Lúc 7 giờ tối, ngày Thứ Ba, 19 tháng 11, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Bangkok, bắt đầu chuyến tông du quốc tế lần thứ 32 của ngài.

Trong chuyến tông du này ngài sẽ đến thăm Thái Lan và Nhật Bản. Cả hai quốc gia này đều là những nơi có rất ít người Công Giáo.

Trong tổng số 67.8 triệu người Thái, chỉ có 380,000 người theo đạo Công Giáo. Theo số liệu thống kê của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nhật được công bố vào tháng 7 năm nay, quốc gia này có 440,893 người Công Giáo tính cho đến năm 2018. Như thế, người Công Giáo ở cả hai quốc gia này chiếm chưa đầy 1 phần trăm dân số.

Theo tờ Khaosod của Thái, dư luận tại quốc gia này rất thuận lợi đối với chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô. Người Thái tin rằng chuyến tông du của Đức Thánh Cha làm nổi bật một tình hình là Thái Lan là một gương mẫu cho sự sống chung giữa các tôn giáo. Người Thái tự hào là có thể sống với nhau trong sự hài hòa và hiểu biết lẫn nhau. Anh chị em Phật tử, dù là khối đa số ở quốc gia này, vẫn sống trong sự hài hoà với các tôn giáo khác và tôn trọng tín ngưỡng của nhau. Đó là sự khác biệt rất lớn với quốc gia láng giềng Miến Điện nơi người Hồi Giáo Rohingya đã và đang phải gánh chịu sự đàn áp kinh hoàng của khối đa số Phật Giáo tại quốc gia này.

Tại Nhật, nơi đã phải gánh chịu những hậu quả kinh hoàng của hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, dư luận tại quốc gia này từ các năm qua đã đánh giá rất cao các thông điệp hòa bình của Đức Thánh Cha. Người Nhật đang nồng nhiệt chuẩn bị chào đón ngài.

Lúc 12:30 trưa thứ Tư 20 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ đến Terminal 2 trong sân bay Bangkok là khu vực dành cho Không quân Thái và để tiếp các vị quốc khách.

Phối hợp với Ủy Ban Truyền Thông của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan, chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican xin gởi đến quý vị và anh chị em những hồi ức của người dân Thái khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thăm quốc gia này 35 năm trước.

Chúng tôi là Kim Thúy xin kính chào quý vị và anh chị em.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đó là khoảng khắc thế giới vẫn còn nhớ. Hàng triệu người nhớ lại khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thăm Thái Lan vào năm 1984.

Đó là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo đến miền đất có hình chiếc rìu vàng mến yêu của chúng ta.

Trong chuyến tông du đó, chúng ta có ít thời gian lắm. Nhưng Đức Giáo Hoàng có quá nhiều sứ vụ và ngài đã thực thi những sứ vụ ấy đầy ấn tượng.

Đó là lần đầu tiên Thái Lan có cơ hội được tiếp đón ngài. Ngài rất đơn sơ trong mọi sự gây ấn tượng mạnh cho người Thái, đặc biệt là người Công Giáo Thái.

Đó là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng đến thăm Thái Lan. Tôi nhớ khi ngài đến nhà ga quân sự, không ai quên được là khi lần đầu tiên đặt chân xuống mặt đất của Vương quốc Thái, ngài cúi xuống hôn đất. Đó là hình ảnh thế giới chứng kiến. Đi đến đâu ngài cũng tỏ lòng kính trọng quốc gia ngài viếng thăm bằng cách hôn đất của quốc gia đó.

Ngài đã làm nhiều điều rất thú vị. Mọi nơi ngài đến thăm đều có đông đảo người chờ đợi được chào đón ngài. Bầu khí đức tin ấy và đầy tình yêu ấy sắp lại xuất hiện từ 20 đến 23 tháng 11 khi Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm chính thức Thái Lan để thăm viếng con cái ngài và mở rộng di sản của sự tốt lành mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trao cho chúng ta 35 trước đây.

Khi ngài viếng thăm Thái Lan, lúc đó quốc gia chúng ta đang phải chăm sóc cho rất nhiều người tị nạn và vì thế, một hoạt động trong chương trình của ngài là thăm viếng một trại tị nạn tại Panasnikom. Điều đó khiến thế giới biết đến trách nhiệm của Thái Lan đối với những người tị nạn và từ đó nhiều trợ giúp quốc tế đã được trao ra.

Một chiều kích thứ hai tôi nghĩ là khác biệt với chuyến viếng thăm lần này đó là bây giờ chúng ta có Internet 4G, 5G vân vân. Nên lần này mọi người biết có chuyến viếng thăm của ngài. 80 ký giả tháp tùng cùng một chuyến bay với ngài, hết các chỗ trên máy bay.

Chuyến viếng thăm này đã thu hút sự quan tâm và chú ý của thế giới. Và chúng ta đã biết chương trình của ngài. Tôi nghĩ lần này Đức Giáo Hoàng muốn cho thế giới thấy Thái Lan là một gương mẫu. Chúng ta sống trong sự hài hòa và hiểu biết lẫn nhau.

Ngài muốn thấy rằng anh chị em Phật tử, dù là khối đa số ở quốc gia này, vẫn sống trong sự hài hoà với các tôn giáo khác và tôn trọng tín ngưỡng của nhau.

Mọi thành phần trong xã hội Thái hiệp nhất nên một trở thành một chủ nhà chu đáo trong việc chào đón người khách quan trọng này, biến chuyến viếng thăm này thành một cơ hội tuyệt vời và đầy ấn tượng.

Đồng thời, đây cũng là một cơ hội cho những người Công Giáo Thái chứng tỏ sức mạnh của tình hiệp nhất trong việc chuẩn bị mọi thứ thật hoàn chỉnh trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô đến.