Theo Vatican News, trong phúc trình hoàn cầu mới nhất, Tổ chức Di Dân Quốc tế (International Organization for Migration, tắt là IOM) ghi nhận rằng di dân quốc tế chỉ chiếm 3.5% tổng dân số 7.7 tỷ người của cả thế giới. Phần lớn di dân phát xuất từ Ấn Độ, Mễ Tây Cơ và Trung Hoa.



Cơ quan di dân Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư vừa qua cho biết: Con số di dân quốc tế năm 2019 nay được ước tính vào khỏang 270 triệu người và nơi đến hàng đầu vẫn là Hiệp Chúng Quốc, gần 51 triệu người, tiếp theo là Đức (13 triệu người) và Saudi Arabia (13 triệu người). Trong phúc trình hoàn cầu mới nhất, Tổ chức Di dân Quốc tế ghi nhận rằng con số tổng thể chỉ đại diện một phần rất nhỏ dân số thế giới, dù có sự gia tăng 0.1 phần trăm so với phúc trình năm ngoái.

Phúc trình viết “con số này vẫn là một phần trăm rất nhỏ của dân số thế giới (khoảng 3.5 phần trăm), có nghĩa là đại đa số người trên thế giới (96.5 phần trăm) được ước tính là cư ngụ tại xứ sở họ được sinh ra”.

Theo cơ quan di dân Liên Hiệp Quốc, hơn một nửa số di dân quốc tế (141 triệu người) sống tại Âu Châu và Bắc Mỹ. 52 phần trăm được ước lượng là nam giới và gần 2 phần 3 mọi di dân đều đang kiếm việc làm; tức khoảng 164 triệu người.

Phần lớn phát xuất từ Á Châu

Hơn 40 phần trăm di dân quốc tế sinh tại Á Châu (112 triệu người).

Ấn Độ tiếp tục là nước gốc lớn nhất của các di dân quốc tế với 17.5 triệu người sống ở ngoại quốc, tiếp theo là Mễ Tây Cơ (11.8 triệu người và Trung Hoa (10.7 triệu người).

Phúc trình của Tổ chức Di Dân Quốc tế cũng ghi nhận rằng tiền các di dân quốc tế gửi về nhà tăng lên tới 689 tỷ Mỹ Kim năm 2018, với nước thụ hưởng hàng đầu là Ấn Độ (78.6 tỷ), Trung Hoa (67.4 tỷ), Mễ Tây Cơ (35.7 tỷ) và Phi Luật Tân (34 tỷ).

Hiệp Chúng Quốc vẫn là nguồn chuyển tiền hàng đầu vào khoảng 68 tỷ Mỹ kim, tiếp theo là Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (44.4 tỷ Mỹ kim) và Saudi Arabia (36.1 tỷ Mỹ kim).

Di dân ngay trong vùng sinh ra

Mặc dù phần lớn di dân tới Hiệp Chúng Quốc, phúc trình xác nhận nhiều hành lang di dân quan trọng khác từ các nước nghèo tới các nước giầu hơn như Pháp, Nga, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Saudi Arabia.

Ở Châu Phi, Châu Á và Châu Âu, phần lớn các di dân quốc tế ở lại trong vùng họ sinh ra, nhưng phần lớn các di dân phát xuất từ Châu Mỹ Latinh, vùng Caribbean và Bắc Mỹ không làm như vậy.

Ba nước hàng đầu với số lượng di dân lớn nhất là Ai Cập, Marốc và Nam Sudan, trong khi Nam Phi là nước có số nhập cư lớn nhất.

Các dữ kiện ở Trung Đông cho thấy các nước Vùng Vịnh có số di dân lao động tạm thời lớn nhất trên thế giới, trong đó, có Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, nơi họ chiếm tới 90 phần trăm dân số.

Di cư nội bộ

Nhấn mạnh việc các xung đột và bạo động liên tiếp tại Cộng Hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Miến Điện, Nam Sudan, Syria và Yemen đã dẫn tới việc di cư nội bộ ồ ạt trong 2 năm qua như thế nào, Trung Tâm Theo dõi Việc Di cư Nội bộ của Tổ chức Di Dân Quốc tế nói rằng 41.3 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ vào cuối năm 2018, một kỷ lục kể từ khi việc theo dõi bắt đầu vào năm 1998.

Sau gần 9 năm xung đột, Syria có số dân di cư nội bộ cao nhất, vào khoảng 6.1 triệu người, tiếp theo là Colombia (5.8 triệu) và Cộng hòa Dân chủ Congo (3.1 triệu).

Với hơn 6 triệu người tỵ nạn, Syria cũng là nguồn hàng đầu của người tỵ nạn, tiếp theo là Afghanistan, khoảng 2.5 triệu – trong tổng số dân gần 26 triệu.

Trong số các nhân tố thúc đẩy di dân ở lục địa Châu Phi là việc thay đổi khí hậu (Nguồn: UN News, IOM).