn đời sống của họ (x. Ed 36,25-27). Tiên tri Isaia (sinh 765 TCN) tiên báo từ gốc Giêsê sẽ xuất hiện một Đấng Cứu Thế. Thần Khí Đức Chúa ngự xuống, xức dầu và sai Người đi loan báo Tin Mừng (x. Is 11,1-10). Như thế, Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị dân Chúa đón chờ Đấng Cứu Độ giáng trần.

2. Đến bình minh Tân Ước

Đến thời Tân Ước, sự kiện nổi bật mở màn cho thời đại cứu độ là biến cố Truyền Tin. Biến cố này được thực hiện nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa sai thiên thần Gabrien đến truyền tin cho Đức Maria rằng bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Đức Maria thắc mắc:
“Việc ấy xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34).
Sứ thần đáp:
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).

Quả thế, để Con Chúa giáng trần, Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị một cung lòng tinh tuyền, thánh thiện và xứng đáng cho Người ngự. Đó là cung lòng Đức Maria vô nhiễm nguyên tội. Mẹ được gọi là Đấng đầy ơn phúc vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Như thế, ở đâu có Thần Khí Thiên Chúa, ở đó có sự thánh thiện và ân sủng dồi dào.

Đặc biệt, biến cố Ngôi Lời nhập thể là kiệt tác của Chúa Thánh Thần! Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria; Người nhào nặn cách nhiệm lạ nhân tính kết hợp với Ngôi Lời trong dạ Thánh Nữ Đồng Trinh.

Nếu không có Chúa Thánh Thần, ai có thể can thiệp để Con Thiên Chúa nhập thể cách lạ lùng như thế? Sự đồng trinh và việc không biết đến việc vợ chồng là dấu chứng về nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu.

Theo cái nhìn đó, trong lời nguyện của mình, thánh Phanxicô Assisi gọi Đức Maria là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần. (Cf. O Von Asseldonk, Maria sposa dello Spirito Santo in S. Francesco d’Assisi, in Credo in Spiritum Sanctum, Città del Vaticano 1983, II, 1123-1132.) Nơi Đức Maria, Thiên Chúa thực hiện giao ước tình yêu và sự kết hợp hôn phối giữa Thiên Chúa với Dân Người mà Đức Maria là hình ảnh Evà mới, Dân mới là Giáo Hội Người.

Nếu Đức Maria được đầy ơn phúc thì Đức Giêsu cũng luôn đầy Thánh Thần. Từ khi sinh hạ đến lúc về trời, Chúa Giêsu luôn sống trong, theo và nhờ Thánh Thần. Bởi nguyên lý sống của Đức Giêsu không gì khác là Thánh Thần (x. Ga 1,33; Lc 10,21-24; Mt 4,1; Mc 1,12; Lc 4,1).
Trước khi về trời, Đức Giêsu trao Thánh Thần là quà tặng cánh chung cho Giáo Hội. Từ biến cố Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần trở thành linh hồn và sự sống của Giáo Hội xuyên suốt thời gian.

3. Và mùa vọng cuộc đời

Xét cho cùng, cuộc đời là một Mùa Vọng. Con người tự bản chất khát khao, trông chờ Thiên Chúa như nai rừng mong mỏi nguồn nước trong (x. Tv 42,2). Bởi con người được dựng nên cho Đấng Tuyệt Đối. Hành trình tìm kiếm đó phải được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Đấng gợi mở tới sự vô biên và điều cao cả. Nếu Thánh Thần là linh hồn và nguyên lý sống của các nhân vật Mùa Vọng, thì Người cũng là linh hồn và nguyên lý của đời sống Kitô hữu.

Thánh Tôma Aquinô đã diễn tả ý nghĩa đó trong một từ mới: Chúa Thánh Thần là lex nuova – luật mới của người Kitô hữu, luật đó được viết vào lòng chúng ta. (Cf. Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I-II, q. 106, a. 1c.) Theo đó, Chúa Thánh Thần như một người thợ kiên nhẫn vô cùng sáng tạo nhào nặn, uốn nắn toàn bộ đời sống con người chúng ta trở nên con người mới theo hình ảnh Đức Kitô. Người làm cho Chúa Giêsu được nhập thể và được sinh ra lần thứ ba trong lòng mỗi người tín hữu, khi Người làm chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Người (x. Rm 13,14) và làm cho Chúa Kitô được “nên hình trong cung lòng chúng ta” (Gl 4,19).

Điều kiện để Thánh Thần hoạt động nơi chúng ta chính là sự mở lòng ra với Người, để cho Người hướng dẫn và ngoan ngùy với dự phóng của Người như Đức Maria đã có trong biến cố truyền tin.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và biến đổi lòng trí chúng con trở nên những “môn đệ đích thực của Linh Mục Tối Cao là Chúa Kitô.” Amen!


Ngày 20/12 : Bài 2 –
Suy niệm về biến cố Truyền Tin

Bài Tin Mừng mà chúng ta suy niệm trong thánh lễ này là Tin Mừng về biến cố Truyền Tin (Lc 1,26-38). Biến cố này gợi lên cho chúng ta nhiều ý nghĩa. Ở đây, chúng ta chỉ dừng lại một điểm: đó là Chúa thực hiện những điều vĩ đại trong âm thầm và qua những người bé mọn.
Thật vậy, biến cố Truyền Tin chứa đựng một điều rất đặc biệt về thời điểm quyết định cho vận mệnh nhân loại, giây phút Thiên Chúa trở thành người, giây phút quan trọng và linh thiêng, nhưng lại xảy ra trong thinh lặng. Cuộc gặp gỡ giữa thiên sứ và Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm diễn ra mà không một ai chứng kiến, không ai biết, không ai nói về nó.

Nếu biến cố này xảy ra trong thời đại chúng ta, có lẽ nó không xuất hiện trên các trang báo, tạp chí hay mạng internet, bởi lẽ, nó là một mầu nhiệm xảy ra trong âm thầm và thinh lặng. Một biến cố vĩ đại xảy ra không có một tiếng động nào! Điều này cho thấy rằng những biến cố thực sự vĩ đại thường xảy ra trong sự thinh lặng và không ai nhìn thấy, nhưng thường mang lại những hoa trái lớn lao hơn những hoạt động phô trương, rùm beng bên ngoài. Sự ồn ào náo nhiệt và những bận rộn làm cho chúng ta không còn khả năng dừng lại, sống yên tĩnh, để lắng nghe tiếng nói của Chúa trong thinh lặng, đó là tiếng nói thầm kín của Người.

Trong ngày đó, Đức Maria đã lắng nghe lời loan báo của Thiên Thần, Mẹ là người hoàn toàn tĩnh lặng và luôn sẵn sàng để lắng nghe Chúa. Không hề có một cản trở nào nơi Mẹ; không hề có một bức tường nào ngăn cách Mẹ khỏi Thiên Chúa.

Như thế, khi cử hành biến cố này, trước hết chúng ta được nhắc nhở rằng chúng ta không thể lắng nghe tiếng Chúa trong cảnh ồn ào huyên náo; chúng ta cũng không thể đón nhận chương trình của Chúa cho đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn nếu chúng ta chỉ dừng lại ở bề mặt của các sự việc, nhưng chúng ta hạ mình xuống ở mức sâu hơn, nơi mà những sức mạnh luân lý và đạo đức đang hoạt động, chứ không phải là sức mạnh của chính trị và kinh tế. Vì thế, Đức Maria mời gọi chúng ta hạ mình xuống để đặt mình trong sự hòa điệu với hành động của Thiên Chúa. Amen!