Từ năm 1981, Liên Hiệp Quốc quyết định lấy ngày 21 tháng 9 hàng năm làm Ngày Hòa Bình Quốc Tế (International Day of Peace), cũng gọi là Ngày Hòa Bình Thế Giới (World Peace Day). Để chào mừng ngày này, “Chuông Hòa Bình” được đánh lên tại Trụ Sở Liên Hiệp Quốc. Chuông này được đúc từ những đồng tiền do các trẻ em trên khắp thế giới quyên tặng và là tặng phẩm của Quốc Hội Nhật, như “một nhắc nhở cái giá nhân bản của chiến tranh”. Bên trong có hàng chữ khắc như sau: “Vạn tuế nền hòa bình tuyệt đối của thế giới”.



Nhiều người tưởng đó là sáng kiến độc đáo của Liên Hiệp Quốc. Thực ra, Giáo Hội Công Giáo đã đi bước trước từ năm 1968 với “Ngày Hòa Bình” vào ngày 1 tháng 1 hàng năm. Ngày 8 tháng 12 năm 1967, Đức Phaolô VI, trong một thông điệp gửi “mọi người thiện chí”, đã thúc giục họ “cử hành Ngày Hoà Bình khắp thế giới” vào ngày 1 tháng Giêng hàng năm, như một hy vọng và một hứa hẹn “rằng Hòa Bình với sự quân bình công chính và đầy phúc lợi sẽ thống lãnh việc khai triển các biến cố” trong năm.

Ngài nghĩ rằng đề nghị của ngài đáp ứng nguyện vọng của nhiều dân tộc, nhiều chính phủ, nhiều tổ chức quốc tế vốn cố gắng duy trì nền hoà bình thế giới. Dĩ nhiên, chính phủ Cộng Sản cả hai miền Nam Bắc Việt Nam lúc ấy không có trong số các chính phủ vừa được Đức Phaolô VI nhắc tới, dù rõ ràng, khi đưa ra đề nghị này, Đức Phaolô đặc biệt nghĩ tới nhân dân Việt Nam. Chỉ sau ngày 1-1-1968 không lâu, cả hai chính phủ cộng sản ấy đã tổng tấn công Miền Nam Việt Nam vào đúng ngày thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam, tức ngày tết âm lịch, gây ra cả một biển máu và làm cho cuộc chiến leo thang một cách thảm khốc và vô nghĩa.

Dã sử trắng

Nhưng theo lời tiên đoán mà người ta vốn tin là của Thánh Malachy (thế kỷ 12), Đức Phaolô VI không hẳn là vị giáo hoàng của Hòa Bình. Trong bảng tiên tri này, Đức Phaolô VI có biệt danh là Flos Florum (hoa các loài hoa, chỉ hoa huệ) vì trên huy hiệu của ngài, có ba bông huệ. Phải đợi tới năm 2005, vị giáo hoàng của hòa bình mới xuất hiện. Vị giáo hoàng này có biệt danh là Gloria Oliviae (vinh quang ôliu) trong bảng tiên tri Malachy.

Ai cũng biết Thánh Malachy O’Morgair là một nhân vật lịch sử, từng là tổng giám mục Armagh, thuộc Ái Nhĩ Lan. Ngài sinh năm 1094, qua đời ngày 2 tháng 11 năm 1148 và được Đức Clêmentê III phong hiển thánh năm 1190, là vị thánh đầu tiên của Ái Nhĩ Lan. Có lẽ vì trùng tên với tiên tri Malachy của Cựu Ước, nên vị thánh này được người ta thêu dệt nhiều dã sử trắng, như tiên đoán đúng về chính ngày mình qua đời. Nhưng dã sử lớn nhất chính là bảng tiên tri về các vị giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo, một danh sách mà không ở lần bầu cử giáo hoàng nào lại không được thiên hạ đem ra bàn tán hào hứng và không thiếu người “tin như kinh tin kính”.



Kể cũng khó mà cưỡng lại được những lời bàn tán này. Thí dụ: vị giáo hoàng thứ 109 trên bảng danh sách này có biệt danh là De medietate Lunæ (từ nửa mặt trăng) thì đúng là trường hợp của Đức Hồng Y Albino Luciani, tức Đức Gioan Phaolô I. Ngài sinh tại Canale d’Agardo, thuộc giáo phận Belluno (Mặt Trăng Đẹp), vào ngày 17 tháng 10 năm 1912, đúng ngày nửa tuần trăng; được bầu làm giáo hoàng ngày 26 tháng 8 năm 1978, cũng ngày nửa tuần trăng; triều đại của ngài chỉ kéo dài 33 ngày, hơn một tuần trăng một chút; và qua đời một ngày trước tuần trăng mới. Cho đến cả cái tên của ngài cũng được người ta giải thích là có liên quan tới nửa tuần trăng: Albino bởi chữ albus có nghĩa là trắng, Luciani bởi chữ lucius là chữ phát sinh từ chữ lux có nghĩa là ánh sáng: ánh sáng trắng, ánh sáng mặt trăng. Sau cùng, có người còn liên kết “nửa mặt trăng” với nụ cười hiền hòa hết sức đặc trưng của ngài đến độ ngày nay, nhắc đến vị giáo hoàng mỉm cười ai cũng hiểu đó chính là Albino Luciano, tức Gioan Phaolô I.

Rồi vị giáo hoàng thứ 110 trên bảng danh sách nữa, có biệt danh là De labore Solis có người cho đúng chỉ về Đức Gioan Phaolô II. Vì “labore” không những có nghĩa khổ công hay sắp sinh con, mà “labor solis” còn là một thuật ngữ Latinh chỉ nhật thực. Đức Gioan Phaolô II sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920 lúc có nhật thực bán phần trên Ấn Độ Dương; xuất thân từ sau bức màn sắt lúc ấy (Đông Phương, hướng mặt trời mọc); được hưởng thành quả lời cầu bầu của Người Đàn Bà Mặc Áo Mặt Trời đang lâm bồn trong Khải Huyền 12; tang lễ của ngài diễn ra ngày 8 tháng 4 năm 2005, lúc có nhật thực rất hiếm gọi là nhật thực lai (hybrid eclipse) tại tây nam Thái Bình Dương và Nam Mỹ. Có người còn giải thích rằng “công khó của mặt trời”, xét theo biểu kiến, là du hành quanh trái đất. Mà có vị giáo hoàng nào du hành quanh trái đất nhiều bằng Đức Gioan Phaolô II? Hơn nữa, trong thế chiến II, cậu thanh niên Karol Wojtyła vốn lao công tại một hầm đá dưới sức nóng mặt trời. Cuối cùng, ngài cũng là vị giáo hoàng hay nhắc tới biến cố Fatima, nơi có mặt trời quay.

Thành thử khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, nhiều người thi nhau “phỏng đoán” về người kế vị ngài. Người ấy có biệt danh là “Gloria Olivæ”: Vinh Quang Ngành Ôliu, trên Bảng Malachy. Nhiều tu sĩ dòng Biển Đức cho rằng người ấy phải xuất thân từ Dòng của họ, vì một trong các nhánh của Dòng này có tên là “Ngành Ôliu” (Olivetans). Có người còn nói rằng chính Thánh Biển Đức từng tiên đoán: trước thời thế mạt, một tu sĩ thuộc Dòng của ngài sẽ làm giáo hoàng và sẽ dẫn dắt Giáo Hội tới chỗ chiến thắng sự ác. Tiếc rằng Đức Hồng Y Basil Hume của Anh, một tu sĩ Biển Đức và là một “papabile” sáng giá, đã qua đời (1999) trước cả vị giáo hoàng có biệt danh là De labore Solis, nên lời “tiên đoán” này đã không thành sự thật. Người kế vị “De labore Solis” là một người ít có dính dáng tới Dòng Biển Đức, đó chính là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger. Có điều lạ, vị tân giáo hoàng này lại lấy hiệu là Biển Đức, phải chăng vì thế ngài có liên hệ xa gần tới Thánh Biển Đức và do đó, có hơi hướm với “Vinh Quang Ngành Ôliu”?

Không thiếu người cho rằng ngày 5 tháng 4 năm 1993, Đức Biển Đức XVI tương lai được phong là Hồng Y giám mục của Velletri-Segni. Mà huy hiệu của Velletri có 3 cây ôliu. Chính với tư cách Hồng Y giám mục của Velletri, ngài đã tham dự mật hội năm 2005, trong đó, ngài được bầu làm giáo hoàng. Lại có người cho rằng Đức Biển Đức XVI rất muốn hợp nhất với các giáo hội Chính Thống Đông Phương trong đó Giáo Hội Hy Lạp giữ vai chủ chốt. Mà ngành ôliu vốn được dùng làm biểu tượng của Hy Lạp.

Dù có những trùng hợp khá ly kỳ như thế, quan điểm trổi vượt ngày nay, trong đó có Bách Khoa Tự Điển Công Giáo, vẫn cho Danh Sách Malachy chỉ là một thứ hư cấu, một thứ giả mạo khéo léo. Điều chắc chắn là danh sách này, dù được gán cho Thánh Malachy (thế kỷ 12), nhưng không có bằng chứng nào còn sót đến ngày nay chứng minh được nguồn gốc ấy. Thánh Bernard, người làm viện phụ Clairvaux, nơi Thánh Malachy qua đời, khi viết tiểu sử về ngài đã không hề nhắc tới “công trình vĩ đại” này. Nó cũng không được một tài liệu nào nhắc đến trước năm 1595. Nó chỉ được công bố lần đầu vào năm này trong cuốn “Lignum Vitae” của Arnold de Wyon, một nhà viết sử của Dòng Biển Đức, và ngay từ hồi đó, người ta đã bắt đầu tranh luận về vấn đề phải chăng đây là lời tiên đoán của Thánh Malachy hay chỉ là những lời ngụy tạo. Linh mục Benito Jerónimo Feijóo ở đầu thế kỷ 18 cho rằng đây là một ngụy tạo trắng trợn, mục đích để giúp Hồng Y Girolamo Simoncelli (1522–1605) được bầu làm giáo hoàng. Tiếc rằng dù ngài là Hồng Y của Orvieto (nghĩa đen là cổ thành, urbs vetus) hợp với biệt danh “Ex antiquitate urbis” trên Danh Sách Malachy, nhưng vẫn không được lên ngôi giáo hoàng! Nhà sử học Tây Ban Nha José Luis Calvo cho hay: các lời tiên tri khá chính xác tới thời Đức Urbanô thứ VII (1521-1590) tức năm người ta cho là tìm lại được danh sách đã mất tích 400 năm qua! Sau đó, người ta phải cố gắng lắm, gượng ép lắm mới khiến cho các lời đó “ứng” với các vị giáo hoàng liên hệ.

Phục vụ hòa bình

Phần Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, ngay hôm được bầu làm giáo hoàng, đã giải thích sở dĩ ngài chọn tước hiệu Bênêđíctô XVI là để nối tiếp sự nghiệp của Đức Bênêđíctô XV, vị giáo hoàng cai trị vào đúng thời điểm (1914-1922) có Cách Mạng Vô Sản tại Nga (1917), và Thế Chiến I (1914-1918); và do đó, đã cố gắng hết sức để cứu vãn và vãn hồi hòa bình. Ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên phát ra lời kêu gọi thống thiết “Đừng bao giờ chiến tranh nữa”, lời hô hào sau này được Đức Phaolô II nhiều lần lặp đi lặp lại. Khi cuộc chiến đã bùng nổ, Đức Bênêđíctô XV phái đại diện tới từng quốc gia để vận động hòa bình. Ngày 1 tháng 8 năm 1917, ngài đưa ra “Lời Khẩn Thiết cho Hòa Bình” yêu cầu ngưng ngay các hành vi thù địch, giảm binh bị, bảo đảm tự do trên biển và trọng tài quốc tế. Lời Đức Bênêđíctô XVI: “Nối gót ngài, tôi dùng thừa tác vụ của tôi để phục vụ sự hòa giải và hòa hợp giữa các dân tộc, vì xác tín sâu xa rằng hòa bình, một sự thiện lớn lao, vốn trước nhất là một hồng ân của Thiên Chúa, một quà tặng rất dễ bị tan vỡ nhưng qúy giá cần phải cầu xin, duy trì và xây dựng, ngày này qua ngày khác nhờ sự đóng góp của mọi người”.

Đức Hồng Y Justin Rigali của Philadelphia xác nhận rằng quả Đức Hồng Y J. Ratzinger có nói như thế: việc ngài chọn tên hiệu Bênêđíctô là để “tiếp nối các cố gắng của Đức Bênêđíctô XV phục vụ hòa bình trên khắp thế giới”. Trong thông điệp hoà bình đầu tiên năm 2006, Đức Bênêđíctô XVI cũng cho hay: “Chính danh hiệu Bênêđíctô mà tôi chọn vào ngày được bầu vào ngai tòa Thánh Phêrô, là dấu chỉ cho thấy việc tôi đích thân dấn thân cho hòa bình. Khi lấy danh hiệu này, tôi muốn gợi lại cả Thánh Quan Thầy của Âu Châu, đấng từng linh hứng cho nền văn minh hòa bình trên toàn châu lục, lẫn Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV, đấng đã lên án Thế Chiến I là cuộc chém giết vô ích và đã vận động cho việc nhìn nhận phổ quát các đòi hỏi cao cả của hòa bình”.

Có người nhấn mạnh tới chủ trương chống chiến tranh của Đức Hồng Y Ratzinger. Cụ thể là chống cuộc xâm lăng Iraq của Mỹ. Trả lời câu hỏi liệu cuộc chiến tranh ấy có chính đáng không, Đức Hồng Y trả lời “chắc chắn không” vì theo ngài “sự thiệt hại lớn hơn các giá trị người ta hy vọng đạt được”. Cũng theo Đức Hồng Y, Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo không hề có ý niệm chiến tranh phòng ngừa (preventive war). Ngài không ủng hộ việc một quốc gia có chính nghĩa tự đưa ra quyết định thay cho cả thế giới. Trong một cuộc họp báo ngày 2 tháng 5 năm 2003, ngài còn đi xa hơn bằng cách muốn sửa lại đoạn Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo nói về chiến tranh chính nghĩa (just war) “Ngày nay ta nên tự hỏi liệu có chính đáng không khi chấp nhận sự hiện hữu của cuộc chiến tranh chính nghĩa”.

Nhưng không thể khoác cho ngài danh hiệu chủ hòa. Vì quan niệm hòa bình của ngài không hề có nghĩa là ngồi đó há miệng chờ sung hoặc để sức mạnh sự ác tự tung tự tác. Ngày 19 tháng 8 năm 2007, nói với khách hành hương tụ tập tại Castel Gandolfo, khi giải thích đoạn Tin Mừng Luca 12:51-53, ngài cho hay: “nền hòa bình mà Chúa Giêsu mang tới là kết quả của một cuộc chiến đấu không ngừng chống lại sự ác”. Và cuộc chiến đấu này rất có thể đem lại chia rẽ. Đoạn Tin Mừng ấy cho hay: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại me; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng".



Theo Đức Bênêđíctô XVI, đoạn văn trên là một “sứ điệp hòa bình tuyệt vời”. Vì, như Thánh Phaolô từng viết, Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại chính là hòa bình của chúng ta. Người đã chiến đấu chống lại bức tường thù nghịch để khai mở Nước Thiên Chúa vốn là nước của tình yêu, của hân hoan và hòa bình. Đức Giáo Hoàng giải thích thêm: qua đoạn văn trên, Chúa Giêsu muốn nói, nền hòa bình Người mang tới không đồng nghĩa với việc chỉ vắng bóng tranh chấp. Nền hòa bình ấy phải là kết quả một cuộc chiến đấu không ngừng chống lại sự ác. Có điều sự tranh chấp này không nhằm chống lại con người hay sức mạnh nhân bản, mà là chống lại kẻ thù của Thiên Chúa và của con người, tức Xatan, một cuộc tranh đấu nhất thiết chống lại hiểu lầm và sai lạc. Nền hòa bình theo nghĩa đó mới là nền hòa bình đích thực, theo đuổi một cách can đảm và kiên nhẫn bằng các cố gắng thường nhật nhằm chiến thắng sự ác bằng sự thiện.

Trước đó, vào ngày 26 tháng 7 năm 2005, tại nhà thờ Rhemes-Saint-Georges ở Thung Lũng Aosta, trong một buổi lễ cầu cho hòa bình tại Trung Đông, Đức Bênêđíctô XVI đề cập tới một khía cạnh khác trong việc kiến tạo hòa bình: “Chúa Kitô đã chiến thắng trên thập giá. Người đã không chiến thắng bằng một đế quốc mới, bằng một sức mạnh mạnh hơn mọi sức mạnh khác, có khả năng tiêu diệt các sức mạnh này; Người đã không chiến thắng theo cách phàm nhân, như ta tưởng nghĩ, bằng một đế quốc mạnh hơn đế quốc kia. Người đã chiến thắng bằng một tình yêu sẵn sàng đi đến cái chết”… “Người không dùng bạo lực chống lại một bạo lực mạnh hơn. Người chống lại bạo lực bằng điều trái ngược với nó: bằng yêu thương đến cùng trên thập giá”. Với tình yêu ấy, Người đặt giới hạn cho bạo lực. Theo Đức Giáo Hoàng, lối chiến thắng này hết sức chậm chạp, nhưng chỉ có nó mới chấm dứt bạo lực.

Cũng nhân dịp này, ngài đề cập tới một chiến thuật tạo hòa bình giả tạo. Ngài nói: “Ngày nay, trong thế giới đa văn hóa và đa tôn giáo, nhiều người cho rằng: vì hòa bình thế giới, giữa các tôn giáo và giữa các nền văn hóa, tốt hơn ta không nên nói nhiều quá tới những gì đặc trưng của Kitô Giáo, nghĩa là về Chúa Giêsu, về Giáo Hội, về các bí tích. Ta hãy bằng lòng với những gì chung chung hơn…”. Đây là một chiến thuật không đúng vì ta cần tới Đấng Thiên Chúa từng chiến thắng nhờ thập giá, nhờ yêu thương. Ta phải nói lên sự thật.

Các thông điệp hòa bình

Và đó chính là chủ đề của thông điệp đầu tiên công bố ngày 8 tháng 12 năm 2005 cho Ngày Hòa Bình năm 2006: Hòa Bình Trong Sự Thật. Khi con người được sự thật soi sáng, tự nhiên họ sẽ lên đường tìm kiếm hòa bình. Vì theo Đức Giáo Hoàng, hòa bình không thể chỉ giản lược vào việc vắng bóng tranh chấp vũ trang, nhưng phải hiểu nó như thành quả của một trật tự vốn đã được Thiên Chúa trồng sẵn trong xã hội con người, một trật tự phải được nhân loại làm cho xẩy ra trong khát vọng đạt tới một nền công lý mỗi ngày một hoàn hảo hơn. Do đó, hòa bình tự nó có một sự thật nội tại và không thể nào dẹp bỏ được. Nó tương hợp với khát vọng và hy vọng khôn nguôi nội tại trong chính chúng ta.

Nhìn như thế, hòa bình là một ơn phúc của Thiên Chúa, một ơn phúc đòi ta phải làm cho lịch sử con người phù hợp với trật tự Thiên Chúa trong sự thật, công lý, tự do và yêu thương. Bao lâu ta đánh mất lòng trung thành với trật tự siêu việt này, tức luật luân lý phổ quát viết sẵn trong tâm hồn con người, hòa bình không thể có được. Về phương diện này, Đức Giáo Hoàng trích dẫn định nghĩa của Thánh Augustino về hòa bình: sự thanh bình của trật tự (tranquilitas ordinis), tức một tình thế cho phép sự thật về con người được tôn trọng và thể hiện trọn vẹn.

Lần rở Thánh Kinh, Đức Giáo Hoàng cho rằng chính sự dối trá của con vật có lưỡi nhọn trong Sáng Thế, con vật được Thánh Gioan gọi là “cha sự dối trá” (Ga 8:44) đã mang chiến tranh vào thế giới… Lịch sử thế giới trong thế kỷ qua cũng cho thấy khi các hệ thống ý thức hệ và chính trị cố ý bẻ cong sự thật, họ đã tạo ra cảnh bóc lột và sát nhân như thế nào. Thành thử, bất cứ cuộc mưu cầu hòa bình nào, muốn chân thực, mọi người phải bắt đầu quan tâm đến vấn đề sự thật và sai lầm.

Sự thật trên thực tế ra sao? Là: mọi người đều là thành viên của cùng một gia đình duy nhất, cùng chung một số phận, vượt trên mọi dị biệt lịch sử và văn hóa. Chân lý này là điều làm hòa bình trở thành khả hữu. Hiểu như thế, hòa bình không phải là việc vắng bóng chiến tranh mà là việc chung sống một cách hòa hợp giữa các công dân cá thể trong một xã hội công bình.

Trích lời Hiến Chế Mục Vụ “Vui Mừng Và Hy Vọng”, Đức Bênêđíctô XVI cho rằng sự thật của hoà bình hiện diện cả trong chiến tranh nữa, qua luật nhân đạo quốc tế, một luật được Tòa Thánh ủng hộ.

Tuy nhiên, khi đề cập tới chủ nghĩa khủng bố, Đức Bênêđíctô XVI cho rằng chỉ nên giới thiệu, đề nghị sự thật để người khác tự do chấp nhận, chứ không được mưu toan áp đặt nó trên người khác. Áp đặt như thế là phản lại nhân phẩm con người, chống lại chính Thiên Chúa là Đấng đã tạo nên họ theo hình ảnh của Người.

Đối với Đức Bênêđíctô XVI, thực ra sự thật đầu tiên cần công bố để củng cố hòa bình chính là sự thật đầy đủ về Thiên Chúa: Người là tình yêu cứu vớt, là người Cha yêu thương luôn muốn con cái mình biết chăm sóc nhau như anh chị em một nhà. Tóm lại, đối với Đức Bênêđíctô XVI, muốn có hòa bình đích thực và lâu bền, người ta phải hành động phù hợp với sự thật về Thiên Chúa và về con người.

Trên bình diện thực tiễn, Đức Bênêđíctô lên án các chính phủ chủ trương dùng vũ khí nguyên tử làm phương tiện bảo vệ an ninh cho đất nước mình. Ngài cho rằng chủ trương ấy không những nguy hại mà còn hoàn toàn sai lầm nữa. Vì trong chiến tranh nguyên tử, sẽ không có kẻ chiến thắng, tất cả đều trở thành nạn nhân.

Kỳ tới: Thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới Năm 2007